5-10-2013
Viết entry này tôi nhớ người bạn làm báo. Chị kể thời 1970
tòa soạn nhận được giấy mời đi dự lễ hạ thủy chiếc xà lan đầu tiên ở bến phà
Chèm (Hà Nội).
Sáng đó trời mưa phùn gió bấc, lạnh quá, thời đó phóng viên
phải đi xe đạp hơn chục km mới đến nơi, điện thoại không có. Thế là tay nhà
báo, được lệnh đi làm tin, thấy ngại và ở nhà bịa tin như thật “Chiếc xà lan
lao xuống nước trong tiếng reo hò của bà con hai bờ”.
Bài viết đăng lên báo in. Phía xí nghiệp đóng xà lan vội cho người tức tốc lên tòa soạn nói, hôm đó thời tiết xấu, chưa hạ thủy. Phải đợi tuần sau. Đương nhiên tay phóng viên bị treo bút và tòa soạn được một bài học nhớ đời về kiểm chứng thông tin trước khi đăng.
Mới đây có chuyện tương tự. Phóng viên VOV chỉ nghe loáng
thoáng rồi viết hẳn thành tin đưa lên báo rằng, bố chồng bị “dính tịt” vào
con dâu, phải đi bệnh viện cấp cứu.
VOV là viết tắt của cụm từ tiếng Anh Voice of Vietnam – Đài
Tiếng nói Việt Nam. Đưa tin kiểu như trên thì gọi VOV là Voice of Vịt – tiếng
nói của loài vịt – chẳng có gì là lạ. Chỉ khổ những chú vịt đẹp thiên thần bị
mang tiếng xấu.
Thời chiến tranh, VOV có đội ngũ phóng viên đông đảo, dũng cảm
đi khắp đó đây để lấy tin, phỏng vấn, ghi âm. Lý lịch ba đời trong sạch, tài
năng thực thụ mới vào nổi thánh địa của VOV.
Nhiều người thuộc thế hệ U50-60 từng nghe “Đây là tiếng nói
Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” từ thời
chiến tranh, lòng nao nao muốn ra trận, chiến đấu quên mình.
Đó là giọng hùng hồn của bác Việt
Khoa, được phong là Levitan của Việt Nam. Sau mỗi trận ném bom của Mỹ là một
bài bình luận nẩy lửa với giọng đọc mà người Mỹ cũng muốn “diệt khẩu”.
Ngày 23/12/1972, pháo đài bay B52 của Mỹ đã rải thảm bom xuống
khu vực đài Mễ Trì và Bạch Mai, đồng thời là khu tập thể lớn, phá huỷ cả hai cơ
sở phát sóng lớn tại Hà Nội. Đài Tiếng nói Việt Nam phải ngừng phát sóng 9
phút, nhưng sau đó VOV lại hùng hồn như thường.
VOV đã đi vào trái tim bao thế hệ yêu đất nước với niềm tin
vào ngày mai hòa bình và xây dựng.
Những năm 1990, internet phát triển như vũ bão. Lúc đó, nhiều
vị lãnh đạo sợ “thông tin vào, rác rưởi sẽ theo và diễn biến hoà bình sẽ làm
cho đất nước lâm nguy” nếu nối mạng internet.
Sau trì hoãn mấy năm và cuối cùng năm 1997, giới trẻ Việt
Nam lần đầu biết đến mùi vị thế nào là lướt web, thư tình bằng email và Yahoo
chatting.
Bây giờ VOV có trang web để đưa tin, có kênh VOV Giao thông
Hà Nội, VOV Giao thông Tp HCM và cả VOV Tivi, dùng công nghệ truyền dẫn hiện đại.
Nhưng tin tức thời bình khó đưa hơn thời chiến. Thời chiến
chỉ có một mục tiêu, dù thế nào thì cũng phải đưa tin chiến thắng.
Thời internet thì không thể toàn tin tô hồng, bắt buộc phải
có tin đa chiều, nhưng đa chiều thuộc về nhậy cảm.
Những vấn đề lớn ảnh hưởng đến vận mệnh quốc gia như biển
Đông, tham nhũng, bè phái hay lợi ích nhóm thuộc về cấm kỵ, bị kiểm duyệt vì sợ
động chạm. PMU18 là điển hình của gió xoay chiều khi báo chí bị coi đã bước vào
vùng cấm.
Báo vẫn phải là báo, báo phải có tin. Làng báo kể cả VOV bù
đắp tin về sex, giết, hiếp, trộm cắp. Loại “rác rưởi” mà lãnh đạo sợ lại tràn
vào báo chí chính thống nhiều hơn cả lề trái.
Mới đây, VOV
thông báo, phóng viên bị “cảnh cáo, không được hoạt động nghiệp vụ báo chí
vô thời hạn và bố trí làm công việc khác do vi phạm viết tin sai sự thật, không
tuân thủ quy trình sản xuất tin, bài”. Ông TBT VOV online cũng bị kỷ luật.
Ngày 18/9, trang mạng VOV đưa tin, ở tỉnh Tiền Giang xảy ra
chuyện bố chồng và nàng dâu có “hành vi bỉ ổi”. Rồi “ người con dâu bị chứng co
thắt âm đạo, làm cho bố chồng không ‘tách rời’ ra được, phải đi cấp cứu ở Bệnh
viện Đa khoa trung tâm tỉnh .”
Sau đó chính quyền tỉnh Tiền Giang bác bỏ. VOV cũng xác minh
đây là tin “vịt” và phải đăng tin cải chính, xin lỗi độc giả.
Hóa ra, phóng viên nghe qua một người nhà lên tỉnh khám bệnh,
đi qua chỗ bác sỹ có nói loáng thoáng về những tai nạn tình dục. Thế là “lực lượng
thứ 4” ngồi salon bịa luôn một tin nóng, có hàng triệu người đọc.
Đây là sai sót nghiệp vụ nghiêm trọng và vi phạm đạo đức báo
chí. Một thương hiệu lớn như VOV không thể để những tin rẻ tiền và “vịt” như thế
lọt vào trang web của mình.
Nhìn mặt khác, không phải mình phóng viên kia có lỗi.
Mấy tháng trước, xông xáo ghi hình đưa tin như hai phóng
viên VOV
là Ngọc Năm và Phi Long bị đánh vỡ mặt trong vụ chiếm đất Văn Giang của
Ecopark, nhưng sau đó vụ việc rơi vào im lặng, dù có cách
chức người đánh, không như lúc đầu VOV đòi làm cho ra nhẽ.
Thử tưởng tượng nhà báo đánh vỡ mặt công an thì vụ việc sẽ
đi đến đâu?
Bom B52 rải thảm của Mỹ không thể bắt “Tiếng nói Việt Nam”
im lặng trong chiến tranh, nhưng giờ đây VOV lại không thể lên tiếng trước những
nhức nhối của xã hội trong thời bình.
Một tên tuổi lớn như VOV không thể nói lên sự thật, một tiêu
chí quan trọng trong truyền thông, thì chuyện phóng viên ngồi sa lông máy lạnh
viết về sà lan hạ thủy thời xưa hay đưa tin “rác rưởi” lên trang web để
nuôi tờ báo và gia đình có gì là lạ.
Một hôm nào đó VOV được gọi là Voice of Vịt – Tiếng nói của
loài vịt – cũng chẳng ngoa chút nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét