1-12-2012
Ngày 30/11/2012 Tòa án huyện Văn Giang, Hưng Yên xét xử vụ
côn đồ đánh người dân xã Xuân Quan, Văn Giang thành thương tích. Một số tờ báo "chính
thống" như Tuổi Trẻ, Người Lao Động đã cử phóng viên đến dự và tường
thuật trực tiếp phiên tòa trên trang báo điện tử.
Các trang mạng tự do, thường
được gọi là báo "lề trái", như thường lệ, rất tích cực tham gia
phản ánh sự kiện, tường thuật trực tiếp trên mạng. Tuy nhiên, tờ báo được nhiều
người trông chờ là báo Người Cao Tuổi thì lại không có tin, bài phản ánh, bình
luận về vụ án này. Vì sao vậy?
Dù cho báo chí phản ánh, những người thực hiện dự án Ecopark
vẫn không dừng lại, có lẽ do đằng sau họ là một "nhóm lợi ích" lớn
nhất đất nước. UBND huyện Văn Giang ra quyết định cưỡng chế vào ngày 24/4/2012,
tin này truyền đi đã thu hút nhiều người quan tâm đến Văn Giang. Thực sự Văn
Giang đã thành điểm nóng trong dư luận. Đêm trước cuộc cưỡng chế, nhiều nhà báo
đã đến Văn Giang, trong đó có những người đã trải qua "đêm trắng" cùng
với nhân dân trên cánh đồng sắp bị cưỡng chế vào ngày hôm sau.
Ngày 24/4, lực
lượng cưỡng chế hùng hậu hơn 3000 người ập vào Văn Giang, thực hiện cuộc cưỡng
chế có lẽ là kinh hoàng nhất trong lịch sử tồn tại của nhà nước Cộng
hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thời kỳ này. Các nhà báo ở đủ các lề đã đến chứng
kiến cuộc cưỡng chế. Báo Người Cao Tuổi cử một nhóm phóng viên đến hiện trường.
Buổi trưa, khi trở về nhóm phóng viên có bài đưa nhanh lên trang điện tử của
báo Người Cao Tuổi. Bài
báo khẳng định việc cưỡng chế tại Văn Giang là hoàn toàn trái luật. Báo chí
nước ngoài nhanh chóng đưa tin về vụ cưỡng chế ở Văn Giang. Trang BBC bình luận:
Người Cao Tuổi là tờ báo duy nhất phát hành trong nước dám thách thức pháp luật
với dự án ở Văn Giang. Tuy nhiên, đến tối thì bài báo này bị gỡ khỏi trang điện
tử. Cũng từ lúc này, các báo nhà nước đều không đề cập đến vụ Văn Giang nữa.
Câu chuyện hậu trường về số phận bài báo như sau: Sau khi
trang điện tử Báo Người Cao Tuổi đăng bài, Cục Quản lý báo chí (Bộ Thông tin
truyền thông) gọi điện cho Tổng biên tập đề nghị gỡ bài xuống. Tổng biên tập chấp
hành yêu cầu gỡ bài, đồng thời gọi điện đến cho tác giả chính, giao nhiệm vụ
ngày hôm sau gửi báo cáo về vụ Văn Giang.
Ngày hôm sau, tham khảo đầy đủ ý kiến
của cả nhóm, tác giả chính của bài báo gửi cho Tổng biên tập báo cáo về vụ Văn
Giang. Chừng như chưa hoàn toàn yên tâm về nhận định của nhóm điều tra, Tổng
biên tập vẫn ưu tư: Các anh có chắc rằng đã viết đúng hay không? Lần này thế
nào Chính phủ cũng hỏi ý kiến anh Đặng Hùng Võ, mà anh Võ là chuyên gia về pháp
luật đất đai, chắc chắn Chính phủ phải tin anh ấy hơn chúng ta.
Nhóm điều tra một
lần nữa khẳng định: Báo viết đúng pháp luật, ý kiến của cựu Thứ trưởng Bộ Tài
nguyên môi trường trả lời báo chí nước ngoài là sai! Tổng biên tập tiếp tục giao
nhiệm vụ cho nhóm điều tra: Viết một bài độ dài khoảng 2 kỳ để Tổng biên tâp gửi
cho Chủ tịch Hội Người Cao Tuổi Cù Thị Hậu đọc, bài này sẽ không đăng báo,
nhưng để chủ tịch biết vấn đề, có thể trả lời đại biểu Quốc hội khi bị chất vấn.
Nhóm điều tra đã gửi bài báo dài 2 kỳ, tổng độ dài chừng 2500 chữ cho Tổng biên
tập nghiên cứu.
Câu chuyện tiếp sau đó là nhân dân Văn Giang nhờ văn phòng
luật sư Trần Vũ Hải bảo vệ. Trong cuộc đối thoại với nhân dân Văn Giang, cựu Thứ
trưởng Đặng Hùng Võ đã thừa nhận sai lầm khi ký dự án Văn Giang. Điều này chứng
minh các bài báo viết về dự án ở Văn Giang đăng trên báo Người Cao Tuổi của
nhóm điều tra là hoàn toàn đúng pháp luật.
Nhưng có một câu chuyện không vui đến
với nhóm điều tra: Tác giả chính của bài báo bị Tổng biên tập chấm dứt hợp đồng.
Ngày 30/11/2012, nhiều nhà báo ở các tòa soạn khác nhau đã có mặt ở Tòa án huyện
Văn Giang theo dõi phiên tòa.
Trong cuộc trò chuyện giao lưu, một số nhà báo đã
được nghe tác giả chính của bài báo tâm sự về nỗi "đoạn trường" khi
viết điều tra. Vụ khiếu nại dự án Văn Giang chưa đi đến đích cuối cùng, mặc dù
đã đạt được những bước đi quan trọng, khi dự án đã bị chính người "đỡ
đẻ" cho nó khẳng định là trái pháp luật. Trong kết quả chung này, có
đóng góp của các nhà báo chính trực. Nhưng tổn thất của các nhà báo thì cũng rất
lớn.
Nhà báo ở VOV bị đánh suýt chết, nói theo nghĩa đen. Nhóm điều tra ở báo
Người Cao Tuổi bị trả giá đắt, tất nhiên, vụ việc ở Văn Giang không phải là
nguyên nhân quyết định mà chỉ là một phần nguyên nhân dẫn đến việc này. Đối với
báo Người Cao Tuổi, công luận luôn nhớ rằng đây là tờ báo đã đóng góp phần quan
trọng đấu tranh chống tiêu cực mấy năm qua. Người Cao Tuổi đã từng là tờ báo đứng
ngay trên mũi nhọn ở sự kiện Văn Giang.
Điều đáng tiếc đến nay nhóm điều tra vụ
việc Văn Giang không còn có mặt ở vị trí chiến đấu nữa. Đấy là nguyên nhân trực
tiếp dẫn đến việc báo Người Cao Tuổi không có bài về vụ xử án ở huyện Văn
Giang. Nhưng cuộc "chiến đấu" (lời bà Lê Hiền Đức) của nhân
dân Văn Giang không vì thế mà dừng lại.
Khi Người cao tuổi rút lui thì đã có những
tờ báo khác tiến lên chiếm lĩnh trận địa. Sự việc ở Văn Giang mỗi ngày một "nóng",
theo chiều hướng có lợi cho nhân dân Văn Giang. Nhân dân Văn Giang đang tiếp tục
cung cấp nhiều tài liệu cho các nhà báo, chắc chắn trong thời gian tới báo chí
sẽ có nhiều bài đưa ra công luận sự việc tiêu cực ở Văn Giang, làm lộ rõ bộ mặt
bẩn thỉu của"nhóm lợi ích" lớn nhất đang đứng trong bóng tối.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét