Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




MUÔN NĂM

Cầm Bùi
17-10-2013

Disclaimer – Phủi trách nhiệm:

Bài này viết bên thềm Đại hội 6, nhưng thật ra chẳng liên quan gì đến đại hội cả. Thật ra thì chẳng có cái gì của chúng ta mà lại có liên quan đến đại hội cả. Vả chăng, tôi cũng không có cửa nẻo đâu mà bàn chuyện đại hội. Cách đây dăm tháng, đúng lúc đi ngang qua lãnh sự quán Mỹ ở góc Mạc Đĩnh Chi – Lê Duẩn thì điện thoại tôi reo xém rách cả quần. 

Tôi vừa tấp xe vào vệ đường, rút điện thoại ra định nghe thì chú bảo vệ đang ngồi trong lô cốt đã xông đến, tay vung dùi cui, miệng hô “Mày cút đi chỗ khác không tao đánh chết mẹ mày bây giờ,” tôi nói xạo tôi chết trắng mắt. Thế cho nên, cửa nẻo đâu mà tôi dám ngồi dưới thềm bàn chuyện đại hội.

Disclaimer 2 – Lại phủi trách nhiệm:

Bài này được viết sẵn trong đầu sau những lần tôi đi ngoài đường và ngó ngang ngó dọc, nay ngồi xuống chép ra vậy thôi. Chỉ có ý nghĩa về từ vựng học hoặc từ nguyên học, nói một cách trơ trẽn thì như kiểu Chuyện Đông Chuyện Tây của ông An Chi trên báo Kiến Thức Ngày Nay. Không hề liên quan gì đến chính trị. Nếu các bạn đọc và tự suy diễn chính trị thì thứ nhất các bạn sẽ đau đầu, thứ hai các bạn sẽ đau lòng, cả hai cái đau ấy là do các bạn tự vơ vào mình, không liên quan gì đến tôi.

Phủi xong rồi, giờ thì thế này.

Thế này, tôi đi trên đường hay thấy cái từ “muôn năm.” “Muôn,” cũng như vạn, nghĩa là mười nghìn. “Muôn năm” nghĩa đen là mười nghìn năm, nhưng về nghĩa bóng thì là vĩnh cửu, tương tợ như vạn tuế. Là công dân của một đất nước có nền điện ảnh phát triển một cách rất đáng tự hào, chắc chắn các bạn và tôi, chúng ta cũng đều đã không ít thì nhiều từng xem phim Tầu trên ti vi. 

Trong những phim Tầu ấy, khi vua xuất hiện, bụng to như bụng heo xồ về phía trước, thì bọn bá quan văn võ nhất loạt kêu rằng “Thánh thuợng vạn tuế!” tức là chúc cho thằng heo sống đời sống kiếp, mãi mãi ăn trên ngồi trốc để mà đày đọa cuộc đời chúng nó, thế xong thằng heo rất mực nhân từ sẽ đáp nhời rằng “Trẫm miễn lễ, các khanh cứ quỳ đi,” rồi bọn bá quan văn võ sẽ lại đồng thanh rằng “Tạ ơn thánh thượng!” Ấy là một mô-típ kinh điển của phim Tầu, gần như phim nào cũng có. Mà các bạn biết đấy, phim Tầu thì trung thực lắm, một trăm bốn mươi phần trăm là sự thực, ngay cả các cảnh cưỡi mây lái gió, biến hóa thần thông cũng tuyền là thực cả. 

Cứ ấy mà suy, thì tôi dám khẳng định trong lịch sử Tầu, và rất có thể là cả sử Việt nữa, quả là người ta hay hô như sau:
“Thái giám muôn năm
Hoàng hậu giá lâm
Cách cách đái dầm
Thánh thượng vạn tuế!”

Nhưng mà, nếu chúng ta bỏ qua những vần điệu rất du dương thì ở đây có một lỗ hổng nghiêm trọng, mà tôi xin kể ra nơi đây chuyện một người thiếu nữ đẹp. Nếu có chút kiến thức sơ đẳng về địa lí học – sơ đẳng thôi, không cần phải sâu rộng như các nhà nghiên cứu đập thủy điện sông Tranh đi điều nghiên bằng iPad – các bạn hẳn biết rằng, trong địa lí học tồn tại một khái niệm gọi là tuổi thọ trung bình. Tuổi thọ trung bình của con người phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như sự phát triển y học của một nước. Nhật Bản chẳng hạn, nhờ nền y học hùng mạnh mà có tuổi thọ trung bình vào năm 2008 là 81, tức là trung bình thì mỗi người Nhật sống được 81 năm rồi mới chịu lăn ra chết. Con số này ở Việt Nam là 74, và ở Tầu là 73. Bảy mươi ba, bảy mươi bốn tuổi trên cõi đời kể cũng không phải là ngắn – nhất là khi bạn phải ngày ngày đối phó với giá xăng, giá điện và giá rau quả đến mức cứ muốn chết ngay cho nhẹ nợ – nhưng so với muôn năm, cho dù ở cái nghĩa đen thô thiển của nó, thì vẫn là một trò hề. 

Thật vậy, dùng Google tính toán ta có:
74/10.000 = 0,0074
tức là ta chưa sống được một phần trăm của muôn năm. 

Ngay cả cái bà Trung Quốc già nhất thế giới mới được khai quật gần đây cũng chỉ mới một trăm hai mươi bảy tuổi thôi, tức là chỉ hơn một phần trăm của muôn năm một chút thôi. Mà đó là trong điều kiện y học thế giới đã phát triển đến tầm đỉnh cao đấy! Các bạn nhớ cho, thời xưa người ta cắt rốn bằng mảnh sành, chữa đau ruột thừa bằng cám hấp, trị bệnh chó dại bằng bùa xì la ba úm, con dân chết tức chết tưởi cả mớ, thành ra tuổi thọ trung bình thấp hơn nhiều. Điển hình như Tần Thủy Hoàng, tiêu diệt tất cả các thể loại chư hầu để lập ra Tần quốc, xây tường đốt nho, chiến công hiển hách, mà chỉ sống được có bốn mươi chín tuổi. Hạng Vũ có sức mạnh bạt sơn cử đỉnh, từ nhỏ nấp sau cục đất nhìn vua Tần đi qua đã ngứa mồm bảo rằng “Có thể cướp và thay thế hắn,” về sau quả thật lật đổ nhà Tần, danh trấn một cõi, thế mà cũng chết giữa trận tiền ở tuổi ba mươi. Kẻ thù không đội trời chung với ông ba mươi này là Lưu Bang, sau trở thành Hán Cao Tổ, thì có sống dai hơn một chút, nhưng cũng không lết nổi qua năm thứ sáu mươi bốn. Tóm lại là ai nấy đều chết sớm, mặc cho cả đời cứ điên cuồng đi tìm linh đan trường sinh bất lão, mặc cho quần thần rã mồm hô“muôn năm muôn năm.”

Bàn về vua chúa rồi, ta lại bàn đến triều đại. Tuổi thọ của triều đại có thể dài, có thể ngắn, nhưng chung quy cũng chẳng khá hơn tuổi thọ của một ông vua là bao nhiêu, bất kể triều đại ấy hưng thịnh đến như thế nào. 

Cứ xem: nhà Trần được 175 năm, nhà Lý 216 năm, nhà Lê sơ tròn 100 năm. Đến thời nhà Nguyễn, ông vua Minh Mạng rất chi tham vọng, đã chong đèn thức hôm mà chế tạo ra một bài Đế hệ thi, như sau:
Miên Hường Ưng Bửu Vĩnh
Bảo Quý Định Long Trường
Hiền Năng Kham Kế Thuật
Thế Thoại Quốc Gia Xương
và bảo con cháu cứ theo ấy mà đặt tên: Miên Tông (vua Thiệu Trị), Hồng Nhậm (vua Tự Đức), Ưng Ái (vua Dục Đức)... “cứ như thế truyền đến muôn đời, thay nhau hưởng phước.” 

Tiếc thay mới đến chữ thứ năm là Vĩnh Thụy (Bảo Đại) thì nhà Nguyễn cũng đi củi sau 143 năm cố gắng một cách thiếu may mắn, cái phước ấy chẳng được hưởng mãi, ấn kiếm trao trả cho cách mệnh, ước nguyện “muôn đời” của ông vua “tối cưỡi sáu bà năm có chửa” cũng đi tong luôn. 

Như vậy tức là trên đời chẳng có gì muôn năm, cũng như trên năm chẳng có gì muôn đời. Phàm ở đời, cũng như ở năm, có thịnh thì phải có suy. Có sinh thì phải có diệt. Có sống thì phải có chết. Đến như vũ trụ bao la là vậy, trước đây anh em cứ tưởng nó vô tận vô cùng, hóa ra vẫn có Big Bang và Big Crunch. Tiếc cho ông Minh Mạng, ổng không có được cái tài năng khoa học như Stephen Hawking để biết rằng ngay cả thời gian cũng là tương đối, và rằng nếu ổng chạy đủ nhanh (hoặc thúc lính khiêng lọng chạy đủ nhanh) thì thời gian cũng chậm lại, ổng sẽ không đến nỗi hưởng dương bốn mươi chín tuổi.

Thế thì nói vòng vo, nay tóm lại rằng tôi đi trên đường, tôi hay thấy trên cây trụ điện treo mấy cái băng rôn đỏ ghi chữ vàng rằng “muôn năm,” “bất diệt” vân vân, mà lòng những suy nghĩ ưu tư mãi, trán như nổi sóng biển luân hồi vậy. 

Đành rằng nước ta, theo như lời đồn, vừa tách khỏi từ cái gốc phong kiến cổ hủ được bảy chục năm, nên vẫn còn tàn dư của cung vua phủ chúa. Lại đành rằng quan và dân ta, đồn vẫn như lời, vừa thoát khỏi chiến tranh được có bốn chục năm nên vẫn còn đói nghèo và dốt nát. Nhưng tựu trung đó không phải là lí do để ta dùng mãi dùng hoài cái chữ “muôn năm.” 

Như đã nói ở trên, quát đờ phắc là cái muôn năm? Làm gì có thứ gì muôn năm? Hỡi ôi! 

Tháng trước ông vừa hứa giá xăng sẽ không tăng nữa, thì tháng sau xăng cộ tăng giá hai lần liền, người đi xe có động cơ mà không phải quân cơ động đều méo mặt. Tuần trước ông dự đoán rằng thị trường chứng khoán sẽ phục hồi mạnh mẽ, thì tuần sau cả cái bảng điện tử nó đỏ lè như cà rốt, bao nhiêu tay chơi cổ phiếu kì cựu lẳng lặng vẫy chào vợ con, chui vào nhà cầu thắt cà vạt đá ghế. 

Hôm trước ông đập bàn khoe đầu bạc, đòi giải thể với thành lập nọ kia, hôm sau đã thấy ông xộ khám vì tội gây hậu quả nghiêm trọng, đồ rằng tại ông đập mạnh tay quá mà cái bàn bị bể. Năm trước ông xây cái bờ kè sứ vững như cái bửng để kỉ niệm ngàn năm văn vật, chưa hết năm sau bờ kè đã lở loét như chân thằng hủi vẫn đứng xin tiền góc Nam Kì Khởi Nghĩa – Nguyễn Thị Minh Khai, và quả thật là để cho những thằng hủi, hoặc xích lô, hoặc xe thồ nửa đêm vạch quần đái vào. 

Thập kỉ trước ông tự hào rằng ta đây chính thị con rồng châu Á, thập kỉ sau thì trong bảng xếp hạng giun đất người ta cũng không thèm ghi tên ông vào nữa. 

Hỡi ôi! 

Từ buổi sáng đoán buổi chiều ông còn đoán không thấu, từ buổi hôm nghĩ buổi mai ông còn nghĩ không thông, ông phán đâu sai đó, bói đâu trật đó, làm đâu hư đó, bắn đâu hụt đó, còn hô hào gì cái chuyện muôn năm?

Thôi thì thế này, hay là ta len lén ta thay “muôn năm” bằng “đến đâu hay đó,” chẳng phải là thức thời mà hợp lí hơn chăng?



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét