4-9-2012
Obama trên Vạn Lý Trường Thành trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 11/2009. |
Ngoại trưởng Mỹ đến Bắc Kinh với
hồ sơ biển Đông trên tay. Thái độ lạnh nhạt và tiêu cực của báo chí Hoa lục phản
ánh sự lo ngại của đảng Cộng sản Trung Quốc. Cảm thấy bị Hoa Kỳ siết chặt gọng
kềm nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên Bắc Kinh biết mình không thể lợi dụng bầu cử
tại Mỹ để thoát vòng vây bằng chiến thuật cổ điển phân hóa hai phe Dân Chủ và Cộng
Hòa.
Vào lúc ngoại trưởng Mỹ Hillary
Clinton thăm viếng Trung Quốc trong hai ngày mùng 4 và 5 tháng 9 thì tại Hoa Kỳ,
đảng Dân Chủ khai mạc đại hội chính thức đánh dấu cuộc vận động tranh cử nhiệm
kỳ hai của đương kim tổng thống Obama.
Được đèn xanh của đảng Cộng sản Trung Quốc, báo chí Hoa lục sử dụng lời lẽ mạnh mẽ nhất để công kích chủ nhân Nhà Trắng sắp hết nhiệm kỳ thứ nhất như là một kẻ thích gây hấn. Nào là« chính quyền Obama có vẽ như tìm cách khiêu khích Trung Quốc » nào là « ngoại trưởng Hillary Clinton tìm cách liên kết các quốc gia Đông Nam Á vào một mặt trận chung và vững chắc hơn để đối đầu với Trung Quốc ».
Chuyến công du 10 ngày của ngoại
trưởng Mỹ được Bắc Kinh diễn giải như là một hành động ngăn chặn ảnh hưởng của
Trung Quốc đang gây căng thẳng trong khu vực có nhiều biển đảo đang bị Bắc Kinh
tranh giành. Vấn đề của đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay là không thể lợi dụng
bầu cử tại Mỹ để gây sức ép với Tổng thống Obama, hay cản trở chiến lược tái định
vị của quân lực Mỹ tại Thái Bình dương.
Đúng là « yếu tố » Trung
Quốc là một trong những chủ đề gây tranh cãi giữa hai phe Cộng Hòa và Dân Chủ
trong mùa bầu cử tổng thống. Tuy nhiên, Trung Quốc bị bó tay không thể khai thác
hay tìm cách « phân hóa » kẻ thù để làm « ngư ông đắc lợi ». Thứ
nhất là trong quan hệ Mỹ- Trung không có « quan hệ đảng với đảng ». Thứ
hai là lập trường của đảng Cộng Hòa còn mạnh mẽ hơn đảng Dân Chủ và đã xem là «xung
đột Mỹ -Trung đã diễn ra mà không bên nào lên tiếng ».
Chính sách tăng cường hiện diện
quân sự song song với chiến lược mở rộng hợp tác kinh tế qua dự án Tự do Thương
mại xuyên Thái Bình dương (TPP) do Hoa Kỳ chủ xướng được tất cả các quốc gia
trong khu vực, ngay cả Việt Nam trong vị thế khá tế nhị, hoan nghênh. Chỉ có
Trung Quốc lo ngại nhưng giới lãnh đạo Bắc Kinh có sự chọn lựa nào khác «
tốt hơn » hay không ? Có hy vọng được Mitt Romney, nếu ứng cử viên đảng Cộng
Hòa chiến thắng, đối xử mềm mỏng hơn hay không ?
Trong sáu tháng qua, ông Mitt
Romney đã nhiều lần chỉ trích Tổng thống Obama thiếu cứng rắn với Bắc Kinh
trong các hồ sơ vi phạm nhân quyền, đánh cấp phát minh hay bí quyết công nghiệp
của nước ngoài và thao túng tỷ lệ hối đoái trợ giá xuất khẩu bất chính. Ứng cử
viên đảng Cộng Hòa cam kết là nếu đắc cử, ông sẽ không cho « tên bạo chúa
giàu có biến thế kỷ 21 thành thế kỷ của Trung Quốc ».
Về quân sự, Mitt Romney cam kết sẽ
tăng ngân sách quốc phòng, bán cho Đài Loan vũ khí hiện đại nhất. Về thương mại,
ông sẽ có biện pháp trã đũa buộc Trung Quốc phải chấp nhận quy luật có qua có lại,
sẽ bị trừng phạt nếu vẫn tiếp tục thao túng tỷ lệ hối đoái.
Theo giới phân tích Mỹ, chính sách
Trung Quốc của chính phủ Obama, phối hợp áp lực quân sự, ngoại giao, thương mại,
hiện nay đang « đi đúng hướng » và ngay nhiều người thân cận của ứng
cử viên Mitt Romney, nhìn nhận bà Hillary Clinton có công rất lớn. Trong vòng công
du, bà đã hơn một lần nhấn mạnh đến nhu cầu « hợp tác rộng lớn và tích cực
» với Trung Quốc. Tuy báo chí Hoa Lục lên án Washington muốn « bao
vây » Trung Quốc nhưng thứ trưởng ngoại giao Thôi Thiên Khải tỏ thái độ hòa
giải. Ông nói là Trung Quốc chỉ muốn « làm việc chung với các nước để phát
triển lâu dài ».
Có lẽ đây cũng là mục tiêu chiến
lược xuyên suốt của Mỹ. Từ bao thập niên nay, Hoa Kỳ đã mở cửa thị trường, đã
nhập khẩu hàng Trung Quốc đến mức thâm thủng cán cân thương mại, đã đón tiếp
sinh viên Trung Quốc kể cả con em giới lãnh đạo với hy vọng Trung Quốc trở thành
một cường quốc phồn vinh và « bình thường », điều kiện để « hợp tác bền
vững ».
Cường quốc bình thường tức là bên
trong phải tôn trọng dân chủ, dân quyền, bên ngoài không ức hiếp láng giềng, không
cạnh tranh bất chính. Ngày nào Trung Quốc chưa thỏa điều kiện này, Bắc kinh còn
bị áp lực cương nhu của Mỹ dù là Nhà Trắng nằm trong tay Cộng Hòa hay Dân Chủ.
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120904-trung-quoc-ket-giua-chien-thuat-cuong-nhu-cua-hoa-ky
========000=======
MỸ - TRUNG LƯỠNG QUỐC TRANH HÙNG
BBC
4-9-2012
Khu trục hạm DDG-112 Cáp Nhĩ Tân
của Hải quân TQ ở
Hoàng Hải
|
"Để Việt Nam thành công trong vai trò lãnh đạo ASEAN, điều tiên quyết Việt Nam phải làm là tự do, dân chủ hoá đất nước để làm gương điển hình cho các quốc gia"
Trong năm tranh cử tại Hoa Kỳ và
chuyển đổi lãnh đạo tại Trung Quốc, khả năng xung đột cục bộ trên các vùng biển
châu Á không phải là điều các cường quốc mong muốn nhưng vì thiếu một cơ chế
phòng ngừa xung đột hữu hiệu nên cũng có thể xảy ra, nhất là khi thái độ dân
tộc chủ nghĩa đồng loạt gia tăng ở Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Nhật Bản,
Nam - Bắc Hàn, Việt Nam và Philippines.
BBC hỏi Luật sư Vũ Đức Khanh từ
Canada, người theo dõi an ninh khu vực và thường xuyên đóng góp bài cho một số
trang mạng tiếng Anh ở châu Á về chủ đề này.
Câu hỏi đầu tiên là có hay không
khả năng Trung Quốc đưa quân chiếm một số đảo ở Biển Đông hiện do Việt Nam nắm
giữ:
LS Vũ Đức Khanh: Theo tôi
được biết thì có một số nhà ngoại giao cho rằng khả năng về một cuộc xung đột ở
Biển Đông khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, song song đó cũng có một luồng dư luận
khác của một số học giả và các tổ chức, viện nghiên cứu quốc tế uy tín, điển
hình như Tổ chức International Crisis Group ( ICG ) có trụ sở tại Brussels,
Vương Quốc Bỉ, hôm 24/7 đã lên tiếng cảnh báo căng thẳng trên Biển Đông có thể dễ
dàng biến thành xung đột vũ trang trong khu vực.
Nếu chúng ta quan sát kỹ tình
hình Biển Đông từ vài tháng nay thì rõ ràng điều quan ngại của ICG là hoàn toàn
có cơ sở. Việc Trung Quốc mới đây tuyên bố thành lập hội đồng thành phố Tam Sa
và chọn trung tâm hành chính trên đảo Vĩnh Hưng mà Việt Nam gọi là đảo Phú Lâm
để quản lý ba quần đảo ở Biển Đông trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền là một hành động leo thang không chấp nhận được,
đặt các bên hữu quan vào thế đã rồi.
Theo cá nhân tôi thì Trung Quốc
sẽ không bao giờ tấn công Việt Nam nếu Hà Nội tiếp tục tôn trọng và bảo vệ
quyền lợi chiến lược của Trung Quốc trên bán đảo Đông Dương và Biển Đông như Hà
Nội đã từng và đang làm.
Khả năng Trung Quốc có thể gây
hấn quân sự để chiếm thêm một số đảo nhỏ mà Việt Nam đang chiếm đóng là chuyện
có thể xảy ra nhưng chắc chắn sẽ không có giao tranh trên bình diện rộng với
quy mô lớn và trên đất liền. Hành động quân sự này chắc sẽ không thể gây thêm
leo thang chiến tranh mà chỉ củng cố những gì mà giữa Bắc Kinh và Hà Nội đã
thỏa thuận.
BBC: Nếu xảy ra điều đó thì
đây là chuyện một số giới tại Trung Quốc muốn cố ý gây sức ép lên chính lãnh
đạo và tạo sự đã rồi, hay là một phần của chiến lược nào đó Trung Quốc đã xây
dựng từ mấy năm qua, thưa ông?
Trung Quốc là đại quốc, Việt Nam
là tiểu quốc; đây là một sự thật khách quan không thể nào chối bỏ được.
Năm nay 2012, Canada và Hoa Kỳ kỷ
niệm 200 năm ngày đình chiến, tôi nghĩ cả Việt Nam và Trung Quốc có thể rút tỉa
được một số bài học kinh nghiệm để làm sao đổi thù thành bạn để cùng nhau láng
giềng hòa hiếu và cùng phát triển thịnh vượng.
Là một đại quốc nay lại có điều
kiện trở thành một đại cường quốc hẳn nhiên Trung Quốc phải có một chiến lược
hẳn hòi về Biển Đông. Chiến lược đó ra sao chắc còn phải đợi thời gian trả lời.
Tuy nhiên người Trung Hoa có câu "Tề gia, trị quốc, bình thiên hạ",
riêng đối với giới lãnh đạo Bắc Kinh hiện nay, nếu chưa ổn định được Biển Đông
thì đừng nghĩ đến việc tranh ngôi chủ soái toàn cầu.
Theo nhận định của một số nhà
quan sát thì chiến lược trung và dài hạn của Trung Quốc là vô hiệu hóa và đẩy
Mỹ ra khỏi khu vực Á châu - Thái Bình Dương mà đoản kỳ là gây xáo trộn trong
khu vực, đặc biệt ở Biển Đông để tiến tới độc chiếm. Chính sách đó hiện nay của
Trung Quốc được tạm gọi là "Nhất cử lưỡng tiện và bất chiến tự nhiên
thành".
TQ đối xử với các nước theo
ba hạng: thân hữu, đối tác và chư hầu
Để đạt được mục đích, Trung Quốc
chỉ cần tạo điều kiện hoặc thậm chí làm ngơ cho ngư dân của họ tiếp tục thoải
mái đánh bắt, khai thác hải sản trong khu vực Biển Đông đang có tranh chấp với
các quốc gia láng giềng Asean. Về quân sự, trước mắt họ sử dụng vai trò của các
ngư dân Trung Quốc như một lực lượng bán quân sự, tiếp tục bám ngư trường và,
nếu có điều kiện tiến lên chiếm đảo luôn.
Với một lực lượng hùng hậu như
thế, các đội tàu cá Trung Quốc hiện nay đang tăng cường hoạt động trên diện
rộng trong toàn bộ khu vực Biển Đông, làm nhiệm vụ xung kích vừa đẩy lùi các
đội tàu cá của các quốc gia khác, vừa thử phản ứng của các lực lượng vũ trang
đối phương tiến tới vô hiệu hóa để buộc họ phải từ bỏ chủ quyền của mình.
Nếu chẳng may gặp sự phản kháng
mạnh, Trung Quốc sẽ dùng lực lượng hải giám của họ để can thiệp và cuối cùng,
Trung Quốc ở bất cứ thời điểm nào vẫn có thể dùng sức mạnh ngoại giao, kinh tế
thậm chí quân sự, nếu cần thiết để đối phó. Quan điểm của họ là "mưa dầm
thấm đất", tiếp tục gây sức ép liên tục từ yếu lên mạnh, cô lập và dụ dỗ
cho nên nếu họ khống chế và vô hiệu được các quốc gia có tranh chấp thì coi như
không cần phải sử dụng đến sức mạnh quân sự.
Vì thế tôi nghĩ nếu thực sự có
xung đột vũ trang trên Biển Đông thì xung đột này cũng rất giới hạn và quốc gia
phải hứng chịu sự giận dữ quân sự này của Trung Quốc không ai ngoài Việt Nam.
BBC: Theo những tìm hiểu của
ông thì Trung Quốc suy đoán là trong trường hợp đó, điều mạnh nhất Hoa Kỳ có
thể làm là gì?
Trong thời điểm hiện tại, nếu
xung đột này xảy ra như dự tính thì tôi không thấy Hoa Kỳ có thể làm gì hơn là
tiếp tục lên tiếng cực lực phản đối, thậm chí viện cớ này tăng thêm sự hiện
diện quân sự của Mỹ trong khu vực nhưng tất cả những hành động đó nếu có vẫn sẽ
không làm Trung Quốc phải quá lo ngại.
Thực tế trong suốt thời gian từ
hai năm gần đây truyền thông Trung Quốc cũng từng đánh tiếng cảnh báo về một
chiến lược bao vây Trung Quốc của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rằng
chính sách của Hoa Kỳ cho tới nay về các tranh chấp biển đảo trong khu vực là
không đứng về phiá nào vì vấn đề chủ quyền vô cùng phức tạp, điển hình vụ tranh
chấp Nhật - Hàn.
Hoa Kỳ chỉ kêu gọi các bên nên tự
kiềm chế và giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng hoà bình, tuân thủ
theo luật pháp quốc tế. Hoa Kỳ phản đối sử dụng vũ lực và kiên quyết bảo vệ
quyền tự do lưu thông hàng hải.
Hơn thế nữa, một câu hỏi được đặt
ra là tại sao Hoa Kỳ phải chiến đấu hy sinh giúp Việt Nam cộng sản, một quốc
gia cựu thù mà nhiều người Mỹ cho đến giờ vẫn không muốn nhắc đến hai tiếng
Việt Nam, một quốc gia mà ngày ngày vẫn ra rả đồng chí, anh em với một số quốc
gia thù địch với Hoa Kỳ, một quốc gia muốn trở thành đối tác chiến lược mà luôn
phớt lờ những yêu cầu cơ bản của mình?
Ngoại trưởng Hillary Clinton
cố gắng thúc đẩy ASEAN đồng thuận
BBC: Nhân năm tranh cử tại
Hoa Kỳ và chuyển đổi lãnh đạo ở Trung Quốc, ông đánh giá sao về mối quan hệ
‘Chimerica’ hay còn gọi là ‘dính chặt vào nhau như một cơ thể’ về kinh tế giữa
hai nước đó, và tác động của quan hệ đó với Việt Nam cũng như Đông Nam Á?
Chuyến công du xuất ngoại đầu
tiên của ngoại trưởng Hillary Clinton là đến châu Á năm 2009 trong đó có Trung
Quốc. Chuyến công du hiện nay của bà cũng châu Á và Trung Quốc, đặc biệt bà còn
là quan chức cao cấp nhất của Hoa Kỳ đến quốc đảo Cook dự hội nghị các quốc gia
đảo trong khu vực Thái Bình Dương và từ đây đến cuối nhiệm kỳ 2009-2012 của
chính quyền Obama có lẽ một trong những chuyến công du quan trọng nhất của bà
vẫn sẽ là châu Á-Thái Bình Dương và Trung Quốc. Điều đó một lần nữa cho thấy
châu Á và Trung Quốc quan trọng như thế nào đối với chính quyền Obama và Hoa Kỳ.
Tôi nghĩ cho dù kết quả bầu cử
sau ngày 6 tháng 11 ở Hoa Kỳ có như thế nào và bất cứ ai sẽ ngồi vào chiếc ghế
Tổng thống đều phải giải quyết bài toán châu Á và Trung Quốc. Tương lai nước Mỹ
hơn phân nửa sẽ phụ thuộc vào khu vực này, một khu vực năng động đầy tiềm năng
hứa hẹn nhưng cũng lắm rủi ro, bất an.
Quan hệ Trung-Mỹ là toàn cục,
toàn diện và toàn cầu. Trung Quốc không thể sống một mình và càng không thể
giàu mạnh khi đứng riêng rẽ. Trung Quốc cũng không dại gì lập một cái trật tự
thế giới mới riêng biệt hoặc tái lập một mô hình như thời Liên Xô cũ. Trung
Quốc phát triển cường thịnh 30 năm qua hoàn toàn nhờ vào "kiến trúc thế
giới và các định chế quốc tế" được Hoa Kỳ và phương Tây dựng lên sau Đệ
nhị Thế chiến.
Việt Nam băn khoăn với đối
tác Hoa Kỳ vì khác biệt thể chế
Toàn cầu hóa đã đưa đội thương
thuyền Trung Quốc rong ruổi năm châu, bốn biển mang về biết bao lợi ích cho
quốc gia này. Hơn thế nữa, họ đã thành công "cắm trụ" ở quá nhiều
quốc gia từ Á sang Phi, từ Âu sang Mỹ. Co cụm lại là chết nên buộc họ phải vươn
ra đại dương tranh tài.
Riêng đối với Hoa Kỳ trong vấn đề
Thái Bình Dương, một nhà ngoại giao Trung Quốc nói với tôi rằng chiến lược của
Trung Quốc từ đây tới năm 2050 là Trung Quốc đẩy dần Hoa Kỳ ra khỏi lằn ranh
chia đôi Thái Bình Dương. Vị ấy nói rằng Thái Bình Dương đủ lớn để cho cả hai
Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng chia sẻ trách nhiệm và quyền lợi. Theo tôi, ý vị ấy
muốn nói tới sự định hình lưỡng cực ở Thái Bình Dương (Pacific Ocean):
Asia-Pacific và America-Pacific.
Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận từ
đảo Guam về tới bờ biển miền Tây châu Mỹ thuộc về Hoa Kỳ và nửa phần còn lại
bên kia về đến duyên hải Trung Quốc luôn cả Biển Đông và cửa ngỏ ra Ấn Độ Dương
thuộc về Trung Quốc.
Đối với Trung Quốc sẽ không có
vấn đề gì khi người Mỹ và cả thế giới có thể hiểu ngầm rằng nếu quan điểm của
bà Clinton đuợc hiểu như khi bà ấy viết về America's Pacific Century là chỉ để
nói lên cái thực thể lưỡng cực vừa nêu trên. Sẽ không thành vấn đề gì cả khi cả
hai Asia-Pacific và America-Pacific đều có chủ riêng của nó và nếu thế kỷ thứ
XXI này là thế kỷ Thái Bình Dương thì phải là Asia-Pacific và America-Pacific.
Dường như chiến lược hiện giờ của
Mỹ là chỉ "giữ những gì có thể giữ" và "tái cân bằng lực
lượng" là chiến thuật cho từng tình huống cụ thể. Đối với cá nhân tôi đây
là một chiến lược sai lầm vì tôi cho rằng trước khi "đánh" mà chỉ nghĩ
tới "thua hoặc hòa" thì còn đánh làm gì.
Cá nhân tôi tin vào khả năng trổi
dậy, hồi sinh của nước Mỹ và nhân dân Mỹ. Tôi tin vào "chủ nghĩa thực
dụng, chủ nghĩa cơ hội" của Mỹ, và tôi cũng tin vào những giá trị cơ bản
tạo nên xã hội Mỹ hôm nay như "công bằng, nhân đạo, thích nghi, thích ứng,
sáng tạo, lạc quan, và trên tất cả, khả năng cạnh tranh tự có của họ bù đắp cho
những khuynh hướng bạo lực, thiếu kiên nhẫn, tự mãn, bất nhất thiếu tiên đoán,
sự hiếu kỳ cho điều mới lạ, hiếu danh và hám lợi của họ," như một bộ phận
của thế giới thường đánh giá về Mỹ.
Nếu Trung Quốc muốn chia ngôi bá
chủ thế giới với Hoa Kỳ trong thế kỷ này và dường như chính sách hiện nay của
Tòa Bạch Ốc cũng chấp nhận như thế thì âu đó cũng là Thiên Ý.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2012/09/120904_china_us_strategic_look.shtml
Thật ra MỸ đã nhượng Viễn Đông cho TẦU từ 1972-73 khi Nixon và Kissinger sang Tầu và rút quân khỏi DôngDuong rồi.
Trả lờiXóaBây giờ Biển Đông có thể các quocgia DNÁ cần Mỹ để bảo vệ, nhưng Mỹ có đổ máu bảo vệ như từng làm ở dất liền ĐôngDuong 1960-73 không ? Tôi tin là KHÔNG.