4-01-2013
(trích từ "Biểu tình chống Trung Quốc tại sao lại không nên?")
Hình bên: Một người dân cầm poster phản đối
Trung Quốc trong cuộc biểu tình hôm 08/7/2012 tại Hà Nội. AFP photo
Các giới chức cao cấp Việt Nam viếng thăm Bắc Kinh, trong đó
có Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cứ mỗi lần về lại Hà Nội thì chừng như đều
tuyên bố một văn bản như nhau: ca tụng chính sách hòa hiếu của hai đảng mà họ vừa
ký kết với Bắc kinh. Nhưng đồng thời chỉ sau đó vài ngày, ngư dân Việt Nam bị bắt,
bị tịch thu tài sản lại xảy ra.
Sự thật của hai chữ hòa hiếu được lập lại trong ngày đầu năm 2013: ngay sau khi bài báo trả lời của Tướng
Nguyễn Chí Vịnh được phổ biến, Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc loan báo đưa
hai tàu hải giám 75 và 84 có sự hỗ trợ của máy bay trinh sát tới tuần tra gần
ngay Vịnh Bắc Bộ, tại khu vực mà tháng trước Việt Nam tố cáo Trung Quốc làm đứt
cáp tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 02.
Những sự thật đắng chát này phủ
nhận hoàn toàn chính sách nhịn nhục mà ông Vịnh tuyên bố với báo chí như một
người phát ngôn chính thức của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Không phải bây giờ ông Vịnh mới
chứng tỏ mình là người được quyền phát ngôn, nhưng từ nhiều lần công du Trung
Quốc trước đây ông đã tuyên bố như vậy và lâu dần, báo chí Việt Nam hình như mặc
nhiên công nhận tính chính danh của ông trong những phát ngôn này.
Giáo sư Ngô Đức Thọ nhận định việc
phát ngôn của ông thứ trưởng quốc phòng như sau:
Vai trò của ông Nguyễn Chí Vịnh
càng ngày càng rõ ra. Ông ấy hầu như được giao trách nhiệm phát ngôn đối ngoại,
mà đặc điểm này thì hơi lạ của chính quyền hiện nay. Vai trò ông ấy gần
như kiêm luôn Bộ trưởng Ngoại giao. Từ ngày có câu chuyện với Trung Quốc thì vai
trò Bộ trưởng Ngoại giao gần như là vắng bóng, mờ bóng.
Tiếng nói của ông Vịnh lần này đối
với phía Đảng Cộng sản Việt Nam coi như đại diện. Công việc của ông ấy bấy lâu
nay được phân công theo dõi hẳn những quan hệ Việt Nam-Trung Quốc, Việt Nam-Hoa
Kỳ. Đi đối thoại quốc phòng Việt Mỹ cũng là ông ấy.
Thạc sĩ Đào Tiến Thi nhận xét việc
phát ngôn này như một sự tiếm danh và rất bất thường trong hệ thống chính trị của
một nước, ông nói:
Ông Nguyễn Chí Vịnh nói về biểu
tình nó còn gây bức xúc ở chỗ nó vượt quá cái quyền hạn làm như mình là đại diện
của quốc gia để nói chuyện với Trung Quốc về những vấn đề này. Những vấn đề thuộc
về chính trị, thuộc về ngoại giao rõ ràng không phải thuộc thẩm quyền của một
ông tướng, một Thứ trưởng Quốc phòng như vậy.
Việc ông nói đáng lẽ là việc của
Bộ trưởng Quốc phòng. Có những việc phải là nguyên thủ quốc gia là Chủ tịch nước
hay Thủ tướng mới có quyền nói. Nhưng ông ấy nói như là đại diện của dân tộc Việt
Nam thì không được.
Những trái khuấy ấy liên tục xảy
ra khiến dư luận không thể tránh khỏi những đồn đoán rất xấu cho chính quyền. Mỗi
ngày lời đồn thêm cao, mỗi ngày bức xúc càng nhiều và hố sâu giữa chính quyền
và người dân càng lan nhanh. Sự uất ức Trung Quốc cộng với cách hành xử của
chính quyền càng làm mồi lửa biểu tình chống Trung Quốc có lý do bùng lên.
Hành động đàn áp mạnh mẽ của
chính quyền tuy thành công bề mặt nhưng phía sau nó là những tiềm ẩn khó đối
phó hơn khi người dân tiếp cận được với thông tin dân chủ và cảm thấy biểu tình
là quyền, là ý thức của dân chúng trước mọi vấn đề đang xảy ra trong đời sống
xã hội, quốc gia nhất là vấn đề ấy liên quan đến vận mệnh đất nước.
Bao nhiêu năm đã qua với bao đời
Tổng bí thư, chưa thấy ai có viễn kiến đối phó với làn sóng đỏ tràn xuống Biển
Đông. Vòng quay hòa hiếu tiếp nối sau mỗi nhiệm kỳ và người dân lại tiếp tục sống
trong im lặng.
Nhà nước tận dụng sự im lặng ấy
và không khó nhận ra Trung Quốc rất đồng tình cùng với Hà Nội. Kẻ mất trắng vẫn
là người dân và không ai hướng dẫn cho một số rất đông dân chúng thấy rằng sự
im lặng không thể là giải pháp.
Vậy thì tại sao không chọn biểu
tình như một phương pháp đánh động sự chú ý của dư luận thế giới? Câu hỏi này
có lẽ còn rất lâu mới được giải mã.
RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét