16-9-2012
Nhà thơ Bùi Kim Anh |
Hồi xưa, xưa lâu lắm rồi nhưng không phải là xưa xửa xừa xưa
đâu, chỉ tính từ lúc mình biết cảm nhận cuộc sống thôi thì cũng tiếp nhận từ giả.
Giả dùng để chỉ một số hàng làm bằng những nguyên liệu như
giấy, gỗ, nhựa, sắt để dùng trong cuộc sống hàng ngày. Cụ thể như – hoa giả,
chân tay giả, đồ gỗ giả cổ…Những đồ gọi là giả ấy mô phỏng theo đồ thật, nhìn
ai cũng biết là giả.
Hoa giả dẫu là nghệ nhân làm đẹp như thật vẫn thể hiện là
giả và bán ở cửa hàng hoa giả. Những cái giả ấy phô phang một cách chân thực,
không trá hình.
Hồi nay, những hàng giả trên vẫn còn và kỹ nghệ càng tinh xảo
hơn nên đẹp hơn, tiện dụng hơn. Vào một gia đình thấy dùng đồ gỗ phỏng theo đồ
thời Thanh từ giường, tủ, bàn ghế…nhìn mà thấy thích, thấy sành điệu.
Hồi nay hàng giả phát triển nhiều chủng loại, nhiều số lượng,
tinh vi hình thức và nhiều cấp độ. Một chiếc áo, đôi giày, chiếc túi, valy hàng
nhái trông như hàng hiệu. Biết thì không mua hoặc mua đúng chất lượng. Không biết
mua phải hàng trà trộn. Hàng nhái mà mua giá hàng hiệu. Không sao. Sỹ chút.
Không hại gì chỉ hại túi tiền.
Cái đáng sợ là đồ ăn, thức uống, thuốc chữa bệnh.
Trứng gà giả, gạo giả. Trình độ làm giả điêu luyện, nếu không nói là điêu xảo.
Trứng chắc chưa ăn phải vì quả 1 đập ra là biết. Gạo chắc pha trộn tỷ lệ nào đó
ăn khó biết. Ăn phải chưa nhỉ? Liệu có sao không? Gần đây thịt lợn, bò, thịt
chim chóc bị ôi thiu, bị chết – nhất là lòng phèo, dầu mỡ thối – được biến hóa
thành siêu nạc, thành thơm ngon, cứ ăn hàng bữa mà không biết.
Mà biết đâu mà
tránh. Cố chừa ra mà biết thế nào mà chừa. Ghê nhất, vô nhân tính nhất là thuốc
giả, máu giả. Có bệnh mà uống, mà tiêm thuốc giả thì tăng bệnh, mau chết hơn
thôi…Người ta, cụ thể còn pha máu loãng để bán cho bệnh nhân khi cấp cứu, khi
thiếu máu. Truyền máu giả này chết chưa chết ngay nhưng chắc không còn đường sống.
Cái sự giả đến như vậy thì cứu vãn đạo đức xã hội thế nào đây?
Ngồi kể hàng ngày những thứ giả từ nghe thấy ngoài đường đến
đọc thấy trên mạng, chỉ biết sợ, biết lo mà chẳng biết làm gì. Hàng giả hồi nay
thật đến mức khó nhận ra, người mua buôn không nhận ra thì người tiêu dùng làm
sao nhận được. Nguy hiểm đến giai đoạn mấy, cấp độ mấy rồi đây?
Ôi dào lại còn người giả nữa chứ. Không phải giả 100% mà chỉ
giả từng phần, từng bộ phận mà thôi. Tô son trát phấn thì chỉ làm đẹp tươi hơn,
duyên dáng hơn nhưng mà ta vẫn là ta. Bây giờ bơm vá, nói cho khoa học là chỉnh
hình với kỹ thuật cao, hình thức thay đổi – biến mũi tẹt thành cao, mắt nông
thành mắt sâu thăm thẳm, ngực lép thành ngực khủng…Đáng ra chỉ có phụ nữ cần
làm đẹp vì họ là phái đẹp, vì họ cần vẻ đẹp khuyến rũ, thế mà bây giờ lại cả
đàn ông, con trai cũng bơm cũng phồng đằng sau, đằng trước. Nhìn đâu là giả, sờ
đâu biết giả mà đo mà lường. Cái sự giả này nhiều trường hợp cũng phải
công nhận thôi.
Hồi xưa hay dùng từ đạo đức giả để mắng nhau. Mày là đồ đạo
đức giả. Lúc văng ra thế là điên lắm rồi. Người bị mắng đúng hơn là chửi vậy tức
là bị xúc phạm ghê gớm, lại điên hơn. Gỉa còn ghép với từ dối, thành giả dối.
Mày là đồ giả dối – cũng là một câu mắng chửi. Mà tất nhiên rồi muốn giả được
tin thì phải làm dối, nói dối
Hai loại này – đạo đức giả và ngụy quân tử giống nhau bao
nhiêu phần, mức độ khác nhau thế nào đây hay là cùng một giuộc? Hình như ngụy
quân tử khó nhận ra hơn là đạo đức giả. Người nói biết sai vẫn nói. Người nói
không nghĩ vậy, không làm vậy mà vẫn nói vậy. Người nghe biết là nói giả vẫn
nghe. Người nói nói mãi thành quen mồm. Người nghe nghe mãi thành quen tai. Hồi
nay từ đạo đức giả vắng bóng, không được văng ra nữa. Sao vậy nhỉ? Cái sự giả
nhiều quá làm cắt mất xuất ngôn từ rồi chăng?
Bao nhiêu là cái giả. Cái giả vật chất được công nhận và bị
phê phán. Cái giả tinh thần được công nhận và bị phê phán. Cái giả nào nguy hại
cho sinh mạng của con người, cho sự tồn tại và phát triển của xã hội. Người ta
biết và người ta không biết. Chịu.
Không hồi xưa nữa đâu. Lâu nay thôi. Lâu nay hay dùng từ
siêu. Hình như đầu tiên hay khen nhau – siêu thế, siêu thật đấy – tức là giỏi
thế, giỏi thật đấy. Dần dà nhiều thứ dùng từ siêu – siêu người mẫu, siêu sạch,
siêu vi trùng, siêu vi rút…- tức là dáng mẫu nhất, tức là sạch sẽ không còn gì
để chê, tức là không nhìn thấy, không xác định nổi là loại gì…Siêu thị thì to
hay bé mà cỡ gì cũng siêu. Người Việt mình siêu lắm.
Việt hóa ngôn từ nước
ngoài từ tiếng Hán, tiếng Pháp, tiếng Nga, tiếng Anh…Việt hóa và mở rộng nghĩa
của từ. Bây giờ còn dùng pha trộn đến mức khó hiểu, đến buồn cười. Ví như 200
ngàn đồng phải là 200k cho nó sang. Ai bảo mù tiếng nước ngoài. Thế là hết bảo
vệ sự trong sáng của tiếng Việt.
Giả có nhiều thứ giả và cao nhất là đạo đức giả. Siêu có nhiều
thứ siêu kể cả siêu giả. Chưa có siêu đạo đức đâu nhé. Chờ xem. Khi cái sự giả
nhiều lên, tinh vi lên, ăn sâu vào trong lòng đạo đức xã hội thì cái sự siêu
càng không có giới hạn, thì siêu gì mà chẳng có.
http://nhathonguyentrongtao.wordpress.com/2012/09/16/gia-va-that-ngon-tu-va-dao-duc/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét