20-9-2012
Các thành viên IDS lần gặp cuối |
HM Blog. Washington DC đang
sang Thu. Tổng Cua bỗng nhớ lại thời IDS tuyên bố giải thể bởi một quyết định của
Thủ tướng cũng vào mùa Thu. Những trí thức hàng đầu của Việt Nam đã im lặng.
Tôi có viết một bài cách đây 3
năm về trước về sự ra đi của IDS với nỗi đắng lòng. Nhìn thực trạng đất
nước bây giờ, thấy mình kết luận không sai “IDS đã ra đi, không còn nghe
được tiếng tơ lòng của họ. Người ta bảo, tiếng quát của kẻ thất phu không đáng
sợ, đáng sợ hơn là sự im lặng của những nhà hiền triết”.
Xin đăng lại trong khi chờ entry
mới.
Lần thứ nhất
Lần đầu vào năm 1985, do cơ chế Đảng
lãnh đạo, Viện trưởng chấp hành, việc đưa ra những chiến lược phát triển công
nghệ thông tin của Giáo sư với tầm nhìn xa trông rộng bị chặn lại. Chi bộ và đảng
ủy có thể quyết định về tư tưởng nhưng không thể biểu quyết về tầm nhìn tương
lai Tin học Việt nam. Thấy không thể “vùng vẫy” trong một hệ thống như thế nên
Giáo sư đã từ chức, dù rất nhiều các vị lãnh đạo cao cấp đã yêu cầu ông tại vị.
Tuy thế, ông vẫn là Viện phó VKHVN.
Vị viện trưởng kế vị, tuy
không là bí thư chi bộ như trước, nhưng lại có cơ chế mới “một thủ trưởng”, chi
bộ chỉ để…tham khảo. Ông tha hồ áp dụng “tư duy” lãnh đạo mới.
Lần thứ 2
Tới năm 1993, có chuyện bầu bán lại
ở Viện Tin học (được đổi tên là Viện CNTT). Đề cương thành lập viện cũng do
Giáo sư Diệu và vài đồng nghiệp chấp bút. Vì tâm huyết với ngành CNTT non trẻ
và mong đất nước thoát nghèo bằng tin học, Giáo sư Diệu quay về tham gia ứng cử
Viện trưởng. Ông hiểu, ở vị trí nhất định mới mong thay đổi được diện mạo một
ngành.
Tổ chức phiếu thăm dò sau bao
nhiêu “bàn tán hành lang” (sau này có dịp tôi sẽ kể vào lúc cần thiết), ông vẫn
được 58 phiếu, người về thứ 2, kém chục phiếu gì đó. Không hiểu vì lý do
gì mà Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu (Viện trưởng Viện KHVN) lại quyết định người về
“nhì” (đương kim Viện trưởng VTH) được làm Viện trưởng Viện CNTT.
Nhớ lúc đó, Giáo sư Diệu phát biểu
đại loại rằng, đây là một quyết định phi dân chủ, và người ra quyết định đã lật
lọng, phá hoại khoa học. Ông tuyên bố từ chức luôn cả Viện Phó VKHVN và về vườn
từ lúc hơn 50 tuổi.
Đương nhiên, tôi không hiểu hết
thế sự bên trong. Phía sau quyết định của Viện sỹ Hiệu là gì, không ai biết được.
Có thể Viện sỹ đã hứa gì đó nhưng sau đó “lật lọng”, hoặc người khác có lý “gấp
đôi”.
Dù là con kiến nhưng tôi đã không
ngần ngại nói “Lớp cán bộ khoa học trẻ vào Viện với tình yêu khoa học và tin
vào các bậc đàn anh. Nhưng hôm nay, chứng kiến sự mất dân chủ và quyết định bất
ngờ, tôi hiểu rằng, lòng tin của trí thức đã bị đặt nhầm chỗ”.
Di sản khoa học…
Nếu ai làm việc ở đâu đó thời
gian dài, thường được hỏi về legacy (di sản) của người đó. Giáo sư Phan Đình Diệu
cùng với đồng sự đã để lại nền vi tính non trẻ cho Việt nam (kể cả châu Á khi
đó!) và thương hiệu Viện Tin học trước năm 1985.
Hôm nay, có dịp qua Viện CNTT (Viện
TH cũ) bạn sẽ thấy Viện này đã an bài như định mệnh của chính Viện KH Việt nam
(nay đổi là Viện KH Công nghệ Quốc gia). Xuống dốc Bưởi nhìn thấy toà nhà bậc
thang piramid, mốc meo với những điều hoà đủ kiểu và kiến trúc pha trộn Đông Tây
trong Viện KHVN, như mối tình Chí Phèo-Thị Nở, khi tàn bạo trong vườn chuối,
lúc lãng mạn dưới ánh trăng bên sông.
Sau 30-40 năm hoạt động, “nhà trẻ
trung ương” VKHVN với 5-6 nghìn cán bộ khoa học đã làm gì cho đất nước? Danh tiếng
Viện CNTT đang ở đâu trên đất nước này. Có ai còn nghe tới họ, hay chỉ là những
gì làm 25 năm trước mới đáng kể. Mà số tiền tiêu vào đó là bao nhiêu tỷ của dân
nghèo.
Mới đây, Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu
được tặng Huân chương Nhà nước do cống hiến cho khoa học. GS Phan Đình Diệu lại
“từ chức”…tiếp dù ông đã về hưu.
Và lần thứ 3 ở…IDS
Lần từ chức thứ nhất chỉ liên
quan đến một viện và sự đi xuống của nó sau đó. Lần thứ hai tương đương với một
bộ. Hình ảnh Viện “Hàn lâm” trên Nghĩa Đô hôm nay đủ nói lên những trí thức
không được dùng đúng mục đích bị ảnh hưởng như thế nào tới vị thế của nền khoa
học.
Lần thứ 3 này phải chờ xem sau vụ
tự giải thể của IDS. Ảnh hưởng của sự kiện là tầm quốc gia nếu không nói là quốc
tế. Những người như bà Phạm Chi Lan, Giáo sư Hoàng Tụy, TS Lê Đăng Doanh, TS
Nguyễn Quang A và các vị khác, … cả thế giới biết tên tuổi.
Sự giải nghệ của họ và Quyết định
97 giúp tinh hoa dân tộc “yên lòng” hơn với tuổi hưu nhàn hạ. Họ khá đầy đủ về
vật chất, nếu chỉ muốn yên ổn thì vào IDS làm gì. Vì nặng lòng với đất nước và dân
nghèo, hy vọng IDS là nơi giúp chuyển tải những phản biện hay cố vấn
của một tập thể trí thức tinh túy nhất nước tới Đảng và Nhà nước. Ai nghi ngờ
lòng yêu nước của họ hãy xem lại bản thân.
Không hiểu sao lại nghĩ vẩn vơ.
Dù ở xa Tổ quốc, tôi luôn dự cảm rằng, đất nước rồi sẽ tiến lên, đi đâu sẽ
ngẩng cao đầu, rằng, ta đến từ nơi dân giầu nước mạnh. Mong thì vẫn hằng mong.
Lời kết
Nhớ về câu chuyện của đất nước
mình, từng là hình mẫu cho đấu tranh giải phóng dân tộc, nhiều người đã nhìn
vào để noi gương. Tuy nhiên, ánh hào quang quá khứ không giúp được nhiều cho hội
nhập hôm nay.
Nơi tôi công tác trước đây cũng
không nằm ngoài qui luật đó. Lật vài trang sử của Viện cũng đủ hiểu số phận một
đất nước, một dân tộc hay một đời người.
Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ
thế giới, ai sẽ là bạn khi ta gặp khó khăn, chìa tay giúp đỡ, kẻ nào đợi thời
cơ để hãm hại. Có nhiều trí thức giỏi, có tâm và tầm, sẽ giúp tìm ra được lời
giải.
IDS đã ra đi, không còn nghe được
tiếng tơ lòng của họ. Người ta bảo, tiếng quát của kẻ thất phu không đáng sợ,
đáng sợ hơn là sự im lặng của những nhà hiền triết.
Hiệu Minh (10-2009)
http://hieuminh.org/2012/09/19/ids-khi-tri-thuc-tu-chuc/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét