2-11-2012
Nguyễn Phương Uyên bị bắt hôm 14/10 |
Giáo sư Ngô Bảo Châu là một
trong những người vừa ký vào thư kiến nghị gửi Chủ tịch Trương Tấn
Sang về sinh viên Nguyễn Phương Uyên.
Lá thư do nhóm nhân sỹ trí
thức soạn thảo để chuyển lên Chủ tịch nước yêu cầu trả tự do cho
sinh viên Nguyễn Phương Uyên, người bị bắt hôm 14/10 vừa qua, đến nay đã
thu được 144 chữ ký.
Lá thư đề ngày 30/10 cũng yêu
cầu có giải thích công khai "về sự kiện bắt giam cháu Nguyễn Phương
Uyên, sinh viên trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM".
Người chấp bút bản kiến
nghị nói rõ lá thư được thảo ra "tiếp theo thư của các cháu sinh viên
Trường Đại học Công Nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh gửi Chủ tịch Nước
ngày 20/10/2012 và nhằm hậu thuẫn cho đề nghị chính đáng của sinh viên".
Chừng 100 sinh viên đồng môn
của Nguyễn Phương Uyên trước đó đã gửi thư cầu cứu khẩn cấp lên Chủ
tịch Sang về việc mà họ gọi là sinh viên này 'mất tích'.
Sau đó vài ngày, công an mới
thông báo cho gia đình Phương Uyên về việc bị bắt với cáo buộc Tuyên
truyền chống Nhà nước.
'Bức xúc'
Thư kiến nghị của các vị
trí thức cho hay họ "hết sức bức xúc" trước tin sinh viên
Phương Uyên bị bắt, mà lý do họ cho là "xuất phát từ lòng yêu
nước của tuổi trẻ".
"Trong chúng tôi cũng có những
người đã từng đứng trên bục giảng và hiểu được tâm trạng của tuổi trẻ,"
lá thư viết.
"Nếu do thiếu kinh nghiệm đường
đời, cháu có thể có hành vi nào đó công an cho là phạm pháp luật, thì liệu có
nên bắt giam và hành hạ cháu như thế, cũng như từng đã ứng xử với những tuổi trẻ
yêu nước khác đang bị bắt giam như vậy không?"
Lá thư yêu cầu Chủ tịch
Trương Tấn Sang "có chỉ thị cụ thể cho việc xử lý có tình, có lý đối với
hành vi yêu nước của một cô gái 20 tuổi đã dám biểu tỏ bằng hành động cụ thể
tinh thần dân tộc và lòng căm thù quân xâm lược cho dù hành động đó bị Công an
quy kết vào bất cứ tội trạng nào".
Lá thư lên án việc bắt giữ Nguyễn
Phương Uyên là "thô bạo và trắng trợn nhất, gây phẫn nộ trong công luận
trên cả nước và thế giới".
'Phá hoại uy tín'
Mạnh mẽ hơn, lá thư còn đòi
trả tự do cho Phương Uyên sớm được về với gia đình và trường học,
đồng thời kêu gọi Chủ tịch Sang "xem xét, rà soát lại những bản án đã
xử rất nặng những người yêu nước biểu tỏ sự bất đồng chính kiến bằng tư tưởng
mà không có hành vi bạo động nào nguy hại đến lợi ích quốc gia như người ta đã
quy kết".
Lá thư đề cập tới các trường hợp
khác bị bắt giam, bỏ tù do phản đối tình trạng gây hấn của Trung Quốc ở Biển
Đông, như nhạc sỹ Việt Khang, và nói các bản án giành cho người yêu nước bày tỏ quan điểm ôn hòa
là "sự phá hoại uy tín của Nhà nước, bôi xấu hình ảnh của Việt Nam trước
thế giới hơn bất cứ hành động phá hoại nào mà công an đang ra sức truy lùng và
đàn áp".
Các trí thức nhắc lại điều
mà cũng chính họ đã ghi trong các thư ngỏ và kiến nghị lên lãnh đạo
Việt Nam trước đây, yêu cầu "chấm dứt các hành động trấn áp, quy kết
tùy tiện đối với người dân biểu tình yêu nước, đặc biệt là chấm dứt hành động
đàn áp, khủng bố những thanh niên yêu nước đã dám dấn thân vào các hành động cứu
nước một cách cụ thể, trong sáng và mạnh mẽ".
Lá thư cũng cảnh báo về nguy cơ xảy
ra các vụ phản kháng mạnh mẽ hơn nữa trong giới thanh niên, sinh viên, "những
sự kiện Quách Thị Trang, Trần Văn Ơn mới", trước tình trạng bạo lực và trấn
áp hiện nay, những biện pháp đối phó mà lá thư gọi là "giải khát bằng thuốc
độc".
Trong khi đó, BBC được tin lá
thư cầu cứu khẩn cấp từ các bạn học của Nguyễn Phương Uyên gửi lên
ông Trương Tấn Sang 10 ngày trước "vẫn chưa có phản hồi".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét