Ba Sàm
TTXVN (Hồng Công 1/10)6-10-2012
“Thái tử Đảng” Bạc Hy Lai, người từng được nhiều người
dự đoán sẽ nắm giữ một chức vụ chủ chốt trong ban lãnh đạo khóa mới của Đảng Cộng
sản Trung Quốc tại Đại hội 18, đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc vào
cuối tháng 9 vừa qua.
Trước khi bị “ngã ngựa,” vị cựu ủy viên Bộ Chính trị Ban
chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có một sự nghiệp chính trị huy
hoàng với các cương vị như Thị trưởng thành phố Đại Liên, Bộ trưởng Thương mại
và Bí thư Thành ủy Trùng Khánh. Vợ ông Bạc Hy Lai đã phải nhận một bản án tử
hình hồi tháng 8/2012 vì tội sát hại đối tác làm ăn là doanh nhân người Anh
Neil Heywood.
Các chuyên gia tin rằng phiên tòa xét xử vị cựu Ủy viên Bộ
Chính trị Bạc Hy Lai là lý do chính khiến thời điểm khai mạc Đại hội 18 bất ngờ
bị trì hoãn đến tận ngày 8/11. Một số học giả dự đoán vị cựu Bí thư Thành ủy
Trùng Khánh có thể bị kết án trước khi bắt đầu cuộc đại cải tổ 10 năm mới diễn
ra một lần của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo một cuộc điều tra nội bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc,
ông Bạc Hy Lai có thể phải đối mặt với mức án chung thân hoặc thậm chí là tử
hình vì tội tham nhũng và các tội khác; ông này bị cáo buộc đã nhận các khoản hối
lộ trị giá hơn 20 triệu nhân dân tệ trong gần 20 năm qua.
Mặc dù Tân Hoa Xã đưa tin hôm 28/9 rằng vợ ông Bạc Hy Lai,
bà Cốc Khai Lai, cũng có liên quan trong các vụ nhận hối lộ, nhưng các chuyên
gia nói rằng bà này chưa chắc đã bị xét xử lại hoặc phải nhận hình phạt cao
hơn. Với tội sát hại doanh nhân Neil Heywood, bà Cốc Khai Lai đã phải nhận bản
án tử hình nhưng được hoãn thi hành án. Và mặc dù thông báo chính thức của nhà
chức trách Trung Quốc cũng nói đến các thành viên không được nêu tên cụ thể
trong gia đình ông Bạc Hy Lai, được dư luận nhìn nhận rộng rãi là người con
trai Bạc Qua Qua, nhưng các luật sư và chuyên gia phân tích nói rằng “Bạc con”
chưa chắc đã bị ảnh hưởng do anh này được cho là đang ẩn náu ở Mỹ và chưa chắc
đã trở lại Trung Quốc.
Thông qua tài khoản của mình trên trang mạng truyền thông xã
hội Tumblr, Bạc Qua Qua đã đưa ra một thông báo: “Thật khó để tôi có thể tin
vào những cáo buộc chống lại bố tôi, bởi vì những cáo buộc đó trái ngược với tất
cả những điều tôi biết về ông ấy… Mặc dù những chính sách mà ông ấy thực hiện
đã mở ra những tranh luận, nhưng người bố mà tôi biết là một người liêm khiết và
làm việc đầy trách nhiệm”.
Luật sư Lưu Hiểu Nguyên nói rằng phiên tòa xử ông Bạc Hy Lai
nhiều khả năng sẽ được thúc đẩy sớm bởi vì ban lãnh đạo Trung Quốc đã đưa ra
quyết định về phiên tòa và tiến trình pháp lý được coi là một thủ tục. Luật sư
này nhận định: “Do bản chất của phiên tòa xử Bạc Hy Lai – một phiên tòa dự kiến
sẽ được xử kín vì nhũng lo ngại vượt ra ngoài vấn đề luật pháp – tôi cho rằng rất
có khả năng ông Bạc Hy Lai sẽ bị truy tố và bị đưa ra xét xử trước Đại hội 18.”
Luật sư Lưu Hiểu Nguyên cũng nói rằng nhiều khả năng ông Bạc Hy Lai sẽ bị chính
thức bắt giữ sau khi Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc
thông qua một quvết định của cơ quan lập pháp Trùng Khánh để tước bỏ tư cách Đại
biểu Quốc hội của ông Bạc Hy Lai.
Nhà quan sát chính trị Lưu Nhuệ Thiệu ở Hồng Công cho rằng vụ
án Bạc Hy Lai là một “trò chơi đố chữ” và do vậy việc nói về sự cai trị của luật
pháp và xét xử công bằng là nhằm mục đích giảm thiểu tối đa tác động của vụ xử
ông Bạc Hy Lai và chuẩn bị cho cuộc chuyển giao quyền lực sắp tới của Đảng Cộng
sản Trung Quốc. Chuyên gia này nói: “Tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy phán quyết của
tòa án đối với Bạc Hy Lai trong vòng một tháng, bởi vì vụ xử ông ta đã và đang
là trở ngại cuối cùng đối với một cuộc kế nhiệm quyền lực suôn sẻ sau khi đã
hoàn thành hầu hết các quyết định về mặt nhân sự.”
Chuyên gia Lưu Nhuệ Thiệu cho rằng lý do Bắc Kinh quyết định
xử lý ông Bạc Hy Lai sau nhiều tháng cân nhắc thận trọng chủ yếu là do sự kháng
cự của vị cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh và tham vọng vô độ của ông này trong
việc giành một chức vụ cao hơn – những điều được coi là các mối đe dọa đối với
vẻ đoàn kết bề ngoài của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tuy nhiên, chuyên gia nghiên cứu lịch sử Chương Lập Phàm ở Bắc
Kinh và Giáo sư luật Hà Vi Phương ở Đại học Bắc Kinh nói rằng một phiên tòa được
tiến hành vội vã sẽ bồi thêm một đòn nữa vào uy tín vốn đã tan vỡ của Đảng Cộng
sản Trung Quốc. Chuyên gia Chương Lập Phàm nhận định: “Một phiên xử có tốc độ
nhanh đối với một lãnh đạo đảng cấp cao như vậy đi ngược lại lẽ thường bởi vì
ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc lẽ ra không có gì phải lo ngại về một sự
trở lại của Bạc Hy Lai, bởi vì ông ta đã bị khai trừ khỏi Đảng.”
Trong khi đó, Giáo sư Hà Vi Phương nhận định vụ xử Bạc Hy
Lai cũng như các vụ xử bà Cốc Khai Lai và cựu Phó Thị trưởng kiêm Giám đốc Sở
Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân (người từng là cánh tay phải của Bạc Hy Lai
và đào tẩu vào Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô dẫn tới việc phơi bày ra ánh sáng vụ
sát hại Neil Heywood) dường như là được tiến hành vì động cơ chính trị và đã
cho thấy sự xấu xa của chính sách chính trị dựa trên quyền lực.
Giáo sư Hà Vi Phương nêu rõ: “Dường như không ai biết được
những câu trả lời đối với quá nhiều câu hỏi chưa được giải đáp liên quan tới
“cú ngã ngựa” của Bạc Hy Lai và vụ bê bối giết người bởi vì ngay từ đầu những vụ
việc đó đã không được xử lý như những vấn đề pháp lý. Tất cả những gì chúng ta
vừa chứng kiến là kết quả của các hoạt động chính trị ngầm và một cuộc đua
tranh quyền lực.”
Luật sư Lưu Hiểu Nguyên nhấn mạnh rằng nhà chức trách Trung
Quốc, trong đó có giới công tố và tòa án ở Hợp Phì – nơi bà Cốc Khai Lai bị xét
xử và kết án – đã bưng bít những tuyên bố trước đó rằng vụ sát hại doanh nhân
người Anh là kết quả của một vụ tranh chấp làm ăn xung quanh một thương vụ bất
động sản thất bại liên qua đến Cốc Khai Lai, Bạc Qua Qua và Neil Heywood. Luật
sư Lưu Hiểu Nguyên nhận xét: “Thật là một điều hổ thẹn đối với hệ thống luật
pháp của đất nước, bởi vì Bắc Kinh đã tự đặt bản thân mình vào tình thế tiến
thoái lưỡng nan xung quanh vấn đề xử lý như thế nào đối với một vụ án như vậy.”
Luật sư này đặt câu hỏi: “Mặc dù Cốc Khai Lai chưa chắc đã phải chịu một bản án
nghiêm khắc hơn – đồng nghĩa với việc bị xử tử – nhưng chân giá trị và hiệu quả
của hệ thống tòa án nằm ở đâu?”./.
http://anhbasam.wordpress.com/2012/10/06/1292-vi-sao-dai-hoi-18-dang-cong-san-trung-quoc-bi-hoan-den-ngay-811/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét