Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




BIỂU TÌNH VÀ CÂU CHUYỆN ĐÀN ÁP MUÔN THUỞ

VietTuSaiGon
15-12-2012

Đừng mơ đến một lúc nào đó, nhà nước Cộng sản Việt Nam sẽ ủng hộ nhân dân biểu tình chống Trung Quốc.

Sở dĩ nói đàn áp biểu tình là câu chuyện muôn thưở của nhà cầm quyền Việt Nam tồn tại dựa trên ba căn tính: Biểu đồ lịch sử đảng Cộng sản; Mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa; Tính bảo thủ và độc tài cầm quyền Việt Nam. Ba căn tính này dựa trên lý do nào để cho rằng đó là cơ sở?

Và mối liên hệ giữa ba căn tính này với biểu tình? Thứ nhất, vấn đề biểu tình chống Trung Quốc là vấn đề lịch sử, tất cả mọi cuộc biểu tình kêu gọi lòng yêu nước, kêu gọi lương tri dân tộc, kêu gọi tỉnh thức tinh thần danh dự quốc gia đều là những dấu mốc lịch sử, nếu không nói đó là những mốc son khẳng định sự vững mạnh của những trí thức yêu nước và con đường cần phải đi của một dân tộc mà ở đó, yêu cầu về tinh thần độc lập, tự chủ, dân chủ và tiến bộ vốn là yêu cầu cấp bách hơn bao giờ hết.

Cũng chính vì yếu tố mang tính lịch sử này mà những cuộc biểu tình chống Trung Quốc đều bị nhà cầm quyền Hà Nội dập tắt bằng mọi giá. Vì sao? Vì những cuộc biểu tình đều có chung một thông điệp: Chống Trung Quốc bá quyền; Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Và, tất cả mọi cuộc biểu tình chống bành trướng Trung quốc đều do thành phần sinh viên, trí thức, nghệ sĩ cùng một số thành phần nhân dân khác có lòng thiết tha với vận mệnh quốc gia cùng phát động thông qua kênh internet (facebook là chính), cùng thống nhất hành động. Hoàn toàn không có sự ủng hộ hay ngầm ủng hộ của nhà cầm quyền trong những cuộc biểu tình này.

Và, vô hình trung, mọi cuộc biểu tình đều có tính cách mạng, phá bỏ sự trì trệ của bộ máy chính quyền độc tài với nhân dân nhưng lại hết sức nhu nhược với kẻ ngoại xâm, thậm chí làm tôi mọi cho kẻ ngoại xâm lâu đời của tổ tiên, dân tộc. Cũng chính vì lẽ này, mọi cuộc biểu tình đều có nguy cơ vạch trần âm mưu bán nước, sự nhu nhược, tính bưng bít và thông đồng của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam với nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc. Một khi biểu tình càng mạnh lên, càng được đa phần nhân dân ủng hộ và tham gia, thì cũng đồng nghĩa với cái chân tướng bù nhìn và phản động của nhà cầm quyền lộ rõ trước lịch sử. Không còn lựa chọn nào khác cho nhà cầm quyền Việt Nam ngoài việc dập tắt biểu tình.

Tại sao không cùng nhân dân tổ chức chống ngoại xâm? Không ủng hộ nhân dân biểu tình chống mưu đồ bá quyền của Trung Quốc mà lại dập tắt? Vì, hiện tại, ngoài những thứ trần ngôn sáo ngữ “bốn tốt, mười sáu chữ vàng”, “hợp tác cùng phát triển và cùng có lợi”… Thì vẫn còn một món nợ quá lớn mà đảng Cộng sản Việt Nam nợ đảng Cộng sản Trung Quốc từ những năm trước 1975 cho đến nay. Đặc biệt, trong công cuộc nhuộm đỏ chủ nghĩa Cộng sản trên dải đất hình chữ S, chính quyền Cộng sản Bắc Việt đã vay mượn và nhận quá nhiều tài trợ từ tiền bạc đến thuốc men, quân nhu, quân dụng, khí tài… từ nhà nước Cộng sản Trung Quốc.

Chỉ riêng chiến dịch Mậu Thân – 1968, chính quyền Hà Nội đã nhận từ Trung Quốc khoản tài trợ gần 4,7 tỉ USD, nhận từ Liên Xô khoản 1,9 tỉ USD. Bên cạnh đó, nhà nước Trung Quốc đưa thêm chuyên gia quân sự, tham mưu và cả quân lính sang Việt nam để trợ lực cho quân đội Cộng sản Bắc Việt trong “tổng tiến công”. Kết quả cuộc tổng tiến công Mậu Thân là hàng triệu thanh niên miền Bắc phải chết vì bom đạn chiến tranh và mối nợ của chính quyền Hà Nội với chính quyền Cộng sản Trung Quốc càng tăng cao, sự lệ thuộc càng lún sâu thêm.

Trên phương diện kinh tế, mối nợ với con số lên xấp xỉ một trăm tỉ USD, để đổi lại, chính quyền Hà Nội phải chấp nhận những yêu cầu tưởng chừng không thể chấp nhận được từ phía chính quyền Trung Quốc, trong đó, nhượng một phần biên giới phía Bắc sau khi xây dựng đường sắt vận tải vũ khí, lùi cột mốc biên giới và chấp nhận để Trung Quốc xây dựng trên đảo Hoàng Sa, một kiểu mặc nhiên thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc với Hoàng Sa (trong đó cũng cần nhắc đến công hàm bán nước 1958 của Phạm Văn Đồng) và chấp nhận đặt Trung ương Cộng sản Việt Nam dưới sự điều hành của Trung ương Cộng sản Trung Quốc trên danh nghĩa “anh em Cộng sản Quốc tế” mà thực chất là chính quyền Hà Nội đã cam chịu thân phận tôi đòi, làm một thứ thái thú trá hình, hay nói cách khác là làm tay sai cho Trung Quốc tại Việt Nam.

Tiếp đến, những năm sau 1975, nhà nước Cộng sản Việt Nam lại tiếp tục lún sâu vào vũng lầy “anh em quốc tế Trung Quốc” trên nhiều hướng, trong đó, dường như mọi sách lược, mọi sự thu xếp về nhân sự trong bộ máy cầm quyền trung ương tại Việt Nam đều có bàn tay chỉ đạo, dàn xếp và mọi hợp đồng kinh tế từ khai thác khoán sản cho đến nhập khẩu xe máy, xây dựng thủy điện… Nhà cầm quyền Hà Nội đều vin vào Trung Quốc mà xét trên góc độ lợi nhuận phe nhóm thì không có ai có thể qua mặt các nhà thầu Trung Quốc trong chuyện lót túi cho quan chức từ cấp tỉnh đến cấp trung ương và tận dụng nguồn lao động rẻ bèo từ chính nước họ.

Xét chung, kể từ năm 1949, năm mà Cộng sản Trung Quốc chiếm toàn lãnh thổ Trung Hoa cho đến nay, nhà cầm quyền Hà Nội càng lúc càng lún sâu vào nợ nần và những bí mật có tính phản bội tổ quốc mà người nắm bí mật đó không ai khác ngoài trung ương Cộng sản Trung Quốc. Và, đó cũng là một phần lớn trong nguyên nhân dẫn đến duy trì, ôm chắc mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa vừa lạc hậu, vừa trì trệ của nhà cầm quyền Việt Nam. Vì chỉ có mô hình kinh tế này mới đảm bảo cho một nhà nước độc tài tồn tại. Vì xét cho cùng, trên thế giới này sẽ chẳng còn một thứ mô hình kinh tế nào đủ lạc hậu để đảm bảo duy trì độc tài hơn mô hình kinh tế này.

Cũng chính vì thế mà khi được trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc hậu thuẫn lên làm Thủ tướng, việc đầu tiên Nguyễn Tấn Dũng làm là dẹp bỏ Ban tham mưu Thủ tướng gồm những trí thức tâm huyết với quốc gia, dân sinh, sau đó là tổ chức các tập đoàn kinh tế nhà nước thành những cỗ máy đồ sộ, cồng kềnh, đủ khả năng uy hiếp và đè bẹp những tổ chức kinh tế tư nhân vốn ít vốn và không có quyền ưu tiên trong vay vốn, lãi suất so với các tập đoàn kinh tế nhà nước. Nhưng rất tiếc cho Nguyễn Tấn Dũng là ông ta đã dùng một khoản tiền quá lớn để thực hiện một dự tính được hình thành bởi cái đầu quá hẹp, bộ óc quá bé, dẫn đến đổ vỡ, nợ nần và nhiều vết nhơ… lặp lại vết đổ của những cổ xe lãnh đạo Cộng sản đàn anh trước đó.

Và, một khi kế hoạch độc tài bền bĩ, lâu dài trên đất nước bị phá sản bởi hàng loạt đổ vỡ, nợ nần của các tập đoàn Vinashine, Vinaline, EVN… Phải đối diện với nguy cơ tan vỡ bầy đàn từ trung ương xuống địa phương bởi tham nhũng tràn lan, tư cách, đạo đức xói mòn, uy tín cán bộ trước nhân dân hoàn toàn không có, thậm chí, trong mắt một bộ phận nhân dân cấp tiến, cán bộ nhà nước như một thứ sâu mọt hại dân, ăn bám nhân dân và sống dai như đỉa, hút máu người dân lao động chân chính… Uy tín của Nguyễn Tấn Dũng cũng xuống cấp tỉ lệ thuận với bộ máy phía dưới ông ta. Trong trường hợp này, biểu tình chống Trung Quốc bành trướng diễn ra chẳng khác nào một trái phá đặt ngay lăng Hồ Chí Minh, nguy cơ của nó là phát nổ và sẽ hất tung cái xác kia lên, phát tán xú khí mà lâu nay nhờ vào kĩ nghệ ướp xác, giữ mùi, đã giấu được bàng dân thiên hạ. Trong lúc này, biểu tình diễn ra, toàn bộ các phương tiện thông tin nhà nước đều ém nhẹm, tuyệt nhiên không đưa tin. Điều này dễ hiểu khi mà hơn sáu trăm tờ báo lớn, nhỏ, hơn một trăm đài truyền hình và hơn sáu mươi đài phát thanh đều trực thuộc đảng Cộng sản.

Vì, nếu tin tức biểu tình chống Trung Quốc bá quyền trên biển và trên đất liền được phổ biến rộng rãi, sẽ dẫn đến hệ quả là một xâu chuỗi các câu hỏi được đặt ra: Tại sao Trung Quốc bá quyền mà nhà nước Việt Nam không có hành động bảo vệ tổ quốc? Tại sao cho đến bây giờ, chính quyền Trung Quốc đã công khai xâm lấn lãnh thổ, lãnh hải quốc gia mà chính quyền Cộng sản Việt Nam vẫn bắt tay, vẫn anh em? Tại sao nhà nước Việt Nam tỏ ra rụt rè, sợ hãi và nhún mình trước chính quyền Cộng sản Trung Quốc?

Và, khi những câu hỏi này được đặt ra, nó cũng sẽ có câu trả lời, tấm màn lịch sử được vén lên, bộ mặt thật của nhà cầm quyền Hà Nội sẽ bị lộ rõ trước đồng bào. Và, song hành với sự việc này sẽ là uy tín đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục giảm sút trong nhân dân. Đặc biệt, điều đáng nói là rất có thể, cùng lúc này, phía Trung Quốc sẽ tiết lộ những bí mật bán nước của đảng Cộng sản Việt Nam mà họ đang nắm giữ (mà thông điệp của họ là gần đây, các giáo sư sử học, giáo sư xã hội học của Trung Quốc đã chính thức lên truyền hình mắng chửi Việt Nam “ăn cháo đá bát, phản bội…”, thực tế, họ ngầm nhắc khéo chính quyền Hà Nội về món nợ bấy lâu nay, và đó cũng là lời răn đe kiểu: “Mày mà không dẹp đám biểu tình, không khéo léo, tao lật tẩy thì chết cả đám, liệu hồn!”). Hệ quả là nhà cầm quyền Hà Nội hết đất sống vì nhân dân không còn tin tưởng, anh em cánh hẩu Trung Quốc hất cẳng.

Trên góc độ đảm bảo tính độc tài của thể chế Cộng sản Việt Nam, có thể ví thành trì của đảng Cộng sản Việt Nam giống như đập thủy điện Sông Tranh 2. Ở đó, độ bền của nó không được đảm bảo cho mấy bởi những trận động đất (được hiểu là sự bất bình của nhân dân và sự lạc hậu, mục ruỗng nội tại của nhà nước) và bên cạnh, mỗi cuộc biểu tình được ví như một tảng đá trên núi cao lăn xuống va vào thân đập. Động đất càng nhiều, đá rơi càng nhiều, nguy cơ đổ xòa của cái túi nước vốn ngàn cân treo sợi tóc này càng cao. Và khi nó đã vỡ ra, vô phương cứu chữa.

Chính vì những lý do về lịch sử, kinh tế và tính độc tài được đảm bảo bởi bí mật tội lỗi mà nhà nước Cộng sản Hà Nội sẽ chẳng bao giờ chịu nổi bất kì một cuộc biểu tình chống bành trướng Trung Quốc nào cả. Vì sau mỗi cuộc biểu tình là sự hỏng chân không thể gượng được của họ. Đừng mơ đến một lúc nào đó, nhà nước Cộng sản Việt Nam sẽ ủng hộ nhân dân biểu tình chống Trung Quốc. Trừ phi, họ bắt đầu ý thức cần phải thay máu và chạm đến con đường ý thức hệ dân chủ, đa nguyên! Chuyện này có thể xãy ra chăng?


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét