Hồng Phúc chuyển ngữ
16-11-2012
16-11-2012
Ảnh: Kham/Reuters |
Tăng trưởng trong năm tiếp theo tại
Việt Nam được dự kiến sẽ sụt giảm do các vụ bê bối tham nhũng và tranh giành
trong nội bộ chính phủ cộng sản, gây thêm gánh nặng đối với nền kinh tế.
Dòng sông Bến Hải chạy qua một
ngôi làng trong vùng núi hẻo lánh ở miền Trung Việt Nam, nơi đánh dấu vĩ tuyến
17 – đường phân chia giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam trước khi quân đội Mỹ
rút quân đưa đến thắng lợi của miền Bắc cộng sản vào năm 1975. Đây là một nơi bị
lịch sử bỏ quên tại Việt Nam – một thế giới hoàn toàn khác với thủ đô Hà Nội nhộn
nhịp, nơi mạng lưới điện thoại di động dần dần biến mất trên con đường ngoằn
ngoèo dẫn về làng dưới cơn mưa phùn trên sườn dốc vào buổi sáng sớm và cây xanh
phủ kín hai mặt bên đường.
Hầu hết người dân sống dọc theo khu vực nông thôn bên bờ sông này là Vân Kiều, một trong 54 nhóm dân tộc thiểu số được chính thức công nhận ở Việt Nam. Mức thu nhập tuy gia tăng tại một số vùng nông thôn mà các dân tộc thiểu số đang sinh sống nhưng so với các đô thị khác tại Việt Nam thì vẫn chưa phù hợp theo tiêu chuẩn.
Mặc dù “con hổ kinh tế” tại Việt
Nam đã “giúp nông dân ở các vùng cao [kể cả và đặc biệt là các nhóm dân tộc thiểu
số Tây Nguyên] bỏ lại phía sau”, ông Roger Montgomery thuộc Trường Kinh tế
London nói. Chính phủ Việt Nam đã nhiều lần nói rằng họ muốn nâng cao đời sống
trong các khu vực này. Đó cũng là một phần trong các tham vọng tổng thể của họ
để đạt được nền kinh tế công nghiệp hiện đại vào năm 2020. Tuy nhiên, khả năng
để đạt được những cam kết đó bị hạn chế bởi nhiều thách thức lớn hơn mà đất nước
và Đảng Cộng sản cầm quyền đang đối mặt. Việc này đã làm nhiều người đặt dấu hỏi
về hướng đi của nền kinh tế Việt Nam.
Một số vụ tham nhũng gần đây và
thiệt hại nhiều tỷ đô la tại các doanh nghiệp nhà nước khổng lồ do quản lý yếu
kém đã ảnh hưởng đến mức tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
Lớp vỏ tăng trưởng cao trong thời
gian ngắn hạn đã làm cho chính phủ chùn bước trước những cải cách cần thiết. Tại
sao phải sửa đổi nếu không có điều gì bị hư hỏng cả? Thật không may, khi tăng
trưởng trong khu vực và các thị trường quốc tế lớn như châu Âu, Hoa Kỳ và Trung
Quốc bị chậm lại, thì các điểm yếu về mặt kinh tế của Việt Nam bị phơi bày ra
ánh sáng”, Ernest Bower, chuyên gia phân tích về khu vực Đông Nam Á tại Trung
tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nói.
Tăng trưởng ở mức trung bình khoảng
7% từ đầu năm 2000 đến 2010 đã giúp nâng Việt Nam lên hạng “thu nhập trung
bình” trong bảng của Ngân hàng Thế giới, và các chỉ số trên đã kéo các nhà đầu
tư lớn như Boeing và Intel đổ tiền vào nước này. Tuy nhiên, tăng trưởng cho năm
tới dự kiến sẽ giảm xuống còn khoảng 5,5%.
Tại Vĩnh Ô có nhiều nhu cầu cơ bản
rất cần thiết, nhưng sự hỗ trợ quan trọng có thể bị cản trở bởi các yếu điểm
trên, đặc biệt nếu tốc độ tăng trưởng bị giảm lại đồng nghĩa với việc cắt giảm
chi tiêu hoặc đảng cầm quyền quyết định trì hoãn các cải cách kinh tế. “Chúng
tôi cần các kênh mương thủy lợi tốt hơn, hệ thống nước tốt hơn. Tám mươi ba phần
trăm người dân trong khu vực này thuộc hộ nghèo”, Nguyễn Thị Hải, Phó Chủ tịch
Uỷ ban Nhân dân tại địa phương cho biết.
Mùa hè vừa qua, Ngân hàng Nhà nước
thừa nhận rằng các khoản nợ xấu lên đến khoảng 10% trong tổng số nợ của ngân
hàng. Các nhà phân tích dự đoán rằng con số thực tế có thể cao hơn gấp hai lần.
Để so sánh, các khoản vay trong tổng
số nợ xấu tại bốn ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc ở mức khoảng 1% trong tổng
các khoản nợ hồi năm ngoái, có nghĩa là các khoản nợ xấu của Việt Nam có thể lớn
gần với số liệu của Tây Ban Nha, trong đó có khoảng 10% vốn vay ngân hàng được
không được hoàn trả lại.
Lời xin lỗi hiếm hoi của đảng cầm
quyền
Trước các khó khăn về mặt kinh tế,
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới đây đã buộc phải lên tiếng
xin lỗi vì cách điều hành yếu kém tại các doanh nghiệp nhà nước – nơi
chiếm 35% trong nền kinh tế Việt Nam. Thủ tướng phải đối mặt với nhiều lời khiển
trách từ các đối thủ của ông trong Đảng Cộng sản, khiến nội bộ đảng bị chia rẽ
vì những khó khăn mà đất nước phải đối mặt và tác động của những việc này có thể
ảnh hưởng đến tính hợp pháp của đảng cầm quyền.
Công ty tư vấn rủi ro Maplecroft
gần đây nói rằng, “Tận dụng những bất bình trong dân chúng, chủ yếu là lạm
phát, thất nghiệp và tham nhũng, hai lãnh đạo bảo thủ là Chủ tịch nước Trương Tấn
Sang và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thách thức Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về
sự thất bại của ông đối với các chính sách kinh tế”.
Bỏ mặt các lời xin lỗi khiêm tốn
và đấu đá trong nội bộ Đảng Cộng sản, sự bất bình trong dân chúng vẫn tiếp tục
gia tăng về cách quản lý yếu kém của chính phủ cũng như vấn nạn tham nhũng cùng
với mức tăng trưởng chậm chạp đã khiến chính phủ một đảng tại đây mở ra các chiến
dịch trấn áp nhằm dẹp bỏ những lời chỉ trích.
Đảng kiểm soát
“Trong khi Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng và Chủ tịch Trương Tấn Sang đại diện cho hai nhóm cạnh
tranh chính trị trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam nhưng cả hai vẫn đặt
đảng lên trên hết”, ông Christian Lewis thuộc công ty tư vấn rủi ro
chính trị EurasiaGroup nói.
Vào ngày 30 tháng Mười vừa qua,
chính phủ đã bỏ tù hai nhạc sĩ tại Thành phố Hồ Chí Minh với cáo buộc tội tuyên
truyền chống nhà nước – một cáo buộc rất mơ hồ nhằm trấn áp tất cả những ai lên
tiếng vận động cho tiến trình dân chủ tại nước này. Các bản án này được đưa ra
chỉ vài tuần sau khi bỏ tù ba nhà báo tự do hôm 24 tháng Chín với các cáo buộc
tương tự.
Một số chỉ trích của các nhà bất
đồng chính kiến tập trung vào nạn tham nhũng, một yếu tố đã làm các nhà đầu tư
sợ hãi và gây ảnh hưởng mạnh đến mức tăng trưởng. Theo Bản báo cáo Cạnh tranh
Toàn cầu thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam bị giảm 16 điểm và trượt xuống
hạng 75 trong năm 2012. Theo các số liệu từ chính phủ thì đầu tư nước ngoài đổ
vào Việt Nam đạt mức cao nhất hồi năm 2008 lên đến 70 tỷ USD, nhưng con số đó bị
giảm thê thảm và từ 2012 cho đến nay đầu tư nước ngoài chỉ đạt 10,5 tỷ USD, giảm
28% so với năm 2011.
Các quan chức lo ngại rằng Việt
Nam sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư [nước ngoài] cũng như thiếu
sự minh bạch mà các nước phương Tây muốn thấy. Một số chuyên gia đã nói thẳng
thắn hơn rất nhiều so với quá khứ về những thách thức mà nền kinh tế Việt Nam
đang phải đối mặt.
Lao động tay nghề của Việt Nam cần
phải cải thiện nếu muốn tiếp tục thu hút các nhà đầu tư vì các nước láng giềng
Myanmar và Indonesia đang kêu gọi đầu tư với mức lương rẻ hơn cũng như thị trường
tương đối lớn hơn, và đó là một trong những thách thức trước mắt của Việt Nam,
Mai Thị Thu – Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Quốc gia thuộc Bộ
Kế hoạch và Đầu tư – cho biết.
“Tôi biết nhiều nhà đầu tư đến Việt
Nam và phải đối mặt với rất nhiều khó khăn để tuyển dụng các lớp lao động thích
hợp”, cô nói.
Đối với Việt Nam, thất bại trong
việc thu hút đầu tư công nghệ cao và trả lương cao hơn, công việc tốt hơn, tay
nghề giỏi hơn có thể dễ bị trúng “bẫy thu nhập trung bình”, trong đó các nước
này không còn có thể cung cấp lao động giá rẻ bởi vì chi phí gia tăng và không
thể cạnh tranh với các nền kinh tế tiên tiến về các kỹ năng cũng như cơ sở hạ tầng.
“Tôi không nghĩ rằng Việt Nam có
thể vượt qua cái bẫy này dễ dàng”, Mai Thị Thu nói.
Tuy nhiên, cô nhanh chóng để chỉ
ra rằng nền kinh tế của Việt Nam đã đi một chặng đường dài kể từ thời kỳ ‘đổi mới’
được áp dụng năm 1986, khi đó Việt Nam là một nước nghèo nhất thế giới, và các
quan chức ở Vĩnh Ô lạc quan khi nói về tương lai tại đây.
“Năm năm trước, chúng tôi không
có đường tốt như bây giờ”, Nguyễn Thị Hải chia sẻ, “và tôi nghĩ rằng nếu bạn trở
lại trong thời gian năm năm, bạn sẽ thấy nơi đây rất khác”.
© Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC
2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét