5-9-2012
Bộ ngoại giao Mỹ loan báo chuyến
công du các nước Á châu – Thái Bình Dương của bà Hillary Clinton bắt đầu từ ngày
31/08/12, tới quần đảo Cook, đây là lần đầu tiên phái đoàn cấp cao nhất của
Hoakỳ tham dự diễn đàn các Quốc Đảo Thái Bình Dương, đã có lịch sử trên 40 năm.
Tân Hoa Xã của Trung cộng cho rằng: “Chuyến đi của bà Clinton
là để kiềm chế Trungquốc và cáo buộc Washington
gây sự trong khu vực”. Sau đó bà Clinton đến Indonesia rồi Trung Cộng, Brunei, Đông
Timor, cuối cùng đến Vladivostok của Nga, dự Hội Nghị Thượng Đỉnh APEC để thảo
luận về tự do mậu dịch và an ninh lương thực.
Tại cuộc họp báo ở Washington , phát ngôn viên bộ ngoại giao Hoakỳ , Victoria
Nuland nói rằng:
“Chúng tôi không muốn thấy những vụ tranh chấp ở Biển Đông,
hay bất kỳ nơi nào khác được giải quyết bằng sự hăm dọa, bằng vũ lực. Chúng tôi
muốn thấy tranh chấp được giải quyết bằng thương thuyết”.
“Hoakỳ không phải là
nước có chủ quyền ở Biển Đông, nhưng tuyên bố có quyền lợi quốc gia trong việc
duy trì hoà bình và an ninh ở trong vùng này. Washington cũng ủng hộ những nỗ lực
của các nước Đông Nam Á, nhằm tiến hành các cuộc đàm phán đa phương với Trungquốc;
chỉ trích việc Trungquốc thành lập huyện Tam Sa và khu vực cảnh bị Tam Sa trên
những quần đảo mà Việtnam và các nước khác cũng tuyên bố chủ quyền”.
Tại Indonesia hôm 03/09/2012, đi đôi
với việc đẩy mạnh quan hệ song phương Mỹ- Indonesia, ngoại trưởng Hillary
Clinton còn thúc đẩy sự thống nhất, đồng thuận trong nội bộ khối Asean trên hồ
sơ tranh chấp Biển Đông. Bà nói:
“Các nước Đông Nam Á nên soạn bộ quy tắc ứng xử
chung tại Biển Đông với Trung quốc để giải quyết những tuyên bố chủ quyền tại vùng
biển này”. “Chúng tôi tin là các quốc gia trong vùng nên cộng tác với nhau để
giải quyết những vụ tranh chấp, mà không bị cưỡng ép, không bị đe dọa và đương
nhiên không sử dụng vũ lực”.
Ngày 04/09/12, Bà Clinton đang có mặt tại Bắckinh
trong khuôn khổ chuyến công du Á châu, mà mục đích, một phần là để hối thúc
Trungcộng và các nước láng giềng hãy thoả thuận về một cơ chế, hầu có thể giải
quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ trong Biển Đông. Bà nói:
“Quan hệ Mỹ-Trung là
một phần quan trọng trong chính sách của chính phủ tổng thống Obama, nhằm đẩy mạnh
chính sách của Washington góp mặt tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”. Bà bày
tỏ: “Mong muốn Bắckinh hợp tác với Hiệp
Hội ASEAN để đi đến một quy tắc ứng xử chung trên biển, hầu có thể ngăn chận không
cho các cuộc tranh chấp lãnh thổ leo thang trong Biển Đông, một khu vực giầu tài
nguyên”.
Trước cuộc Hội Nghị APEC, Ngoại trưởng Clinton cố xoa dịu căng thẳng với
Trungcộng, bà nói: “Chúng ta muốn thấy
Trungquốc đóng vai trò tích cực trong vấn đề hàng hải và an ninh trên biển. Chúng
ta muốn thấy Trungquốc góp phần vào phát triển bền vững cho những người dân
trong vùng Thái Bình Dương để bảo vệ môi trường quý báu, kể cả các đại dương”.
Tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Châu Á – Thái Bình Dương ở Nga tuần này, Hội Nghị sẽ
thảo luận về phương cách tốt nhất để hoà giải các cuộc tranh chấp biên giới
trong Biển Đông. Nhưng với thái độ hung hăng quyết liệt bành trướng, và quyết tâm
xé lẻ khối Đông Nam Á của Trungcộng, nhằm phá cho bằng được cái thế “Chuyển
Trục Chiến Lược Toàn Cầu của Mỹ từ Tây sang Đông” như hiện nay, thì chắc là Trungcộng
sẽ phải tìm mọi mưu mô, thủ đoạn để vô hiệu hóa quyết định về Biển Đông của Hội
Nghị.
Thực ra Trungcộng không thể phá cái
thế lập vòng đai quân sự quốc tế bao vây Hoa lục của Mỹ và các nước Đồng Minh, với
việc dồn 60/40 hạm đội của Mỹ sang vùng Châu Á, nhất là kế hoạch mở rộng hệ thống
phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Á châu, từ Bắc Nhậtbản một trạm X-Band, xuống Nam
Nhậtbản thêm một trạm vào tháng này, và một trạm thứ 3 trong vùng Đông Nam Á để
ngăn chận mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên và đồng thời chống lại các hoả tiễn từ
Trungcộng.
Ngày 04/09/12, theo hãng tin Kyodo của Nhật, Lực lượng Thủy Quân Lục
Chiến Mỹ dự trù thiết lập một cơ sở chỉ huy tiền tuyến ở trên đảo Palawan rộng
246 hécta, thuộc Tây Phi Luật Tân, hướng ra Biển Đông để chỉ huy các hoạt động
chung của lực lượng Mỹ và Phi đóng ở đây. Nhưng Trungcộng đang sử dụng thành công
âm mưu xé lẻ các nước trong Hiệp Hội các nước Đông Nam Á với hy vọng là Hoakỳ sẽ
thất bại không thể tìm được sự đoàn kết thống nhất của khối này để ứng phó với đà
bành trướng hiện nay của Bắckinh.
10 nước trong khối Asean có 3 tôn giáo lớn, là
Phật giáo, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo, nhưng may mắn là đa số các tín đồ của các
tôn giáo ở đây không thuộc loại quá khích.
Nhưng chủ nghĩa dân tộc còn hạn hẹp, giới cầm quyền còn nặng nề quan niệm và hủ
tục phong kiến gia trưởng, rớt tích của ảnh hưởng văn minh Nho giáo Trung Hoa
khi xưa, nên dễ rơi vào lối cai trị độc đoán cá nhân chủ nghĩa.
Ác hơn nữa là một
số nước vẫn đang thực hiện chế độ cộng sản độc tài toàn trị như ở Việtnam, Lào.
Nên Trungcộng đã tận dụng mâu thuẫn giữa các nước trong khối, dùng phương tiện
kinh tế và chính trị để thao túng nhằm chia rẽ, như việc sai khiến Campuchia từ
chối đưa vào bản thông cáo chung của Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á họp ở
Phnom Penh giữa tháng 07, một câu liên quan tới những tranh chấp cụ thể ở Biển Đông
giữa Trungcộng với Việtnam và Philippines, làm cho cuộc họp ngoại trưởng các nước
Asean lần đầu tiên bị thất bại không đưa ra được Bản Thông Cáo Chung.
Để giải quyết tận gốc vấn đề đoàn
kết thống nhất khối Asean, ngoài vấn đề Dân Chủ Hóa chế độ của các nước trong
khối, cho người dân triển khai được tinh thần tự do, tự chủ của mỗi người, loại
trừ những quan niệm lỗi thời ở giới cầm quyền được dân chúng bầu ra, để toàn dân
yên tâm đóng góp công sức của mình vào công cuộc xây dựng chung của quốc gia và
toàn khối.
Việc cần làm ngay là phải nêu bật được quyền lợi chung của khối
Asean về vấn đề Biển Đông. Vấn đề Biển Đông không chỉ giới hạn ở chung quanh đường
‘lưỡi bò’ có sự tranh chấp chủ quyền giữa Trungcộng, Đàiloan, Việtnam,
Philippines, Brunei, Malaysia. Trong đó bao gồm 2 nước TrungHoa và 4 nước Asean,
mà phải mở rộng thành Biển Đông Nam Á, bao gồm 8 nước có các vịnh ăn thông ra
biển chung là Campuchia, Tháilan, Singarpore, Indonesia.
Riêng 2 nước Miếnđiện
và Lào thì cũng thông ra biển bằng dòng sông Cửu Long. Như vậy khối Asean có
chung một vùng biển Đông Nam Á. Dưạ theo Công Ước Liên Hiệp Quốc 1982, thì các
nước ven biển có thềm lục điạ và các vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, đương
nhiên chủ quyền thuộc về các nước đó, nhưng các nước trong Khối được ưu tiên hợp
tác khai thác. Lợi nhuận khai thác tài nguyên từ biển của mỗi nước trong Hiệp Hội
phải đóng góp vào quỹ xây dựng chung để phát triển toàn Khối. Có như vậy Asean
mới có quyền lợi, trách nhiệm và tư cách ứng phó hữu hiệu với việc xâm chiếm
phi pháp của Trungcộng ở Biển Đông Nam Á.
Tóm lại ngoài việc Hoakỳ và các cường
quốc chân Á dùng sức mạnh quân sự, chính trị, kinh tế bao vây Trungcộng, các nước
Asean phải cùng Dân Chủ Hóa, và phải lấy toàn Biển Đông Nam Á làm nguồn lợi
chung, quyền lợi chung, trách nhiệm chung thì mới hoá giải nổi hiểm họa bành trướng
của Trungcộng, qua việc họ chiếm các đảo ở Đông Nam Á hiện nay.
LÝ ĐẠI NGUYÊN
Little Saigon ngày 04/09/2012.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét