Khánh Hoan
5-9-2012
5-9-2012
Hàng nghìn trẻ em miền
núi ở Nghệ An bắt đầu lầm lũi gùi gạo, lội suối, vượt rừng đến trường tìm chữ.
Những ngày tháng gian khổ, phải sống chui rúc trong những cái lều trọ xác xơ để
tìm kiếm con chữ lại bắt đầu. Cam chịu, vì nhà nước không có tiền để xây nhà
bán trú cho các em trọ!
Dưới xuôi, hàng loạt
nhà tưởng niệm, lưu niệm lãnh tụ với kinh phí hàng chục tỉ đồng vẫn tưng bừng
khởi công, khánh thành như không hề có lạm phát, không hề biết nền kinh tế đất
nước đang đi thụt lùi.
Để chào mừng sinh nhật
lần thứ 110 của cựu Tổng bí thư đảng CSVN Lê Hồng Phong, ngày 3.9, tỉnh Nghệ An
tổ chức lễ khánh thành khu tưởng niệm vị cựu lãnh tụ này tại xã Hưng Thông, huyện
Hưng Nguyên và khu lưu niệm phu nhân Nguyễn Thị Minh Khai tại TP.Vinh.
Theo báo Nghệ
An, tổng kinh phí cho dự án xây dựng quần thể khu lưu niệm nguyên Tổng bí thư
Lê Hồng Phong là 250 tỉ đồng, trong đó riêng nhà tưởng niệm là 35 tỉ đồng. Khu
lưu niệm phu nhân Nguyễn Thị Minh Khai khiêm tốn hơn nhưng cũng có kinh phí...
tròm trèm 20 tỉ đồng.
Trước đó vài tháng, cũng mừng sinh nhật lần thứ 110 của
nhà cách mạng cộng sản Phan Đăng Lưu, khu lưu niệm được khởi công ở huyện Yên
Thành quê hương đồng chí, với kinh phí hơn trăm tỉ. Cách đây mấy ngày, tỉnh Nghệ
An tiếp tục khởi công xây dựng khu tưởng niệm đại tướng Chu Huy Mân ở xã Hưng
Hòa, TP.Vinh với kinh phí 13 tỉ đồng...
Cắt băng khánh thành nhà tưởng niệm cố Tổng bí thư Lê Hồng Phong (ảnh: báo Nghệ An) |
Trong thời buổi
đất nước khốn khó, đầu tư công bị buộc chặt, kể cả những công trình dân sinh bức
thiết cũng bị ngưng lại thì những khu tưởng niệm là ngoại lệ, vẫn rầm rộ khởi
công xây dựng.
Việc xây dựng tượng
đài, khu lưu niệm lãnh tụ cộng sản sẽ không làm tôi băn khoăn nếu như không còn
những cảnh đời cơ cực như dưới đây mà tôi đã nhiều lần chứng kiến khi đến các
xã miền núi của tỉnh Nghệ An.
Trong ảnh là những
căn lều do người dân ở xã Bảo Thắng và xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An dựng
cho con em họ đến trọ học. Những căn lều tạm bợ, ẩm thấp, rách nát, nằm chênh
vênh bên dốc rừng. Mùa nắng, lều như những cái lò hấp. Mùa đông, gió núi thốc
vào lạnh buốt. Bọn trẻ ở đây đứa nào cũng gầy nhẳng, mang những bộ quần áo màu
đất, quanh năm chỉ có cơm với muối. Thịt, trứng là xa xỉ phẩm, các em không dám
mơ tới.
Nhưng đói chưa phải là khổ nhất vì các em đã quen! Các giáo viên nói ở
đây các em sợ nhất khi mùa đông đến. Cái lạnh đã thành nỗi ám ảnh kinh hãi đối
với những cơ thể gầy nhăng vì thiếu ăn khi những cái chăn cũ mỏng tang không thể
chống được cái lạnh buốt giá trong những căn lều thốc gió.
Vào những đêm giá lạnh,
những cái thân gầy của các em không trụ được với rét, không có chăn đủ ấm để đắp
nên không thể ngủ được. Đám trẻ phải rủ nhau dậy đốt lửa lên, cả đêm ngồi vây
quanh cho ấm. Anh Lê Đình Hùng, hiệu phó trường cấp 2 Mường Ải, bạn tôi, nói ở
đây học sinh các bản xa đến đây trọ học, có nhiều khi cả cơm cũng không có mà
ăn. Giáo viên phải góp gạo, mỗi tuần mỗi người vài kí lô cho các em ăn đỡ khi hết
gạo. Những đêm quá lạnh, thương các em, giáo viên phải mở cửa nhà/phòng mình rồi
gọi các em vào tá túc qua đêm vì biết các em không thể trụ nổi trong những cái
chòi gió lùa ấy.
Khoảng 500 triệu
thôi, sẽ có căn nhà bán trú giành cho đám trẻ nghèo này bớt cảnh rét mướt.
Nhưng trong chủ trương của chính quyền, mục đầu tư cho giáo dục đến nay vẫn
không hề thấy dòng nào cho những khu nhà trọ giành cho đám trẻ nghèo khổ này? Ở
Mường Ải, anh Hùng nói, năm ngoái bộ đội biên phòng hứa cho 200 triệu dựng nhà
cho các em ở. Nhưng từng đó chưa đủ nên chưa thể dựng nhà. Trường cứ loay hoay
mãi, viết thư rồi gọi điện xin khắp nơi nhưng chưa ai gật đầu nên
các em vẫn cứ tiếp tục nằm mơ trong những cái chòi xơ xác này.
Ừ thì các em hãy
thông cảm. Nhà nước còn nghèo, địa phương còn khó khăn.
Nhưng, thưa các vị
lãnh đạo. Nếu còn coi những đứa trẻ này là tương lai của đất nước, xin quý
vị lãnh đạo hãy bớt ra 1% kinh phí từ các dự án nhà tưởng niệm, lưu niệm thôi,
sẽ đủ một căn nhà bán trú cho đám trẻ nghèo khổ này. Đó là hạnh phúc, là niềm
mơ ước từ lâu của hàng ngàn đứa trẻ nghèo nơi miền thăm thẳm này.
Tại quê nhà cựu Tổng bí thư
Lê Hồng Phong ở xã Hưng Thông, từ lâu đã có khu nhà tưởng niệm bằng tranh, phên
nứa, giậu cây, là nguyên bản phục lưu căn nhà của Lê Hồng Phong từng sinh sống.
Rất giản dị và gần gũi. Nhưng để làm quà mừng sinh nhật lần thứ 110, tỉnh Nghệ
An vẫn dốc hết quyết tâm chính trị xây dựng thêm căn nhà mới hoành tráng 35 tỉ
đồng làm quà cho ông và căn nhà 20 tỉ đồng cho quý bà phu nhân.
Tại sao khu tưởng niệm,
lưu niệm nào cũng cứ phải xây cho bề thế, hoàng tránh như thế nhỉ?
Tôi nghĩ, có lẽ nơi
suối vàng, các đồng chí ấy sẽ chẳng vui gì với những món quà này khi
cách đó không xa lắm là hàng trăm căn lều xác xơ với hàng ngàn đứa trẻ gầy nhòm
vì đói ăn, thiếu mặc vẫn đang lay lắt sống trong những cái chòi như thời hoang
dã.
Xin đừng lấy tiền bạc
của dân ném vào những công trình bằng cốt sắt, bê tông. Hãy để người dân tự xây
dựng tượng đài, nhà lưu niệm ngay trong lòng họ. Và quí vị, những lãnh đạo của
đất nước, hãy tự xây dựng tượng đài, khu tưởng niệm của mình trong lòng dân đi.
Ở đó, những người có công với dân với nước sẽ được lịch sử và người dân muôn đời
tôn thờ!
Và đây là hình ảnh về
cuộc sống, nơi học hành, ăn ở của các em khi vào năm học mới.
Khánh Hoan
(PV báo Thanh Niên thường trú tại Nghệ An)
Ghi thêm: Thú thực, tôi đã chảy nước mắt khi đọc bài này, do
đồng nghiệp Khánh Hoan gửi thẳng cho tôi. Chỉ muốn kêu lên rằng: Hãy cứu lấy
các em!
Nguyễn Thông
http://thongcao55.blogspot.com/2012/09/hay-ru-long-thuong-lay-cac-em-du-chi-1.html#more
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét