13-12-2012
Ở thư khố của Trung tâm Việt Nam thuộc trường Texas Tech
University, tôi thích nhất là kho tư liệu tịch thu được từ chiến trường
(captured document).
Nhiều vô cùng.
Có cả hàng triệu hồ sơ khác nhau. Mỗi hồ sơ
có thể chỉ chứa một hay vài trang giấy viết tay hoặc cả nguyên cả một cuốn sách
vốn là tài liệu học tập in thạch bản nhem nhuốc. Không có thì giờ để đọc hết,
tôi chỉ yêu cầu nhân viên thư khố mang đến cho tôi một ít, tổng cộng 12 hộp, mỗi
hộp có khoảng 5,7 chục hồ sơ khác nhau. Tôi đọc từng hồ sơ, từng hồ sơ. Say
sưa.
Thật ra, tôi cũng cũng chả có lý do gì cụ thể để đọc những hồ sơ như thế. Tôi
không có ý định viết về chiến tranh Việt Nam. Liên quan đến chiến tranh, tôi chỉ
quan tâm đến một khía cạnh: văn hóa. Văn hóa chiến tranh. Theo tôi, cho đến
nay, đã có vô số người viết về chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là người Mỹ, tuy
nhiên, hầu hết, nếu không nói là tất cả, đều chỉ tập trung vào các khía cạnh lịch
sử, chính trị, kinh tế và quân sự. Chưa ai phân tích nền tảng văn hóa đằng sau
cuộc chiến ấy, những yếu tố chi phối, nếu không muốn nói là quyết định, cách
nhìn, cách nghĩ, cách cảm và cách hành xử của con người; những bảng giá trị từ
đó, người ta phân biệt bạn và thù, tốt và xấu, những điều nên làm và không nên
làm, v.v. Nhưng để tìm hiểu điều đó, tôi đã có ý định chọn một góc hẹp và
tiêu biểu: văn học. Bởi vậy, thực tình mà nói, tôi không cần phải đọc các tài
liệu tịch thu từ chiến trường như vậy.
Tôi đọc, không phải vì nhu cầu, mà vì một sự thôi thúc nào đó từ tâm hồn.
Tôi lớn lên với chiến tranh. Sinh năm 1956, hai năm sau hiệp định Geneva, ngỡ
là hòa bình; nhưng ở quê tôi, một cái quận heo hút ở tỉnh Quảng Nam, nền hòa
bình ấy rất mong manh và ngắn ngủi. Chỉ mấy tháng sau khi chế độ Ngô Đình Diệm
sụp đổ, liên tiếp trong nhiều buổi tối, “quân giải phóng” về, gõ cửa nhà này
nhà kia, hoặc để tuyên truyền hoặc để bắt bớ một số người. Lúc ấy tôi mới 7 tuổi.
Ba mẹ tôi quyết định dời nhà ra Đà Nẵng. Từ đó, tuy chiến tranh mỗi ngày một khốc
liệt, tôi chỉ thấy chiến tranh từ xa. Từ tiếng pháo kích đâu đó, họa hoằn. Từ
những chiếc quan tài phủ quốc kỳ của một người hàng xóm bất hạnh. Từ các hình ảnh
trên ti vi và các bài tường thuật trên báo chí. Hết. Trước ngày 30 tháng 3, lúc
Đà Nẵng bị thất thủ, tôi chưa hề thấy… Việt Cộng.
Sau này, dạy về chiến tranh Việt Nam, tôi luôn luôn có cảm giác kiến thức của
mình là những gì rất mơ hồ và trừu tượng. Nó rất sách vở, trong khi, đáng lẽ, với
tư cách là một người Việt Nam, sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, nó phải là
máu thịt. Từ kinh nghiệm trực tiếp. Chính vì vậy, tôi muốn đến Thư khố của
Trung tâm Việt Nam, mân mê các tài liệu tịch thu được từ chiến trường, để có thể
hình dung được bộ mặt thật của chiến tranh. Để có thể tưởng tượng được: trong
chiến tranh, những người thuộc “phía bên kia” suy nghĩ và cảm xúc như thế nào,
ngoài những thứ tuyên truyền mà ai cũng biết.
Các tài liệu tôi đọc được, thượng vàng hạ cám, không phải thứ gì cũng quý. Nhiều
nhất là các tài liệu học tập chính trị sau này được xuất bản và bày bán ê hề
trong các hiệu sách. Sau đó là các bản báo cáo tình hình quân sự trong từng địa
phương; các chỉ thị về việc tổ chức một ngày lễ hay một chiến dịch nào đó; các
bản lý lịch của những người muốn xin vào đảng; các thư cám ơn gửi cho những người
đóng góp vào quỹ “ủng hộ Cách mạng”; các bức thư của một người cán bộ hay bộ đội
nào đó gửi cho người thân hoặc đồng đội, v.v.
Tôi cũng tò mò nhìn cả bản gốc cuốn nhật ký của Đặng Thùy Trâm vốn đã được xuất
bản ở Việt Nam và được dịch sang tiếng Anh và vài thứ tiếng khác. Cuốn sổ nhỏ,
chỉ gần bằng bàn tay của tôi, với chữ viết nhỏ xíu, chi chít, nét mực đã phai
trên nền giấy đã ố nên rất khó đọc. Tôi nghe nói, so với bản gốc này, bản in tại
Việt Nam đã được “biên tập” khá nhiều: nhiều đoạn bị cắt bỏ, nhiều chi tiết bị
thay đổi. Một lúc nào đó, nếu có ai chịu khó đối chiếu hai bản để tìm ra những
chỗ bị “biên tập” ấy, chắc sẽ phát hiện ra nhiều điều thú vị.
Với riêng tôi, tài liệu để lại nhiều ấn tượng nhất là một mẩu bản án được đánh
máy với nhiều chi tiết để trống của Giải phóng quân thị xã Tây Ninh vào năm
1965. Mẩu giấy bao gồm các chi tiết:
BẢN ÁN
Tên:…………………. Là……………….
Nối giáo cho giặc làm hại nhân dân và Cách-Mạng đã:.
…………………………………………
…………………………………………
…………………………………………
Xét vì tên………………..đã nhiều lần tranh-thủ kêu gọi không từ bò.
Để gỡ thế kèm kẹp giải-thoát cho đồng bào.
Nhân dân Thị-Xã quyết định lên án………………………….
Các lực-lượng đặc-biệt phối-hợp cùng nhân-dân mà thi-hành quyết-định.
Ngày………tháng……….năm 1965
Giải-Phóng Quân Thị-Xã T.N.
Đọc mẩu bán án đánh máy sẵn như vậy, thú thực, tôi lạnh cả người. Thấy rõ hơn
tính chất tàn khốc và tàn bạo của chiến tranh.
Cứ tưởng tượng, một người cán bộ hay bộ đội nào đó, nhét mẩu giấy ấy trong túi, chỉ cần ghét một người nào đó, bèn điền tên người ấy vào chỗ trống, rồi “bùm” một phát, một mạng người ngã gục, vợ con xúm vào gào khóc thảm thiết; sau đó, anh ta nộp tờ giấy ấy lên cấp trên. “Thành tích” của cách mạng lại dày thêm một tí. Với máu.
Cứ tưởng tượng, một người cán bộ hay bộ đội nào đó, nhét mẩu giấy ấy trong túi, chỉ cần ghét một người nào đó, bèn điền tên người ấy vào chỗ trống, rồi “bùm” một phát, một mạng người ngã gục, vợ con xúm vào gào khóc thảm thiết; sau đó, anh ta nộp tờ giấy ấy lên cấp trên. “Thành tích” của cách mạng lại dày thêm một tí. Với máu.
Ai cũng biết công việc gọi là “trừ gian” ấy thực chất là một hình thức khủng bố.
Đối tượng của sự khủng bố ấy không phải chỉ là những người làm việc trong guồng
máy chính quyền miền Nam mà, theo Anthony James Joes, một chuyên gia về chiến
tranh Việt Nam, còn bao gồm cả một số thành phần dân sự, từ bác sĩ, y tá đến
giáo viên và nhân viên xã hội, những người tương đối có trí thức và có ảnh hưởng
trong xã hội. Mục tiêu chính cộng sản nhắm tới không phải chỉ là trừng phạt mà
còn nhằm thu hút sự chú ý của dư luận, tạo không khí bất an và hoảng sợ trong
quần chúng, gây ấn tượng là chính quyền Sài Gòn không đủ sức để bảo vệ ai cả.
Theo Walter Laqueur, trong cuốn Guerrila, a Historical and Critical Study,
do Weidenfeld và Nicolson xuất bản tại London năm 1977, hình thức khủng bố ở
thành thị có vai trò quan trọng ở Việt Nam hơn bất cứ một cuộc chiến tranh du
kích nào khác ở châu Á, kể cả Trung Hoa (tr. 262 & 271).
Trong cuốn The War for South Vietnam 1954-1975 do Praeger xuất bản tại
New York năm 1989, Anthony James Joes tổng kết: Các cuộc khủng bố ấy đã “cướp
sinh mạng của 20% số viên chức làng xã ở miền Nam vào năm 1958. Chỉ riêng năm
1960, quân khủng bố đã giết 1.400 viên chức và dân sự. Đến năm 1965, toàn bộ số
dân sự bị giết chết lên đến 25.000 người.” (tr. 46).
Những ấn tượng kinh hoàng của mẩu bản án in sẵn ấy tương đối dịu bớt khi tôi đọc
một hồ sơ khác vốn là một cuốn sổ tay, thật nhỏ, cũng chi chít những hàng chữ
li ti. Tôi cố gắng đọc vài trang mới phát hiện đó là nguyên cả cuốnTruyện Kiều được
chép tay.
Kể cũng thú vị. Trên chiến trường, một người bộ đội nào đó đã bỏ công miệt mài
ngồi chép Truyện Kiều để thỉnh thoảng, những lúc rảnh, mở ra đọc; và
nếu hứng, lại ngâm nga những câu thơ ngọt ngào và óng ả của Nguyễn Du. Những
câu thơ lúc nào cũng ăm ắp cảm xúc.
Tôi chỉ thầm cầu mong cái người bộ độ từng bỏ công chép nguyên cuốnTruyện Kiều này
không hề sử dụng cái mẩu bản án để trống trên kia để giết chết ai cả.
VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét