3-9-2012
Tổng giám đốc tập đoàn tài chính ACB Nguyễn Đức Kiên. |
Các quốc gia trên thế giới đều có
mâu thuẫn và đấu tranh nội bộ gay gắt, không nơi nào không có, thậm chí “đấm”
nhau trong nghị trường, nhưng khác Việt Nam ở chỗ, nó diễn ra công khai.
Trong tình cảnh quê hương Việt
Nam hiện nay, khi cảnh nhiễu nhương diễn ra ngày càng đáng ngại trong xã hội giữa
lúc Phương Bắc tỏ ra kiên quyết “Nam tiến”, xem chừng như đây là một trong những
giai đoạn lịch sử mà những người dân Việt có tâm huyết với đất nước nhắc thường
xuyên tới vận nước để rồi âu lo cho sự tồn vong của dân tộc.
Và nỗi niềm đó có lẽ cũng thuộc
trong lý do để tác giả Nguyễn Thị Từ Huy “một lần nữa trở lại với hai chữ ‘đất
nước’ ”, và tin rằng “hai chữ này sẽ còn được nhiều người Việt Nam nói đến, nó
sẽ còn là nỗi ám ảnh của người Việt đương đại” chúng ta.
“Để tang nước”
Trong bài tựa đề “Để tang nước”,
tác giả Nguyễn Thị Từ Huy chất chứa nỗi niềm với quê hương qua việc phân tích
danh từ kép “đất nước”, lưu ý rằng yếu tố “nước” dù đứng sau “đất” nhưng không
kém phần quan trọng hơn “đất”. Tại sao? Bởi vì trong hai chữ “đất nước” ấy, nếu
“đất” đứng riêng ra thì không còn mang ý nghĩa “đất nước”, nhưng “nước” đứng
riêng vẫn bao hàm trọn vẹn ý nghĩa “lãnh thổ quốc gia”, như “nước Việt Nam”. Rồi
tác giả tâm sự:
“Quan sát phản ứng của đa số dân chúng Việt Nam hiện nay, ta có cảm giác rằng dường như nước không còn giữ được cái giá trị tinh thần đặc biệt mà nó từng có đối với người Việt trong lịch sử. Trong khi 23 ngàn con tàu của Trung Quốc giày xéo gương mặt bà mẹ Biển Đông (người Việt vẫn ví lòng mẹ bao la như biển, nhưng biển còn là ẩn dụ kép về cả người mẹ và người cha, vì biển là nơi cư trú của Lạc Long Quân và 50 người con) thì hầu như đa số người Việt biểu lộ ra ngoài một sự bình thản khó hiểu. Một số vô cùng ít ỏi trên toàn bộ tổng số gần 90 triệu người ôn hòa bày tỏ giông tố trong lòng họ lại gặp phải sự đàn áp và sự bôi nhọ không thể giải thích nổi từ phía chính quyền, và sự thờ ơ không thể nào hiểu nổi từ phía đồng bào của họ.”
Rồi tác giả dự báo cảnh tang tóc
khó tránh khỏi phát xuất từ “hoạt cảnh bắt bớ nồi da xáo thịt, những người
lương thiện, những người yêu nước bị kết tội hàng ngày”. Và cảnh tang tóc trên
quê hương VN cũng được dự báo bởi tình trạng mà tác giả báo động là “hỗn loạn
khắp mọi lãnh vực” trong xã hội Việt Nam, để rồi tác giả chứng kiến:
“Trên khoảng trời mà mắt tôi bao
quát được tôi nhìn thấy những cảnh đang náo hoạt cuộc sống của chúng tôi hiện
nay. Thanh trừng nội bộ hay kịch bản của ngoại bang?”
Người dân biểu tình chống Trung
Quốc xâm chiếm biển Đông
tại Hà Nội hôm 05/8/2012. AFP photo.
Qua bài “Từ chỗ đứng người dân
nhìn về thời sự đất nước”, tác giả Hạ Đình Nguyên nêu lên nghi vấn rất cần phải
được giải đáp về tình trạng “Đấu tranh phe phái nội bộ của giới lãnh đạo chóp
bu để tranh giành quyền lực, hay đấu tranh chống thế lực tiêu cực tham nhũng
đang khuynh loát nền kinh tế quốc gia, cái nào là mục tiêu chính, do thế lực
nào trong Đảng dẫn dắt, nó sẽ diễn biến tới đâu là điểm dừng, và chịu sự tác động
nào trong bối cảnh Việt Nam đang đứng trước miệng hùm Bắc Kinh”.
Giữa lúc công luận ngày càng đặc
biệt đề cập tới điều họ tin rằng cuộc tranh giành quyền lực trong nước đang diễn
ra, tác giả Hạ Đình Nguyên trích dẫn lời giáo sư Carl Thayer thuộc Học Viện Quốc
Phòng Úc nhận định rằng “Kể từ khi theo đuổi chính sách đổi mới với mức tăng
trưởng kinh tế cao, Nhà nước trở nên mạnh hơn Đảng. Tăng trưởng cao do Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng cổ xúy, kéo theo sự bùng nổ các hoạt động thương mại vượt quá tầm
và khả năng quản lý hiệu quả. Sự suy yếu bộc lộ rõ, ít nhất là trong lãnh vực
tài chánh, ngân hàng. Mặt trái đó của chính sách khiến nhiều người trong đảng sợ
mất kiểm soát để ổn định chính trị. Đợt phê bình và tự phê bình hy vọng kéo lại
quyền lực cho đảng để kiểm tra, giám sát chính quyền hiệu quả hơn”.
Và tác giả Hạ Đình Nguyên nhận thấy
“Nếu không phải là cuộc đấu đá của các cá nhân trong giới chóp bu, thì chính là
sự đấu tranh quyền bính giữa các thế lực trong đảng và trong chính quyền”. Sau
khi lưu ý rằng VN hiện nay đặc biệt chỉ có một đảng thì phải đấu tranh với nhau
chứ còn đấu với ai khác, tác giả nhận xét:
“Các quốc gia trên thế giới đều có mâu thuẫn và đấu tranh nội bộ gay gắt, không nơi nào không có, thậm chí “đấm” nhau trong nghị trường, nhưng khác VN ở chỗ, nó diễn ra công khai, có cơ quan độc lập làm trọng tài, rộng hơn nữa là trọng tài dân chúng giám sát và phản ánh qua lá phiếu tín nhiệm trong bầu cử. Họ đấu tranh với nhau trên những đường ray pháp lý thiết lập sẵn, không ai được phép đi trệch khỏi đường ray đó. Vì thế không sinh ra những tay sát thủ trong bóng tối, những cuộc thanh trừng hàng loạt của phe cánh, kéo theo các đổ vỡ xáo trộn xã hội. Đồng thời cũng không có sự nhập nhằng đổ vấy trách nhiệm cho nhau.”
Đó là vấn đề liên quan đến các
quan, còn người dân thì sao? Theo tác giả Hạ Đình Nguyên thì nhân dân thực sự
không quan tâm việc quyền lực nằm trong tay ai – trong tay Đảng hay Chính quyền.
Lý do dễ hiểu là người dân Việt hiện giờ “không thể phân biệt được giữa ‘2 người’
đó”, khi mà tác giả nhận thấy sự đổi chỗ cho nhau giữa Đảng và Chính quyền tuỳ
thuộc vào tình thế, hay có thể là “một loại nghệ thuật có tính toán về việc
“hoán chuyển quyền lực”. Cho nên người ta hầu như luôn thấy hai cụm từ đi đôi
là “Đảng-Nhà nước/Nhà nước-Đảng”. Và tác giả Hạ Đình Nguyên khẳng định:
“Trong cuộc đấu tranh quyền bính
giữa Đảng và Nhà nước, người dân không tham gia, đứng ngoài cuộc. Nhân dân chỉ
đi theo lực lượng nào giữ được độc lập dân tộc và đưa đất nước đến dân chủ, tiến
bộ .Việc đấu tranh chống tham nhũng luôn luôn đúng, đặc biệt là đối với người
dân. Nhưng nó không thoát được ảnh hưởng của đấu tranh nội bộ. Bên trong và đằng
sau của sự chỉnh đốn này là gì? Cái khác nhau cơ bản của các phe phái trong
bóng tối là gì? Hay chỉ là sự đổi ngôi nhóm quyền lực cai trị? Xu hướng nào đấu
tranh cho độc lập và dân chủ? Xu hướng nào có nguy cơ đưa đất nước đến độc tài
lệ thuộc, mất chủ quyền vào tay ngoại bang? Nếu không giải quyết dứt khoát về một
cơ chế xã hội tiến bộ, thì cả xương máu của nhân dân đều đổ sông đổ biển, chỉ
là thay nhóm này bởi nhóm tiêu cực khác không hơn kém.”
“Xâu xé quyền lực”
Từ cảnh gọi là “xâu xé quyền lực”
ở VN, tác giả không khỏi liên tưởng đến “mô hình TQ” tương tự kể từ khi Mao Trạch
Đông nắm quyền cai trị toàn cõi Hoa Lục hồi năm 1949, mà theo tác giả, chung
quy vẫn là “hậu quả của một cơ chế không có pháp quyền”. Và tác giả nêu lên câu
hỏi rằng “Những ‘đau đớn’ mà nhân dân cả nước đang phải gánh chịu từ sự suy
thoái và đổ vỡ ngày hôm nay sẽ có được bù đắp bởi một tình hình sáng sủa hơn,
trong chủ đích bảo vệ nền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, tiến tới một xã hội công
bằng, dân chủ và phát triển bền vững hay không?
Cảnh nhiễu nhương “xâu xé quyền lực”
khiến blogger Hiệu Minh không khỏi thốt lên rằng “ Sự đồn đoán về đấu tranh phe
phái hoàn toàn có thể hiểu được, vì dân chúng bức xúc về tham nhũng, đạo đức xuống
cấp, kinh tế mong manh, dễ đổ vỡ. Người ta thì thào về tài sản của người này
người kia, do đâu mà có, ai đó chuyển ra nước ngoài hàng tỷ đô la”.
Như vậy câu hỏi có lẽ cần được
nêu lên là làm sao để người dân không phải “ đồn đoán về đấu tranh phe
phái” hay “thì thào về tài sản” bất chính của các quan trong nước như hiện
nay, làm sao để dân chúng không tìm tới “tin vỉa hè”, đặc biệt là liên quan tới
“thâm cung bí sử” của giới cầm quyền, khi họ không thể tìm đâu ra sự thật, nhất
là không thể tin được ở hệ thống thông tin “lề phải”? Tổng Cua Hiệu Minh đề nghị:
“Để đấu lại với cuộc chiến thông
tin trong một thế giới toàn cầu hóa đầy cơ hội, thách thức và chứa đựng cả hiểm
họa, những nhà quản lý thông tin, truyền thông của Việt Nam cần có một tư duy
khác về đa chiều, về báo chí mở, minh bạch trong chính phủ và dân chủ thông
tin.”
Qua bài “Tự do báo chí”, blogger Huỳnh Ngọc Chênh mở đầu rằng “ Trước đòi hỏi của người dân, trước áp lực của sự hòa nhập vào cộng đồng thế giới văn minh, nhà cầm quyền Việt Nam không thể ngăn cấm triệt để quyền tự do ngôn luận của người dân. Không kể đến những trang web từ bên ngoài, từ vài năm trở lại đây, hàng loạt trang web và blog cá nhân với những quan điểm chính trị khác biệt và khác với quan điểm được định hướng của nhà cầm quyền đã ra đời và tồn tại”. Những trang mạng tư nhân ấy ngày càng lớn mạnh và trở thành phương tiện thông tin hữu hiệu mà nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh gọi là “báo lề dân với cái nhìn đa diện đã mang đến cho người dân những thông tin đa chiều và nhờ vậy, sự thật được tiếp cận”. Và nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh nhận thấy:
“Không có báo lề dân, hàng loạt vụ
án chính trị bị bưng bít hoặc bị đưa tin sai lệch, hàng loạt vụ bắt bớ mờ ám
không được công khai đưa ra dư luận, bao nhiêu nỗi oan khiên bị nhấn chìm vĩnh
viễn vào bóng tối… Không có báo lề dân làm sao mọi người biết được câu nói
của giám mục Ngô Quang Kiệt bị cắt xén, xuyên tạc ra sao bởi hệ thống báo lề phải
và danh dự bị xúc phạm của vị giám mục ấy làm sao được rửa sạch. Không có
báo lề dân làm sao mọi người biết được mặt trái của vụ bắt bớ và xét xử vi hiến
TS Cù Huy Hà Vũ. Không có báo lề dân làm sao mọi người biết được đài truyền
hình Hà Nội đã nhiều lần xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ những người biểu tình yêu
nước chống Trung Quốc xâm lược.Không có báo lề dân làm sao người dân biết được
những âm mưu nham hiểm của Trung Quốc trong chiến lược từng bước xâm chiếm VN bằng
bạo lực quân sự lẫn diễn biến hòa bình thông qua quan hệ bất bình thường giữa
cái gọi là hai đảng anh em. Không có báo lề dân thì âm mưu thâu tóm ngân
hàng và lũng đoạn tài chánh của các nhóm đặc quyền làm sao được phơi bày ra trước
công luận. Báo lề dân cũng góp phần vào việc vạch trần tội ác và sai trái
của bọn cường hào ác bá mới đang ra sức thâu tóm đất đai, đẩy người nông dân
vào cảnh khốn cùng.”
Nhưng nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh
không quên lưu ý về một số trang cá nhân tự phát “lệch lạc, quá trớn, vô trách
nhiệm”, “đăng những thông tin như một dạng tin đồn, hoàn toàn thiếu kiểm chứng”
– mà tác giả vào chi tiết hơn, “như là các tin đồn về những chuyện mờ ám cấp
cao, về bí mật cung đình, về đấu đá nội bộ cấp cao, về sự lũng đoạn của các
nhóm đặc quyền… thường thu hút sự tò mò của công chúng. Đó là hệ quả tất yếu của
một xã hội bất minh, sự thật bị che dấu, sự dối trá lên ngôi và quyền được
thông tin của người dân không được tôn trọng.”
Tạp chí Điểm Blog xin tạm dừng ở
đây.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/in-fighting-of-vn-leadership-tq-09032012083839.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét