Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




MUÔN NẺO ĐƯỜNG VÉ SỐ

Như Ý
2-11-2012

Các em bé mưu sinh với nghề vé số.
Ảnh: Như Ý
Hàng chục cây số, hàng trăm quán cà phê, quán ăn và những khu chợ trên khắp địa bàn thành phố Đà Nẵng là quãng đường và địa điểm mà những người mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo trải qua hàng ngày. Họ phải đi, phải đến và phải lam lũ trên những nẻo đường đầy nắng gió, với những vui buồn, cảm động và không ít tủi thân đau khổ.

Ai cũng có thể làm
Bán vé số là một nghề mà không phân chia tuổi tác hay ngoại hình, và hầu như ai cũng có thể làm được.

Nhân viên bán vé số ngoài những trẻ em gia cảnh nghèo khó, người già neo đơn trên địa bàn thành phố thì đa phần là những phụ nữ đến từ các vùng quê nghèo thuộc tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế… Hầu hết các chủ đại lý ở Đà Nẵng đều có nhà cho họ ở miến phí, mỗi ngày chỉ trả 500 đồng tiền điện nước.

Đại liý trên đường Trần Quý Cáp gần nhà dì tôi, gồm nhiều lứa tuổi khác nhau. Người lớn tuổi nhất là cụ H. ( ở Quảng Ngãi), năm nay đã ngoài 70 tuổi, ở tuổi của cụ đáng lẽ ra phải được con cháu phụng dưỡng. Vì nghèo khổ, ngày ngày cụ phải đi hàng chục cây số, mưu sinh kiếm sống bằng nghề bán vé số. Cụ vừa đếm vé số vừa nói, “ở quê khổ lắm con ơi! Nhà có mấy sào ruộng làm không đủ nuôi ba đứa cháu đi học, nên bà với cô Đ ( con dâu bà H) phải đi bán để kiếm tiền cho tụi nhỏ nó kiếm cái chữ con à!”.

Tôi đến đây vào dịp hè nên có rất nhiều em nhỏ theo mẹ hay bà con ra đây bán kiếm tiền mua sách vở và áo quần cho năm học mới. Cụ H. cũng dẫn theo cô cháu gái học lớp 8 theo đi bán với cụ. Tôi ấn tượng nhất với một cô bé rất nhỏ con tên là Th. đến từ ở Quảng Ngãi, năm nay mới học lớp 6, vào thành phố theo mẹ và anh trai đi bán dạo. Vừa ăn ổ bánh mì em vừa kể, “từ năm học lớp 3 hè năm nào em cũng theo mẹ với anh ra đây bán vé số. Trông em nhỏ con nhưng em đi nhanh lắm đó”.

Nhìn vẻ mặt thơ ngây của em, chợt nghĩ ở cái tuổi của em đáng lẽ ra phải được vui chơi, học hành nhưng em đã phải lăn lộn trên đường đời để kiếm sống. Nhưng cũng may mắn em còn được đi học, còn anh trai em tên S. học hết lớp 9 đã nghĩ học theo mẹ rong rủi với nghề vé số. Mặc dù đã 17 tuổi nhưng trông em rất nhỏ con, không khác gì học sinh lớp 7. Nhìn em ngày ngày trên tay với xấp vé số tôi không biết rồi tương lai em sẽ đi về đâu?

Đi sớm về khuya   

Nếu như mọi công việc khác thường bắt đầu vào buổi sáng thì bán vé dạo chẳng có thời điểm bắt đầu. Có những người bán cả ngày lẫn đêm, lại có những người khi nào mệt thì về ngủ, miễn là không trễ giờ trả vé. Họ nhận “hàng” từ chiều hôm trước (ngay sau khi có kết quả xổ số trong ngày) và đi bán cho đến tận hôm sau. Bán hết lại về nhận thêm, nhưng việc này hiếm khi xảy ra vì ai may mắn lắm thì mới bán hết.

Màn đêm vẫn chưa tan nhưng họ đã vội vã trở dậy, kiểm đếm lại những xấp vé số đã lấy của đại lý vào chiều hôm qua. Đó là những công việc cần làm cho hành trình mưu sinh của những người bán vé số dạo. Cuộc sống mưu sinh của họ bắt đầu từ tinh sương với đôi mắt cay xè vì thiếu ngủ, kéo dài cho đến tận đêm khuya. Tấp vào lề đường mua nắm xôi, ổ bánh mì ăn vội, uống ngụm nước trắng, các chị, các em, các bác lại tiếp tục hướng về những nẻo đường, khu dân cư, các con hẻm nhỏ và quán xá đông đúc với bao hy vọng. Họ lang thang khắp nơi, vào từng quán cà – phê mời chào, cẩn thận nhặt những tờ vé khách dò rồi vương vãi trên nền quán mang bỏ đi. Ngay cả những người bán vé số cũng không biết một ngày mình đi bao nhiêu cây số, vào bao nhiêu quán nước, quán cà phê hay mời bao nhiêu khách. Họ vẫn đi với đôi chân gầy guộc nhưng không bao giờ chùn bước dù giá rét hay nóng bức.

Cô K., quê ở Quảng Nam, bán cho đại lý trên đường Quang Trung vừa đi vừa nói, “bán vé số mà không dậy sớm, không đi nhiều thì lấy đâu tiền gửi về nhà, làm cái nghề này phải đi nhiều, mời nhiều thì may đâu mới bán được”.

Nhìn những cảnh như cô K., bà H. Và bé Th. lăn lộn giữa cái nắng mùa hè oi bức tôi thấy mà đau lòng.

Chuyện vui buồn không ít

Với họ, dù cho đi nhiều rất mệt mỏi nhưng chỉ cần bán được nhiều vé số có tiền gửi về nhà thì đó là niềm vui lớn nhất. Và cái nghề “đi bán may mắn cho người khác” thì niềm vui còn là việc khách hàng của họ trúng được thưởng, vì trúng thưởng nhiều thì mới có nhiều người mua vé số. 

Bà H. vui vẻ khoe với tôi, “tối nay bà gặp may, một ông khách du lịch ở Sài Gòn mua cho bà 50 chục tờ vé số, rồi cho bà 20 ngàn ăn cơm tối”.

Phải xa gia đình để mưu sinh kiếm sống, thiếu thốn tình cảm và nỗi nhớ con nhớ nhà da diết nên những buổi tối đi bán về quay quần bên nhau kể chuyện đã giúp họ vơi đi phần nào nỗi nhớ. Là những người cùng cảnh ngộ nên họ luôn quan tâm giúp đỡ lẫn nhau như trong một gia đình.

“Mấy ngày đầu ra đây bán cô nhớ con nhớ nhà, nếu không có mọi người ở đây quan tâm động viên thì cô đã bỏ cuộc rồi”, cô Th. tâm sự.

Vui thì nhiều nhưng đau buồn khổ tâm cũng không ít. Mặc dù họ kiếm tiền trên chính sức lao động nhưng nhiều người lại tỏ vẻ khinh thường họ. Cô bé N. quê ở  Quảng Nam, bán cho đại lý trên đường Đống Đa hồn nhiên kể với tôi, “đôi lúc em đi ăn mì quảng, ngồi đợi hoài mà không thấy ai đem mì ra hết, em lại hỏi thì họ nói bán vé số thì đợi đi”. Đây là những sự kiện tôi cũng nhiều lần chứng kiến trong các quán ăn.

 “Cái đó thì ai cũng bị hoài, nhiều khi cũng khổ tâm lắm nhưng phải chịu thôi. Bây giờ biết làm gì? Miễn sao là mình đi bán nhiều vé số là được rồi”, bà H. nói.

Một số trường hợp khác những nhân viên bán vé số kém may mắn còn bị lừa đổi vé số giả hay bị lừa lấy vé số.  Những thủ đoạn này rất tinh vi – họ giả vờ mua vé rồi tranh thủ lúc họ không để ý lấy đi máy xấp vé số đó. 

Em B., quê ở Quảng Ngãi, bán cho đại lý trên đường Hùng Vương, kể lại một buổi chiều em về đại lý trả vé thì một người phụ nữ kêu lại mua và lừa lấy của em 80 tờ vé số. Em phải bỏ tiền túi ra đền bù cho đại lý 400.000 ngàn đồng, vé số lúc đó có giá 5.000 đồng/tờ.

 Lại mấy ngày sau, giữa trưa nắng bé Th. vừa đi vừa khóc vì bị một người đàn ông lừa mất 40 tờ vé số trong khi đó đây là ngày bán cuối cùng vì em phải về quê đi học. Số tiền tích góp mà em dành dụm một tháng qua đã phải bù vào xấp vé bị mất đền lại cho đại lý.

Vật giá ngày càng tăng cao, người mua vé số không còn nhiều, và còn biết bao nhiêu kẻ lừa đảo đang rập rình xung quanh họ. Nhìn khuôn mặt dàn dụa trong nước mắt của em, tôi không biết rồi cuộc đời của những người làm nghề bán vé số dạo sẽ đi về đâu?

© TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 2012


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét