7-1-2013
Vài ngày nay khi có tin ông Nguyễn
Bá Thanh và Vương Đình Huệ giữ hai chức vụ quan trọng của Trung ương vừa mới
"tái sinh": Ban Nội chính và Ban Kinh tế Trung ương, các trang báo
chính thống rộ lên các bài viết phấn khởi nhưng chỉ dành cho một trong hai nhân
vật này là Nguyễn Bá Thanh còn ông Huệ không ai nhắc tới.
Người ta còn nhớ, khi ông Vương
Đình Huệ lên tiếng về giá xăng dầu và khẳng định rằng sẽ không thể vì quyền lợi
của 11 doanh nghiệp đầu mối mà phải vì hơn 80 triệu dân”. Thậm chí, ông Huệ khẳng
định như đinh đóng cột sẽ “chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định giảm giá xăng
dầu”.
Những hân hoan sau lời tuyên bố
có tính cách "hùng hồn" khó thấy trong thời buổi "chung một tư
cách" của các bộ trưởng không sống sót lâu quá ba tháng. Ông Huệ trượt dài
dưới cái nhìn của báo chí khi giá xăng vẫn ung dung đi lên còn ông thì ung dung
hỏi tờ Sài Gòn Tiếp Thị: Báo kinh tế tại sao lại viết về chính trị?
Ông Huệ biết rất rõ Trưởng ban
Kinh tế Trung ương không phải là cây đũa thần có thể giúp ông hô biến cho tình
hình khủng hoảng nợ xấu, lạm phát cùng hằng trăm vấn đề kinh tế vĩ mô hiện nay.
Đối với ông Huệ, chức vụ mới sẽ là bậc thang đưa ông lên chức Phó Thủ tướng và
vì vậy cứ làm những việc cầm chừng, không phạm sai lầm và nhất là... không
tuyên bố linh tinh là cách mà ông sẽ chọn.
Vậy thì báo chí không kỳ vọng một
chút gì vào ông là điều hợp lý. Còn ông Nguyễn Bá Thanh thì sao?
Những ai tới Đà Nẵng cách đây 10
năm và quay trở lại với thời gian hiện tại sẽ thấy rằng một sự thay đổi khó tin
đối với một thành phố miền Trung có quá nhiều khó khăn vì các tỉnh vây chung
quanh nó, sự nghèo đói kinh niên đã trì kéo mọi nỗ lực phát triển.
Người đứng ra chỉ đạo các cải tổ
và phát triển cần thiết cho Đà Nẵng là ông Nguyễn Bá Thanh. Trong vai trò vừa
là Chủ tịch vừa là Bí thư ông Thanh không khác gì một lãnh chúa miền Trung. Ông
đưa ra quyết định nào thì theo dõi nó có được thực hiện đầy đủ hay không. Ông
nói chuyện với thuộc hạ vừa như anh em bạn bè trong các buổi nhậu thân tình, vừa
sẵn sàng đập bàn vỗ mặt nếu anh nào theo quán tính của một cán bộ cộng sản
"cứ làm sai rồi sửa". Ông Thanh cho cả nước thấy Đà Nẵng có thể làm bất
cứ điều gì miễn là phát triển và ổn định.
Phát triển thì khó ai từ chối
thành quả của ông còn ổn định thì còn phải xem lại.
Ông Nguyễn Bá Thanh trong
cương vị chủ tịch Hội Ðồng Nhân Dân và bí thư Thành ủy Ðà Nẵng đã khiến Tổng
Lãnh sự Mỹ tại Việt Nam hoảng hồn khi liệt kê các chi tiết mà ông đã đối xử với
địch thủ là Thiếu tướng Trần Văn Thanh, trong vai trò Chánh thanh tra Bộ Công
an được cử về điều tra vụ ông Bí thư ăn hối lộ 200 ngàn đô la. Ông tướng này chẳng
những không làm gì được lãnh chúa Đà Nẵng mà trái lại còn bị chơi ra trò khi
đang nằm hôn mê bất tỉnh trên giường bệnh viện vẫn bị đẩy ra trước vành móng ngựa.
Chiêu này của ông Nguyễn Bá Thanh
cho thấy tính chất gian hùng của một thủ lĩnh chính trị của ông có thừa đối với
ai dám chống lại ông.
Vụ án Cồn Dầu là một mặt khác của
sự ổn định mà ôngThanh sẵn sàng áp dụng.
Người dân Cẩm Lệ ở cửa ngõ tây
nam thành phố Đà Nẵng còn nhớ như in cái chết tức tưởi của anh Thành Năm sau
khi giáo dân Cồn Dầu chống lại chính quyền phường Hòa Xuân giải tỏa trắng 430
ha để thực hiện dự án khu du lịch sinh thái Hòa Xuân. Nằm trong địa bàn phường,
thôn Cồn Dầu với diện tích 100 ha cũng bị giải tỏa lấy mặt bằng phục vụ dự án.
Anh Năm bị công an trả về gia
đình sau khi lấy khẩu cung và hai ngày sau thì qua đời trong tình trạng không
thể nào thương tâm hơn.
Trong dự án thu hồi đất để giao
cho tập đoàn Sun Group xây dựng khu sinh thái đã gây tranh cãi mạnh mẽ với người
dân Hòa Xuân này chính ông Nguyễn Bá Thanh trong một cuộc họp với dân xác định
rằng không chấp nhận những yêu cầu không thể đáp ứng. Ngay trong phiên họp ngày
5/11/2009 ông Thanh đã không giấu diếm sự răn đe của một lãnh chúa: “nếu hộ dân
nào không đồng ý với việc kiểm định thì chính quyền sẽ tiến hành kiểm tra hành
chính về nhà cửa đất đai.”
Ông Nguyễn Bá Thanh đã nổi lên
như một nhà cai trị thép. Người dân Đà Nẵng nếu ai không bị mất đất, không bị
công an tới tận nhà bắt phải ký tên giao đất như dân Cồn Dầu sẽ nhìn ông như một
nhà cải cách mang lại cho Đà Nẵng nét đẹp đẽ hoành tráng. Ngược lại đối với người
dân Cồn Dầu thì ông Thanh vĩnh viễn là một ác bá không hơn không kém.
Đối với Trung ương, nếu thỏa hiệp
với ông Nguyễn Bá Thanh sẽ có hai cái lợi, thứ nhất ông Thanh không ngại tiêu
diệt đối thủ chính trị như đã từng làm đối với tướng Trần Văn Thanh. Thứ hai
ông Nguyễn Bá Thanh dù sao cũng là gương mặt ít lem luốc nhất nếu so với toàn bộ
Ban Bí thư từ ông Dũng tới ông Sang, ông Trọng cho nên mang ông Bá Thanh vào ngồi
ở cái ghế "lửa" này là phù hợp với tình hình hiện nay. Vừa gây niềm
phấn khích giả tạo cho báo chí, người dân vừa tạo hình ảnh "nhiều chiều"
của nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam trước dư luận trong và ngoài nước.
Nếu ai là người lo ngại ông Bá
Thanh nhất có lẽ là Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.
Qua bài phát biểu của ông Vịnh
trên Tuổi Trẻ vừa qua, ai cũng thấy rõ vai trò và bộ mặt thật của ông này trong
ván bài Trung Quốc. Ông Vịnh và một số rất lớn trong bộ máy thượng tầng đã âm
thầm tán trợ chính sách đi đêm với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông và không
ai ngây thơ tin rằng hai Đảng bắt tay nhau giải quyết vấn đề này trên tinh thần
Cộng sản.
Ông Nguyễn Bá Thanh có lẽ sẽ rất
cô đơn trong Bộ chính trị nếu ông không thay đổi chính kiến của mình về vấn đề
Trung Quốc.
Cách đây vài năm, một audio clip
cho thấy chính ông Thanh là người ra lệnh cho gần 400 tàu cá của ngư dân ra
khơi bao vây tàu cá Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Vụ bao vây bất ngờ
này làm cho Bộ chính trị mất ngủ và không một thông tin chính thức nào được
công khai trên báo chí.
Sau biến cố này, ông Thanh được
nhìn với đôi mắt khác: Sẵn sàng chống Trung Quốc kể cả bằng những phương tiện
thô sơ nhất. Hình thức mà ông Thanh dùng chỉ có thể xem là phản ứng xốc nổi
nhưng nếu xét cho kỹ thì chính nó làm cho Trung Quốc khó đối phó nhất. Không lẽ
đem tàu chiến ra tiêu diệt hàng trăm tàu cá của thường dân khi họ không có tấc
sắt trong tay và trong chính phạm vi chủ quyền của Việt Nam?
Nếu ông Nguyễn Bá Thanh vẫn giữ bản
tính quyết đoán và không sợ hãi, khi ra Hà Nội ông sẽ gặp phản ứng mạnh nhưng
âm thầm từ thế lực đang khuynh loát hệ thống chính trị Việt Nam, nói trắng ra
là Trung Quốc và các nhóm lợi ích dựa vào Trung Quốc.
Các nhóm lợi ích này không những
nằm trong khu vực kinh tế mà chính trị mới là chỗ quan trọng nó tìm chỗ dựa
vào. Nguyễn Chí Vịnh là một điển hình cho nhóm này khi công khai bênh Trung Quốc,
hạ bệ Mỹ và những người biểu tình chống Trung Quốc.
Ông Thanh có làm được gì hay
không là một chuyện rất khó đoán. Dĩ nhiên thế lực ủng hộ ông trong Bộ Chính Trị
đã có nước cờ để đi nhằm cân bằng quyền lực. Ít ra nước cờ này có thề giải
thích vai trò ông Thanh là làm cho dân chúng tin rằng nếu ông Thanh ngồi vào ghế
trưởng ban Nội chính thì cơ may chống tham nhũng sẽ tiến triển tốt hơn.
Cái cơ may ấy nếu tỉnh táo mà nói
sẽ không có lý do gì để tồn tại.
Thứ nhất một người từng có tì vết
tham nhũng sẽ không bao giờ chống được tham nhũng.
Thứ hai một người từng nổi tiếng
ngang trái trong cách giải quyết oan sai tại Cồn Dầu không hy vọng gì có thể đặt
quyền lợi người dân lên trên quyền lợi của Đảng vì số tiền các tập đoàn đóng
góp vào ngân sách sẽ là liều thuốc giữ cho Đảng sống còn trong khi người dân kiệt
sức vì cái chủ trương nguy hiểm ấy.
Thứ ba, ông Thanh có tiếp tục chống
Trung Quốc như đã từng làm tại Đà Nẵng hay không tùy vào vây cánh mà ông đang
có và sẽ tạo thêm trong những ngày sắp tới. Thế nhưng rất không may cho ông, hầu
hết những người sẵn sàng ngồi chung thuyền với ông lại rất ưa sự hào phóng của
Trung Quốc và không coi sinh mệnh đất nước là quan trọng hơn sinh mệnh của Đảng,
của gia đình.
Ông Nguyễn Bá Thanh tại Đà Nẵng sẽ
rất khác với Ông Nguyễn Bá Thanh tại Bộ chính trị. Ở Đà Nẵng ông là vua, ở Hà Nội
ông chỉ là một viên tướng.
Ở Đà Nẵng ông có thể gõ đầu các
giám đốc sở nhưng ở Hà Nội không có ai để ông bị ông gõ đầu.
Ở Đà Nẵng ông muốn làm gì cũng được
kể cả tẩy chay ngân hàng, kêu gọi người dân chống không cho hoạt động, nhưng ở
Hà Nội không ai cho phép ông mở một cuộc họp chỉ mặt vào Ngân hàng Nhà nước mà
ra lệnh này lệnh nọ.
Ở Đà Nẵng ông quyết định quyền lợi
cho chính ông và thuộc hạ. Ở Hà Nội người khác quyết định thay ông và có thể
ông sẽ trở thành thuộc hạ, một thuộc hạ có máu mặt thế thôi.
Cuối cùng của entry này tôi chia
sẻ niềm vui với tất cả các trang blog có cảm tình và hy vọng rất nhiều vào ông
Nguyễn Bá Thanh. Tôi đồng cảm và thao thức cùng các bạn về một hy vọng mơ hồ của
mọi người nhưng bấm bụng không nói ra những khiếm khuyết quan trọng của ông
Thanh chỉ vì không muốn thanh kem ngắn ngủn của niềm hy vọng tan chảy quá nhanh
trong bầu không khí chính trị hiện nay.
Nhưng ngồi mút hoài thanh kem ấy
trong tâm cảm tự đánh lừa mình là một sự cay đắng. Phải không bạn bè của tôi?
Về cơ bản, tôi chia sẻ ý kiến và cách phân tích của tác giả.Tôi không tin ông Thanh làm được gì thật sự có ý nghĩa cho dân cho nước khi ra Hà Nội.Nếu được bổ sung vào BCT, với tư chất gian hùng có số má của mình, ông từ từ leo lên được vị trí số 1 rồi cũng từ từ dùng cái vị trí ấy mà chuyển đổi mô hình xã hội thành công thì khi đó lịch sử VN sẽ giành chỗ xứng đáng ghi khắc tên ông.Khả năng này rất khó xảy ra nhưng cứ thử giả định.
Trả lờiXóa