16-9-2012
Một công dân Việt Nam
đang phải “nhét ví” bao nhiêu loại giấy tờ: 5? Hay 7? Hay 9? Hôm qua, Phó Chủ tịch
QH Uông Chu Lưu, nguyên là Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đã nêu ra một con số thật mà
như bịa: Một công dân muốn “đàng hoàng đứng trong trời đất” phải có đến 15 loại
giấy tờ.
CMTND, hộ chiếu, bằng lái xe, giấy khai sinh, sổ hộ khẩu,
đăng ký kết hôn…Thôi thì đủ thứ. Và tương ứng, cũng trên chục các “con số” gắn
với nhân thân một người: Số CMTND, mã số thuế, số tài khoản…Loại thì do chính
quyền cấp, loại khác do công an, rồi cơ quan thuế, ngân hàng, giao thông…
Nếu ai đó 1 lần mất ví, có lẽ, sẽ thấm thía sự khốn khổ đắng cay của việc bỏ ra
nhiều tháng giời, đi hàng chục “cửa” để làm lại cả chục loại giấy tờ.
Công dân Việt Nam đang vô địch thế giới về việc phải có một con số cũng thuộc
diện “kỷ lục thế giới” về giấy tờ cần và đủ để có thể làm một công dân không bị
sách nhiễu. Nhưng có lẽ, con số càng kỷ lục, chỉ càng cho thấy sự phức tạp, chồng
chéo, lạc hậu và trì trệ trong quản lý hành chính.
Ước mơ “một cuốn sổ, một con số” hôm qua đã được Bộ trưởng Tư pháp đương nhiệm
Hà Hùng Cường “tha thiết mong Thường vụ QH Chấp nhận những đổi mới”.
Theo đó, tất
cả các loại giấy tờ tư pháp sẽ được “gói” trong chỉ 1 cuốn sổ, được gọi là “sổ
hộ tịch”. Các con số, mà số nào cũng có trên chục chữ số- cũng vậy, được quy thống
nhất trong chỉ 1 con số: “Con số định danh công dân”.
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai thậm chí còn cho rằng đây là điều
xứng đáng “đi vào lịch sử”. Nói giản dị thì đó là một “đột phá” trong cải cách
hành chính. Cũng không có gì sai nếu ví đó là “một cuộc cách mạng” trong quan
niệm: Quản lý cũng là phục vụ dân, là đơn giản hóa sự phiền phức cho người dân.
Tư pháp xưa nay là lĩnh vực “ngu lâu khó cải tạo” nhất trong số các lĩnh vực.
Vì thế, những nỗ lực của Bộ trưởng Hà Hùng Cường thật đáng ghi nhận.
Nhưng điều này hoàn toàn không dễ thực hiện, nếu như không nói là bất khả thi bởi
câu chuyện “một cuốn sổ, một con số” liên quan đến “một cửa”, liên quan đến việc:
các bộ, ngành phải “ngồi lại” với nhau.
Có hai ví dụ thời sự để minh chứng cho sự “bất khả thi”. Đó là đề xuất của Bộ Công
an về việc đưa tên cha mẹ vào giấy CMTND dù Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp
luật (Bộ Tư pháp) cho rằng điều này không phù hợp với Công ước về quyền trẻ em,
xâm phạm quyền bí mật đời tư. Một đề xuất được đánh giá là vì lợi ích quản lý
ngành, hơn là vì quyền lợi của người dân.
Và ví dụ thứ hai, là “câu chuyện nhỏ”
mà Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đã kể trước nghị trường: Một vị quan chức,
bạn ông, có lần “chỉ ăn mặc bình thường” ra phường xin xác nhận. Ông này vào bộ
phận một cửa để làm thủ tục, nhưng chờ hết vị này uống nước xong, lại đến vị
kia mà không xong được việc. Ngày hôm sau, rút kinh nghiệm, ông mặc complet,
tên tuổi chức vụ đàng hoàng, xách cặp đi thẳng vào ủy ban thì có ngay vị phó chủ
tịch phường ra đón tiếp, giấy tờ xác nhận chỉ hơn 10 phút là xong.
Cái khó đối với người dân không chỉ là cái khó vì “phải có” quá nhiều giấy tờ,
mà khó còn do thái độ của những công chức nhà nước, vẫn tự vỗ ngực coi mình là
công bộc, là phục vụ dân trong việc cấp cho người dân dù chỉ một tờ giấy.
Dù phải cần tới 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa, một cuộc cách mạng về giấy tờ,
thực ra là bớt đi sự phiền toái, bớt đi sự “hành là chính” đối với người dân là
cực kỳ cần thiết. Nhưng điều còn cần thiết hơn, cần thiết ngay, là một cuộc
cách mạng trong thái độ và quan niệm của công chức nhà nước trong việc phục vụ
những người đóng thuế để trả lương cho chính họ.
http://daotuanddk.wordpress.com/2012/09/16/vi-bo-truong-va-cuoc-cach-mang-giay-to/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét