Tri Nhân Media

HAI ÔNG CỐ VẤN ĐẶC BIỆT

Lê Mai
4-1-2013
Bốn mươi năm Hiệp định Pari về VN

Sau cuộc ném bom Giáng sinh, hai ông cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Kissinger lại gặp nhau tại cuộc hòa đàm Pari – nay đang đi vào giai đoạn cuối cùng. 

Cũng như nhiều trận đánh lớn khác, Bắc VN và Hoa Kỳ đều cho rằng mình là người chiến thắng trong chiến dịch B52 ném bom Hanoi. Phía Hoa Kỳ thừa nhận mất 15 máy bay B52, trong khi số liệu của Bắc VN là 34 chiếc. Trong cuốn Ai chi phối chiến trường tương lai, Trương Lợi Hoa – Trường Đại học Quốc phòng TQ cho rằng, trong 12 ngày đêm ấy, Bắc VN đã phóng 1.000 tên lửa SAM – 2 lên bầu trời Hanoi.

Khi Bắc VN chấp nhận nối lại cuộc hòa đàm Pari, Nixon coi đây là “sự đầu hàng tuyệt vời của địch theo các điều kiện của chúng ta”. Trong khi đó, ngày 6.1.1973, Lê Đức Thọ đến Pari và Bắc VN mô tả là nếu như lần đầu, năm 1968 ông Thọ đến Pari trong vòng nguyệt quế của “chiến thắng Mậu Thân” thì nay ông ta đến Pari trong hào quang của “trận Điện Biên Phủ trên không”.

Hai ông cố vấn đặc biệt đều nổi danh không chỉ tại Pari. Kể từ cuộc gặp đầu tiên giữa hai ông cố vấn đặc biệt vào ngày 21.2.1970, đã ba năm trôi qua. Có một điều thú vị là Trưởng đoàn đàm phán của hai bên trong cuộc hòa đàm Pari không có quyền hành bằng cố vấn đặc biệt. Kissinger “khen” Xuân Thủy – Trưởng đoàn VNDCCH giỏi ra những tuyên bố mập mờ. Có khi, ông ta lại nói, tôi thấy Bộ trưởng Xuân Thủy ít việc quá.

Hai ông cố vấn đặc biệt đấu khẩu nhau kịch liệt trên bàn đàm phán, tranh cãi nhau từng luận điểm, từng câu, từng chữ, vì nó liên quan đến kết quả cuộc chiến. Ông cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ thì bao giờ cũng như một giáo sư, chuyên giảng bài về lịch sử VN, làm ông cố vấn đặc biệt Kissinger rất ngán ngẩm. Ông ta lại càng ngán ngẩm vì sự khó tính của đối phương. Ông ta nói, chúng tôi bất ngờ gặp các ông là đối phương, chứ nếu được lựa chọn, chúng tôi sẽ lựa chọn đối phương dễ tính hơn !

Không khí cuộc đàm phán nói chung là căng thẳng. Yêu cầu lớn nhất của Hoa Kỳ là rút ra khỏi VN, lấy được tù binh về song vẫn giữ được VNCH. Còn đối với Bắc VN, quan trọng nhất là quân Mỹ phải ra đi, còn quân Bắc VN thì ở lại (miền Nam). Mục đích – như Tổng thống Thiệu nhận định, là để “Mỹ đi về, còn thằng miền Nam VN ta sẽ làm thịt nó”.

Ông Lê Đức Thọ được coi là nhà lãnh đạo mưu lược và quyết đoán của Bắc VN. Ông nắm rất vững chiến lược đàm phán nhưng cũng vận dụng rất linh hoạt sách lược trong đàm phán. Có lần vào giai đoạn đầu, Hanoi chỉ thị cho Đoàn đàm phán Pari muốn có hội nghị bốn bên, Mỹ phải nói chuyện với Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam VN và chính quyền Saigon phải thay đổi chính sách. Nhận được chỉ thị, Lê Đức Thọ suy nghĩ rất nhiều, đi đi lại lại trong phòng. Ông và Đoàn đàm phán cho rằng yêu cầu đó là quá cao, không thể thực hiện được ngay và nếu đòi hỏi nó bây giờ sẽ có nguy cơ gây tan vỡ hội nghị. Rõ ràng, Hanoi nhận được thông tin chưa đầy đủ. Và ông quyết định, phải về Hanoi ngay. Thế là ông cấp tốc rời Pari, tới Bắc Kinh, đã có một chuyên cơ chờ sẵn để đưa ông về Hanoi. Đó là chuyến đi nhanh nhất của Lê Đức Thọ từ Pari về Hanoi trong suốt thời gian đàm phán – chỉ mất có hơn hai ngày.

Liên tục những ngày sau đó, Bộ Chính trị Bắc VN đã họp để nghe Lê Đức Thọ báo cáo và bàn bạc về tình hình đàm phán. Và chỉ thị cho Đoàn đàm phán có thay đổi: “Vấn đề đòi Mỹ nói chuyện với Mặt trận và đòi Saigon thay đổi chính sách không phải là điều kiện bắt buộc Mỹ phải chấp nhận trước”.

Còn ông cố vấn đặc biệt Kissinger, là một nhà ngoại giao nổi tiếng thế giới, cũng đã đôi lần ca ngợi ông cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ. Ở chỗ riêng tư, các cộng sự của ông ta kinh ngạc vì sự hắt hủi cả Bắc và Nam VN của ông ta. Ông ta nói, vấn đề chính của chúng ta là cả Bắc và Nam VN đều nghĩ rằng mình đang chiến thắng và sự khoan nhượng không phải là tính cách của họ. Kissinger đánh giá cả Thiệu và Lê Đức Thọ đều “rất Việt Nam” trong suy nghĩ và thái độ và đó là một căn bệnh ghê tởm của họ. Rồi ông ta nhận xét: “Lê Đức Thọ là một kẻ cuồng tín không hề có cảm nhận về một tiêu chuẩn đối nội để hướng vào đó mà hành động”. Đây có thể là một sự hiểu biết sâu sắc nhất của Kissinger về nhà lãnh đạo Bắc VN. Ông ta cũng cho rằng, dân tộc VN là một dân tộc “khó tính, ngang bướng và hay đa nghi”. Chính vì vậy, Kissinger nói, Bắc VN sợ nhất là bị lừa. Hoa Kỳ không tìm cách đánh lừa các ngài, các ngài còn nghi kỵ nhiều, đó là thảm kịch – ông ta nói.

Ông cố vấn đặc biệt Kissinger có phong cách làm việc đơn độc nhưng siêng năng để ngay cả những ai phản đối cũng có thiện cảm với ông ta. Ông ta nhạy bén trong việc sử dụng lời lẽ lịch thiệp và hoa mỹ đến mức trí tuệ. Trong đàm phán, ông hay kể những câu chuyện hoặc các câu nói hài hước làm Lê Đức Thọ vốn là người nghiêm trang cũng nhiều khi không nhịn được cười.

Tất nhiên, Kissinger không chỉ đàm phán với Bắc VN mà còn phải giải quyết rất nhiều vấn đề quan trọng khác ở tầm mức thế giới với vai trò ngoại giao con thoi. Đúng hai năm sau ngày Kissinger gặp Lê Đức Thọ lần đầu tiên, ngày 21.2.1972, ông ta tháp tùng Tổng thống Nixon đến nơi ở của Mao Trạch Đông tại Bắc Kinh. Mao nói với Kissinger, với chuyến đi TQ, tiếng tăm của ngài trên thế giới đã nổi như cồn. Nixon: “Ông ta là người duy nhất đến Pari 12 lần, đến Bắc Kinh một lần trong điều kiện bị giam lỏng. Ngoài 12 cô gái xinh đẹp, chẳng ai biết chuyện gì về ông ta”. Khi Kissinger thanh minh, các cô gái ấy không biết gì đâu, tôi đã sử dụng họ để che chắn thì Nixon nói, người biết sử dụng các cô gái xinh đẹp để giấu mình, trong bất cứ lúc nào cũng là nhà ngoại giao vĩ đại.

Trở lại hiệp đấu cuối cùng của hai ông cố vấn đặc biệt sau cuộc ném bom Giáng sinh. Khác với những lần trước, đoàn VN không ra đón Kissinger ngoài cổng và khi vào phòng họp, ông ta nhận được cái chào lịch sự nhưng lạnh nhạt của các đồng sự VN. Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ nổ phát súng đầu tiên, phê phán Mỹ lật lọng, lên án cuộc ném bom 12 ngày đêm, đòi Mỹ chấm dứt thương lượng trên thế mạnh. Kissinger: “Tôi có nghe những tính từ, tôi đề nghị không dùng những tính từ đó”. “ Tôi dùng những tính từ đó đã là kiềm chế lắm rồi” – Lê Đức Thọ. 

Ngày 27.1.1973, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở VN đã được bốn bên ký kết tại Pari. Hai ông cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và Kissinger sau đó đã được giải thưởng Nobel hoà bình. Ông Thọ không nhận và hòa bình vẫn chưa tới trên hai miền đất nước VN.

Tháng 3.1975, sau trận Buôn Ma Thuột, Lê Đức Thọ xin Lê Duẩn vào Nam và được ông Duẩn đồng ý. Lê Duẩn dặn Lê Đức Thọ, lần này vào phải giải phóng miền Nam xong mới trở về. Lê Đức Thọ viết trong bài thơ Lời Anh dặn:
Anh dặn: ra đi thắng mới về,
Phút giây cảm động nói năng chi,
Lời Anh là cả lời non nước,
Ngàn dặm Trường Sơn há ngại gì.

“Lời Anh là cả lời non nước” – tất nhiên chỉ lời Lê Duẩn. Ta lại nhớ đến lời thơ Tố Hữu về Hồ Chí Minh :
Con nghe Bác, tưởng nghe lời non nước
Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau…

Ấy thế mà thời gian sau này, thật không thể tưởng tượng nổi,
  “trong một phiên họp Bộ Chính trị, ông Lê Duẩn nói với Lê Đức Thọ: “Anh đừng họp Bộ Chính trị nữa”. Một thời gian sau, Lê Đức Thọ đi họp lại, Lê Duẩn lại nói: “Tôi đã bảo anh không họp nữa mà. Lê Đức Thọ phải ra về”. (Bên Thắng Cuộc – Huy Đức).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét