Tri Nhân Media

VÌ SAO CUỘC ĐẤU TRANH NHÂN QUYỀN - DÂN CHỦ CHO VIỆT NAM CHƯA CÓ THÀNH TỰU LỚN ?

Liêu Thái
28-7-2010

Nhân quyền–dân chủ cho Việt Nam sẽ đi đến đâu, phát triển như thế nào không dựa vào những hành động và ý kiến đơn lẻ của những cá thể. Đó là công cuộc chung có trả giá, có hy sinh của một dân tộc, một quốc gia – Việt Nam.

Ba luồng tâm thức
1. Những người đấu tranh cho nhân quyền-dân chủ từ tâm thức nông nghiệp

Biểu hiện: bất nhất, không có cương lĩnh, chủ trương, được chăng hay chớ, lo sợ cho quyền lợi cá thể, luôn đứng ở tâm thế thấp bé, sợ quyền lực nhưng trong trường hợp có người chủ xướng đứng ra nhận lãnh, gánh trách nhiệm thì rất hăng hái, một kiểu hăng hái của lửa rơm, chóng bùng phát, chóng lụi tàn, không ổn định, có tính nhất thời, cũng có thể tắt ngấm ngay sau đó và thường dễ dẫn đến quá khích, có nguy cơ bạo động.



Thành phần: thường là những người liên quan đến nông nghiệp, xuất thân con nhà nông, cố gắng học hành, làm việc để thay đổi cuộc đời, thay đổi số phận, để chén cơm, manh áo được đầy đủ, lành lặn hơn…

Quyền lợi: tùy thuộc vào mức độ kinh tế của chính họ và khả năng tài trợ từ bên ngoài trong suốt quá trình cho đến trở về sau.

Động cơ hoạt động: nặng về quyền lợi vật chất hơn là yếu tố tinh thần như văn hóa, ý thức pháp luật và ước vọng dân chủ, nhân quyền.

Cương vực hoạt động: khá rộng, có thể nằm lẫn lộn trong tầng lớp trí thức, các tôn giáo, trong thành phần doanh nhân và các thành phần đóng vai trò cốt cán của xã hội như nhà báo, giáo viên, giảng viên, thậm chí nhà nghiên cứu, nhà hoạt động chính trị, nhà văn…

Tâm lý: nặng về sợ hãi (đây cũng là dấu vết, vệt nối của suốt mấy ngàn năm nô lệ từ trong ra ngoài, vâng dạ, tuân phục của chế độ phong kiến cho đến cộng sản độc tài sau này) nhưng vì thấy người khác làm và kêu gọi thì mình làm nhưng rất mơ hồ về chủ trương và không có ý thức hệ rõ ràng. Dễ bị thao túng và dễ bị biến thành nội gián, phản phé của nhau.

Những yếu tố trên đây khiến cuộc đấu tranh nhân quyền–dân chủ ở Việt Nam thường vấp phải lực cản vô cùng lớn, bởi nhóm tâm thức nông nghiệp vốn chiếm tỉ lệ rất lớn (có thể là trên 60%) trong tập hợp đấu tranh nhân quyền–dân chủ. Những cuộc thương thảo, trình bày chính kiến của nhóm này cũng không ổn định, thường không có tổ chức cụ thể, không có qui mô, đường hướng lâu dài. Thậm chí người ta có thể bàn về thế sự, chính trị ngay trong bàn tiệc, trong bữa nhậu, trong ngày giỗ, khi có hơi men bốc lên đầu… Và kết quả là có thể lúc đó bị cuốn hút vào câu chuyện, hô hào mạnh miệng, nhưng khi về nhà thì quên hết mọi chuyện, nếu nhớ cũng suy nghĩ lại, rút êm… Chấp nhận thực tại.

Nói chung, đây là nhóm có hoạt động nhân quyền–dân chủ nhưng lại có nguy cơ gây phân rã cao nhất cho hoạt động này.

2. Những người đấu tranh cho nhân quyền-dân chủ từ tâm thức vượt thoát nông nghiệp

Đặc điểm: về căn bản họ là những trí thức, có nguồn gốc, xuất thân ít gần với nông nghiệp, nếu không nói là hoàn toàn tách biệt nông nghiệp ít nhất cũng một thế hệ. Họ có cơ hội tiếp cận, lĩnh hội và thụ đặc các nền văn hóa phương Tây, nền giáo dục phương Tây, hiểu rõ ý nghĩa của nhân quyền–dân chủ và nhìn ra được giá trị của nó trong tương lai phát triển của đất nước, dân tộc nói riêng và toàn cầu nói chung…

Biểu hiện: bất bạo động và dựa trên những phân tích khoa học, lấy khoa học, đạo đức và pháp luật làm kim chỉ nam, làm nền tảng hoạt động. Có chủ trương, đường hướng và triết lý trên cơ sở một tổ chức (tạm) vững vàng, ổn định, thậm chí có tuyên ngôn riêng. Khối 8406, Đảng Dân chủ, Đảng Việt Tân, Đảng Vì Dân, Đảng Thăng tiến, Đảng Dân chủ Thế kỉ 21… là những ví dụ.

Những trí thức hoạt động trong nhóm này như: nhà sư, mục sư, linh mục, luật sư, nhà báo, nhà văn, giáo sư… (Thích Quảng Độ, Nguyễn Văn Lý, Lê Thăng Long, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Thanh Nghiên, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Tiến Trung, Huỳnh Nguyên Bảo, Đỗ Thành Công…) có bản lĩnh chính trị, nền tảng khoa học, tôn giáo và cơ sở niềm tin, vật chất cũng như tinh thần rõ ràng, kiên định.

Trở lực của họ không có tính nội tại (động cơ cơm áo, gạo tiền, sự yếu ớt về bản lĩnh chính trị, sự không rõ ràng về chính kiến và sự khiếm khuyết về mặt văn hóa, khoa học…) như nhóm trên mà thường là lực cản bên ngoài, cụ thể là từ phía đối lập. Phía đối lập ở đây chính là nhà nước cộng sản độc tài Việt Nam – một thế lực có phương thức hoạt động na ná thời phong kiến bởi những qui định một chiều, tính bảo thủ về tư tưởng, chính trị, tính cưỡng chế thành phần đối lập, lấy hoạt động bạo hành, lấy sức mạnh công an, quân đội để cai trị và bao biện cho hàng loạt hoạt động mờ ám, phương hại đến tài sản, quyền lợi và tính mạng nhân dân…

Nếu như ở nhóm trên, kết cục là sự phân rã nội bộ, ngưng trệ hoạt động thì ở nhóm này, kết cục vẫn là một ẩn số mang niềm tin. Họ có chủ trương và lòng kiên định, nên sức mạnh tù đày và bạo lực không thể đốt cháy được sức mạnh niềm tin và ý chí của họ. Sức hút của nhóm này đối với các thành phần khác trong xã hội luôn là nỗi lo lớn của nhà nước độc tài Việt Nam. Sức thuyết phục về mặt trí tuệ, sức lan tỏa về mặt ý thức hệ và sức hấp dẫn, mới mẽ về mặt lý luận, chủ thuyết của nhóm này luôn đẩy nhà nước độc tài vào ngõ cụt lý luận. Chính vì vậy, chủ nghĩa cộng sản luôn gặp khủng hoảng lý luận trước họ. Và đây chính là mấu chốt, nguyên nhân của những cuộc bắt bớ, những phiên tòa vô lý ghép tội những nhà hoạt động nhân quyền, dân chủ của nhóm này.

Với nhóm này, mọi vấn đề đang ở phía trước.

3. Những người đấu tranh cho nhân quyền-dân chủ giao thoa giữa hai luồng trên

Có thể nói đây là nhóm có vấn đề nhất trong tiến trình đấu tranh nhân quyền–dân chủ. Thành phần của nhóm này cũng đa dạng, phức tạp nhất. Trong một nghĩa nào đó có thể gọi đây là nhóm ba rọi, lẫn lộn giữa trí thức và phàm phu, kiên định và bất nhất, cách mạng và cải lương…

Về mặt tổ chức, ở nhóm này có hình thức giống như nhóm 2, cũng có qui mô, tôn chỉ, đường hướng…

Về mặt tâm lý, điểm khác căn bản giữa nhóm này với nhóm 2 nằm ở chỗ thành phần cá thể trong nhóm lẫn lộn, pha tạp nhiều nguồn khác nhau, nên nhóm này có khuynh hướng rớt xuống nhóm 1 trong một số trường hợp như: thời gian đấu tranh lâu dài, nguồn kinh phí hạn hẹp, có những chuyển biến đột xuất trong chính trị khiến họ hoang mang, mất kiên định và có suy nghĩ khác trước, thậm chí nản lòng, bỏ cuộc.

Độ bền của nhóm này không cao, ở một số điều kiện cụ thể như: không nhận được sự ủng hộ, cổ xúy và đóng góp về vật chất cũng như tinh thần từ bên ngoài, họ sẽ đổi hướng và rất có thể quay ngược 180 độ với chính kiến ban đầu. Chính vì vậy mà gần đây, trên các diễn đàn thường xuất hiện những bài viết của chính những người từng một thời đi tiên phong trong nhóm mang tâm trạng bi quan, buông xuôi và thậm chí bất đồng với những người đấu tranh nhân quyền, dân chủ còn lại.

Đặc điểm nổi trội của nhóm này là sự không đồng đều về mặt tri thức, sự không ăn khớp về cấp độ dân sinh, dân trí nên thường có những ngộ nhận, hiểu sai khái niệm về đấu tranh nhân quyền, dân chủ, gây hiệu ứng ngược. Những cuộc đụng độ có tính bạo động với các nghệ sĩ từ trong nước, những bài viết hùa theo sự xuống cấp của một bộ phận nhỏ, những bài viết (của một vài người có cách hiểu lệch lạc và luôn phục kích) khích bác hành động bạo lực của một vài người và qui kết rằng đó là hành vi của đấu tranh nhân quyền, dân chủ, gây hiểu sai khái niệm. Vì bản chất của đấu tranh nhân quyền, dân chủ không bao giờ có tính bạo lực hay bạo động. Vì lẽ chí ít, khi đấu tranh nhân quyền, dân chủ cho một số đông, một dân tộc thì dù gì cũng bắt buộc nhà đấu tranh tôn trọng nhân quyền, dân chủ của đối tác, đối phương – cụ thể ở đây là người của Đảng Cộng sản Việt Nam, vì họ cũng là con người. Nhân quyền, dân chủ sẽ không bao giờ đến bằng con đường bạo lực, bạo động.

Một biểu hiện khác ở nhóm này là cách định nghĩa về đấu tranh nhân quyền–dân chủ của họ có vấn đề, dễ dẫn đến bạo lực cục bộ và gây hoang mang, nản chí, bài xích, nói ngược, thậm chí gièm pha, chế giễu những người đấu tranh của nhóm khác và của chính nhóm mình. Đã có rất nhiều bài viết đồng nhất hành vi xịt hơi cay của Lý Tống vào ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng với hành động đấu tranh nhân quyền, dân chủ. Kiểu đồng nhất này hoàn toàn sai và gây ngộ nhận cho nhóm 1 cùng những phần tử khác của nhóm 3.

Nếu xét về tính ổn định thì nhóm này có độ ổn định thấp nhất trong ba nhóm vì sự pha tạp quá nhiều thành phần, màu sắc, vai trò của các thành viên trong nhóm. Điểm nguy hiểm dễ nhìn thấy nhất ở nhóm này là sự thiếu rõ ràng, có lúc đóng vai nhà sử học, học giả, trí thức yêu nước, có lúc đóng vai nhà đấu tranh chính trị, có lúc đóng vai kẻ bạo động bất khả đồng thuận, có lúc đóng vai người vô can… Và đặc biệt khi có một quyền lợi nào được trao từ phía đối phương – Đảng Cộng sản Việt Nam thì họ có nguy cơ quay mặt với "đồng đội", trở mặt với người đấu tranh dân chủ tiến bộ. Hệ quả là làm phân rã, lũng đoạn tiến trình.

So với nền tảng tri thức khá vững vàng của nhóm 2, những lập luận của các phần tử trong nhóm này thường không có cơ sở khoa học, thiếu thuyết phục với những người kiên định và thậm chí ngụy biện…

Cả ba nhóm này có thể ở chung trong một tập hợp hoặc khác tập hợp nhưng có sự hiện hữu của ba nhóm theo kiểu đan chéo, phân bổ theo chiều dọc hoặc chiều ngang. Điều này gây nên một sự rắc rối nan giải cho công cuộc đấu tranh nhân quyền–dân chủ của người Việt.

Vì sao cuộc đấu tranh nhân quyền–dân chủ cho Việt Nam chưa có thành tựu lớn?

Sau một quá trình dài hơn ba mươi năm (nếu không nói là hơn bảy mươi năm?, vấn đề nhân quyền, dân chủ Việt Nam vẫn còn ở một khoảng cách rất xa với đời sống người dân. Vì đâu?

Trước nhất, có thể nói rằng trong lát cắt về dân trí, dân sinh thì người dân Việt Nam chưa thật sự và chưa hoàn toàn hiểu biết về nhân quyền, dân chủ. Suốt mấy ngàn năm nô lệ giặc Tàu, rồi phong kiến, đến cộng sản độc đảng, độc tài, mối quan hệ căn bản giữa người dân và nhà nước vẫn là quan hệ một chiều: từ người dân u mê, sợ sệt trong nhà nước phong kiến, xem nhà vua như ông trời con, vua bảo chết phải chết, rồi sợ ngoại bang, sau này sợ công an, sợ chính quyền, chỉ được nói những gì chính quyền không cấm, làm những gì chính quyền không phạt, nghe những gì chính quyền cho nghe, đọc những gì chính quyền không cấm phát hành, viết những gì chính quyền không phạt tù… tất cả những điều đó đã làm cho nhuệ khí, tính tự chủ của con người bị triệt tiêu hoàn toàn. Dân chủ, nhân quyền trở thành những khái niệm xa xỉ. Cam chịu và chấp nhận tuân phục – đó là những thứ còn lại của một bộ phận lớn người dân Việt sau mấy ngàn năm lịch sử.

Về mặt nhà nước, sự yếu kém, mất tự chủ và lệ thuộc ngoại bang đã làm cho sinh quyển dân chủ bị phá vỡ và nhân quyền bị mất hẳn. Một nhà nước phụ thuộc, mất tự chủ sẽ chẳng mang lại một chính sách, quốc gia dân chủ được. 

Trong cuộc chiến tranh Nam Bắc trước 30 tháng Tư năm 1975, chính quyền cộng sản miền Bắc, để thực hiện thống nhất hai miền Nam Bắc thành một quốc gia cộng sản, đã chấp nhận một số điều kiện bắt buộc của cộng sản Trung Quốc và cộng sản Liên Xô để nhận về phần mình vũ khí, tiền tệ, lương thực, quân nhân, đánh Việt Nam Cộng hòa. Và để đạt được điều này, họ phải trả giá bằng sự lệ thuộc vào khối Cộng sản Quốc tế, trong đó, nổi trội vẫn là cộng sản Trung Quốc với các thỏa thuận về biên giới, hải đảo đổi lấy quân nhân, phương tiện chiến tranh…; cộng sản Liên Xô với khoản tiền nợ mua vũ khí khổng lồ… cùng những cam kết thành viên Cộng sản Quốc tế.

Chính sự lệ/phụ thuộc này đã làm cho nhà nước cộng sản Việt Nam không thể tạo ra được bầu không khí tự chủ, và theo cấp độ, tầng bậc từ cao đến thấp, từ kiến trúc thượng tầng đến cơ sở hạ tầng, người dân Việt Nam không thể nào có được nhân quyền – dân chủ. Nhân quyền và dân chủ chỉ sinh ra trong một đất nước có thể chế chính trị đa nguyên, có một nhà nước tự chủ, không phụ thuộc. Ở đây, chiều dài lịch sử đã vẽ ra một đất nước có hệ thống chính trị phụ thuộc mọi góc độ vào ngoại bang và kế đến, người dân trực tiếp lệ thuộc vào nhà nước, theo vòng xoay không có lối ra.

Trong bối cảnh như vậy, các nhà hoạt động nhân quyền–dân chủ vấp phải một lực cản rất lớn từ phía nhà nước đương quyền. Vì lẽ: hoặc là có nhân quyền–dân chủ thì nhà nước phải có sự thay đổi căn bản như bỏ độc tài, không thỏa hiệp với cộng sản Trung Quốc, xây dựng cơ chế đa nguyên… Mà điều này lại đe dọa đến quá trình tồn tại của họ.

Và chính những gì của lịch sử, địa trạch, thổ nhưỡng, địa lý, giáo dục, môi trường chính trị… trải dài trên đất nước đã làm thành một bức tường ngăn cản ý thức dân chủ, ý chí đấu tranh nhân quyền ở Việt Nam.

Những vấn đề gây nhiễu cho tiến trình đấu tranh nhân quyền–dân chủ

Phía chính quyền cộng sản Việt Nam: không chấp nhận, bắt bớ, hành hung, đe dọa, bạo lực, bỏ tù…

Phía đa số người dân Việt Nam: không có sự hiểu biết về nhân quyền–dân chủ, sinh ra e ngại trước những nhà đấu tranh và thậm chí một bộ phận lớn hiểu nhầm những nhà đấu tranh nhân quyền–dân chủ là kẻ phản động. Điều này dễ hiểu vì với tâm thức nông nghiệp đã ăn sâu, với tâm lý thủ phận, an thường và chịu đựng đã thành nếp, với sự thiếu hiểu biết và nhận chịu tuyên truyền hằng ngày của nhà nước suốt ba mươi mấy năm (phía Bắc thì bảy mươi mấy năm), vừa chui ra khỏi bụng mẹ đã nghe tuyên truyền, thậm chí chịu tuyên truyền lúc còn trong trứng nước… Nên chi ý thức nhân quyền–dân chủ của đại bộ phận người Việt rất thấp. Chuyện đấu tranh là chuyện hi hữu, chuyện của một bộ phận may mắn được thụ đắc tư tưởng tiến bộ. Rất tiếc, bộ phận tiến bộ này còn chiếm tỉ lệ quá thấp ở Việt Nam!

Phía nội bộ của các tổ chức đấu tranh nhân quyền–dân chủ cũng có vấn đề không kém phần nan giải và trầm trọng. Sự hiểu nhầm khái niệm giữa đấu tranh trả thù, giữa thương thuyết cải tổ nhằm mang lại tiến bộ và bạo lực hành động, bạo lực ngôn ngữ.

Vấn đề bạo lực hành động thì cụ thể, dễ phân định. Vấn đề bạo lực ngôn ngữ thì mơ hồ, ngấm ngầm nhưng đem lại hiệu quả xấu, hiểu nhầm rất lớn. Những bài viết có tính căng thẳng, mạ lỵ đối phương chỉ đủ khả năng xả e cho một bộ phận nhỏ mang tâm lý thù hận nhưng không mang lại hiệu ứng rộng lớn cho một cộng đồng (nếu không nói là làm cho cộng đồng e ngại, tránh xa những người liên quan đến bài viết và mối dây liên hệ giữa người cần hiểu biết về dân chủ với diễn đàn đăng bài viết có nguy cơ bị cắt đứt). Và bạo lực ngôn ngữ cũng được chia ra làm hai loại, một loại đánh vào cộng sản, một loại vừa đánh cộng sản vừa đánh "phe mình" (đọc bài "Suy xét câu chuyện Lý Tống và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng" của Trần Kinh Kha, talawas 23/7/2010).

Viết những bài như vậy chẳng khác nào kiểu chơi nước đôi, hàm chứa mục đích khích bên này và dò bên kia. Bên nào mạnh cũng có cơ may cho người viết bằng một loại bài [sẽ] viết khác, nghiêng hẳn về bên mạnh một cách hùng hồn. 

Kiểu viết chực hờ và cơ hội này không phải ít trên các diễn đàn. Một kiểu tung hỏa mù tư tưởng, loại bài này rất nguy hiểm cho tiến trình dân chủ, nhưng hiệu ứng của nó thường phát tán ở số người ít hiểu biết, không có chính kiến và chưa tiến bộ. Và trong một chừng mực nào đó thì chính loại bài này là thứ xúc tác kích động bạo lực hạng nặng.

Và thêm một mối nguy khác là phần lớn người dân Việt Nam sống qua các cuộc chiến tranh, nạn đói, phân ly… lòng thù hận của họ đã ăn sâu vào máu thịt, khó mà hóa giải. Khi có đấu tranh nhân quyền–dân chủ thì bị ngay lòng thù hận chi phối, dễ dẫn đến bạo động, bạo lực, và đối phương sẽ dựa vào đó mà thanh trừ, triệt tiêu.

Thay lời kết

Có thể nói câu chuyện đấu tranh nhân quyền–dân chủ của người Việt là một câu chuyện rất dài và phức tạp có nguyên nhân từ nhiều phía. Nhưng căn cơ của nó vẫn nằm ở chỗ cần có độ bền bỉ của nhà dân chủ, tính kiên trì của tập thể và sự đánh thức ý thức nhân quyền–dân chủ trong mỗi cá thể. Muốn đạt được, chí ít phải:

Tiếp tục phát huy những giá trị đấu tranh bất bạo động, lấy đấu tranh bất bạo động làm nền tảng (trong cả hành động và ngôn ngữ) mà từ trước đến giờ các nhà hoạt động dân chủ đã đạt được. Mỗi nhà dân chủ phải là một mẫu mực về giá trị nhân quyền–dân chủ, lấy tình yêu thương đồng loại làm kim chỉ nam, lấy tri thức khoa học và nhân đạo làm nền móng, lấy sự tiến bộ trong xây dựng hiến pháp, pháp luật làm tiến đề cho công cuộc lâu dài. Tuyệt đối tránh xa hành vi quá khích, bạo động, bạo lực. 

Vấn đề nhân quyền–dân chủ nên được hiểu rộng ra cấp độ lãnh thổ, lãnh hải quốc gia, sự toàn vẹn của lãnh thổ, lãnh hải và trách nhiệm của những người, tổ chức, đảng phái có liên quan.

Xét trong cục diện phát triển chung của thế giới thì chủ nghĩa cộng sản chỉ còn là một cái xác không hồn, không sớm thì muộn cũng phải tự thay máu hoặc rơi vào luật đào thải nội tại. Chính vì vậy, vấn đề đặt lên hàng đầu là kiến tạo những mô hình dân chủ, đảm bảo nhân quyền cho con người, một mô hình đủ thuyết phục và hấp dẫn để hỗ lực người dân Việt bứt thoát khỏi những nếp nghĩ, quan niệm và sự sợ hãi đã ăn sâu trong máu thịt bởi sự tuyên truyền trước đây.

Mỗi nhà dân chủ phải biết mình đang ở nhóm nào trong ba nhóm trên đây để có định hướng, chọn lựa thái độ và đường hướng tốt nhất.

Mỗi nhà dân chủ phải nắm rõ luật, công ước quốc tế về nhân quyền, tự do báo chí, tự do ngôn luận…

Nhân quyền–dân chủ cho Việt Nam sẽ đi đến đâu, phát triển như thế nào không dựa vào những hành động và ý kiến đơn lẻ của những cá thể. 

Đó là công cuộc chung có trả giá, có hy sinh của một dân tộc, một quốc gia – Việt Nam.

@2010 Liêu Thái


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét