Hiệu Minh
4-12-2012Trương Đình Anh |
Có lẽ vào giờ phút này thì Trương
Đình Anh đã về với 4 cậu con trai cùng tên là Anh để chơi với chúng
hơn là tiếc nuối FPT. Anh định thay đổi FPT nhưng không như mong đợi, thế là từ
chức CEO vì danh dự.
Nhưng không hiểu giấc mơ làm Thủ
tướng năm 40 tuổi của anh có còn không.
Năm 1997, Trương Đình Anh nổi tiếng
khắp nước khi tuyên bố: “Ước mơ của tôi là trở thành tỷ phú năm 35 tuổi và trở
thành Thủ tướng năm 40 tuổi”.
Anh sinh năm 1970, cháu của anh
Trương Gia Bình, người sáng lập FPT. Có nghĩa năm ra tuyên bố là 27 tuổi, và
bây giờ anh đã 42 tuổi và sắp sang tuổi 43.
Nhưng nửa phần kia có vẻ khó thực
hiện trong thời điểm hiện tại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nghe lời Đảng và không
có ý định từ chức như kỳ họp Quốc hội gần đây khi ông thẳng thừng bác bỏ yêu cầu
của ĐB Dương Trung Quốc.
Giấc mơ Thủ tướng của Trương Đình
Anh càng trở nên xa vời, dù gần đây, anh
thổ lộ “Bây giờ, tôi thấy sống cuộc đời của nhà buôn sung sướng hơn.
Làm Thủ tướng… mệt lắm”
Người ta bảo, có mấy loại người
không nên tin, trong đó có lái buôn, nhất là lái buôn IT. Đám người có trí
thông minh siêu đẳng, nhưng lại dùng cho những công việc mờ ám, thì đáng ngại
vô cùng.
Làm Thủ tướng như đồng chí X thì
đúng là…mệt thật. Phải là người mà Chủ tịch nước không dám nhắc tên, TBT cũng
chỉ nói “có một đồng chí trong BCT”.
Trung tâm Internet năm xưa từ chỗ
chỉ có 100 triệu đồng doanh thu năm đầu tiên, giờ đã trở thành FPT Telecom với
mục tiêu đạt 100 triệu USD doanh thu vào năm 2008.
Trương Đình Anh thuộc típ người
không biết sợ ai, “chó cứ sủa, đoàn người cứ đi” như anh nói. Tuyên bố như thế
là rất bình thường ở một người điếc với thế giới thực bởi đam mê online, lấy vợ
online và có lẽ chờ vợ đẻ cũng online nốt. Giấc mơ làm Thủ tướng của anh là có
thật.
Thời FPT internet đóng trụ sở
trong cái villa trong khu Hạ Hồi với vài chục nhân viên, tôi đến để nhờ công ty
kết nối đường truyền quốc tế cho văn phòng.
Năm đó anh mới 26-27 tuổi chi đó,
rất trẻ, thế mà đã thét ra lửa. Có thể do anh học giỏi, con nhà vai vế, có chú
Trương Gia Bình là con rể của tướng Giáp, một ngôi sao sáng trên bầu trời nước
Việt. Miệng kẻ sang nói có gang có thép cũng phải thôi.
Tiếp tôi trong phòng Giám đốc FPT
Internet, anh đi thẳng vào vấn đề “Chuyện kết nối quá đơn giản về kỹ thuật. Giá
cả thì do phía anh thôi. Muốn giá nào cũng OK”.
Tôi choáng hoàn toàn vì phong
cách của một chàng trai trẻ mới ra trường, mạnh vì gạo, bạo vì tiền. Tự nhiên,
tôi không thấy tin công ty này nữa vì nghĩ bọn trẻ hay làm liều, không làm được
cứ hứa đại.
Tôi sang bên VTI – Công ty viễn
thông nhà nước cho chắc ăn. Thế nhưng tôi đã va vào đá. Phải mất hàng năm mới
ký nổi cái hợp đồng còm cõi hơn 100.000 USD/năm sau bao nhiêu phiền toái.
Mấy năm sau thấy FPT internet của
Trương Đình Anh lên báo suốt ngày. Viết những dòng này, tôi không tin là anh
còn nhớ buổi gặp lần đó nữa vì “thượng đế” đã bỏ đi.
Nhưng tôi chăm đọc báo và hay
theo dõi về anh. Đúng là anh không hứa liều như tôi tưởng và rất ý thức vì những
gì mình nói.
Có lần anh tâm sự “Điều tôi ưa
thích nhất là nhanh chóng thấy được ý tưởng và nỗ lực của mình đem lại những điều
có ý nghĩa trong cuộc sống. Là một nhà kinh tế, những ý tưởng chỉ có thể
trở thành hiện thực khi bạn có trong tay một quốc gia. Là một nhà tin học, ý tưởng
của bạn chỉ cần 01 chiếc máy tính PC. Tôi chọn tin học chính vì điều đó.
Điều tôi căm thù nhất là sự hời hợt,
lẫn lộn, khó đánh giá. Chính vì vậy tôi ngại nhất là rửa bát và giặt quần áo –
chúng ta rất khó chắc chắn là bát hoặc quần áo đã đủ sạch hay chưa.”
Tôi rất tâm đắc với phần “ưa
thích”, nhất là cách anh chọn tin học. Thành công thực sự vì anh hiểu tường tận
đến từng byte, bít của chiếc PC giúp anh những ý tưởng thống trị thế giới ảo.
Hiểu thấu đáo việc mình làm thì thành công là phải thôi.
Nhưng phần “căm thù” lại mơ làm
Thủ tướng, chứng tỏ anh chẳng hiểu gì về cái thứ mà cánh IT thích logic nên
tránh xa, đó là “hời hợt, lẫn lộn, khó đánh giá” hay “tắm rửa mãi mà không biết
mình đã sạch hay chưa”. Dù anh có tố chất ban đầu chỉ dựa vào lý, tình không có
nghĩa gì hết.
Có cả một quốc gia trong tay chắc
gì người ta đã muốn dùng lý thuyết kinh tế kinh điển. Làm sao Trương Đình Anh
có thể dấn thân vào chính trường được, một nơi không phân biệt đâu là bẩn và sạch,
không nhất quán như Tin học. Mục đích cuối cùng mới là quan trọng.
Một con voi trong phòng khách mà
các nhà chính trị cũng không nhìn thấy. Tham nhũng cũng không thể định nghĩa nổi
thế nào cho chính xác. Vua cởi truồng mà đám quan dưới không ai mở mồm, vẫn
khen bộ quần áo đẹp quá.
Trong chính trường bẩn thỉu, 2 cộng
2 có thể là 3 hoặc là 5, không luôn là 4 như các nhà tin học vẫn tưởng. Bit 0
và 1 rất rõ ràng trong lập trình nhưng trong đời thường thì nó lẫn lộn, lúc 0 lại
là 1 và con số 1 lại là số zero, tùy vào quyền thế của kẻ nói.
Nghe nói anh đuổi quân FPT như
ngóe, kỷ luật lính vì tội không thực hiện đúng hợp đồng. Cánh dưới quyền làm
kém chửi anh thấu trời.
Nhưng làm Thủ tướng thì 8 năm
cũng không kỷ luật một ai. Vì trong vai Thủ tướng, Đảng là quan trọng nhất rồi
mới đến dân. Đảng bao giờ cũng đúng, chỉ có dân sai.
Nói như TBT
Nguyễn Phú Trọng tại sao không kỷ luật ai sau Hội nghị TƯ 6 vì phải
làm nhiều bước “…Thứ hai là cảnh báo nguy cơ đó. Thứ ba là răn đe. Thứ tư là
ngăn chặn. Vừa rồi đã răn đe chưa? Khối anh sợ chứ. Cuối cùng anh không sửa mới
là kỷ luật, xử lý”.
Thủ tục kỷ luật bên Đảng và Chính
phủ khó, lâu dài, gian khổ và tế nhị lắm, không giống cách anh đuổi quân ngay tắp
lự ở FPT Telecom.
Vì thế tôi viết mấy dòng này,
mong Trương Đình Anh đừng bao giờ nghĩ đến chức Thủ tướng nữa. Mảnh đất này
không dành cho anh. Anh có thể quay lại làm CEO FPT hay cao hơn là CIO cho quốc
gia, khi cần lại từ chức về với vợ con như anh đã từng làm vì lòng tự trọng.
Nhưng dứt khoát tôi không thích
anh là Trương Đình Xì (X) bởi một lý do đơn giản, Thủ tướng thì không có chuyện
từ chức.
HM. 2-12-2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét