10-01-2013
Trung thành với cá nhân là một nét của văn hóa Á Châu, có thể người ta không bỏ được nó, nhưng nếu biết sắp xếp để nó không ưu tiên khi có mâu thuẩn với các giá trị và định chế của tự do dân chủ thì cuộc tranh đấu chống độc tài mới dễ thành công và công việc xây dựng một chế độ dân chủ pháp trị mới có được một nền tảng vững bền từ quần chúng.
Trong bất cứ một xã hội nào, xưa cũng như nay, nhất là ở Á
Châu, đức tính trung thành là một đức tính luôn được người đời ca ngợi. Đây là
một đức tính tự nhiên và cao quý. Tự nhiên vì nó bắt nguồn từ bản năng xã hội,
là một trong ba bản năng nằm bên trong của bản năng sinh tồn, cho nên chẳng
những nó có sẵn trong bản chất con người mà nó còn có trong bản chất của các loài
sinh vật khác mặc dù mức độ có khác nhau, như chim uyên-ương hay cả những loài
thú dữ.
Thời Đông Châu Liệt Quốc ở Trung Quốc, vua nước Tấn là Tấn
Ai Công bị bốn quan khanh họ Trí, Triệu, Hàn, Ngụy chuyên quyền, trong bốn họ
này thì mạnh nhất là họ Trí với Trí Bá chuyên quyền và muốn chiếm ngôi nhà Tấn.
Trí Bá là một trong những người con của Trí Tuyên Tử. Khi Trí
Tuyên Tử muốn lập con nối nghiệp có hỏi người trong họ là Trí Quả thì Trí Quả
cho là không nên lập Trí Bá, vì theo Trí Quả, Trí Bá có năm điều sở trường hơn
người và một điều sở đoản. Các điều sở trường là râu rậm mày dài, cưỡi ngựa bắn
cung giỏi, nhiều kỹ năng, cương nghị quả cảm, và trí xảo biện luận. Nhưng sở đoản
là tham tàn bất nhân. Trí Quả cho rằng đem năm điều sở trường đè lấn người ta
mà lại thêm một nỗi bất nhân thì còn ai sống được. Nếu mà lập Trí Bá thì họ Trí
tất diệt. Trí Tuyên Tử không đồng ý và cứ lập Trí Bá làm đích tử. Trí Quả than và
xin quan thái sử đổi thành họ Phụ vì e có ngày bị vạ lây.
Khi Trí Tuyên Tử mất, Trí Bá nối nghiệp, cầm quyền chính
nước Tấn, cùng với người trong họ là Trí Khai, Trí Quốc và thuộc hạ là Hi Tì,
Dự Nhượng. Trí Bá muốn cướp ngôi nước Tấn nên tìm cách làm suy yếu ba họ Triệu,
Hàn, Ngụy bằng cách lấy cớ động binh tranh bá với nước Việt, mượn lệnh vua Tấn,
bắt ba họ kia mỗi họ phải nộp vào công gia họ Trí một trăm dặm đất để thu thuế
làm quân phí. Hàn Hổ và Ngụy Câu vì khiếp sợ Trí Bá nên dâng đất, riêng Triệu
Vô Tuất chống lại. Trí Bá huy động Hàn Hổ và Ngụy Câu đánh Triệu Vô Tuất với
hứa hẹn lấy được đất Triệu sẽ chia ba. Triệu Vô Tuất chạy về thủ ở Tấn Dương.
Trí Bá vây thành một năm mà không thể phá vỡ được nên làm cừ ngăn nước sông Tấn
cho chảy vào thành.
Triệu Vô Tuất bí mật thuyết phục Hàn Hổ và Ngụy Câu đứng về
phía mình để đánh lại Trí Bá, diệt trừ hậu họan và lấy đất Trí Bá vốn nhiều hơn
đất Triệu để chia ba. Hi Tì biết Hàn Hổ và Ngụy Câu sẽ phản và tìm cách can
ngăn Trí Bá nhưng không được nên cáo bệnh và trốn sang nước Tần. Triệu Vô Tuất
hợp lực cùng Hàn Hổ và Ngụy Câu tháo đê cho nước đổ về dinh Trí Bá. Dự Nhượng
đến cứu Trí Bá lên thuyền và khuyên Trí Bá trốn sang Tần. Triệu Vô Tuất đoán
được nên phục binh bắt Trí Bá và đem chém. Dự Nhượng nghe tin bèn cải trang và
trốn. Triệu Vô Tuất cùng với Hàn, Ngụy trở về Giáng Đô, kinh thành nước Tấn, quy
cho dòng họ Trí tội phản nghịch và giết sạch, chỉ có một mình Trí Quả vì đã đổi
ra họ Phu nên được thóat nạn. Đất của Hàn, Ngụy nộp cho Trí Bá khi trước được
họ thu về, và đất của Trí Bá ba nhà chia nhau.
Dự Nhượng trốn ở Thạch Thất Sơn nghĩ cách trả thù cho Trí Bá,
đổi họ tên, giả làm kẻ tù phục dịch, giắt một con dao nhọn, lẻn vào trong nhà cầu
họ Triệu, định chờ khi Triệu Vô Tuất ra thì đâm chết, nhưng bị bắt. Triệu Vô
Tuất cho là nghĩa sĩ nên tha. Dự Nhượng cho rằng việc tha này là cái ơn riêng,
nhưng việc báo thù vẫn là điều nghĩa lớn. Sau đó Triệu Vô Tuất về ở thành Tấn
Dương. Dự Nhượng luôn nghĩ cách báo thù, nhưng sợ có người biết mặt, nên cạo
sạch râu và lông mày, lấy sơn bôi vào mình để giả làm người cùi, vào thành Tấn
Dương và đi ăn mày ở chợ. Ông sợ vợ đi tìm và nhìn ra mình nên nuốt than để
thay đổi tiếng nói.
Triệu Vô Tuất cho xây Xích Kiều trên những cái cừ của Trí Bá
khi trước. Dự Nhượng biết Triệu Vô Tuất thế nào cũng ra xem cầu, nên giắt con
dao nhọn, giả làm người chết, nằm phục ở dưới gầm cầu. Khi Triệu Vô Tuất gần
đến Xích Kiều, con ngựa kéo xe bỗng hí lên và lùi trở lại. Triệu Vô Tuất sai
quân sĩ đi sục tìm và bắt được Dự Nhượng. Triệu Vô Tuất sai đem chém., Dự
Nhượng than khóc tiếc rằng không ai báo thù cho Trí Bá nữa. Triệu Vô Tuất trách
Dự Nhượng đã từng làm bề tôi cho họ Phạm, họ Phạm bị Trí Bá diệt mà Dự Nhượng
chịu nhục không trả thù, còn làm bề tôi cho Trí Bá, nay Trí Bá chết mà Dự
Nhượng lại cố sức báo thù. Dự Nhượng cho rằng họ Phạm đãi ông ta như thường
nhân, nên ông ta lấy lòng thường nhân mà xử lại, họ Trí đãi ông như quốc sĩ thì
ông lấy lòng quốc sĩ mà xử lại. Triệu Vô Tuất cởi thanh kiếm đang đeo đưa cho
Dự Nhượng để cho Dự Nhượng tự tử. Dự Nhượng xin Triệu Vô Tuất cởi áo cho ông
được đánh mấy cái vào áo, ngụ ý báo thù rồi sẽ tự tử. Triệu Vô Tuất thương
tình, cởi áo cẩm bào, sai người đưa cho Dự Nhượng. Dự Nhượng cầm kiếm, trừng
mắt nhìn áo nhảy lên đánh ba lần rồi đâm cổ mà chết. Cái cầu ấy sau đổi tên là
Dự Nhượng Kiều. Triệu Vô Tuất thấy Dự Nhượng tự tử thì có lòng thương xót và
truyền mai táng tử tế.
Người đời thán phục đức tính trung thành của Dự Nhượng, tiếc một điều là sự
trung thành ấy chỉ dành cho một cá nhân, dù cá nhân đó có ác độc đến đâu. Nếu
Dự Nhượng trung thành cho một giá trị xây dựng xã hội thì xã hội đã không bị
mất đi một nhân tài.
Ngày xưa, dân chúng sống trong Thời Đại Nông Nghiệp, các
quân vương làm chủ phương tiện sản xuất của ruộng đất, cho nên họ lập ra chế độ
chính trị quân chủ chuyên chính để khống chế xã hội, luật là do họ làm ra nhân
danh con Trời hay Thiên Tử của «Thuận Thiên Thừa Vận, Hoàng Đế Có Chiếu…», luật
chỉ để áp dụng cho người dân, còn giai cấp cai trị thì chỉ dùng Lễ nếu phạm
tội, qua câu «Lễ không xuống đến hạng thứ dân, Hình không lên đến bậc đại phu».
Người Cộng Sản ngày nay cũng đứng ngoài và đứng trên pháp luật. Nếu người đảng
viên phạm tội thì chỉ xử lý trong nội bộ đảng qua hình thức kiểm thảo hay tự
phê bình, chỉ khi nào bị khai trừ, tức mất quyền đảng viên thì luật pháp dành
cho thứ dân mới áp dụng cho họ được.
Ngày nay nhân loại đã vào Thời Đại Thông Tin, trong đó luồng
lao động sản xuất tập trung vào các sản phẩm của trí tuệ, cho nên nó đòi hỏi
một cấu trúc xã hội có nền tảng tự do để trao đổi thông tin và lưu thông sản
phẩm. Trong thời đại mới này, tất cả mọi cá nhân cần được giải phóng ra khỏi
vòng kềm tỏa của độc tài để phát huy năng lực nội tại và sức sáng tạo. Muốn làm
được việc này, các giá trị như tự do để phát huy năng lực cá nhân, dân chủ để
phát huy năng lực dân tộc, nhân quyền để phát huy phần cao thượng của bản năng
sinh tồn, pháp trị để phát huy công lý, sự bình đẳng và sự hài hòa cần thăng
hoa để thay thế các giá trị đã lỗi thời của một thời đại đã qua. Các định chế
để bảo vệ và phát huy các giá trị này cần được dựng xây và đức tính trung thành
nên dành ưu tiên cho các giá trị và định chế này.
Trong trường hợp có sự mâu thuẩn giữa sự trung thành với cá
nhân của người lãnh đạo mình và các giá trị/định chế tự do dân chủ thì người có
đức tính trung thành nên dành ưu tiên cho tự do dân chủ. Trong một đảng phái có
mục tiêu tranh đấu cho tự do dân chủ mà người lãnh đạo có cung cách ứng xử độc
tài thì người đảng viên cần trung thành với giá trị tự do dân chủ, vì dân chủ
không chỉ là cái đích cho tổ chức đến mà là con đường tổ chức đang đi, là từng
trụ cây số mà tổ chức cần vượt qua, là một lề lối sống. Nếu người lãnh đạo hay
đảng viên có cung cách hành xử độc tài thì con đường mà tổ chức đang đi là độc
tài và vô phương mà nó có thể xây dựng tự do dân chủ cho dù mục tiêu này đã
được đề ra trong cương lĩnh.
Ngày xưa việc người cha đi ăn trộm dê và người con đi tố cáo
là một điều không thể chấp nhận được vì nó vi phạm giá trị trung hiếu của hệ
thống nhân trị, như câu thơ «có trung hiếu nên đứng trong trời đất…» của ông
Nguyễn Công Trứ. Ngày nay giá trị dân chủ pháp trị được người dân ở các nước
văn minh tin tưởng vào và ưu tiên bảo vệ. Muốn xây dựng một xã hội mà mọi người
dân đều có sự tự do và độc lập để phát huy năng lực thì lòng trung thành ngày
hôm nay được dành ưu tiên cho các giá trị của tự do dân chủ cùng những định chế
lập ra để phát huy các giá trị này.
Trong gần hai thập niên từ 1978 đến 1995 ở Hoa Kỳ có kẻ giết
người bằng cách gởi bom thư, chính quyền Hoa Kỳ bất lực không thể biết được là
ai nên đặt tên cho kẻ sát nhân này là Unabomber. Người giúp chính quyền tìm ra
thủ phạm không ai khác hơn là em ruột của kẻ sát nhân, ông David Kaczynski. Anh
của David, ông Ted Kaczynski, là tiến sĩ giáo sư đại học Berkeley, vì bất mãn
xã hội kỹ nghệ hóa cao độ nên dùng phương pháp đánh bom thư giết người để phản
đối. Người em đọc cái tuyên ngôn «Xã Hội Kỹ Nghệ và Tương Lai Của Nó» mà ông
Ted gởi đến báo The New York Times và nhận ra nét văn của anh mình, nên David
đã hy sinh tình riêng hầu bảo vệ lợi ích chung. David rất thương người anh của
ông, nhưng ông không thể trung thành với anh mình mà phải trung thành với giá
trị dân chủ pháp trị để bảo vệ xã hội. Sau đó ông tận lực tranh đấu cho người
anh không bị án tử hình và đã thành công.
Vào giữa thập niên 2000s, một vị bộ trưởng của Thái Lan than
phiền với báo The Economist rằng đất nước ông theo chế độ quân chủ lập hiến,
tức mô hình dân chủ có vua như ở Anh hay Nhật, nhưng ít ai trung thành với các
giá trị và định chế dân chủ mà vẫn trung thành với hệ thống đàn anh kẻ cả
(patronage system), đó là nguyên nhân lớn cho sự bất ổn chính trị của nước này.
Thay vì như Anh hay Nhật, nhà vua lại hay thò bàn tay lông lá vào chính quyền
do dân bầu lên, hậu quả là từ khi theo dân chủ năm 1932 đến nay, Thái Lan đã
trãi qua 17 hiến pháp và 18 lần đảo chánh. Vương quyền Thái Lan có nguy cơ đi
theo dấu chân của Nepal là bị xóa bỏ nếu yếu tố trung thành tiếp tục đặt sai.
Trong cuộc bầu cử tổng thống ở Nam Hàn cuối năm 2012, con
gái của nhà độc tài Phát Chánh Hy đã đắc cử, làm sống lại một cuộc thảo luận
rằng nhờ ông Phát Chánh Hy mà Nam Hàn mới có được ngày hôm nay, rằng ông ta là
một nhà độc tài sáng suốt và một số người đã cổ võ cho cho mô hình độc tài sáng
suốt này. Trong khi đó thì thực chất của độc tài là độc tài, dù phía tả hay
phía hữu, dù sáng suốt hay ngu muội. Trong chế độ Đức Quốc Xã hay Quân Phiệt
Nhật, rất khó mà nói rằng Quốc Trưởng Hitler hay Nhật Hoàng không sáng suốt. Ta
có thể ví dân chủ như sự bơi lội, nếu đứng mãi trên bờ (duy trì độc tài) thì sẽ
không bao giờ biết bơi, nếu muốn biết bơi thì phải tập bơi, và chính trong giai
đoạn tập bơi này người ta hay bị sặt nước (bất ổn định) nên thường e ngại. Nam
Hàn, Đài Loan, Nam Dương.. đều đã qua giai đoạn tập bơi này và dân chúng khó mà
chấp nhận mô hình độc tài sáng suốt.
Sự độc lập và tự do của mỗi cá nhân là điều kiện tiên quyết
để phát triển đức tính trung thành với giá trị và định chế dân chủ pháp trị.
Các hình thức độc tài cá nhân (despotism), độc tài phe nhóm (cronyism), độc tài
gia đình trị (nepotism), hệ thống trưởng lão (gerontocracy), hệ thống đàn anh
kẻ cả (patronage), hệ thống các gia đình quyền lực (oligarchy), hệ thống giai
cấp (caste system), độc tài cộng sản.. sẽ hạn chế đức tính trung thành vào cá
nhân hay phe nhóm đặc quyền đặc lợi, cản trở sự phát triển của tự do và dân chủ
pháp trị.
Xây dựng một đất nước tự do với mô hình dân chủ pháp trị đòi
hỏi một nền tảng đạo đức xã hội, một hệ thống tư pháp hoàn toàn độc lập, công
minh với luật pháp do ý chí quần chúng mà ra, chứ không phải chỉ phát triển
kinh tế. Nga hậu cộng sản dù kinh tế phát triển nhưng là quốc gia tội phạm với
mafia và một số ít các gia đình quyền lực thu tóm đại khối tài sản quốc gia.
Trung thành với giá trị tự do và các định chế dân chủ pháp trị sẽ giúp Việt Nam
tương lai tránh được các dạng thái của độc tài này.
Trung thành với cá nhân là một nét của văn hóa Á Châu, có
thể người ta không bỏ được nó, nhưng nếu biết sắp xếp để nó không ưu tiên khi có
mâu thuẩn với các giá trị và định chế của tự do dân chủ thì cuộc tranh đấu
chống độc tài mới dễ thành công và công việc xây dựng một chế độ dân chủ pháp
trị mới có được một nền tảng vững bền từ quần chúng.
Trí Nhân Media
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét