Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




NHÂN ĐỌC BÀI “AI LÀ NGƯỜI ĐỔI MỚI THỰC?”

AI LÀ NGƯỜI ĐỔI MỚI THỰC ?
Hoàng Lại Giang 
25-11-2012

Đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng có tính quyết định trong tiến trình phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản VN. Nhưng ai là kiến trúc sư của đổi mới, ai là tổng công trình sư của đổi mới, cần được khẳng định để thế hệ mai sau tránh được nhầm lẫn đáng tiếc.

Tôi may mắn được sống trong thời kì đó và cũng may mắn được cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, ít nhất là 6 năm từ năm 2000 đến 2006 để thực hiện một bộ sách về ông và những người đồng thời với ông trong suốt chiều dài lịch sử từ khi ông sinh ra cho đến khi ông về nghỉ ở 16 Tú Xương, TPHCM.

Trong suốt 6 năm gần gũi ấy, tôi chưa một lần nghe ông nhắc đến Nguyễn Văn Linh là người đổi mới. Người đổi mới mà ông hay nhắc là tổng bí thư Trường Chinh. Ông nói: 

Anh Trường Chinh là người “rất cứng” nhưng cũng chính con người  ”rất cứng” này lại là nhà đổi mới mạnh mẽ nhất. Không có uy tín của ông, không có uy lực của ông, không có tài năng và sức thuyết phục của ông thì sẽ không có sự đổi mới. Chúng tôi hay gọi ông là “Kiến trúc sư đổi mới”. Còn tôi, tôi chỉ là người tiếp sức cho ông, là người thi công công trình đổi mới.
Tôi rất buồn là VTV1 sáng Chủ Nhật 25-11-2012 lại không nhắc gì đến nhà “Kiến trúc sư ” của đổi mới Trường Chinh mà lại nhắc đến ông Nguyễn Văn Linh.


Nguyễn Văn Linh có là nhà đổi mới hay không, đổi mới ở thời nào, phản đối mới ở thời nào, tôi sẽ xin nói ở một bài khác với những cơ sở dữ liệu mà tôi có.

Trên đây là ý kiến nhỏ của tôi, có gì xin lắng nghe và trao đổi thêm cùng các bạn.

25-11-2012
HLG


*******************

NHÂN ĐỌC BÀI “AI LÀ NGƯỜI ĐỔI MỚI THỰC?”

Võ Văn Tạo
27-11-2012

Trong bài viết “Ai là người đổi mới thực?” *, ông Hoàng Lại Giang khẳng định Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh không phải kiến trúc sư trưởng của đổi mới, mà là Tổng Bí thư Trường Chinh. 

Ông Giang minh chứng bằng nhận định của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Người viết bài này muốn làm rõ thêm đôi điều.

Một thời gian dài trước đây, tôi cũng tin như ông Hoàng Lại Giang. Do trước đây tôi rất sửng sốt khi đọc bài báo dài và quan trọng “Bài học giương cao 4 ngọn cờ” đăng trên trang nhất báo Nhân Dân (ký tên Trường Chinh) trước khi ĐCSVN chính thức chủ trương đổi mới tư duy ở Đại hội 6 cách nay hơn ¼ thế kỷ. 

Trong bài báo đó, tôi thực sự ấn tượng trước những luận điểm táo bạo, sắc sảo và thuyết phục như: “Khi Đảng ta chủ trương phát triển mạnh đồng thời nhiều thành phần kinh tế, nhiều đảng viên, cán bộ cao cấp lo ngại kinh tế ngoài quốc doanh sẽ hút chất xám, vật tư, kỹ thuật khỏi kinh tế quốc doanh. Lo ngại như vậy, chẳng lẽ chúng ta phải kìm hãm sản xuất lại hay sao?”, hoặc “Có được đường lối, chủ trương tưởng chừng tiến bộ, đúng đắn rồi, nhưng nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa theo kịp thì phải điều chỉnh chủ trương, chính sách cho phù hợp với nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân thì chủ trương, chính sách mới đi vào thực tiễn, có hiệu quả”.

Tôi thật sự bất ngờ: Trường Chinh, cả đời “khét tiếng nguyên tắc và giáo điều”, lại xuất thần có được tư duy sáng suốt, thức thời và thực tế ấy lúc cuối đời, đúng thời điểm cần thiết nhất: đường lối sai lầm của Đảng đang dẫn nền kinh tế xã hội đất nước đến đáy khủng hoảng. Để đánh giá được ý nghĩa của đổi mới, phải liên hệ với tình hình tệ hại của Cuba, Triều Tiên hiện nay, và thậm chí cả tư tưởng đang ngự trị trong lãnh đạo ĐCSVN đương thời: “kinh tế nhà nước là nòng cốt” (bất chấp Vinashin, Vinalines, Vina…) và “chủ trương, chính sách của Đảng bao giờ cũng đúng đắn” (bất chấp cải cách ruộng đất, ngăn sông cấm chợ, hợp tác hóa nông nghiệp ồ ạt, đánh tư sản, thu hồi đất và Tiên Lãng, Văn Giang…).

Trở lại vai trò của Trường Chinh đối với đổi mới. Mãi cách nay gần chục năm, tình cờ qua một vị lão thành cách mạng có con làm trong lực lượng an ninh chuyên bảo vệ cán bộ cao cấp, tôi mới biết bài báo có tính chất tạo bước ngoặt về đường lối trên không phải do Trường Chinh chấp bút, mà chỉ là người duyệt và đứng tên tác giả. Người chấp bút là ông Đặng Quốc Bảo, anh em thúc bá với Trường Chinh (Đặng Xuân Khu). Để được đăng trên trang nhất báo Nhân Dân, với tính chất “lót ổ” cho thay đổi 180 độ về tư duy, phải có cái tên Trường Chinh – Tổng Bí thư “bảo kê”. Dù sao, chỉ là đứng tên nhưng Trường Chinh cũng có công rất lớn. 

Sắc sảo và nghiêm khắc, dù tuổi già nua kề miệng lỗ, Trường Chinh vẫn đủ cái uy để thuyết phục và buộc hàng trăm cán bộ cao cấp nhất tuân thủ chủ trương đổi mới, mặc dù tuyệt đại đa số họ não trạng rỗng tuếch, hầu hết còn nhiễm độc rất nặng nếp tư duy cực kỳ phản khoa học và vô cùng tệ hại thời bao cấp. Để thấy được ý nghĩa của điều này, xin hãy so sánh với Hội nghị Trung ương VI vừa qua: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bộc lộ sự bất lực rõ ràng trong chủ trương kỷ luật “đồng chí X”(!).

Nhưng trước khi có được bài báo trên, Đặng Quốc Bảo không dễ lay chuyển Trường Chinh. Hai anh em từng tranh luận tại nhà riêng Trường Chinh, thậm chí có lần đập bàn nảy lửa. Đến mức, điên tiết, Đặng Quốc Bảo sổ toẹt: “Anh không ra đường mà nghe dân chúng mỉa mai  – cái chế độ này không đáng Ba – Đồng – Chinh!” (Ba Duẩn, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh). 

Xuất thân nhà binh, không dễ tướng – ủy viên trung ương đảng Đặng Quốc Bảo có được tư duy kinh tế chính trị độc lập. Nhưng tâm huyết, bén nhạy và thực tiễn, lại có may mắn tiếp xúc thực tế ở TP HCM trong những năm tháng cùng kiệt nhất trước đổi mới, ông nhận ra: chính những hiện tượng “xé rào” dưới sự “bảo kê” của Võ Văn Kiệt đã cứu kinh tế TP HCM và cả nước. 

Trước khi “chịu” đứng tên tác giả bài báo, Trường Chinh đồng ý đi thực tế TP HCM theo gợi ý của Đặng Quốc Bảo. Không như đà điểu – chỉ biết rúc đầu trong cát bỏng, Trường Chinh phục thiện trước thực tiễn năng động của TP HCM. Và “lý thuyết gia” Trường Chinh đã biết cách đưa nó thành chủ trương, đường lối. Dĩ nhiên, với cương vị cao nhất – Tổng Bí thư, Trường Chinh có vai trò to lớn trong đổi mới. Tuy nhiên, trong đổi mới, “ẩn sĩ” Đặng Quốc Bảo được nhiều người trong cuộc đánh giá có vai trò gần như Nguyễn Trãi bên cạnh Lê Lợi trong kháng chiến chống giặc Minh. Tất nhiên, không thể không nhìn nhận vai trò của thực tiễn – điểm xuất phát của mọi lý thuyết đúng đúng đắn, nhờ bản lĩnh hiếm có Võ Văn Kiệt trong điều hành chính quyền TP HCM. Trước đó, phải nhắc đến Ngô Kim Ngọc “cả gan” khoán ruộng.

Thừa hưởng di sản của Trường Chinh, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh được dư luận một thời lầm lẫn coi như kiến súc sư trưởng của đổi mới. Tuy nhiên, để hiểu thật sự về ông, không ai bằng các văn nghệ sĩ chân chính và dũng cảm – những người từng hào hứng nghe ông truyên bố “cởi trói”, rồi lại bị chính ông quay ngoắt 180 độ, liệt ngay vào đối tượng “nguy hiểm” và thanh trừng. Nguyên Ngọc là một trong những “tiền đạo việt vị” trong tình huống ấy.

Đến thời CNXH ở Liên Xô và Đông Âu suy sụp và đi đến tan rã, đất nước đứng trước cơ hội tiến đến dân chủ tiến bộ và cường thịnh như mọi quốc gia văn minh, chính Nguyễn Văn Linh, trong vai trò cao nhất Tổng Bí thư, đã dấm dúi chủ động thu xếp ngả vào vòng tay Bắc Kinh, dẫn đầu đoàn cấp cao VN đi đêm một cách tủi hổ với tập đoàn độc tài bành trướng khát máu Bắc Kinh ở cái Hội nghị ô nhục “Thành Đô” (9-1990), mà nhiều trí thức đặt cho cái tên “người mở ra thời kỳ Bắc thuộc mới”.

Khi bàn về chủ trương đổi mới như trên, chúng ta mới chỉ giới hạn trong phạm vi thực tiễn lịch sử đã diễn ra. Thực chất, đổi mới chỉ là việc ĐCSVN thức tỉnh một điều rằng chủ trương gò ép một nền kinh tế duy ý chí, tập trung, chỉ huy, bao cấp là sai lầm chết người, trói buộc nền kinh tế xã hội của đất nước trong vòng ngắc ngoải, không cho nó vận động phát triển tự nhiên, phát triển khỏe mạnh như hầu hết các quốc gia văn minh. Kinh tế thị trường, với “bàn tay vô hình” của nó, luôn biết cách tự điều chỉnh sao cho hiệu quả nhất. Nhà nước càng ít can thiệp càng tốt, các lý thuyết gia kinh tế lừng danh đã đúc kết chân lý kinh điển ấy từ đời tám hoánh nào rồi. Không tin, cứ hỏi các sinh viên kinh tế đang mài đũng quần trên ghế giảng đường.

V.V.T

Mời xem thêm:
155. Quan hệ Việt – Trung: Thực tế bẽ bàng hơn nhiều. “Nguyễn Văn Linh, người có công lớn trong cuộc “chiến tranh giải phóng miền Nam” bị loại khỏi bộ chính trị vì lập trường thân Trung Quốc”;
127. NHẬT KÍ LÝ BẰNG TIẾT LỘ ĐẦU ĐUÔI CHUYỆN BÌNH THƯỜNG HÓA QUAN HỆ TRUNG-VIỆT NĂM 1990. “Qua đường liên lạc bí mật giữa hai bên Trung-Việt, từ 3 – 4.9.1990, Nguyễn Văn Linh đi cùng Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam Đỗ Mười, cùng với lãnh đạo Trung Quốc tổ chức cuộc gặp mặt ở Thành Đô, sự kiện này trở thành bước ngoặt trong việc bình thường hóa quan hệ Trung-Việt.” “Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã gặp đại sứ Trương Đức Duy tại Bộ quốc phòng Việt Nam. Nguyễn [Văn Linh] hi vọng thực hiện bình thường hóa được mối quan hệ giữa hai nước, hai đảng, đồng thời mong sớm được sang thăm Trung Quốc.”

Nguồn: Vietsuky


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét