24-01-2013
Hình bên: Ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng CSVN. (Hình: Findlay Kember/AFP/Getty Images)
...vấn đề mà chính quyền Việt Nam phải đối diện trong năm nay là vấn đề quyền cai trị chính đáng (legitimate rule) của đảng cộng sản. Cho đến nay, đảng cộng sản khẳng định quyền lãnh đạo của mình dựa trên ba lý do chính: Một, họ có công giành độc lập cho đất nước; hai, họ được “toàn dân” ủng hộ; và ba, chỉ có đảng cộng sản mới đủ khả năng bảo vệ độc lập và làm phát triển đất nước. Cả ba dần dần không còn thuyết phục được ai cả. Chuyện giành độc lập đã quá lâu, gần 70 năm rồi. Chuyện “toàn dân” ủng hộ thì chỉ là một lời nói dối trắng trợn khi chính quyền không dám tổ chức bất cứ một cuộc bầu cử tự do và nghiêm chỉnh nào cả. Còn điều cuối cùng chỉ là những lời khẳng định vu vơ.
Trong đó, sau khi xác định năm 2012 vừa qua là một năm “đầy
khó khăn thách thức” và trong năm 2013 “đất nước vẫn phải tiếp tục đối mặt với
nhiều khó khăn, thách thức,” Nguyễn Tấn Dũng nêu lên sáu vấn đề chính cần được
ưu tiên giải quyết:
1. Nâng cao chất lượng thể chế và khả năng phản ứng chính
sách, tạo lập niềm tin cho thị trường.
2. Ðiều hành chính sách tiền tệ theo tín hiệu thị trường và
theo lạm phát mục tiêu. Kết hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ với chính sách tài
khóa.
3. Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hỗ trợ thị
trường.
4. Ðẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đề cao trách nhiệm
của cán bộ công chức trong thực thi công vụ.
5. Ðẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế.
6. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.
Không có vấn đề nào trong số sáu vấn đề nêu trên thực sự mới.
Từ nhiều năm nay, hầu như năm nào chính phủ Việt Nam cũng nêu lên bấy nhiêu
chuyện. Cũng “tháo gỡ khó khăn” và cũng “đẩy mạnh” việc này việc khác. Từ cái
nhìn của giới quan sát chính trị Việt Nam, những vấn đề mà chính phủ Việt Nam
phải thực sự đối đầu và phải giải quyết trong năm 2013 này khác hẳn.
Thứ nhất chính quyền phải chứng tỏ có khả năng quản trị đất
nước một cách có hiệu quả. Về phương diện kinh tế, không thể để tình trạng các
công ty và tập đoàn kinh tế quốc doanh gây hết thất thoát này đến lỗ lã khác để
cuối cùng dân chúng phải gánh chịu những món nợ khổng lồ không biết bao giờ mới
trả xong. Về phương diện xã hội, không phải cứ hứa hẹn vớ vẩn và tung ra hết lệnh
cấm này đến lệnh cấm khác, phần lớn rất vô duyên. Về phương diện giáo dục,
không thể để tình trạng xuống dốc thê thảm từ kiến thức đến kỹ năng và đạo đức
của cả người học đến người dạy như vậy. Về phương diện đối ngoại, cũng không thể
cứ khuất phục Trung Quốc một cách khiếp nhược như vậy mãi. Ở mọi phương diện,
điều dễ nhận thấy nhất là chính quyền hầu như hoàn toàn bế tắc.
Thứ hai là tệ nạn tham nhũng đã đến lúc báo động: Nó không
phải là những hiện tượng lẻ tẻ mà có tính hệ thống; không phải ở cấp thừa hành
mà ở cấp lãnh đạo cao nhất; không phải là điều gì người ta có thể giấu giếm được
mà đã được bạch hóa, ai cũng thấy. Việc tái lập Ban Nội chính và giao cho Nguyễn
Bá Thanh đảm trách vừa làm nhen nhúm chút hy vọng trong dân chúng thì, đùng một
cái, người ta choáng váng chứng kiến màn đánh phủ đầu của chính phủ đối với
ông. Ðiều ấy cho thấy, một, cái gọi là chống tham nhũng đã trở thành một cuộc đấu
đá trong nội bộ; và hai, không thể giải quyết vấn đề tham nhũng nếu không giải
quyết vấn đề cơ chế. Hai điều đó, thật ra, mọi người đều biết. Từ lâu.
Thứ ba, và theo tôi, quan trọng nhất, vấn đề mà chính quyền
Việt Nam phải đối diện trong năm nay là vấn đề quyền cai trị chính đáng
(legitimate rule) của đảng cộng sản. Cho đến nay, đảng cộng sản khẳng định quyền
lãnh đạo của mình dựa trên ba lý do chính: Một, họ có công giành độc lập cho đất
nước; hai, họ được “toàn dân” ủng hộ; và ba, chỉ có đảng cộng sản mới đủ khả
năng bảo vệ độc lập và làm phát triển đất nước. Cả ba dần dần không còn thuyết
phục được ai cả. Chuyện giành độc lập đã quá lâu, gần 70 năm rồi. Chuyện “toàn
dân” ủng hộ thì chỉ là một lời nói dối trắng trợn khi chính quyền không dám tổ
chức bất cứ một cuộc bầu cử tự do và nghiêm chỉnh nào cả. Còn điều cuối cùng chỉ
là những lời khẳng định vu vơ.
Nhưng chính lời khẳng định vu vơ ấy đã quay ngược lại phá vỡ
tính chính đáng của nhà cầm quyền. Từ mấy năm nay, người ta nhận ra, càng lúc
càng rõ, nhà cầm quyền không những không phát triển kinh tế đất nước mà còn gây
ra những tai họa với những món nợ khủng khiếp mà mọi người phải còng lưng ra
gánh chịu. Hơn nữa, nhà cầm quyền cũng không thiết tha gì đến việc bảo vệ độc lập
hay chủ quyền của đất nước; thậm chí, không thiết tha gì đến việc bảo vệ danh dự
của đất nước hoặc của chính họ. Nhận thức đó khiến nhiều người đâm ra khinh
chính quyền.
Trước, trên các blog, nhiều người lên tiếng phê phán chính
quyền là hèn hạ trước sự uy hiếp của Trung Quốc. Gần đây, người ta lại nhìn giới
lãnh đạo như những “đồng chí Ếch” tham lam và vô liêm sỉ. Cần nhìn những trường
hợp từ chối đề nghị trao giải thưởng hoặc bằng khen vừa qua của các văn nghệ sĩ
như là những biểu hiện của sự khinh bỉ ấy.
Những khinh bỉ như thế không phải chỉ là chuyện thuần túy
tình cảm. Khi sự khinh bỉ lan rộng, giới lãnh đạo chỉ còn quyền lực (power) chứ
không còn thẩm quyền (authority). Ðây là hai khái niệm căn bản trong chính trị
học. Quyền lực là khả năng tác động lên người khác. Một thằng điên cầm dao vung
loang loáng trước đám đông tay không: Nó có quyền lực. Một bạo chúa: đầy quyền
lực. Nhưng thẩm quyền, authority, thì lại khác: đó là thứ quyền lực chính đáng
(rightful power). Tính chính đáng ấy, trong thời đại hiện nay, đến từ hai nguồn:
một, được ủy thác qua các cuộc bầu cử tự do; và hai, được dân chúng kính trọng
và do đó, mặc nhiên chấp nhận.
Trong trường hợp không có bầu cử tự do, sự kính trọng là nguồn
sức mạnh duy nhất để duy trì thẩm quyền và biện chính cho quyền lực.
Khi mất sự kính trọng ấy, nhà cầm quyền sẽ mất
đi sự chính đáng của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét