25-9-2012
Vết sẹo khủng khiếp còn lại sau khi mổ lấy thận |
(Petrotimes) - Chị Lụa da
vàng ệch vì ăn uống thiếu chất, mắt hõm sâu vì thiếu ngủ nhiều ngày. Đến Khoa
Thận lọc máu, Bệnh viện Việt - Đức, nhìn chị ai cũng có thể đoán được, chị là “dân”
chăm chồng chạy thận.
Quả là thế thật. Đã hơn 2 năm nay, chị tần tảo một tay
nuôi chồng chạy thận, tiền của cứ dần đội nón ra đi. Nhưng oái oăm thay, cái bấn
nghèo cùng quẫn làm người ta bớt lương thiện đi ít nhiều.
Theo điều tra, chúng tôi được biết
chị Lụa lại chính là một mắt xích trong đường dây mua bán thận xuyên Việt…
Để tiếp cận với đường dây mua bán
thận mà đầu mối của nó nằm trước cổng Bệnh viện Việt - Đức quả thật chẳng dễ
dàng gì. Chúng tôi phải vạch sẵn ra một kế hoạch: Tôi sẽ cải trang thành một
thanh niên nông thôn nhếch nhác lê la trước cổng bệnh viện để gạ… bán thận. Nếu
có người muốn mua, lập tức chúng tôi sẽ trà trộn vào đường dây ngay. Nghĩ là
làm, vào một buổi sáng, tôi bỏ giày da và xỏ vào chân một đôi tông cũ, mặc một
chiếc áo sơmi trắng đã ngả màu cháo lòng và vật vờ đứng trước cổng bệnh viện.
Đối
tượng đầu tiên chúng tôi tiếp xúc là cánh xe ôm vì đối tượng này chính là
“thông tấn xã vỉa hè” thạo tin nhất.
- Anh ơi, ở bệnh viện này, muốn
hiến thận thì vào khoa nào hả anh? - Tôi hỏi một tay xe ôm rỗi việc đang ngồi
soi gương nhổ ria mép.
Tay xe ôm nhìn tôi dò xét rồi trả
lời:
- Thì vào khoa thận mà hỏi!
Tôi thẽ thọt:
Một quả thận được lấy khỏi cơ thể người để chuẩn bị ghép |
- Chẳng giấu gì anh, em túng quá,
vài ngày nữa không có tiền thì chủ nợ nó giết em. Anh ở đây quen biết nhiều,
anh giới thiệu cho em một cửa bán thận kiếm ít tiền. Thằng bạn em bảo ở đây có
người mua. Anh giúp em, em không quên ơn anh.
Tay xe ôm hơi bất ngờ trước lời đề
nghị của tôi. Gã hỏi linh tinh vài điều trích ngang của tôi như: Đã có vợ chưa,
nhà ở đâu, hiện đang làm gì. Kịch bản đã vạch sẵn trong đầu, tôi cứ thế trả lời
rằng: Tôi chưa vợ con gì, học nghề dưới Thường Tín, vì trót cờ bạc mà nợ đến
ngót trăm triệu. Mặt tôi cố làm ra vẻ nhăn nhó, khổ sở, tiếng nói thì nhát gừng
và ấp úng. Và gã xe ôm đã tin tôi. Gã hẹn: “Sáng mai, bằng giờ này, đến đây”.
Sáng hôm sau, y hẹn, tôi hí hửng
trở lại bệnh viện. Thái độ của gã xe ôm hôm trước thực sự làm tôi bất ngờ.
Trông thấy tôi, gã bơ luôn và làm như chưa hề gặp và hẹn gì với tôi. Tôi vẫn khẩn
khoản nhờ gã giúp. Vừa nói được vài câu, bỗng sau lưng tôi xuất hiện ba người
đàn ông khác đẩy dúi tôi ra. Họ văng tục: “Ở đây làm gì có dịch vụ ấy, thôi ông
biến đi”. Nhìn thái độ dữ dằn của họ, tôi hiểu ngay hậu quả sẽ đến nếu tôi còn
lằng nhằng thêm ở đó. “Lại là mấy thằng nhà báo ngụy trang” - tiếng một ai đó gằn
lên.
Kế hoạch của tôi hoàn toàn phá sản!
Đường đi của quả thận
Liền mấy ngày sau nữa, tôi cùng với
mấy đồng nghiệp của mình liên tục cải trang hòng trà trộn vào đường dây bán thận
mà tôi chắc chắn nó vẫn đang nằm ở đây. Tuy nhiên, tất cả mọi đường tiếp cận đều
bị bịt kín, không làm cách nào chọc thủng được, vì các đầu mối đều cảnh giác
cao độ. Có nhiều mối đã hẹn đâu ra đấy nhưng ngày hôm sau đều “lặn” mất tăm.
Tôi quyết định đổi kế hoạch, từ
người đi bán thận, tôi giả làm người đi mua thận. Trong vai một người con đi
mua thận cứu bố, tôi lân la dọc hành lang của Khoa Thận lọc máu, Bệnh viện Việt
- Đức để tìm mối mua.
May mắn đã “mỉm cười”.
Sáng ấy, có ca ghép thận cho một
người đàn ông ở Việt Trì. Người nhà của bệnh nhân này đã tới bệnh viện từ rất sớm.
Trong lúc chờ bệnh nhân hoàn tất các thủ tục cuối cùng để lên bàn mổ, tôi tranh
thủ tiếp xúc với người phụ nữ được giới thiệu là vợ của bệnh nhân - bà tên là
Lương, trạc 60 tuổi.
Tôi trình bày, đại loại là: Bố tôi đã phải chạy thận 2 năm
nay rồi, hiện đang điều trị bên Bệnh viện Bạch Mai. Nếu không có thận thay, bố
tôi sẽ chết. Đăng ký nhận thận hiến tặng tại các bệnh viện bao nhiêu lâu rồi mà
chưa có nên cả gia đình tôi quyết định dồn tiền mua thận bên ngoài để ghép hòng
cứu bố tôi. Tình hình rất gấp rồi, tiền bạc không còn quan trọng nữa.
Cùng chung hoàn cảnh, nên bà
Lương không ngần ngại bộc bạch rằng, gia đình bà cũng mới mua được thận qua tay
“cò”. Bà Lương hứa, sẽ giới thiệu tôi với “cò” này để hỏi giúp. Và thật bất ngờ,
“cò” thận mà tôi được giới thiệu lại là một người rất đặc biệt.
Người phụ nữ
này tên là Lụa, quê Thái Bình, chừng 45 tuổi lại chính là vợ của một bệnh nhân
hiện đang chạy thận trong bệnh viện. Chị Lụa kể: “Chồng tôi bị suy thận đã 7
năm và cũng ngần ấy thời gian theo chồng đến khắp các bệnh viện để chăm sóc.
Chưa bao giờ nhà tôi đủ tiền để có thể nghĩ đến chuyện ghép thận cho chồng tôi”.
Tuy nhiên, vì đã quá quen thuộc với các bệnh nhân chạy thận ở đây nên các mối
lái mua bán thận chị đều biết cả.
Chúng ta có thể hiểu về căn bệnh
suy thận như thế này: Thận là một bộ phận của hệ tiết niệu, có nhiệm vụ lọc tất
cả các độc tố từ trong cơ thể con người thông qua hệ bài tiết, tạo nước tiểu thải
trừ ra ngoài. Các bệnh lý thường gặp nhất là sỏi thận, viêm thận, hội chứng thận
hư, suy thận… Khi chức năng của thận bị suy yếu, không còn đủ khả năng thực hiện
vai trò của nó thì cần phải có một phương pháp duy trì thay thế cho chức năng
thận. Thông thường khi phát hiện bệnh sớm, bệnh thận có thể chữa khỏi hoàn
toàn. Nhưng khi phát hiện muộn, dẫn đến suy thận thì cần áp dụng phương pháp chạy
thận nhân tạo để kéo dài thêm sự sống của bệnh nhân.
Chạy thận nhân tạo là việc sử dụng
máy có chức năng như một quả thận nhân tạo để thực hiện việc lọc máu trong cơ
thể. Trong quá trình thực hiện, máu sẽ đi qua một ống dẫn đến bộ lọc, lọc hết
chất thải và nước thừa ra ngoài. Sau đó, máu sạch sẽ được đưa lại cơ thể thông
qua một ống dẫn khác.
Khi bệnh nhân sử dụng phương pháp
chạy thận nhân tạo, thời gian sinh hoạt sẽ bị đảo lộn. Một người chạy thận nhân
tạo phải đến bệnh viện từ một đến ba lần mỗi tuần để lọc máu, mỗi lần kéo dài
khoảng 4 giờ, thời gian ngoài bệnh viện họ vẫn có thể sinh hoạt bình thường như
những người khác. Nhưng họ sẽ phải gắn liền với việc điều trị này suốt đời. Bệnh
nhân được lọc máu bằng thận nhân tạo có thể kéo dài cuộc sống thêm từ 10 đến 15
năm. Chi phí cho một lần chạy thận nhân tạo khoảng 500 nghìn đồng, tổng chi phí
1 tháng khoảng 6 đến 7 triệu đồng.
Chi phí ấy hàng tháng quả thật là
thảm họa cho gia đình nghèo như chị Lụa. Chị tham gia làm cái việc gọi là môi
giới việc mua bán thận mong kiếm chút tiền đáp đổi qua ngày mà thôi. Và chị chấp
nhận “giúp” tôi.
Việc của tôi là đọc tên nhóm máu
và toàn bộ tình trạng bệnh lý của “bố” tôi, chị Lụa sẽ liên hệ trực tiếp với
“cò” để thông báo lại, khi nào “cò” kiếm được người, sẽ thông báo để tiến hành
mổ lấy thận. Tôi đề nghị được gặp tay “cò” sẽ kiếm thận cho tôi để thương thảo
giá cả và thông qua những thủ tục cần thiết nhưng bị từ chối.
Hai ngày sau, tôi
quá sốt ruột nên đề nghị được gặp tay “cò” thêm lần nữa và hứa sẽ hậu tạ thật xứng
đáng. Thấy tôi quá nhiệt tình và thật lòng, chị Lụa đồng ý sẽ cho tôi đến gặp.
Tôi chỉ cần liên lạc, tay “cò” quyết định địa điểm gặp tại quán cà phê trong một
cái ngách cuối phố Phủ Doãn.
Tay cò thận này một lần nữa làm
cho tôi bất ngờ. Anh ta chỉ chừng 35 tuổi, người cao và gầy nhẳng. Khuôn mặt
anh ta tái xám và nhàu nhĩ, tiếng nói thì mệt mỏi. Nói tóm lại, anh ta giống một
con nghiện hơn là một tay “cò” mồm năm miệng mười. Anh ta tên là Công, nói tiếng
miền Nam và về sau hỏi ra tôi biết được anh ta quê tận An Giang.
Bất ngờ hơn chính là Công đã từng
bán thận! Anh ta đang là nạn nhân từ quyết định dại dột của chính mình.
Công bảo rằng, anh ta đã có vợ và
con gái. Ngày trước, anh ta vào Lâm Đồng hái cà phê thuê, thu nhập cũng nhì nhằng
qua ngày. Chỉ đơn giản là muốn có tiền cất cho vợ con một căn nhà đàng hoàng
nên đã dẫn anh ta đến một quyết định dại dột… bán thận.
Được một người bạn giới
thiệu, nửa tháng sau, Công bỏ việc ra Hà Nội để… cắt thận. Mổ xong, lấy tiền, vết
thương nhiễm trùng, anh ta phải ở lại Hà Nội để theo dõi thêm. Số tiền bán thận
lại bị thâm thụt vào một khoản kha khá. Công định quay trở lại Lâm Đồng để làm
nghề cũ nhưng giờ thì anh ta đã mất đi 40% sức khỏe, người vốn đã yếu nay càng
thêm yếu, đi lại còn dặt dẹo chứ đừng nói đến chuyện đủ sức vóc mà làm việc này
việc kia.
Vốn quen sẵn mối mua bán thận cũ,
Công giới thiệu được một người bạn cùng quê ra Hà Nội mổ lấy thận và được trích
hoa hồng. Cũng kể từ lúc đó, Công ở lại Hà Nội thuê nhà để làm đầu mối ngoài Bắc
cho đường dây này.
Qua trò chuyện tôi biết được rằng,
thận chủ yếu được săn tìm ở khu vực miền Nam, đặc biệt ở miền Tây Nam Bộ. Có lực
lượng chuyên đi tìm, gạ gẫm những thanh niên ham chơi, lười làm, hoàn cảnh gia
đình túng bấn để gạ họ bán thận. Nếu đồng ý, lập tức họ được đưa đến bệnh viện
làm các xét nghiệm cần thiết, sau đó đợi người có nhóm máu phù hợp.
Về hình thức,
họ sẽ là người tình nguyện hiến tặng thận cho người khác sau khi đã ký vào các
loại giấy tờ cam kết nhưng thực chất đây là hành vi mua bán.
Công cho biết, muốn có thận chất
lượng tốt, tôi phải bỏ ra 300 triệu đồng, tiền ghép thận đương nhiên gia đình
tôi phải chịu. Trong khi đó, thông tin tôi được biết, “cò” chỉ trả cho người
bán thận từ 50-60 triệu đồng mà thôi. Vậy, số tiền lớn còn lại đi đâu? Đương
nhiên nó rơi vào túi “cò”. Thế nhưng, không “cò” nào nuốt trọn được số tiền
này, họ phải chia đều cho các mắt xích, trung chuyển khắp đường dây, mỗi phi vụ,
mỗi người cũng chỉ được 20 triệu đồng.
Xuất cảnh bán thận
Rõ ràng là, trước khi quyết định
bán thận, ai cũng đều biết rằng, nó sẽ ảnh hưởng ghê gớm đến sức khỏe. Thế
nhưng, cái nghèo đã làm họ lóa mắt. Xin được kể ra đây một câu chuyện đau đớn về
những phận người vì nghèo mà cắt bán cả bộ phận cơ thể mình.
Xuất thân trong
gia đình nghèo, Trần Văn Được (SN 1990) ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, nghỉ
học sớm đi làm thuê kiếm sống. Những lần đến thị trấn Châu Thành uống cà phê,
Được nghe một số thanh niên rỉ tai nhau: “Mỗi người có hai quả thận, nếu kẹt tiền
thì sang Trung Quốc bán bớt một quả được 50 triệu đồng. Vừa được đi máy bay vừa
có tiền”. Được liền rủ người bạn cùng xóm là Võ Văn Chiến (SN 1994) và Tô Văn Hận
(SN 1992) đi bán thận.
Hậu quả của việc bán thận là như thế này đây! |
Sau khi gọi điện cho “cò” môi giới
nội tạng, em được ra giá bán một quả thận là 40 triệu đồng. Cả ba đồng ý sang
Trung Quốc. Mỗi công đoạn đưa rước tại những địa điểm khác nhau đều do người lạ
mặt điều khiển.
Vừa bước đến sân bay Hải Phòng, có điện thoại chỉ dẫn ra cổng
lên xe đi Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Đến nơi, gã lái xe giao ba người cho một
phụ nữ tên Thịnh để thuê xe đò trốn sang Đông Hưng, Trung Quốc.
Một tuần lưu
trú tại TP Quảng Châu, Được và các bạn đi cùng như bị giam lỏng, không được ra
ngoài, khi đói mở tủ lạnh lấy thức ăn tự nấu nướng. Chiến cho biết, sau đó các
anh được đưa đến bệnh viện cao đến hơn 20 tầng. Các bác sĩ tiến hành chích thuốc
gây mê vào phòng mổ.
Hai ngày sau, cả ba mới tỉnh dậy khi bị lấy đi một quả thận.
Được rơm rớm nước mắt: “Vết mổ còn đau, em đi không nổi nhưng bác sĩ ra dấu phải
cố mà đi để xuất viện. Họ còn hăm dọa, nếu ở lâu bị cảnh sát Trung Quốc bắt vì
tội nhập cư trái phép thì họ không chịu trách nhiệm”.
Vết thương chưa lành hẳn, Được vẫn
phải xuất viện về Việt Nam để cắt chỉ. Đến biên giới Việt Nam, vết thương rỉ
máu, bệnh nhân tiếp tục được đưa đến phòng khám tư tại huyện Móng Cái để rửa vết
thương và cắt chỉ. Xong việc, người phụ nữ đưa cho ba người ba cọc tiền. Được
đau đớn khi phát hiện chỉ có 36 triệu đồng. Được hỏi: “Tiền sao thiếu 4 triệu”.
“Cò” trả lời: “4 triệu tiền đi đứng, ăn uống”. Biết bị “bẻ cò” nhưng Được đành
chấp nhận.
Nhận tiền xong, “cò” mua vé xe đò
đưa Được, Chiến và Hận từ Móng Cái về Hà Nội mua vé vào TP HCM. Lúc này, cả ba
gia đình họ như ngồi trên đống lửa. Vừa đặt chân đến nhà, Được ngất xỉu. Mọi
người bàng hoàng khi biết được toàn bộ sự việc. Số tiền còn lại chưa đến 30 triệu
đồng, Được đưa cho mẹ xoay xở. Sau đó, Được lại dùng số tiền trên vào việc
khám, chữa bệnh. Hiện nay, sức khỏe Được khá yếu. Theo xác nhận của bệnh viện,
Được, Chiến và Hận mất sức khỏe vĩnh viễn hơn 40%.
Đã và sẽ còn rất nhiều những người
dại dột như Được, Chiến và Hận bởi nhu cầu ghép thận ngày càng nhiều. Chúng tôi
đã bỏ ra hàng tháng trời lê la và chứng kiến nỗi khổ của những người phải suốt
đời chạy thận, chúng tôi cũng thấm nỗi khổ nhục của những thanh niên nghèo bán
thận. Họ đều là những người đáng thương, bị bóc lột bởi lực lượng mối lái trung
gian. Suy cho cùng, bệnh nhân thì cần thận, người có thận thì cần tiền, họ tìm
đến với nhau là việc hoàn toàn dễ hiểu. Bóc gỡ những đường dây bán thận, đồng
thời tạo ra hành lang pháp lý cởi mở hơn cho việc hiến tặng thận âu cũng là việc
nên làm của những người có trách nhiệm.
Phóng sự của Vũ Minh Tiến
(Năng lượng Mới số 158, ra thứ Ba
ngày 25/9/2012)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét