29-11-2012
Dù còn khá sớm để khẳng định, nhưng chính trường Việt Nam
đang manh nha một không khí “hồi tố” nào đó. Liệu trong tương lai không quá xa,
bầu không khí ấy có thể hướng đạo một sự kiện lịch sử: Vụ án Nguyễn Tấn Dũng?
Xem thêm:
Vết xước
Câu chuyện “Vua Lê Chúa Trịnh” một lần nữa tái hiện trong lịch
sử Việt Nam. Những mẫu chuyện về người đang nhắm đến chiếc ghế tổng thống đầy
ân oán cũng bởi thế chưa thể chấm dứt.
Một vết xước trực tiếp đã cày xới trên cánh tay phải của Thủ
tướng Nguyễn Tấn Dũng. Lần đầu tiên kể từ khi tại vị từ tháng 6/2006, người được
giới bình luận chính trị coi là đã tạo ra ảnh hưởng lớn nhất trong chính giới
và các thị trường đầu cơ ở Việt Nam, đã buộc phải thoái lui một nước cờ quan trọng.
Gần như trùng với thời điểm Tô Linh Hương – con gái ruột của
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Tô Huy Rứa – được chính Ủy viên Bộ Chính trị
này “quyết định” cho thôi chức vụ chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị Công
ty cổ phần đầu tư xây dựng Vinaconex ở Hà Nội, người con gái ruột của Ủy viên Bộ
chính trị Nguyễn Tấn Dũng cũng tự nguyện rời khỏi chức vụ tổng giám đốc Ngân
hàng Bản Việt tại Sài Gòn. Tuy vậy, hơn một tuần sau sự kiện này, bản bố cáo của
Bản Việt mới được công khai.
Không có mối quan hệ quá thân mật với Thủ tướng, ông Tô Huy
Rứa đã tỏ ra khôn ngoan khi biết giữ gìn những lề lối của đảng, nhất là khi lề
lối ấy ứng với một trong 19 điều đảng viên không được làm. Thế nhưng vô hình
trung, chính cử chỉ thận trọng của người phụ trách nhân sự đảng đã khiến cho một
đảng viên như ông Nguyễn Tấn Dũng không thể xem thường.
Hơn nữa, so với Tô Linh Hương còn ở tuổi thiếu nữ và chưa hề
có kinh nghiệm điều hành dù một doanh nghiệp nhỏ, Nguyễn Thanh Phượng lại được
xem là nữ doanh nhân rất nổi bật ở Việt Nam với nhiều vụ việc can thiệp chính
thức cũng như bất thành văn vào một số ngân hàng thương mại cổ phần như Phương
Nam, Sài Gòn Thương Tín và một trong những mỏ niken lớn nhất thế giới là Núi
Pháo.
Với bề dày thâu tóm và những thành công quá dễ dàng như thế,
Nguyễn Tấn Dũng có nhiều lý do để tự hào về sự “trong sáng” của con gái mình, nếu
nhìn lại quá khứ buôn lậu và giết người của con trai người tiền nhiệm của ông
Dũng – Thủ tướng Phan Văn Khải.
Thái độ tự hào trên cũng nên xuất phát từ tầm vóc của nữ
doanh nhân chỉ mới ba mươi tuổi. Khác hẳn với lộ trình tiến thân của Nguyễn
Thanh Nghị luôn phải trông chờ vào cái bóng khổng lồ của người cha, Nguyễn
Thanh Phượng lại đã tạo ra được một thế đứng tương đối độc lập, mà trong một số
trường hợp có thể được xem như một “quốc vụ khanh” của Chính phủ.
Với những ảnh hưởng về tầm hoạt động và xu thế chuyên sâu
hóa như thế, không ngạc nhiên khi bên cạnh người con gái của Thủ tướng luôn có
mặt những nhân vật bộ trưởng và mang hàm bộ trưởng, mà điển hình là Nguyễn Văn
Bình – Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, hoặc những nhân vật chưa từng là bộ trưởng
nhưng vẫn có thể sắp xếp cả chức vụ bộ trưởng như Nguyễn Đức Kiên.
Cũng cần nói thêm, từ năm 2011 đến nay, người được gọi là Bầu Kiên đã chính thức lộ ra từ vùng tối khi đặt cả hai chân vào chính giới Việt Nam.
Nhiễm trùng
Chỉ có điều, bước tiến quá mạnh mẽ của những người được coi
là lớp chính khách tương lai cho Việt Nam đã tạo ra sự va chạm mạnh mẽ không
kém với nhiều nhân vật thế lực khác, kể cả những xung đột ở thế kiêu binh với một
số cơ quan có quyền lực đặc biệt.
Lòng tham vô độ luôn là nguồn cơn đẩy con người vào trạng
thái thoái hóa nhân tính ở cấp độ cao. Nếu nhóm Nguyễn Đức Kiên, Trầm Bê, Hồ
Hùng Anh, Nguyễn Thanh Phượng, Nguyễn Văn Bình… đã dám hy sinh cả nền kinh tế
cùng các doanh nghiệp chỉ nhằm phục vụ cho chiến lược thâu tóm chưa từng có
trong lịch sử ngành ngân hàng và doanh thương Việt Nam, cũng như để thỏa mãn
cho họ với một loại quyền lực không ngai, thì thật khó có thể tìm ra một dấu vết
xót thương nào từ lớp người này đối với đồng nghiệp và hơn thế là đồng loại của
họ.
Vết xước trên cánh tay phải của Nguyễn Tấn Dũng cũng vì thế
mà có khả năng nhiễm trùng sâu, thậm chí có triển vọng hoại tử cục bộ. Dù là một
nhân vật đã tôi luyện được ngoại hình ăn ảnh nhất so với tất cả những người còn
lại của Bộ Chính trị, nhưng thâm niên công tác cùng chủ nghĩa kinh nghiệm đã
không thể xóa mờ cố tật năng lực kém cỏi của Nguyễn Tấn Dũng trong điều hành
các vấn đề kinh tế – xã hội.
Cũng tương tự như bài học của nhiều doanh gia mất thương hiệu
khi mở rộng quy mô quá lớn mà không tương xứng với khả năng quản trị, đặc biệt
là quản trị rủi ro, Nguyễn Tấn Dũng đã không thể bao quát được toàn bộ các hoạt
động của thế lực đen mà ông ta đã dung túng trong nhiều năm qua. Kết quả là những
nhân sự ưng ý nhất của Dũng lại có thể biến thành gót chân asin của chính ông.
Nguyễn Văn Bình gần như là một minh họa cho hình ảnh gót
chân asin như thế. Vào những ngày gần đây, tuy vẫn gắn bó như hình với bóng với
Thủ tướng, nhưng người đứng đầu Ngân hàng nhà nước đã bộc lộ một vài biểu hiện
kín đáo, mà theo giới ngân hàng thì hành động đó chẳng khác mấy với tư duy “chạy
tội”.
Trong 6 năm qua và đặc biệt là từ tháng 8/2011 đến nay, có
quá nhiều đầu dây mối nhợ móc xích với nhau theo công thức Thủ tướng – Văn
phòng Chính phủ – Ngân hàng Nhà nước – Ngân hàng thương mại, mà trong đó những
vụ án kèm theo khoản lỗ khổng lồ như Vinashin, Vinalines đều là những dẫn chứng
điển hình.
Về một nốt ruồi nửa đỏ nửa đen tiệm cận khóe mắt phải, đã có
người điềm chỉ Bình như một nhân cách có dấu “Phản”. Trong thực tế, khôn ngoan,
có học vị tiến sĩ và được trang bị chuyên môn lồng ghép từ hai thế giới cộng sản
lẫn tư bản, nhưng thâm sâu nhất vẫn là buộc Thủ tướng phải phụ thuộc vào chuyên
môn phức hợp của mình, Nguyễn Văn Bình đã trở thành cái đai quần không thể
không có của Nguyễn Tấn Dũng, để từ đó người ta có thể xác quyết rằng sinh mệnh
chính trị của hai nhân vật này gần như tồn tại song trùng với nhau.
Lằn ranh nguy biến
Làn sương mù buổi sáng vẫn chưa đến nỗi quá mờ mịt đối với
Nguyễn Tấn Dũng cùng nhóm thế lực ngầm của ông.
Nhìn nhận một cách khách quan, cho tới giờ thế thượng phong
vẫn cơ bản nằm trong tay nhóm tài phiệt ngân hàng. Một thông tin sâu xa của
blog Quan Làm Báo (lại là blog ấn tượng này mà sắp tới chúng ta cần
có một bài bình luận riêng) cho biết sau giai đoạn đầu tiên của chiến dịch thâu
tóm ngân hàng, nhóm tài phiệt kia đã chiếm đến 35% thị phần tín dụng cả nước.
Thông tin này cũng khá gần gũi với ước đoán của giới chuyên môn ngân hàng.
Trong thực tế, tỷ lệ 35% đó quan yếu đến mức trong những
tình thế bị đe dọa cận kề, những phương án phản công của nhóm tài phiệt ngân
hàng như ngưng hoạt động giao dịch của hệ thống ngân hàng trên toàn quốc, thậm
chí tạo ra cú sốc giả từ một chiến dịch đổi tiền thật… đều có triển vọng mang lại
kết quả không tồi.
Đó cũng chính là những con bài tiềm tàng nhằm đối phó với sự
can thiệp nguy biến của đợt chỉnh đốn đảng ngay trước mắt – được khởi xướng bởi
những chính khách hoàn toàn không nắm được chuyên môn sâu về tài chính và ngân
hàng như Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang.
Cuộc đấu tranh giữa các nhóm quyền lực đã tiến đến lằn ranh
không khoan nhượng, ngay cả sự thỏa hiệp dự kiến cũng khó được thiết lập bởi
lòng tham quá độ từ ít nhất một phía.
Ngay tại lằn ranh này, không có chỗ đứng cho các lý thuyết
gia.
Thử thách đang lớn dần và không phải ai cũng vượt qua được.
Một cuộc thăm dò tín nhiệm trong nội bộ đảng gần đây đã mang lại kết quả không
thể tồi tệ hơn đối với Nguyễn Tấn Dũng: ông chỉ nhận được chưa đầy 8% số phiếu
tín nhiệm – một tỷ lệ kinh hoàng nếu so với mức độ từ 80-90% đại biểu quốc hội
luôn phải chấp nhận vị trí thủ tướng của ông như một phương án duy nhất vào các
kỳ bầu bán.
Nhưng ở một thái cực khác, chỉ cần vượt qua được đợt chỉnh đốn
đảng vào tháng 7/2012, Nguyễn Tấn Dũng và các đồng sự của ông sẽ có cơ hội để củng
cố thế lực ngay trước thời điểm giữa nhiệm kỳ 2013, bất chấp sự thay đổi nhân sự
được dự kiến, trong đó có cả vài phương án được tập thể Bộ Chính trị chọn để
thay ông.
Dù không giỏi giang trong điều hành đất nước, nhưng nước cờ
tạm thoái lui trên “mặt trận” Bản Việt cho thấy con sói đang tìm cách giấu mình
để vừa trị thương, vừa chuẩn bị cho một cú tung mình vồ mồi dữ dội hơn.
Đến giữa năm 2013, nếu mọi chuyện diễn tiến tốt lành thì nhóm
tài phiệt ngân hàng cùng với người con gái khả ái của Nguyễn Tấn Dũng – nhân vật
vẫn không thể buông rời vai trò then chốt, sẽ có thể hoàn thành sứ mạng lịch sử
với đợt thâu tóm giai đoạn 2 và hoàn chỉnh chiến dịch thâu tóm ngân hàng, từ đó
có thể đẩy thị phần tín dụng của họ lên ít nhất 60% hoặc 70% – tỷ lệ chi phối gần
như tuyệt đối các huyết mạch kinh tế và thậm chí còn có thể là tiền đề cho một
cuộc đảo chính không tiếng súng ngay trong Bộ Chính trị.
Quyết tâm còn lại
Trước mắt, mọi chuyện vẫn diễn ra bình thường như mặt hồ phẳng
lặng. Người dân vẫn đang dần được thuyết phục là nền kinh tế đã lập đáy, đang
chuẩn bị thoát đáy và sẽ vượt dốc.
Vào thời điểm sát cuối quý 2/2012, lần thứ năm liên tiếp kể
từ tháng 3/2012, Ngân hàng nhà nước lại hạ lãi suất điều hành – động thái khiến
cho chính HSBC, một ngân hàng quốc tế có chi nhánh ở Việt Nam, phải tỏ ra ngạc
nhiên. Đồng thời, lãi suất cho vay tín dụng đối với doanh nghiệp xuất khẩu cũng
được Bộ Tài chính giảm mạnh từ 14,4% về 11,4%. Những tín hiệu bơm tín dụng, và
hơn thế nữa là có thể bơm rất mạnh, đang xuất hiện. Cũng bởi thế, con số hơn
70.000 tỷ đồng mà Ngân hàng nhà nước cùng các ngân hàng thương mại có thể đẩy
vào nền kinh tế cho mỗi tháng trong nửa cuối năm 2012 là một khả năng không xa
vời.
Thời gian không chờ đợi nữa. Ngay vào những tháng tới, khối
ngân hàng cần phải giải phóng lượng vốn tồn kho giá rẻ của họ. Cần phải làm tất
cả những gì cần thiết để các doanh nghiệp và đặc biệt là khách hàng cá nhân cảm
thấy nền kinh tế đang được bồi bổ sức sống một cách thực chất, từ đó sức cầu mới
được cải thiện và hàng trăm ngàn căn hộ cao cấp tồn kho mới có triển vọng lọt
vào mắt xanh những khách hàng ngây ngô.
Những điều kiện của kinh tế thế giới cũng đang trở nên ưu ái
cho tính toán của nhóm tài phiệt ngân hàng Việt Nam. Từ đầu tháng 6/2012, các
chỉ số chứng khoán chủ chốt của Hoa Kỳ như Dow Jones, S&P và Nasdaq đã có dấu
hiệu lập vùng đáy tạm để chuẩn bị cho một đợt phục hồi mới. Cùng lúc, thị trường
nhà ở Mỹ trở nên khả quan nhất so với toàn bộ gần hai năm trước đó. Dù gói kích
thích QE3 vẫn chưa được Cục Dự trữ liên bang Mỹ tung ra, nhưng cơ chế bơm tín dụng
cho thị trường tại quốc gia này đã khởi phát.
Cùng lúc, những tín hiệu tái khởi động kênh cung cấp tín dụng
cũng dần hiện ra ở Trung Quốc.
Bối cảnh đối ngoại đó quả là thuận lợi không nhỏ cho nền
kinh tế cùng các thị trường đầu cơ Việt Nam “thoát đáy”.
Vụ án Nguyễn Tấn Dũng?
Ở vào tư thế khó xử không kém Nguyễn Tấn Dũng, những người đứng
đầu đảng và nhà nước chỉ còn cách dựa vào những cơ quan đặc biệt, nếu họ biết
cách làm điều đó.
Nếu Tổng Bí thứ Nguyễn Phú Trọng cho rằng việc thông qua Luật
Biển với tỷ lệ nhất trí tuyệt đối tại Quốc hội là “một thành công lớn”, thì có
lẽ chuyện ông giành lại Ban Chỉ đạo Phòng chống Tham nhũng từ tay Thủ tướng còn
là thành công lớn hơn nhiều.
Sau một thời gian khá dài bị sáp nhập vào Văn phòng Chính phủ,
cơ quan nội chính của đảng lại có cơ hội để khẳng định vị trí độc lập tương đối
của mình. Hơn lúc nào hết, đảng cần đến Ban Nội chính, không phải chỉ với tư cách
tham mưu như trước đây, mà cùng với Ban Chỉ đạo Phòng chống Tham nhũng, đây là
những vũ khí sắc bén còn lại cho cơ hội có thể là cuối cùng của Tổng bí thư và
hai phần ba Bộ Chính trị của ông.
Trong số các cơ quan đặc biệt phải được đảng trọng dụng, một
thế lực tiềm tàng nhưng dường như bị quên lãng trong dĩ vãng từ sau vụ T4 năm
2003, có thể sẽ được tái tạo vùng phủ sóng. Đó là Tổng cục 2 của Bộ Quốc phòng.
Trong ý thức về vận mệnh quốc gia, bao giờ quân đội cũng là
nơi khô ráo nhất dưới nóc nhà bị dột nát. Sự chuyển biến khác thường đã đến
trong thời gian gần đây, khi không ít tướng lĩnh quân đội bày tỏ thái độ hoàn
toàn bất mãn trước những gì mà chính quyền của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang
hành xử với xã hội và dân tộc. Trong con mắt và trái tim của họ, Tổ quốc không
đáng bị hành hạ đến mức như thế.
Mọi chuyện đang bị đẩy đến trạng thái “quyết liệt” – từ ngữ
mà Nguyễn Tấn Dũng hay dùng để mô tả những cố gắng mang sắc màu mị dân của ông.
Nhưng làm sao tình thế sẽ trở thành sự đồng điệu giữa các phe phái tranh chấp
như một cơ chế “win – win”, cả hai cùng thắng?
Cũng bởi vậy, con đường tiến đến chức vị tổng thống của Nguyễn
Tấn Dũng đang và sẽ được hứa hẹn hội ngộ với những vật cản thật sự đáng gờm. Bị
coi là vị thủ tướng tai tiếng và tham nhũng nhất trong lịch sử đảng cộng sản Việt
Nam, bản thân ông cũng đang tiến đến lằn ranh quyết định giữa tồn tại và bị triệt
tiêu.
Dù còn khá sớm để khẳng định, nhưng chính trường Việt Nam
đang manh nha một không khí “hồi tố” nào đó. Liệu trong tương lai không quá xa,
bầu không khí ấy có thể hướng đạo một sự kiện lịch sử: Vụ án Nguyễn Tấn Dũng?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét