31-10-2012
Được Đội Liên ngành bảo kê, phu trầm xới tung rừng Gộp Ngà |
Vụ ăn chặn hy hữu
Vụ Đội Kiểm tra liên ngành huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) ăn chặn
kỳ nam do người dân đào trúng ở rừng phòng hộ Gộp Ngà tối 26-9-2012 được hàng
chục tờ báo (Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, Lao Động, Pháp luật TP HCM, Người
Lao Động, Cựu Chiến Binh, Dân Trí….) đăng tải nhiều kỳ. Những ai biết câu chuyện
khuất tất này đều cho rằng đây là vụ tham nhũng (nếu không nói là ăn cướp) tập
thể trắng trợn và cố ý làm trái hy hữu đến khó tin.
Theo điều tra của báo chí, cuối tháng 9-2012, xuất hiện tin
đồn một nhóm phu trầm Quảng Nam trúng kỳ nam ở rừng Gộp Ngà tới 50 tỷ đồng. Lập
tức hàng ngàn người dân Khánh Hòa và các tỉnh lân cận rùng rùng kéo đến Khánh
Sơn, khấp khởi cơ may đổi đời.
Trước cơn lốc trầm, kỳ nguy cơ tàn phá rừng phòng hộ, gây phức
tạp anh ninh trật tự địa bàn, UBND huyện Khánh Sơn lập Đội Kiểm tra
liên ngành (gồm công an huyện, huyện đội, hạt kiểm lâm huyện, BQL rừng phòng hộ…)
– có nhiệm vụ vận động, ngăn chặn, đẩy đuổi phu trầm khỏi địa bàn.
Trớ trêu thay, không những không thực hiện nhiệm vụ, một số
cán bộ chủ chốt của Đội Liên ngành lại cả gan móc nối với các ông bầu trầm, kỳ,
bảo kê họ đưa quân lên núi đào kiếm trầm, kỳ, với thỏa thuận “cưa đôi” (50-50),
nếu đào trúng trầm, kỳ! Tối 26-9, phu trầm đào trúng mẩu kỳ nam đầu tiên, cả
khu rừng Gộp Ngà lập tức nháo nhác. Một trung úy công an trong Đội Liên
ngành nổ súng chỉ thiên, tịch thu khúc kỳ nam vừa đào được.
Tối hôm đó, phu trầm đào được cả thảy 4 khúc kỳ nam (tổng trọng
lượng khoảng 1,4-1,5kg), đều nộp hết cho Đội Liên ngành. Hai ngày sau, hơn 300
phu trầm rời rừng Gộp Ngà trở về thị trấn Tô Hạp (huyện lỵ Khánh Sơn) để nhận
tiền bán kỳ nam được chia như thỏa thuận. Phía Đội Liên ngành yêu cầu họ cứ trật
tự ra về, sẽ được chia sau. Ngày 3-10, các ông bầu được nhắn tin, có 279 phu trầm
được công nhận chia tiền, tổng số tiền là 100 triệu đồng. Biết bị ăn cướp trắng
trợn, nhiều ông bầu lập tức có đơn tố cáo, gửi các cơ quan chức năng huyện, tỉnh
và báo chí. Theo họ, kỳ nam giá tới 9-10 tỷ đồng/kg!
Danh sách “mật”
Vụ “lùm xùm” vỡ lở, Quân khu V yêu cầu Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh
xác minh vụ việc và số cán bộ, chiến sĩ Huyện đội Khánh Sơn dính líu. Lập tức,
11 cán bộ huyện đội (4 cấp tá, 5 cấp úy và 2 hạ sĩ quan) nộp lại tiền được
chia, tổng số 220 triệu đồng. Được biết, lực lượng quân đội chỉ được bố trí
vòng ngoài. Các cán bộ huyện đội dính líu đều nói họ được phu trầm “bồi dưỡng”,
không phải ăn chặn(!). Công an tỉnh cũng vào cuộc rất sớm, nhưng mãi đến nay,
lãnh đạo công an tỉnh vẫn từ chối cung cấp thông tin cho báo chí về nội dung vụ
việc cũng như danh tính các cán bộ công an huyện dính líu. Về phía huyện, UBND
huyện ra tối hậu thư, chậm nhất ngày 17-10, công an huyện phải có văn bản báo
cáo. Tuy nhiên, báo cáo của công an huyện lại tùy tiện đóng dấu “mật”(!). Theo
nguồn tin riêng của báo chí, 4 cán bộ công an huyện đã nộp lại 1,2 tỷ đồng.
“Phiếu chuyển”
Liên quan vụ “lùm xùm” hy hữu này, mãi đến 25-10-2012, Văn
phòng Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng Trung ương mới có cái gọi là “phiếu
chuyển” (số 54/PC-VPBCĐ) gửi Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng tỉnh Khánh
Hòa, toàn văn như sau:
“Từ ngày 13-10-2012, các báo điện tử “Tiền phong”, “Dân trí”
và một số tờ báo khác đã đăng một loạt bài về việc Chính quyền huyện Khánh Sơn,
tỉnh Khánh Hòa thành lập Đội Kiểm tra liên ngành gồm Công an huyện, Ban Chỉ huy
quân sự huyện, hạt Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ và một số phòng chức
năng thuộc UBND huyện để ngăn chặn, vận động người dân không tham gia đào bới
tìm trầm tại khu rừng Gộp Ngà, huyện Khánh Sơn. Tuy nhiên, Đội lại móc nối để bảo
kê cho những người tìm trầm với công thức ăn chia là “cưa đôi” (nếu tìm được trầm,
những người đào bới được chia 50%, Đội Liên ngành được chia 50%).
Theo quy định của Luật phòng, chống tham nhũng, Văn phòng
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng xin chuyển nội dung các
bài báo trên đến Ban Chỉ đạo tỉnh Khánh Hòa về phòng, chống tham nhũng để
chỉ đạo giải quyết theo quy định của pháp luật./.
Trân trọng!”
“Phiếu chuyển” không hề có nội dung nào “chỉ đạo” cách thức
xử lý vụ này như tên gọi “Ban Chỉ đạo”. Cũng không có nội dung yêu cầu xác
minh, xử lý, hạn mốc báo cáo kết quả lên Ban Chỉ đạo Trung ương như thông lệ ở
các văn bản của các cơ quan khác như Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ…
“Phiếu chuyển” của Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng Trung ương |
Như vậy, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng
đơn giản chỉ thực hiện chức năng của “anh bưu tá”: chuyển báo chí, không hơn!
Không hơn, nhưng còn kém “anh bưu tá”! Khi công văn này đến
Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh Khánh Hòa vào chiều 29-10, trả lời báo
chí, ông Trần Khác Hà – Phó trưởng ban thường trực cho biết, trước đó, Chủ tịch
UBND tỉnh (kiêm Trưởng Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng tỉnh) đã chỉ đạo
giám đốc công an tỉnh xử lý vụ việc. Như vậy, một cách chậm trễ quá đáng, “anh
bưu tá” – Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng Trung ương đã lặp lại việc
“đưa thư” (qua báo chí, các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã biết vụ việc từ
đầu tháng 10-2012, chẳng phải đợi đến 29-10-2012, Ban Chỉ đạo Trung ương có
“phiếu chuyển” mới biết).
Có quá lời không, khi gọi Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham
nhũng Trung ương là “anh bưu tá non việc”?
Ai cũng nói tham nhũng ngày càng trầm trọng, trở thành quốc
nạn. Là cơ quan chuyên trách được lập ra để chống tham nhũng, ở vị trí cao nhất
(Trung ương), Ban chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng Trung ương làm việc kiểu ấy,
chẳng trách tham nhũng ngày càng… “phây phây”?
Từ trước đến nay, đố ai thấy vụ tham nhũng đình đám nào do hệ
thống Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng từ Trung ương đến các tỉnh phát hiện
và xử lý. Thấy? Chết liền!
V.V.T.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét