19-10-2012
Một trong những điều mà khi nhắm mắt lìa đời
có lẽ tôi vẫn còn ân hận, đó là chưa đền ơn trả nghĩa đủ cho các bà chị của
tôi. Hiếu thảo với cha mẹ là chuyện đương nhiên phải có. Nhưng với tôi, ngoài
công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, tôi thấy mình còn mang nợ rất nhiều với
các bà chị.
Các chị tôi đã đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình “nên
người” của tôi. Các chị tôi không hề “dạy dỗ” tôi, nhưng đã hy sinh để tôi được
“ăn học”. Món nợ của tôi đối với các chị quá lớn là bởi các chị tôi đã chịu quá
nhiều thiệt thòi để tôi có được ngày hôm nay.
Khi các chị tôi đến tuổi cắp sách đến trường thì cũng là lúc gia đình tôi khánh tận. Cho nên tất cả các chị của tôi đều bị thất học. Bà nào khá lắm thì cũng chỉ tốt nghiệp “bình dân học vụ”, nghĩa là xé đủ vài cuốn vần để đọc được 24 chữ cái và biết đọc biết viết.
Vào đời và làm việc
trong những điều kiện mà xã hội tân tiến ngày nay gọi là cưỡng bách và bóc lột
sức lao động trẻ con, ngay từ tuổi nhỏ các chị tôi đã phải bôn ba tảo tần chẳng
khác nào bà Tú Xương. Ngoài việc bồng ẵm, chăm sóc, đút cơm, dắt mấy cậu em đi
chơi, các chị tôi cũng san sẻ gánh nặng gia đình với mẹ tôi trong việc đồng
áng, chăn nuôi và ngay cả buôn bán. Đến tuổi cập kê, gặp ông chồng thuộc gia
đình khá giả thì còn có nơi nương tựa. Nhưng phần lớn các chị tôi đều gặp chỗ
“môn đăng hộ đối” với những ông anh rể quanh năm ngày tháng chỉ biết cảnh “con
trâu đi trước cái cày theo sau” cho nên lam lũ vẫn là phần số “chạy trời không
khỏi nắng” của các chị. Vậy mà thân cò lặn lội bờ ao, các chị tôi bà nào cũng
nuôi sống được một ông chồng với cả chục đứa con. Riêng một bà chị “ở vậy” thì
tôi chẳng biết dùng lời nào để tán dương: bà là người duy nhứt thay mặt cho mọi
người con sớm hôm túc trực bên giường bệnh để chăm sóc người cha già yếu
trong những năm cuối đời.
Nại đến hoàn cảnh túng thiếu, cha mẹ tôi đành để cho các chị
tôi thất học. Nhưng không hiểu sao ông bà lại tìm đủ mọi cách để mấy thằng con
trai có cơ hội ngước mặt nhìn đời và mang về cho gia đình chút danh dự. Phải
thành thật khai báo rằng cha mẹ tôi quá cưng chìu con trai. Suốt ngày anh em
con trai chúng tôi chỉ biết “ăn học” và lêu lổng. Đã vậy, hễ có của ngon vật lạ
thì trước là dành cho cha tôi, rồi sau đến mấy thằng con trai, chứ chẳng bao giờ
có thừa cho các bà chị. Mọi việc trong nhà đã có mẹ và các bà chị lo. Bây giờ
nhìn lại, tôi mới nhận ra quá trễ rằng nếu không có những thiệt thòi và hy sinh
của các bà chị, anh em trai chúng tôi khó mà ăn học cho đến nơi đến chốn
và nhứt là nên người.
Tôi không trách cha mẹ tôi đã có sự “phân biệt đối xử” như
thế với con cái. Cách đây 6,7 chục năm, một phần vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn,
nhưng có lẽ vì thấm nhuần những “chân lý nghìn đời” của Khổng giáo, cho nên cha
mẹ tôi vẫn xem những câu nói của các bậc “thánh hiền” bên Tàu như “thập nữ viết
vô” hoặc “nữ nhi ngoại tộc” là khuôn vàng thước ngọc.
Cứ tưởng những người nghèo khổ thất học ở cái thời “chưa
khai hóa” như cha mẹ tôi mới có thái độ phân biệt giới tính và khinh thị nữ
nhi. Ngày nay, cách cha mẹ tôi đến hơn nửa thế kỷ, ở cái đất Trung Hoa vĩ đại của
Đức Khổng Tử, chính sách mỗi gia đình một đứa con đã khiến cho mạng sống của nữ
nhi bị rẻ rúng khinh miệt và sát hại đã đành, mà ngay tại Việt nam vẫn tồn tại
quan niệm trọng nam khinh nữ khiến dẫn đến nhiều tệ nạn xã hội và không biết
bao nhiêu thảm cảnh gia đình.
Trong những ngày này, cả thế giới đều theo dõi tình trạng sức
khỏe của cô bé gái người Pakistan tên là Malala Yousafzai. Cô nữ sinh 14 tuổi
sinh sống trong vùng Swat Valley này đã dám thách thức một trong những cổ tục hủ
lậu của Phong Trào Hồi Giáo quá khích Taliban là ngăn cấm nữ giới được cắp sách
đến trường.
Trên Blog riêng của mình, Yousafzai đã mở chiến dịch chống lại tệ
trạng này và kết quả là em đã bị một nhóm Taliban tìm cách ám sát. Vết thương
nơi đầu em quá nặng khiến phải di chuyển em sang Bệnh viện hoàng gia Elizabeth
bên Anh Quốc để chữa trị. Sự can đảm của em Yousafzai đã giúp thế giới ý thức về
thảm trạng mà nữ giới tại rất nhiều nơi trên thế giới đang trải qua.
Không được
“ăn học” vì nghèo khổ là chuyện còn có thể hiểu được. Đàng này, chỉ vì xem nữ
giới là “hạ cấp” so với nam giới, cho nên giam hãm họ trong sự ngu dốt là điều
không thể chấp nhận được trong thế giới văn minh ngày nay.
Song song với chủ
trương “ngu dân” đối với nữ giới ấy, nhiều nơi còn nhân danh tôn giáo và truyền
thống để chà đạp phẩm giá của nữ giới. Từ chuyện bị cưỡng bách kết hôn, bị sát
hại vì danh dự gia đình, bị cắt âm vật cho đến chuyện ra đường phải có một người
đàn ông trong gia đình tháp tùng hoặc không được lái xe hay đi xe đạp...tại nhiều
nơi trên thế giới, nữ giới vẫn còn bị đối xử có khi còn thua cả thú vật ở các
nước văn minh.
Ở những nơi chưa được “khai hóa”, nặng tôn giáo quá khích
hay truyền thống cổ hủ, thân phận người phụ nữ rẻ như bọt bèo là chuyện xem ra
còn có thể dung thứ được. Nhưng ở những nước văn minh, ngay cả khi “nam nữ bình
quyền” được ra rả tuyên xưng, khi những quyền căn bản của người phụ nữ được
nhìn nhận và điều được gọi là cuộc cách mạng tình dục đã “giải phóng” người phụ
nữ khỏi kiếp nô lệ trong chốn phòng the, nữ giới vẫn chưa thoát khỏi hẳn cái
vòng kim cô do nam giới áp đặt.
Mới đây chính trường Úc đại lợi đã nóng lên vì
cuộc tranh cãi về phái tính. Bỏ qua một bên cái “ý đồ” của thủ tướng Julia
Gillard khi tấn công vào lãnh tụ đối lập Tony Abbott, người mà bà cho là một
tên kỳ thị giới tính và miệt thị đàn bà, bài diễn văn tại Hạ viện Liên bang của
bà hôm thứ Ba 9 tháng 10 vừa qua đã được các phong trào và tổ chức tranh đấu
cho nữ quyền trên khắp thế giới nhiệt liệt hoan hô.
Chuyện ông Tony Abbott có kỳ
thị giới tính và miệt thị đàn bà hay không hẳn là chuyện dài nhiều tập trên
chính trường Úc. Nhưng bài diễn văn của bà Gillard chắc chắn đã gợi lên rất nhiều
thảm cảnh mà phụ nữ ngày nay vẫn còn phải gánh chịu chỉ vì thân phận phụ nữ của
mình.
Không nói đến chuyện bạo hành trong gia đình, bị kỳ thị trong sở làm hay
chuyện buôn người và nô lệ tình dục, nhân loại ngày nay có lẽ vẫn chưa đủ “trưởng
thành” để thoát khỏi cái nhìn “sự vật hóa” đối với người phụ nữ. Tựu trung,
trong ánh mắt của nhiều người, phụ nữ vẫn còn là một thứ để chinh phục, sở hữu
và hưởng thụ. Tại sao người ta không đặt vấn đề “trinh tiết” của đàn ông, mà lại
cứ đòi hỏi điều đó nơi đàn bà? Chẳng qua là vì nhiều người xem phụ nữ như một sản
phẩm để mua. Mà mua thì dĩ nhiên ai cũng muốn mua đồ mới!
Cách đây gần 50 năm, nhà văn Lâm Ngữ Đường, dưới cái nhìn của
một người Phương Đông (mặc dù chẳng có nơi nào phụ nữ bị miệt thị cho bằng
trong văn hóa Trung Hoa), đã nói đến chuyện khai thác thân thể phụ nữ tại Tây
Phương, nhứt là tại Hoa kỳ.
Ông viết:
“Các nghệ sĩ gọi đó là cái đẹp. Khán giả
gọi đó là nghệ thuật. Chỉ có những nhà dàn cảnh và các ông bầu hát mới ngay thẳng
gọi nó là sự gợi tình của nữ tính (sex appeal) và đàn ông thường lấy vậy làm
thích. Hiện tượng đó quả là hiện tượng đặc biệt của một xã hội tạo ra vì đàn
ông, do đàn ông chỉ huy, một xã hội trong đó đàn bà khỏa thân bị đem trưng ra
trước công chúng vì mục đích thương mại, còn đàn ông thì gần như không khi nào
bị như vậy, trừ vài anh mãi võ. Đàn bà ở trên sân khấu thì hở hang, gần như khỏa
thân, còn đàn ông ngồi dưới ngó lên thì ăn bận đàng hoàng, đeo cà vạt nữa. Nếu
xã hội do đàn bà chỉ huy thì tình trạng có đảo ngược không nhỉ” .
(Lâm Ngữ
Đường, Một quan niệm về Sống Đẹp, bản dịch Nguyễn Hiến Lê, trg 159-160).
Tôi vẫn bị cám dỗ để tưởng tượng ra một thế giới ở khởi đầu
do đàn bà lãnh đạo. Trong trường hợp này thì có lẽ Kinh Thánh của Do thái giáo
và Kitô giáo sẽ được viết “khác” đi. Biết đâu Đức Chúa Trời không là Cha mà là
Mẹ. Biết đâu trong 10 Giới Luật, sẽ có giới luật “Ngươi không được thèm muốn
“chồng” người ta chứ không phải là “vợ” người ta!
Tưởng tượng cho vui thôi. Lịch sử là điều không thể thay đổi.
Lịch sử ấy nói với tôi rằng nhân loại luôn trong tiến trình đi lên: lên từ xã hội
do đàn ông độc quyền chỉ huy sang xã hội “nam nữ bình quyền”, lên từ xã hội được
điều khiển bởi sức mạnh của cơ bắp sang xã hội được điều khiển bằng lý trí, lên
từ xã hội xây dựng trên lò thuốc súng sang xã hội của tình người...
Tôi luôn lạc quan về lịch sử đi lên của xã hội loài
người. Cách đây gần 30 năm, thế giới đã chứng kiến cuộc cách mạng thường được mệnh
danh là “Sức mạnh quần chúng” (People’s Power) tại Phi luật tân. Đây là lần đầu
tiên trong lịch sử nhân loại, đã diễn ra một cuộc đảo chánh mà không có tiếng
súng, không có cảnh máu đổ thịt rơi. Không một võ khí hay một tấc sắt
trong tay, người dân quốc gia hải đảo này đã xuống đường và lật đổ được nhà độc
tài Ferdinand Marcos.
Kế đó, một cuộc cách mạng như thế cũng đã diễn ra tại
Haiti và buộc một nhà độc tài khác phải ra đi. Nhưng có lẽ ngoạn mục hơn cả vẫn
là cuộc cách mạng “êm như nhung” tại Tiệp Khắc và đồng loạt các cuộc cách mạng
tương tự tại khắp Đông Âu để khai tử các chế độ độc tài cộng sản hồi năm 1989.
Gần đây hơn, cuộc cách mạng được mệnh danh là “Hoa lài” tại Tunisia đã khai mở
một “Mùa Xuân” đầy hy vọng cho Trung Đông và các nước Á rập. Đã đến lúc thế giới
thấy rằng một chế độ cai trị có thể thay đổi mà không buộc phải dùng đến bạo động
và võ khí giết người.
Nhiều người đã có lý khi gọi kỷ nguyên mới là kỷ nguyên của
“Sức mạnh mềm” (soft power). Sức mạnh mềm ấy đã được thể hiện qua sự phát triển
và xử dụng rộng rãi hệ thống thông tin toàn cầu. Trước kia, với nhà tù, trại tập
trung, hàng rào kẽm gai, dùi cui, báng súng...các chế độ độc tài đã có thể bưng
bít thông tin và kìm kẹp người dân trong sợ hãi. Nay với “Sức mạnh mềm” này,
không có lý do gì để không tin rằng chẳng có sự đe dọa nào còn có thể làm cho
người dân lùi bước trước bạo lực nữa.
Nói theo ngôn ngữ của ngục sĩ Nguyễn Chí
Thiện, đã đến thời mà ông gọi là“kỷ nguyên tã trắng thắng cờ hồng”. Trẻ thơ là
biểu tượng của chính “Sức mạnh mềm” ấy. Chỉ có sức mạnh của Hồn nhiên và Trong
trắng của Trẻ thơ mới có thể chiến thắng được Gian Dối. Chỉ có sức mạnh của Hòa
Bình nơi Trẻ thơ mới có thể hóa giải được Hận Thù và Bạo Lực.
Một cách nào đó, lịch sử nhân loại cũng sẽ “đi lên” không chỉ
vì sự bình đẳng của người phụ nữ trong gia đình và xã hội được nhìn nhận, không
chỉ vì người phụ nữ có thể đảm nhận rất nhiều vai trò vốn từ trước đến
nay chỉ dành riêng cho nam giới. Lịch sử nhân loại “đi lên” là khi “Sức mạnh mềm”
mà người phụ nữ là một biểu tượng sẽ chi phối mọi sinh hoạt của con người. Đó
là lúc tình người, tinh thần phục vụ, lòng quảng đại, sự nhẫn nhục, từ tâm,
quên mình, hy sinh...trở thành những nguyên tắc hướng dẫn các quan hệ giữa người
với người.
Được sống và “mở” mắt ra trong xã hội đầy tự do dân chủ, những
khi nhớ các bà chị tuổi già sức yếu chưa một ngày biết thế nào là xã hội với những
từ rất kêu như văn mình, bình đẳng...tôi thường tự hỏi, giữa tôi và các chị
tôi, ai nên người hơn ai. Chắc chắn không phải tôi!
Việt Luận
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét