6-9-2012
Kinh tế gia Lê Đăng Doanh đã trả lời nhiều đài báo nước ngoài về chủ đề kinh tế VN. |
Kinh tế gia Lê Đăng Doanh nói thất
bại Vinashin nay như “đứa con hoang” không ai nhận trách nhiệm và đề nghị sớm
chấm dứt việc thí điểm đặt các tập đoàn trực tiếp do Thủ tướng Nguyễn Tấn
Dũng quản lý.
Trong chương bàn về “đổi mới tư
duy và cải cách thể chế” thuộc Báo cáo Kinh tế vĩ mô 2012, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh tại Hà Nội nhấn mạnh yêu cầu
giám sát các tập đoàn và tổng công ty nhà nước.
“Các tập đoàn và tổng công ty nhà
nước phải được quản lý chặt chẽ theo luật pháp, dưới sự giám sát của các Ủy ban
của Quốc hội. Sớm chấm dứt việc thí điểm đặt các tập đoàn trực tiếp do Thủ tướng
quản lý”.
Ông Doanh cho biết các quyết định xây dựng cảng biển, sân bay... đều do Thủ tướng Chính phủ hay các bộ quyết định và hiện tại các sân bay và cảng biển địa phương đều trong tình trạng báo cáo hoạt động thua lỗ lớn.
Trong báo cáo do Ủy ban Kinh tế của
Quốc hội chủ trì, với sự tài trợ của UNDP, ông Doanh đã mượn lời của Tổng Bí
thư Nguyễn Phú Trọng để nói về một trong những lĩnh vực ưu tiên cần tái cơ cấu.
Tại Hội nghị 3 Ban Chấp hành
Trung ương Đảng (khóa XI), hồi tháng 10 năm ngoái, ông Trọng đã chỉ ra ưu tiên
tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty
nhà nước.
Ông Doanh cũng nêu nhu cầu “Luật
hóa Điều 4 của Hiến pháp về sự lãnh đạo của Đảng” theo đó “thực hiện chế độ Đảng
cầm quyền, hợp nhất các vị trí lãnh đạo Đảng và lãnh đạo Nhà nước nhằm xác định
rõ quyền hạn, trách nhiệm cá nhân, tránh đùn đẩy trách nhiệm cho tập thể”.
“Kinh nghiệm cho thấy thất bại
thường là đứa con hoang, thí dụ như ngay vụ Vinashin cũng không ai đứng ra chịu
trách nhiệm cá nhân và cũng chưa xác định được trách nhiệm cá nhân,” kinh tế
gia hàng đầu Việt Nam viết trong báo cáo.
'Nhân dân đào thải'
Cụm từ "lợi ích nhóm" được lãnh đạo VN nói tới dù chưa nêu tên nhóm và tập đoàn đó là nhóm nào. |
Điều được mô tả là “tư duy nhiệm
kỳ” và “lợi ích nhóm” (từng được ông Trọng nói đến) một lần nữa được ông Doanh
đề cập đến trong nỗ lực khắc phục đầu tư công kém hiệu quả.
“Lợi ích nhóm ở Việt Nam có đặc
trưng là liên quan đến những người có chức, có quyền, nhất là quyền liên quan đến
cán bộ, tài chính, ngân sách, đầu tư, đất đai, hầm mỏ, rừng, biển, v.v…
Những người này có thể ở cấp
trung ương, tỉnh, huyện, xã phường hay ở cấp sở, phòng, thậm chí cá nhân thanh
tra, cảnh sát hay ở doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn, dự án, v.v...
Bộ máy nhà nước, giới cầm quyền
phải cùng chia sẻ lợi ích với dân, không cho phép hình thành một bộ máy đặc quyền,
đặc lợi, sống cách biệt với dân, đè đầu, cưỡi cổ người dân”.
Một bộ máy như vậy, cần phải đào
thải và chắc chắn sẽ bị nhân dân đào thải” ông Doanh viết.
Trong chương “đổi mới tư duy và cải
cách thể chế” ông soạn dài 27 trang này, ông Doanh mô tả những ý tưởng thay đổi
được ông đưa ra là “không có gì mới, đã được ghi trong Tuyên ngôn Độc lập ngày
2/9/1945, Hiến pháp 1946, trong các Nghị quyết Đại hội Đảng từ Đại hội VI đến Đại
hội IX.
Tuy nhiên ông khuyến cáo rằng “việc
thực hiện sẽ rất khó khăn gian khổ vì hiện nay đã hình thành một tầng lớp đặc
quyền, đặc lợi, cản trở mọi cải cách cần thiết nhân danh ổn định chính trị - xã
hội”.
Trong chỉ dấu muốn tách vai trò
chống tham nhũng ra khỏi bộ máy của chính phủ, ông Doanh đề nghị các quan chức
của cơ quan phòng, chống tham nhũng phải “do Quốc hội bổ nhiệm và được pháp luật
bảo vệ trong hoạt động của mình trong khuôn khổ luật pháp”.
Không thể tiếp tục “vừa đá bóng,
vừa thổi còi” trong lĩnh vực quan trọng như chống tham nhũng, ông viết.
Báo cáo Kinh tế vĩ mô 2012 với
tiêu đề “Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu” được xây dựng hàng năm và mới
được công bố.
Kinh tế gia Lê Đăng Doanh được
xem là một trong những người thể hiện lập trường khá mạnh trong các chủ đề liên
quan tới kinh tế và cải cách thể chế.
Tên của ông xuất hiện trong một số
bản kiến nghị cải
cách mà một số trí thức gửi lãnh đạo Việt Nam trong thời gian qua.
Tiến sỹ Doanh từng là thành viên
Ban Nghiên cứu của Thủ tướng và cũng từng là thành viên của Viện nghiên cứu
phát triển (IDS), cơ quan nghiên cứu xây dựng theo mô hình think-tank đầu
tiên ở Việt Nam.
IDS quyết định tự giải thể hồi tháng 9/2009 để phản đối một quyết định về phản
biện mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/09/120906_ledangdoanh_report.shtml
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét