Tri Nhân Media

HAI Ý KIẾN TRÁI NGƯỢC VỀ 'ĐỘI QUÂN BÚT CHIẾN TRÊN MẠNG"

Bauxite Việt Nam
10/01/2013

Theo báo chí đưa tin, tại Hội nghị công tác Tuyên giáo toàn quốc 2012 sáng 9/12/2013, Trưởng ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi cho biết, Hà Nội đã tổ chức được một đội ngũ 900 dư luận viên trên toàn thành phố nhằm “phát huy sức mạnh của đội ngũ tuyên truyền miệng”, đồng thời cũng tổ chức xong “nhóm chuyên gia đấu tranh trực diện trên mạng internet” trước các vấn đề nhạy cảm, nhằm “đánh lui mọi âm mưu của lực lượng thù địch” muốn lợi dụng diễn đàn mạng để “diễn biến hòa bình”.

Một tin “động trời” như thế cố nhiên làm nhiều người có những phản ứng không giống nhau.BVN nhận được ý kiến của một bạn viết phê phán hiện tượng trên, cho đây là sự rập khuôn mưu ma chước quỷ của thầy dùi “bốn tốt” vốn trước nay chỉ bày dặt những trò bóp nghẹt tư tưởng của nhân dân Trung Quốc. Nhưng đồng thời cũng lại thấy trên trang blog của nhà báo Trương Duy Nhất bày tỏ một thái độ thích thú, coi việc này nếu được tiến hành đàng hoàng minh bạch thì rất có khả năng mở ra một thời kỳ mới của sự đối thoại công khai giữa Nhà nước với dân.

Thực tế chưa cho phép kiểm nghiệm xem ý kiến bên nào xác đáng hơn, chúng tôi xin đăng cùng lúc cả hai bài viết để bạn đọc tiện đối chiếu và tự mình rút ra kết luận.

Bauxite Việt Nam

Đội quân đớn hèn
Tâm Don

Cách đây khoảng hơn 10 năm, khi mạng Internet đã trở nên phổ cập ở Trung Quốc, các nhà bất đồng chính kiến, các nhà dân chủ và những người có tư tưởng tiến bộ ở Trung Quốc đã sử dụng công cụ sắc bén này để nói lên chính kiến của mình, truyền bá các tư tưởng và giá trị ưu việt đối lập hoàn toàn với các tư tưởng - nhận thức của nhà cầm quyền. Nhà cầm quyền Trung Quốc đã phản ứng như thế nào? Bên cạnh việc cố tình bịa đặt các chứng cứ hình sự để dễ bề bỏ tù các nhà bất đồng chính kiến nhằm dập tắt tiếng nói của lương tri, Trung Quốc đã tạo ra một công cụ hết sức tàn độc và ươn hèn: thành lập lực lượng đánh thuê trên mạng có nhiệm vụ viết các ý kiến phản hồi bênh vực cho Đảng Cộng sản và Chính phủ Trung Quốc, đả phá và bác bỏ các tư tưởng dân chủ và cải cách. Các “chiến binh” đặc biệt với đồng lương ưu đãi này của Đảng và Chính phủ Trung Cộng không hẳn là những người vạm vỡ có thể dùng tay vặn cổ các đối tượng “có gang có thép” về lý luận mà những kẻ chóp bu trong đảng Trung Cộng tuy rất căm phẫn nhưng lại không thể giết họ thô bạo như các đồn công an Việt Nam vẫn hành xử. Đám lính đánh thuê này cũng chẳng được trang bị tận răng những vũ khí hiện đại nhất để chơi nhau tới số với dân. Họ lại càng không được phép để lộ những hành động tác oai tác quái làm dư luận đồn thổi khắp nơi. Đơn giản, họ chỉ ngồi trước máy tính, viết lên những ý kiến mà Đảng và Chính phủ Trung Cộng mong muốn, sau đó post lên mạng. Với ước tính số lượng lên đến khoảng 20.000 người, đội quân chiến binh thầm lặng này đã nhận được những khoản tiền không nhỏ từ Đảng và Chính phủ Trung Cộng.

Tại TQ, bầy lũ viết thuê của đảng trong nhiều thời điểm và trường hợp đã làm chủ diễn đàn, có số lượng comment áp đảo, gây nên những ngộ nhận tai hại như: phe ủng hộ chế độ chiếm đa số, chế độ chuyên chính được lòng dân, tính hợp pháp của chế độ vẫn còn rất bền vững...

Tại Việt Nam, khoảng 3-4 năm nay, nhiều người đã đặt ra câu hỏi: Liệu Việt Nam có tồn tại một lực lượng đánh thuê trên mạng không? Không ai xác nhận, không ai trả lời được. Và, nghi vấn vẫn là nghi vấn.

Nhưng, cho đến chiều ngày 09-01-2013, mọi việc đã trở nên rõ ràng như ban ngày: Việt Nam cũng đã học theo được ngón nghề của ông thầy, đã xây dựng nên một đội quân đánh thuê trên mạng. Báo Lao động bản online chiều ngày 09-01-2013 đã đưa lên bản tin “Tổ chức nhóm chuyên gia bút chiến trên Intrernet”, bên cạnh đó là hình ảnh đầy mãn nguyện của Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, ông Hồ Quang Lợi – một nhà báo có danh phận trong làng báo Việt Nam trước đây.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi nói thành phố đã tổ chức đội ngũ chuyên gia để "đấu tranh trực diện, tham gia bút chiến trên internet chống các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch”. Ngoài ra, ông Lợi còn cho hay cơ quan tuyên giáo thành phố đã tổ chức đội ngũ 900 'dư luận viên' làm công tác tuyên truyền miệng.

Các chi tiết nói trên được nêu ra trong bài phát biểu của ông Hồ Quang Lợi tại Hội nghị công tác tuyên giáo toàn quốc 2012 sáng thứ Tư 9/1 ở Hà Nội. Báo Lao động dẫn lời ông Lợi nhận định rằng thủ đô Hà Nội "là địa bàn chống phá của các đối tượng".

Ông Hồ Quang Lợi nói: "Trong nước, các nhóm đối tượng cơ hội chính trị lợi dụng lòng yêu nước của quần chúng nhân dân đối với các hành vi của Trung Quốc trên biển Đông, sự bức xúc trong đền bù giải tỏa đất đai, đã kích động nhân dân tổ chức hàng chục cuộc tuần hành biểu tình, gây những hệ quả tiêu cực, ảnh hưởng đến hình ảnh và sự phát triển của đất nước. Thành phố (Hà Nội) đã tổ chức đội ngũ 900 dư luận viên trên toàn thành phố nhằm phát huy sức mạnh của đội ngũ tuyên truyền miệng".

Song song với đội ngũ 'dư luận viên' này, còn có "nhóm chuyên gia đấu tranh trực diện trên mạng internet, tham gia bút chiến trên internet"

Ông Hồ Quang Lợi cho hay, các chuyên gia của Thành ủy Hà Nội tới nay đã xây dựng 19 trang tin điện tử và lập ra hơn 400 tài khoản trên các mạng xã hội để trực tiếp bút chiến với các "thế lực phản động".

Với sự thừa nhận của ông Hồ Quang Lợi, Việt Nam thêm một lần nữa áp dụng các biện pháp và chính sách của nhà cầm quyền Trung Cộng, kể cả vĩ mô và vi mô. Và, thêm một lần nữa, giới bất đồng chính kiến, giới dân chủ và cởi mở ở Việt Nam lại phải đương đầu với những sự đớn hèn, thô bạo và tráo trở của đội lính đánh thuê trên mạng do Đảng Cộng sản và Chính phủ cầm quyền Việt Nam thành lập và trả lương. Họ dũng cảm đương đầu với ý nghĩ: cái hợp lý bao giờ cũng chiến thắng cái phi lý, sự tiến bộ bao giờ cũng đè bẹp sự phi nhân. Họ dũng cảm đương đầu với một nhận thức bắt nguồn từ thực tiễn sống động: các đạo quân đánh thuê cho dù được trả lương cao ngất, cho dù được trang bị đến tận răng, vẫn chưa bao giờ giành được chiến thắng trong các cuộc chiến.

T.Đ.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

*************

Bút chiến trên mạng, tại sao không?
Trương Duy Nhất

Chỉ riêng Hà Nội, đã xây dựng được 19 trang tin điện tử, hơn 400 tài khoản trên mạng cùng nhóm “chuyên gia bút chiến”.

Phát biểu tại hội nghị công tác Tuyên giáo toàn quốc 2012 diễn ra sáng nay 9/12/2013, ông Hồ Quang Lợi, Trưởng ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội nói: “Đã tổ chức đội ngũ 900 dư luận viên trên toàn thành phố nhằm phát huy sức mạnh của đội ngũ tuyên truyền miệng. Trong khi đó, báo chí thủ đô thực hiện ý kiến chỉ đạo về những vụ việc nhạy cảm; thành lập các tổ phóng viên bấm nút, phản ứng nhanh. Tổ chức “nhóm chuyên gia” đấu tranh trực diện trên mạng internet, tham gia bút chiến trên internet. Đến nay, đã xây dựng được 19 trang tin điện tử, hơn 400 tài khoản trên mạng (Zich)”

Một thông tin khá bất ngờ, tạo cho tôi cảm giác thích thú.

Tuy nhiên, không biết 19 trang tin điện tử và hơn 400 tài khoản mạng mà ông Lợi nói đã được lập với vai trò “tham chiến” kia là những trang nào, công khai hay nặc danh?

Đó là riêng Hà Nội, còn các địa bàn khác hoặc cấp trung ương, bộ ngành chuyên trách cao hơn có không, bao nhiêu, công khai hay che núp dưới những cái tên kiểu “quan, vua, chúa, tướng, dân, thợ thầy” làm báo ba sàm bá láp hoặc “đồng chí X, Y, Z…” nào đó?

Bởi nếu không công khai tên tuổi cá nhân (hoặc tổ chức) như trang web của tôi (http://truongduynhat.vn) thì đó là việc làm mờ ám, không trong sáng và đặc biệt là vi luật. Nó không đáng có và không được phép ở một chính quyền đàng hoàng, minh bạch.

Nếu vậy, nó chẳng khác nào blog “Quan làm báo” và những trang blog/website ẩn danh khác đang công kích đả phá chế độ mà chính ông Lợi, ngành Tuyên giáo và chính quyền đang lên án.

Còn nếu tất cả 19 trang tin điện tử cùng hơn 400 tài khoản trên mạng kia là chính danh, công khai tên tuổi địa chỉ và danh vị thật, đường đường chính chính thì chẳng những không nên phê phán mà ngược lại, tôi xem đó là một động thái nên làm và đáng biểu dương.

Lâu nay, tôi vẫn luôn phê phán chính quyền và hệ thống tuyên giáo - báo chí truyền thông chính thống ở điểm này. Rằng đáng ra phải công khai mọi sự, công khai thông tin, công khai tranh luận thì chính quyền và cả một hệ thống tuyên giáo - báo chí truyền thông chính thống lại luôn cho là nhạy cảm, chọn cách im lặng né tránh. Báo chí mà cứ ngại chuyện nhạy cảm, nhạy tí là né tránh, thậm chí Ban Tuyên giáo luôn chỉ đạo ngưng hoặc tránh vì lý do “nhạy cảm”. Đó là một lối tư duy rất cổ lỗ, lạc hậu kiểu đầu đất. Nhạy cảm mới cần báo chí, không nhạy cảm, vớ va vớ vít toàn mấy chuyện không đâu, hoặc đâm chém, hiếp dâm, cởi áo tụt quần thì cần báo chí làm gì?

Tôi hay ví đó là cách nhường thế trận truyền thông cho… “địch”.

Hãy công khai tranh luận một cách chính danh quân tử, thay vì sử dụng những biện pháp kỹ thuật lén lút cướp phá không khác gì bọn hacker, hoặc chụp mũ chính trị và kết án một cây bút chỉ vì những bài viết góp ý, phê bình phản biện của họ. Trước một thông tin, trước một tác phẩm, một bài viết, một cây bút, một góp bàn phản biện, chỉ được phép dùng chính phương cách truyền thông “tham chiến”, chứ không được phép dùng đến cái còng số 8, nòng súng và nhà giam.

Cái nghĩa bút chiến truyền thông là ở đó. Và tôi luôn mong đợi, phấn khích điều này.

“Bút chiến trên internet” – nói như ông Hồ Quang Lợi – tại sao không?

T.D.N.
Nguồn: truongduynhat.vn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét