Tri Nhân Media

HIỆP ĐỊNH PARIS: AI CŨNG KÝ, NHƯNG CHẲNG AI TIN SẼ THI HÀNH

Người Việt
27-1-2010

Cựu Đại sứ VNCH tại Hoa Kỳ,
ông Bùi Diễm
Ba mươi bảy năm trước, vào ngày 27 tháng 1 năm 1973, hiệp định ngừng chiến tại Việt Nam được ký kết tại Paris.

Một trong những người tham dự ngay từ đầu lúc khởi sự các cuộc đàm phán năm 1968 là ông Bùi Diễm, lúc bấy giờ là đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ và là cố vấn Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu về hồ sơ hòa đàm Paris.

Nhân kỷ niệm biến cố lịch sử này, ông Bùi Diễm, hiện sống tại Maryland, dành cho Người Việt cuộc phỏng vấn sau đây.

ÐQAThái: Thưa ông, Hiệp Ðịnh Paris 1973 mang danh nghĩa “thỏa hiệp chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình” nhưng nhiều người cho rằng, ngay từ căn bản, không bên nào tin tưởng vào giá trị của những điều ghi trong Hiệp định. Xin nghe ý kiến của ông?


- Ông Bùi Diễm: Phải nói rằng, riêng về phía Việt Nam Cộng Hòa thì biết rõ rằng là khó lòng Cộng Sản chịu thi hành đứng đắn Hiệp Ðịnh Paris. Còn chính phủ Hoa Kỳ ngay sau khi ký bản hiệp định, họ lập tức trở về với những vấn đề nội bộ của họ và nếu họ có nói gì thì cũng chỉ là những lời hứa hẹn bề ngoài mà thôi. Vì lúc bấy giờ Tổng Thống Nixon bị nhiều khó khăn vì vụ Watergate, thành thử ngay cho dù chính quyền Nixon có muốn thi hành những lời đã hứa với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa thì cũng không làm được nữa.

Tóm lại, không riêng gì chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, không riêng gì chính phủ Mỹ, mà tất cả những nước khác ký vào bản hiệp định, không ai nghĩ rằng bản văn này được thi hành đứng đắn. Không ai tin tưởng như vậy.

- ÐQAThái: Thưa ông, phải chăng ý đồ của Washington là muốn rút chân khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam và phó mặc số phận của Việt Nam Cộng Hòa?

- Ông Bùi Diễm: Ðiều đó thì chúng ta đã thấy rõ từ trước rồi. Trong các bản phúc trình gửi Tổng Thống Thiệu, tôi trình bày nhiều lần rằng đã đến lúc quyền lợi của người Hoa Kỳ không còn giống như quyền lợi của Việt Nam Cộng Hòa nữa, và khi những quyền lợi của họ không còn đi đôi với quyền lợi của dân tộc Việt Nam thì chúng ta phải thận trọng trong việc cư xử với người Mỹ.

- ÐQAThái: Trước khi ngồi vào bàn hội nghị, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lúc nào cũng cương quyết giữ lập trường “Bốn không,” trong đó có điểm là không bao giờ chấp nhận nói chuyện với cái gọi là “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.” Nhưng năm 1968, bốn thành phần của hội nghị Paris gồm có Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hòa, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (Cộng Sản Bắc Việt), và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Phải chăng lúc đó ông Thiệu có một bước lùi bất lợi cho miền Nam?

- Ông Bùi Diễm: Trước khi cử phái đoàn đi Paris dự hội đàm, đã có những sự điều đình gay gắt xảy ra giữa chính phủ Việt Nam Cộng Hòa và chính phủ Hoa Kỳ; và giữa Tổng Thống Thiệu và ông đại sứ Mỹ là Bunker.

Tổng thống ông Thiệu chỉ thị cho tôi phải tới Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và Tòa Bạch Ốc để đặt vấn đề một cách rõ rệt về “Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.”

Tôi còn nhớ, khi ông Nixon đắc cử tổng thống, vào một buổi sáng Mùa Ðông giá lạnh ở thủ đô Hoa-Thịnh-Ðốn, một ông cụ già bấm chuông gõ cửa đi vào cửa tòa đại sứ Việt Nam Cộng Hòa, tôi đi xuống thì hóa ra là ông Dirksen, lãnh tụ đảng Cộng Hòa tại Hoa Kỳ. Ông đến gặp tôi và nói với tôi rằng, ông nhân danh hai vị tổng thống, Tổng Thống Johnson và Tổng thống mới đắc cử Nixon nói với ông Dicksen rằng chính phủ Hoa Kỳ không chấp nhận Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, tuy nhiên đứng trên phương diện mở cuộc hòa đàm thì Hoa Kỳ đưa ra mô thức phe của hai phe, tức là phe của Việt Nam Cộng Hòa và Mỹ, và phe của Bắc Việt và Việt Cộng - tức Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.

Tôi nghĩ, có lẽ vì có sự cam đoan đó mà Tổng Thống Thiệu chấp nhận mô thức hai đó và sau đó mới có sự có mặt của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và chính phủ Lâm thời do những bà như Nguyễn Thị Bình và những phần tử thân Cộng tham dự hội đàm Paris.

- ÐQAThái: Thưa ông, nhiều cuốn sách do tác giả Mỹ viết cho rằng, ông ít nhiều có dính vào “âm mưu” giúp cho ông Nixon thắng cử; xin được nghe ý kiến của ông về vấn đề này?

- Ông Bùi Diễm: Cuối năm 1968 là thời điểm lúc sắp sửa đi vào cuộc điều đình Paris, và cũng là lúc cuộc tranh cử giữa ông Nixon và ông Humphrey đi vào giai đoạn quyết liệt. Và chiến tranh Việt Nam là đề tài lớn trong cuộc tranh cử tổng thống cuối năm 1968.

Khi đó, với tư cách là đại sứ của Việt Nam Cộng Hòa, tôi tiếp xúc với cả hai ông Humphrey lẫn ông Nixon. Việc tôi tiếp xúc với ông Nixon, tôi đều nói cho chính quyền Hoa Kỳ biết chứ không phải tôi giấu diếm, nhưng về sau có hàng chục cuốn sách viết về vấn đề này và cho là những cơ quan an ninh của Hoa Kỳ đã chụp lấy những mật điện của tôi gửi về cho ông Tổng Thống Thiệu; và CIA cũng như FBI đã được lệnh nghe lén những điện thoại của tòa đại sứ và của cá nhân tôi để xem tôi có làm việc gì giúp cho ông Nixon hay không.

Người ta nói đến hai bản điện văn: một bản điện văn ngày 23 tháng 10 năm 1968 tôi gởi về cho ông Thiệu và viết bằng tiếng Anh để tránh những lầm lỗi về dấu hỏi, dấu ngã, dấu nặng khi viết bằng tiếng Việt. Trong điện văn, tôi nói rằng những người bạn Hoa Kỳ ở thủ đô người ta ngại rằng tổng thống sẽ có một thái độ mềm dẻo hơn trước trong vấn đề đối xử với miền Bắc.

Ðấy là câu nguyên văn tôi viết gửi về cho ông Thiệu. Sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ chừng 4 ngày, tôi lại có một mật điện khác nói với ông Tổng Thống Thiệu rằng tôi vẫn thường xuyên liên lạc với bộ tham mưu của ông Nixon. Về sau tôi được biết cơ quan của Hội đồng An ninh Quốc gia của Mỹ đã lấy những mật điện đó ra và đưa cho ông Tổng Thống Johnson và chính quyền Johnson cho rằng tôi đã can thiệp vào nội bộ của chính phủ Hoa Kỳ và làm lợi cho ông Nixon. Việc đó là một việc lớn trong chính phủ Johnson và bộ trưởng quốc phòng lúc bấy giờ là ông Clark có đưa vấn đề ra với ông Johnson, nhưng về sau họ đi đến kết luận rằng không lẽ đưa ra một việc chứng tỏ rằng chính phủ Hoa Kỳ nghe lén điện thoại của một đại sứ thì việc đấy không lấy gì làm đẹp đẽ cho lắm, cho nên họ yểm. Chính vì thế mà có lời đồn đại như ông vừa đề cập.

- ÐQAThái: Một số người ngoại giao và lãnh đạo các nước đưa ra một lời ta thán chua chát nói rằng “làm kẻ thù của Mỹ thì được Mỹ đối xử một cách kính trọng, làm đồng minh của Mỹ thì có ngày chết”; qua kinh nghiệm của Việt Nam Cộng Hòa, ông rút ra được bài học gì?

- Ông Bùi Diễm: Tôi nghĩ rằng bài học của chúng ta qua cuộc chiến tranh Việt Nam là chúng ta phải một hiểu rõ chính trị của Hoa Kỳ như thế nào, tính cách phức tạp của chính trị Hoa Kỳ ra làm sao để mà mình hiểu biết rõ khi nào họ có cùng quyền lợi để có thể đi với mình. Và cũng có lúc mình thấy rõ quyền lợi của họ không đi đôi với quyền lợi của mình nữa thì điều đó phải nhận thức cho rõ rệt. Và một kinh nghiệm thứ hai nữa là không bao giờ mình để quyền lợi tối thượng của mình bị ràng buộc vào những nước bên ngoài, đó là điều tối kỵ. Tất cả lịch sử của chiến tranh Việt Nam đã chứng minh điều đó.

- ÐQAThái: Cám ơn ông đã trả lời phỏng vấn của Người Việt.

Nguồn: Người Việt


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét