Tri Nhân Media

CÁI CHẾT CỦA NHỮNG NGƯỜI LÍNH

Huy Phương
14-12-2009

Tỳ kheo Visuddhàcàra, tác giả tập sách “Yêu và Chết” (Loving and Dying) trước khi thành tu sĩ là một ký giả. 

Trong thời gian hành nghề, ông không hề xúc động bởi cái chết cũng không hề suy nghĩ sâu xa về cái chết. Ông chẳng thương hại hay xót xa gì về những cái chết xẩy ra trước mắt ông, miễn là những chuyện đó đưa đến đề tài cho bài viết tường thuật của ông, và ông thấy lòng phấn khởi khi bài được chọn đăng trên trang nhất của tờ báo. 

Ðối với một bài báo mô tả đến cái chết của một nạn nhân duy nhất, chắc sẽ không hấp dẫn bằng một bản tin có nhiều người chết, và đối với một ký giả bình thường, đó chỉ là những con số “vô cảm” phải ghi lại không hơn không kém. Nhưng lòng ông hoàn toàn thay đổi khi ông trở thành một tu sĩ, từ đó ông cảm nhận được sự xúc động và thương cảm đối với những cái chết.

Người phát ngôn viên của tư lệnh một đơn vị (Public Affair Officer), hay người phát ngôn viên cho một chính phủ hay quân đội cũng vậy, họ tường thuật về những cái chết với tấm lòng dửng dưng dù đó là bên ta hay bên địch: “bên ta thiệt hại không đáng kể”, “phía địch để lại 54 xác chết”.

Ðối với một trận đánh, hai ba cái chết thật có phải là không đáng cho chúng ta phải quan tâm, dù đó cũng là máu và nước mắt. Họ không cần biết tên, cấp bậc, tuổi tác của người lính, gia cảnh, chết như thế nào, trong trường hợp ra sao. Có tướng lãnh nào nhớ lấy tên một người lính mới nằm xuống trong hàng trăm người chết trong trận chiến để cho ông được đeo thêm sao. Trong một trận chiến dùng biển người, tướng điều binh đã coi con người như gỗ đá vô tri, miễn sao ngăn chặn hay tràn ngập được một trận tuyến, chỉ cần kết quả, còn mọi phương tiện đều tốt.

Chuyện xưa nay: “Nhất tướng công thành vạn cốt khô”. Cũng có khi người chỉ huy ngoài chiến trường không tiên liệu được sự nguy hiểm đến với binh sĩ của mình, đành chiến đấu là phải hy sinh, nhưng có nhiều cái chết không cần thiết. Tôi biết trong một trận chiến, một bán tiểu đội đã được trao nhiệm vụ cắm cờ trong khi mục tiêu chưa được thanh toán, kết quả là những người lính ở trong tầm đạn địch và bị hy sinh rất oan uổng.

Trong trận Khe Sanh 1968, áp dụng chiến thuật biển người Ðiện Biên Phủ, Võ Nguyên Giáp đưa ba sư đoàn vây Khe Sanh, chết vì bom đạn Mỹ hai, chỉ còn đem về một sư đoàn (trừ).

Trong trận chiến cố chiếm cổ thành Quảng Trị, Bắc Việt đã lùa qua sông Thạch Hãn hằng trăm tiểu đoàn.

Tướng Giáp kể

 “Cứ 5 giờ 30 phút chiều, một đại đội ta lặng lẽ bơi sang sông Thạch Hãn để đánh vỗ mặt Cổ Thành… 8 giờ 30 phút bơi trở về, chỉ còn 5, 7 người. Như vậy trung bình mỗi ngày ta tiêu hao một đại đội chủ lực (135 người) và 60 ngày đêm tấn công thành cổ, ta mất gần một vạn người (một sư đoàn (!),chỉ riêng cho việc bơi qua sông đánh vỗ mặt Cổ Thành!) (TKTT)

“Tết năm 1968, ngay sau khi trung đoàn được thành lập ở miền Bắc, một tháng sau trung đoàn này có mặt tại Quảng Trị. Từ đấy cho đến năm 1972, Quảng Trị đã trở thành chiến trường của trung đoàn 27, và ở đây, họ mang một cái tên mới: trung đoàn Triệu Hải… Phải đến bây giờ, chúng ta mới được nghe cả một trung đoàn vào giữ Thành Cổ, lúc rút ra còn chưa đến một tiểu đội. (Tuổi Trẻ 16 Tháng Bảy 1998)

Từ thời chiến tranh chống Pháp, Cộng Sản Việt Nam ta vẫn theo chiến thuật biển người của Trung Quốc vĩ đại “Hễ ta chết mười mà địch chết một là coi như ta chiến thắng”. Qua chiến tranh chống Mỹ, Việt Cộng vẫn theo chỉ tiêu đó. “Cứ một tên Mỹ hay ngụy bị tiêu diệt mà ta mất mười chiến sĩ là được biểu dương”.

Lê Duẩn khoe đã từng nói thẳng với Trung Cộng: “Chúng tôi đã hi sinh 10 triệu người rồi, nếu Trung Quốc chi viện cho chúng tôi thì chúng tôi thắng Mỹ với những hi sinh thấp hơn, còn như Trung Quốc không chi viện, chúng tôi dù phải hi sinh vài triệu người nữa, chúng tôi vẫn thắng Mỹ”.

Như thế, trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, Cộng Sản đã đẩy trên mười triệu người dân ngây thơ, vô tội (ngây thơ, vô tội vì đinh ninh mình mang nhiệm vụ đi giải phóng miền Nam). Có người nói rằng muốn biết con số đó khủng khiếp đến bực nào thì thử đem con số 10 triệu xác “lính cụ Hồ” chia đều cho chiều dài của đường mòn Hồ Chí Minh, mỗi cây số sẽ có bao nhiêu xác bộ đội nhân dân anh hùng: mười nghìn (10,000) xác bộ đội trên một cây số đường mòn Hồ Chí Minh, tính ra mỗi thước đường có mười xác chết.

Hà Nội chưa bao giờ công bố số quân Bắc Việt tử vong tại Huế Tết Mậu Thân, tuy nhiên một bài thơ của Chế Lan Viên đã viết:
“Hai ngàn quân tràn xuống đồng bằng
Chỉ ba mươi người trở lại…”

Trần Văn Trà tự thú nhận: “Có những đơn vị tham chiến mà không ai sống sót trở về.” (bài viết năm 1993)

Sau mỗi xác chết của một người lính bên này hay bên kia là cha mẹ, là vợ con, là anh em, là họ hàng, là những vành khăn tang, nhưng khổ đau, tiếc nuối và thương nhớ. Ở miềnNam mỗi lần có người tử trận, cảnh tượng khi quan tài đưa về thành phố hay trong trại gia binh, tuy được tiếng là “nghĩa tử, nghĩa tận” nhưng đã gây xáo trộn và tổn thất tâm lý trong quần chúng. Trái lại trong cuộc chiến “xẻ dọc Trường Sơn” bộ đội Việt Cộng chết đâu bỏ đó, thương binh còn cho nằm chết tại chỗ, lấy đâu phương tiện mà đưa xác binh lính về. Trên những bàn thờ nhà người dân miền Bắc, bên cạnh ảnh bác Hồ là bằng liệt sĩ treo đỏ trên vách.

10 triệu cũng chỉ là một con số.

160,000 người lính VNCH, 56,000 người lính Mỹ chết cho miền Nam. 4,351 người lính Mỹ chết ở Iraq. 883 chết ở chiến trường Afghanistan (1). Bây giờ cần thêm 40,000 quân tăng viện cho chiến trường Afghanistan. Cũng chỉ là con số.

Có những người chết có tên tuổi, nhưng cũng có những người lính vùi thây, tan nát không tên không tuổi. Ðó là những cái chết vô danh, anh hùng vô danh, chiến sĩ vô danh và chúng ta có biết bao nhiêu nấm mồ vô danh.

Những người lính chết cho ai?

Chiến tranh được định nghĩa như một cuộc tranh giành hơn thua, xung đột vũ trang vì quyền lực, chiếm đoạt lãnh thổ, áp đặt chủ nghĩa hay để trả thù, rửa hận. Nhiều nhóm người và dân tộc đã nhân danh nhiều thứ như tự do, độc lập, giải phóng… để mở cuộc chiến tranh. Dù với nhân danh nào, mục đích nào, giải phóng, áp đặt hay tự vệ hay bảo toàn lãnh thổ thì chiến tranh cũng đem lại chết chóc, tang tóc cho cả hai bên. Chúng ta đã thấy hàng trăm nghìn bia mộ, những vành khăn tang của cô nhi quả phụ, những nạng chống, những chiếc xe lăn của người thương tật, cùng với xóm làng điêu tàn, và những hậu quả để lại cho đời sống cả chục năm sau trên mặt địa cầu cũng như những dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn con người.

Người lính tận tụy, thi hành lệnh của cấp chỉ huy. Người lính không biết gì xẩy ra trong phòng hành quân, người lính không biết những chuyện gì được bàn luận trong phòng họp kín, người lính không biết gì về những âm mưu, những thế lực chính trị trong bóng tối. Người lính chỉ biết lao về phía trước, và để lại sau lưng vợ góa, con mồ côi.

Những tượng đài được dựng lên, những vần thơ ca ngợi, những bài hát viết về người lính chỉ nói đến anh hùng, can đảm, hy sinh, nhưng phần thiệt thòi khổ đau, ai tạc tượng. Chế Lan Viên cuối đời cũng cảm thấy xấu hổ:
“Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời -Tôi ú ớ.
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong -Mà tôi xấu hổ”.

Vì:
“Nếu tôi chết, tốt hơn đừng chết
Ai sẽ phục sinh em trong những tối không chồng”
(Hoàng Nhuận Cầm)
_________________________
(1) Ðây không phải là một tài liệu nghiên cứu, nên những con số này chỉ là phỏng định dựa theo tin tức báo chí…



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét