27/11/2012
Một năm trước, trong buổi thảo luận về công tác phòng chống
tội phạm tại kỳ họp thứ 2 - Quốc hội khoá XIII, ĐBQH Nguyễn Đức Chung (PGĐ Công
an Tp Hà Nội) cho
biết, với tình hình tội phạm diễn biến phức tạp như hiện nay, chỉ 5-10 năm
nữa Việt Nam sẽ có tới gần một triệu người có tiền án tiền sự, trong
đó 200.000 trường hợp dưới 30 tuổi.
Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm (ĐBQH của
Hà Nội) thì dẫn câu chuyện sát thủ Lê Văn Luyện cướp tiệm vàng ở Bắc Giang và kết
luận "tội phạm vị thành niên đang ngày càng gia tăng và trở thành
một hiện tượng xã hội". Các đại biểu khác cũng bày tỏ mối lo ngại sâu sắc
về mức độ phạm tội không ngừng gia tăng trong giới trẻ nói riêng và xã hội nói
chung.
Lê Văn Luyện là kẻ được biết đến không chỉ bởi tội ác dã man
khi ra tay sát hại một lúc 3 người và giết hụt 1 người khác vào ngày 24/8/2011
mà còn bởi thái độ thản nhiên, lạnh lùng, vô cảm của y trước các nạn nhân của
mình, điều khiến dư luận hết sức phẫn nộ. “Hội
chứng Lê Văn Luyện” – hiện tượng xuất hiện hàng loạt kẻ thủ ác lạnh
lùng, vô cảm ở tuổi vị thành niên – đang thực sự trở thành nỗi kinh hoàng của cả
xã hội.
Trước thực trạng đáng báo động đó, hầu hết các vị ĐBQH đều đổ
lỗi cho gia đình, nhà trường hay những bất cập của pháp luật. Tuy nhiên, họ lại
quên mất một thực tế là, trước khi trở thành một hiện tượng xã hội, “hội chứng
Lê Văn Luyện” dường như đã hiện hữu trong bộ máy chính quyền ở Việt Nam từ lúc
nào không hay – đó là thái độ vô cảm của những kẻ vẫn tự xưng là “công bộc” của
dân trước nạn nhân của họ. Xin nêu ra mấy dẫn chứng để chứng minh điều đó:
Hàng trăm ngàn nạn nhân của cuộc Cải
cách Ruộng đất “long trời lở đất” những năm 1953-1956 cho đến nay vẫn
chưa nhận được gì từ những kẻ đã gây ra cái chết thê thảm cho họ, ngoài mấy giọt
nước mắt của người lẽ ra phải chịu trách nhiệm cao nhất về tấn thảm kịch kinh
hoàng ấy, mà có lẽ chủ yếu là bởi “sự lãnh đạo của Đảng” lúc bấy giờ chưa được
“tuyệt đối và toàn diện” như kể từ đó về sau.
Đặc biệt là trường hợp bà Nguyễn
Thị Năm, chủ hiệu Cát Thanh Long ở Hà Nội, một nhà tư sản nổi tiếng, địa chủ
kháng chiến, có rất nhiều công lao, đóng góp cho cách mạng, cho cuộc kháng
chiến chống Pháp những ngày khó khăn gian khổ nhất. Bà có một người con trai là
trung đoàn trưởng một trung đoàn của Quân đội Nhân dân Việt Nam; trong Tuần
Lễ Vàng, gia đình bà đã hiến 100 lạng vàng cho chính quyền mới thành lập; rất
nhiều vị lãnh đạo cấp cao nhất đã được bà nuôi nấng, đùm bọc; hàng trung đoàn bộ
đội được bà chăm lo cho từ miếng ăn đến nơi ở.
Oái oăm thay, bà lại bị quy là địa
chủ phản động và bị chính quyền kháng chiến lôi ra xử bắn năm 1953. Hơn nửa thế
kỷ qua, Nhà nước Việt Nam, thủ phạm đã gây ra cái chết cho bà, vẫn
vô cảm trước cái chết đầy oan nghiệt và thương tâm mà họ gây ra cho một
đại ân nhân của mình. Những nạn nhân vô tội của cuộc Cải cách Ruộng đất như bà
rồi sẽ có ngày được dựng bia tưởng niệm nhưng có lẽ điều đó không bao giờ xẩy
ra trong “thời đại Hồ Chí Minh” cả.
Hàng trăm nạn nhân của “Vụ
án xét lại chống Đảng” giai đoạn 1967-1973 đến nay vẫn chưa hề được
chính quyền minh oan và trả lại danh dự, mặc dù họ phải trải qua bao cảnh tù tội,
bị tra tấn cả về thể xác lẫn tinh thần, thậm chí có người còn bỏ mạng trong trại
giam, và việc bắt giữ họ không diễn ra theo đúng quy định của pháp luật cũng
như không xét xử. Vậy nhưng, theo GS.TS
Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị
- Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) thì "năm 1993 và 1994, Bộ Chính trị Đảng
CSVN vẫn kết luận sai phạm của những người trong nhóm đó là hoàn toàn đúng sự
thật và phải xử lý như vậy"!!!
Năm 2005, chính quyền Việt Nam đã gây
áp lực với chính phủ Indonesia và Malaysia để đục bỏ bia tưởng niệm những
thuyền nhân Việt Nam đã bỏ mạng trên đường vượt biển tìm tự do tại đảo Galang
(Indonesia) và đảo Bidong (Malaysia). Mỉa mai thay, chính thủ phạm đã khiến cả
triệu người dân Việt Nam phải gạt nước mắt rời bỏ nơi “chôn rau cắt rốn” đi tìm
đường sống, để rồi phân nửa trong số họ phải làm mồi cho cá hay vùi thân trong
chốn rừng sâu, lại tỏ ra vô cảm trước tội ác do mình gây ra trong khi vẫn không
ngớt kêu gọi “khúc ruột ngàn dặm” ấy hướng về quê hương!?
Đó là những gì đã trở thành một phần của lịch sử, còn hiện tại
thì sao? Xin thưa, qua những gì diễn ra thời gian gần đây, có lẽ ai cũng nhận
ra một thực tế là “hội chứng Lê Văn Luyện” đang ngày càng trở nên phổ biến
trong lực lượng vẫn tự xưng là “đầy tớ của nhân dân” ở Việt Nam.
Chỉ xin nêu ra
đây vài dẫn chứng:
Ngày 21/4/2011, Công an huyện Bến Cát (Bình Dương) đã bắt giữ
trái phép anh Nguyễn Công Nhựt (không có lệnh tạm giữ, tạm giam, không thông
báo cho Viện KSND huyện Bến Cát). Bốn ngày sau, anh được phát hiện chết trong
tư thế treo cổ. Theo báo Người
Lao Động ngày 16/2/2012, căn cứ vào những hình ảnh chụp dấu vết trên
thi thể anh Nhựt và các tài liệu liên quan mà chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền (vợ
anh Nhựt) và luật sư Trần Đình Triển được tiếp cận thì có nhiều chi tiết nghi
ngờ anh Nhựt chết không phải do tự tử như: “Một bên đầu gối bị sưng lên như quả
chanh, trên ngực có hai dấu vết bầm tím to, bộ hạ bị trầy da bì diện rộng,
dương vật bị máu chảy, hai hố chậu xuất hiện 2 vết màu xanh lục diện rộng, màu
xanh lục trong quá trình bị thối rữa…”. Thế nhưng cuối cùng những người có
trách nhiệm vẫn thản nhiên kết
luận là “Anh Nguyễn Công Nhựt treo cổ do ân hận”!?
Ngày 26/10/2012, ông Trần Văn Đình, Tổng Biên tập Tạp chí Mật
mã & Thông tin Liên lạc (Ban Cơ yếu, Bộ Quốc phòng), đã bị lên cơn nhồi máu
cơ tim dẫn đến tử vong ngay tại văn phòng làm việc khi nghe vợ gọi điện đến báo
tin nhà mình (P418-D2 Giảng Võ) bị cưỡng
chế thu hồi trái pháp luật.
Ngày 16/11/2012, báo Gia đình & Xã hội
đã đăng bài “Cưỡng
chế cả người đã khuất”, trình bày về những khuất tất trong việc thực hiện dự
án “Đầu tư xây dựng lại nhà tập thể cũ D2 Giảng Võ”, đặc biệt là sai phạm của
UBND quận Ba Đình trong vụ cưỡng chế ngày 26/10/2012. Mặc dù ngay từ tháng
8/2011, ông Trần Văn Đình đã có đơn gửi UBND quận Ba Đình và Ban Quản lý Dự án
D2 để khẳng định rằng gia đình mình mới là chủ sở hữu căn hộ 418-D2, cũng như
nhiều lần gửi văn bản đề nghị họ làm việc với ông về phương án đền bù GPMB căn
hộ của ông, song các văn bản phúc đáp đều nói rằng căn hộ thuộc về người khác,
và họ từ chối làm việc với ông. Vậy nhưng, trong buổi làm việc với phóng viên
sau đó, ông Nguyễn Chí Trung, Phó Trưởng ban GPMB quận Ba Đình, vẫn thản
nhiên rằng: “Do gia đình không hợp tác nên việc xác minh hồ sơ cho
phương án bồi thường càng khó khăn, không tìm được địa chỉ gia đình đang ở. Hôm
xảy ra cưỡng chế, ông Đình mất ở cơ quan, chứ mất ở đây (nơi cưỡng chế -
PV) thì to chuyện!”
Đến nay, chính quyền quận Ba Đình và phường Giảng Võ, thủ
phạm đã gây ra cái chết thương tâm cho ông Trần Văn Đình, vẫn chưa hề có một cử
chỉ nào, dù chỉ là tượng trưng, để xoa dịu nỗi đau vô bờ bến của gia đình nạn
nhân.
Theo VOA,
sáng ngày 12/11/2012, tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng, ngay trước Phủ Thủ tướng, một
số bà con dân oan từ Bình Dương và Thanh Hóa tụ tập đưa kiến nghị và đơn kiện
nhân dịp Quốc hội họp. Một lực lượng công an hùng hậu đã được huy động đến để
đàn áp.
Theo nhân chứng trong cuộc là bà Trần Thị Huỳnh Mai đến từ Bình Dương,
vài chục công an hùng hổ cầm dùi cui xông vào chửi bới, đánh đập bà con, giật
xé biểu ngữ. Cụ Hà Thị Nhung (76 tuổi, người Thanh Hóa) lớn tiếng đọc những câu
vè chống tham nhũng và bị một nhóm công an xông đến xô ngã, đánh vào chỗ hiểm.
Cụ ngất tại chỗ. Nhóm công an hèn nhát bỏ chạy mặc dù chúng có sẵn xe và có thể
chở cụ đi cấp cứu. Cụ Nhung tắt thở sau đó.
Chiều ngày 21/11/2012, cụ Nguyễn Xuân Hiền, 75 tuổi, từ Đà Nẵng
ra Hà Nội khiếu kiện tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng, cũng bị lực lượng chức năng ở
đó giật biểu ngữ mà cụ đang cầm trên tay khiến cụ bị ngã và ngất xỉu.
Cụ Nguyễn Xuân Hiền |
Blogger Người Buôn Gió đã phải thốt lên trong bài “Đôi mắt người
Dân Oan” trên blog của mình:
“Nhưng tất cả … chưa bằng đôi mắt của người
đàn ông đang nằm kia. Đôi mắt không còn mang vẻ đau đớn về thể xác nữa, đôi mắt
chứa đựng một sự ai oán với cõi đời này. Đôi mắt của một người mang nhiều cay đắng,
chua chát trong cõi đời và đã vác chúng đi đến tận cùng của hy vọng, để lại nỗi
tuyệt vọng đầy ắp trong đó. Đôi mắt của một người không còn nơi hy vọng, cậy trông,
đôi mắt của một người cao tuổi đi gần hết cuộc đời, lúc nằm trên nền gạch giữa
đường, dường như mới ngộ ra cuộc đời này không có công bằng… Cái dáng nằm và
đôi mắt của ông không còn sự tha thiết với cuộc đời này nữa, giá như người ta
có dẫm chết, đánh chết ông lúc này cũng không làm ông bận tâm. Sự uất hận, buồn
đau đã đi đến tận cùng để ánh lên trong đôi mắt người đàn ông gầy gò với mái
tóc bạc ấy một cái nhìn trống rỗng với thế nhân trong một chiều cuối thu giữa
lòng thủ đô Hà Nội, nơi ngàn năm văn hiến, công bằng, dân chủ, văn minh…”
Còn đây là hình ảnh của những kẻ vẫn tự xưng là “Công an
Nhân dân” trong buổi chiều ngày hôm ấy:
Đúng vậy! Họ chính là những kẻ thủ ác vô cảm hay những Lê
Văn Luyện khoác áo “đầy tớ nhân dân” trong bộ máy chính quyền hiện nay. Họ
không chỉ có mặt ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng mà còn hiện diện trong mọi cơ quan
ban ngành từ trung ương đến địa phương trên khắp dải đất hình chữ S này.
Họ vừa
là nạn nhân vừa là thủ phạm đang ngày đêm gieo rắc tội ác cho chính dân tộc đã
sinh thành ra họ. Họ không còn biết gì đến đạo lý, liêm sỷ hay “lòng
tự trọng”, mà nếu “bí” quá khi bị truy vấn thì họ sẽ điềm nhiên phán rằng tất
cả là do “Đảng
phân công”.[1] Những Lê
Văn Luyện ngày nay rõ ràng là “sản phẩm” tất yếu của một hệ thống như vậy. Và,
không còn nghi ngờ gì nữa, “thiên đường xã hội chủ nghĩa” với đầy rẫy những Lê
Văn Luyện chính là “tương lai tươi sáng” đang chờ đón đất nước chúng ta, một đất
nước mà ở đó ngày càng nhiều người lấy lòng
căm thù đồng loại làm lẽ sống./.[2]
[1] Thiết tưởng
cũng cần lưu ý rằng, ở các nước tư bản với nền dân chủ “thua ta cả vạn lần”, chỉ
một sự cố gây chết vài người thôi cũng đủ khiến một ông bộ trưởng hay thậm chí
thủ tướng phải từ chức. Đơn giản là họ nhận thấy trách nhiệm của mình trong đó,
bất kể là trực tiếp hay gián tiếp.
[2] Các vị “Đại biểu
Nhân dân” trong “cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam”
xem ra chỉ có hai lựa chọn để thay đổi thực trạng này. Đó là [i] hạ mốc tuổi
thành niên theo quy định của pháp luật từ 18 hiện nay xuống khoảng 5-6 tuổi, độ
tuổi mà các “đương sự” bắt đầu biết sử dụng “công cụ gây án” (để “đảm bảo tính
nghiêm minh của pháp luật” đồng thời tránh việc phải sửa đổi luật lệ liên tục
như ý kiến của nhiều vị Đại biểu Quốc hội), và [ii] thay đổi hệ thống hiện hành
bằng một bản hiến pháp dân chủ.
VN hết thuốc chữa rồi ! nếu thành quận huyện của TẦU cũng không có gì ngạc nhiên.
Trả lờiXóa