1-12-2012
Hình bên: Cử
tri Trần Viết Hoàn: "Phê bình xong vẫn chưa biết ai tốt ai xấu, ai thuộc
"bộ phận không nhỏ" (ảnh: HL)
Với câu hỏi "bộ phận không nhỏ cán bộ thoái hóa, tiêu cực nằm ở đâu" Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, câu trả lời không đơn giản ... sau khi phân tích, TBT ví von: "cũng như trên chùa, đâu phải ông Thiện hoàn toàn mặt đỏ, ông Ác hoàn toàn mặt trắng".
Với câu hỏi "bộ phận không nhỏ cán bộ thoái hóa, tiêu cực nằm ở đâu" Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, câu trả lời không đơn giản ... sau khi phân tích, TBT ví von: "cũng như trên chùa, đâu phải ông Thiện hoàn toàn mặt đỏ, ông Ác hoàn toàn mặt trắng".
Sáng 1/12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn đại biểu
Quốc hội TP Hà Nội đã có buổi tiếp xúc để báo cáo kết quả kỳ họp thứ 4 vừa qua
với cử tri 2 quận Ba Đình, Hoàn Kiếm.
“Bộ phận không nhỏ cán bộ thoái hóa nằm ở đâu?”
Cử tri Trần Viết Hoàn (Liễu Giai, quận Ba Đình) bày tỏ những
suy tư khi chứng kiến một bộ phận cán bộ, trong đó có lãnh đạo cấp cao, có biểu
hiện suy thoái về đạo đức, tư tưởng chính trị, lối sống mà Nghị quyết TƯ 4 đã
chỉ rõ. Đó là những người “tranh thủ” từng ngày làm quan để vơ vét.
Ông Hoàn ví von: “Những người này lấy đồng tiền làm cứu
cánh, lấy danh vọng làm cái lọng để che thân, làm cái cần cho lý chí. Tiền với
họ là hết ý”.
Nhưng vị cử tri hưu trí vẫn băn khoăn vì mọi việc dường như
chỉ… hòa cả làng. Đảng tổ chức hội nghị phê bình và tự phê bình trên phạm vi cả
nước nhưng vẫn không biết ai tốt ai xấu, ai thuộc “bộ phận không nhỏ” mà Nghị
quyết đã chỉ ra. Các báo cáo tổng hợp, kết quả sau đó vẫn chỉ lặp lại những điệp
khúc “sẽ”.
“Phải kiên quyết trị bằng được tham nhũng vì việc này cần
kíp như chống giặc ngoại xâm. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã quyết tâm như vậy
nhưng sao cả bộ máy chưa thấy “thấm” quyết tâm ấy. Chẳng lẽ tham nhũng gây thiệt
hại mỗi vụ hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng mà chỉ một lời xin lỗi là xong, không
ai phải từ chức, không cán bộ nào bị xử lý kỷ luật” - ông Hoàn bức xúc kiến
nghị lập Ủy ban Kỷ luật TƯ do Tổng Bí thư làm chủ tịch để ra quyết định
ngay, kỷ luật ngay những cán bộ tham nhũng khi phát hiện được.
Cử tri Nguyễn Khắc Thịnh (Giảng Võ, quận Ba Đình) cùng chung
băn khoăn với ông Hoàn là Nghị quyết TƯ 4 đã nhận định những cán bộ thoái hóa,
tiêu cực là một bộ phận không nhỏ nhưng cụ thể bộ phận này chiếm bao nhiêu % lại
không trả lời được.
Cố gắng ước lượng, ông Thịnh dẫn báo cáo kết quả giám sát việc
giải quyết khiếu nại tố cáo về đất đai vừa qua của UB Thường vụ Quốc hội cho
thấy có 49% khiếu nại của người dân là đúng và có đúng có sai. Điều đó chứng tỏ
phần sai phạm, khuất lấp của chính quyền, cán bộ khi xử lý việc của dân. Có địa
phương tỷ lệ này lên tới 70%. Ông Thịnh cho rằng, việc đó thể hiện tỷ lệ “bộ phận
không nhỏ” cán bộ đó rất lớn.
“Như vậy là TƯ đã chỉ, thực tế cũng thể hiện vậy nhưng về địa
phương lại không thấy bộ phận cán bộ không nhỏ ấy ở đâu. Đề nghị Tổng Bí thư
làm rõ” - ông Thịnh nói.
Cử tri Vũ Kim Ngọc (phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm)
cũng cho rằng người dân đang rất kỳ vọng và chờ đợi kết quả của việc kiểm điểm,
phê bình trong Đảng vừa qua. “Khi nói về những biểu hiện suy thoái đạo đức, phẩm
chất của cán bộ, Đảng viên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã phải rưng rưng nước mắt
vì chua xót. Vậy phải làm sao để tinh thần Nghị quyết TƯ 4 thấm vào cuộc sống?”
– đại biểu đặt câu hỏi.
Cử tri Trịnh Thanh Phi (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm)
phân tích, quyền lực không được kiểm soát kỹ sẽ dẫn đến đặc quyền đặc lợi và đặc
quyền nhiều chính là tham nhũng. Ông Phi nêu hiện tượng, mỗi phiên thảo luận về
tham nhũng tại Quốc hội, các đại biểu là quan chức, là Chủ tịch, Phó chủ tịch
UBND tỉnh thành rất ít phát biểu về chống tham nhũng. Hiện tượng này buộc người
dân đặt câu hỏi sao là đại biểu dân bầu lại hạn chế nói về vấn đề này, phải
chăng vì tự vướng dây?
Cử tri Trịnh Thanh Phi: "Tại sao các đại biểu quan chức
ít phát biểu về chống tham nhũng?" (ảnh:HL)
|
“Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình làm trái, gây thất thoát
86.000 tỷ đồng chỉ nhận 20 năm tù nhưng cả đất nước phải đau hơn rất nhiều với
con số này vì tính ra mỗi người dân gánh 1 triệu đồng cho con tàu đắm” – đại biểu
ca thán.
Kỷ luật nhiều có thể nhóm lên những ân oán, phe cánh
Chia sẻ những trăn trở, bức xúc này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng (đại biểu Quốc hội của Hà Nội) thừa nhận nguyên tắc sinh ra cơ quan quyền
lực thì cần cơ chế kiểm soát quyền lực ấy. Vừa qua có việc đẩy mạnh phân cấp,
phân quyền nhưng thiếu cơ chế kiểm tra giám sát dẫn đến nguy cơ cấp dưới tự
tung tự tác, làm sai.
Cơ chế tổ chức Bộ đa ngành, đa lĩnh vực nhưng trình độ quản
lý chưa tiến bộ song hành dẫn đến nhiều biểu hiện yếu kém, lỗ hổng trong quản
lý.
Việc sử dụng cán bộ, Tổng Bí thư khẳng định, trước hết phải
đặt niềm tin, cái khó là cách thức tổ chức khiến mỗi cán bộ cấp cao đều phải
gánh quá nhiều việc, chưa nói đến vấn đề lợi ích nhóm chi phối, chỉ lợi ích cục
bộ, tư tưởng ăn cây nào rào cây ấy cũng dẫn đến nhiều phức tạp phát sinh.
Đó chính là lý do phải xác lập lại Ban Kinh tế, Ban Nội
chính TƯ, dù vừa xóa bỏ các cơ quan này được chưa lâu. Ông Trọng giải
thích, đây chính là một trong những cơ chế, công cụ kiểm soát quyền lực, giám
sát hoạt động của các cơ quan TƯ.
Tổng Bí thư cũng chia sẻ “tâm lý bực bội, thất vọng cho rằng
việc thực hiện Nghị quyết TƯ 4 chưa hiệu quả vì không đưa được cán bộ nào ra xử
lý, kỷ luật”. Ghi nhận nhiệt huyết từ những “bức xúc đến mất ngủ” các cử tri vừa
trao đổi, ông Trọng trấn an, Nghị quyết TƯ 4 mới chỉ ban hành được ít tháng.
Ngoài công cụ phê bình và tự phê bình, còn nhiều nhóm vấn đề, biện pháp khác để
giải quyết tình hình, “sao để tất cả cùng tiến lên chứ không phải cứ kỷ luật
nhiều là tốt”.
“Nghị quyết đặt ra yêu cầu trước hết là cảnh tỉnh với những
cán bộ ngủ quên, lơ là với cảnh báo tham nhũng là nguy cơ làm sụp đổ chế độ.
Sau nữa mới tới yêu cầu răn đe, ngăn chặn. Vừa rồi, các biện pháp cũng có tác dụng
răn đe, làm nhiều anh sợ chứ” – ông Trọng phân trần.
Tự phê, theo ông Trọng, không chỉ là kỷ luật. Ngay việc kỷ
luật, nếu làm không kỹ, có thể thổi lên thành những ân oán, phân chia phe phái,
làm rối ren nội bộ. Còn rất nhiều kênh giám sát khác, phải cân nhắc nên hay
không. Tổng Bí thư khẳng định, nhận thấy tâm huyết của rất nhiều cử tri lão
thành, ông cũng chia sẻ bằng cả tâm tư.
Người đứng đầu Đảng cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi cố gắng hướng
tới tinh thần nhân văn như Bác Hồ đã dạy - kỷ luật sắt nhưng phải thực hiện với
tinh thần tự giác. Việc này ví như nhóm lò. Khi đun bếp, có cả củi khô, có củi
tươi, có củi vừa vừa. Vậy nên, trước hết phải nhóm được lửa lên cho có hơi ấm.
Khi đó củi khô, củi tươi đưa vào đun đều sẽ cháy hết, sẽ phải đồng lòng cả”.
Với câu hỏi “bộ phận không nhỏ cán bộ thoái hóa, tiêu cực nằm
ở đâu”, ông Trọng xác nhận, câu trả lời không đơn giản. Nhận định này, ông Trọng
nhắc lại, hoàn toàn không sai và đã được nêu ra cách đây vài nhiệm kỳ. Vấn đề
lượng hóa giới hạn “không nhỏ” bao nhiêu thì rất khó và trừu tượng lắm, cố tách
bạch ra cũng thành không biện chứng.
“Nói về con người khó thế đấy, động đến lợi ích là va chạm,
có thể chuyển từ phía này sang phía kia. Cũng như trên chùa, đâu phải ông Thiện
là hoàn toàn mặt đỏ, ông Ác hoàn toàn mặt trắng. Nếu cả tập thể đấu tranh thì
có thể giúp mặt tốt cùng tốt lên, giảm thiểu mặt xấu. Còn phân tích rạch ròi ra
rất khó mà cũng không đúng” – Tổng Bí thư ví von.
Nhắc lại kết quả bước đầu của việc triển khai Nghị quyết TƯ
4, ông Trọng dẫn chứng, một loạt vụ án đã được phanh phui với nhiều cán bộ cấp
cao bị bắt, tuy công tác điều tra, truy tố còn phải làm công phu. Vừa qua, UB
Kiểm tra TƯ cũng ra quyết định kỷ luật, công bố công khai việc xử lý nhiều lãnh
đạo cấp UBND tỉnh.
“Chúng tôi đã làm cẩn trọng, không phải làm vô trách nhiệm,
làm liều đâu mà việc nào cũng phải có nhiều tính toán, cân nhắc. Có việc đã làm
trúng, có việc trật, xin bà con tiếp tục góp ý kiến, chúng tôi sẽ chỉnh sửa
thêm cho hiệu quả” – ông Trọng kết lại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét