13-9-2012
Sau đây là thư gửi báo Nhân
Dân của một số đại diện các tổ chức XHDS về bài báo: "xã hội dân sự” – một thủ đoạn của diễn biễn hòa bình của Dương văn Cừ đăng trên báo Nhân Dân ngày 31-8-2012
===========
Kính gửi ông: Thuận Hữu
Tổng biên tập báo Nhân Dân
Người gửi: Đại diện các tổ chức xã hội dân sự
V/v: Phản hồi bài báo “xã hội dân sự” – một thủ đoạn của diễn biễn hòa bình
Chúng tôi, những người đang làm cho các các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ, các trung tâm phát triển, các câu lạc bộ, các nhóm nông dân, các viện nghiên cứu độc lập xin chia sẻ cảm xúc và phản đối mạnh mẽ của mình khi đọc bài “xã hội dân sự” – một thủ đoạn của diễn biến hòa bình của tác giả Dương Văn Cừ đăng trên phiên bản online của báo Nhân Dân ngày 31 tháng 8 năm 2012.
Chúng tôi không thể không sửng sốt và ngỡ ngàng khi những đóng góp của mình cho sự phát triển của đất nước trong nhiều năm qua bị tác giả bài báo phủ nhận hoàn toàn và đánh đồng với các hoạt động nguy hại với an ninh quốc gia. Quan điểm của bài báo ám chỉ công việc chúng tôi đang làm như đón những người phụ nữ bị chồng đánh đập phải bỏ chạy trong đêm đến ngôi nhà tạm lánh, phát chăn màn và tư vấn cho trẻ em đường phố để giảm thiểu những rủi ro trong cuộc sống, ngủ rừng để bảo vệ loài Sao La đang bị diệt chủng; hay bảo vệ lợi ích của Việt Nam trong những vụ kiện cá basa, thuế xuất giầy da, hàng may mặc là tiến hành diễn biến hòa bình và lật đổ.
Có hàng nghìn người Việt Nam đang làm cho các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội dân sự - những tổ chức được thành lập theo pháp luật và hoạt động theo giấy phép với mục tiêu hỗ trợ người nghèo, người dân tộc thiểu số phát triển kinh tế và cải thiện cuộc sống, người khuyết tật có cơ hội tham gia vào thị trường lao động, giáo dục cho trẻ em nghèo, hỗ trợ phụ nữ tham gia làm kinh tế, xóa bỏ bất bình đẳng giới và bạo lực gia đình...
Nhiều tổ chức tập trung xây dựng cơ sở
hạ tầng nông thôn miền núi như nước sạch, trạm y tế, trường học, cầu cống để cải
thiện cuộc sống của hàng nghìn người dân, hay tham gia nghiên cứu đưa các kinh
nghiệm quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo tồn
nguồn nước vào Việt Nam. Nhiều tổ chức thúc đẩy sự tham gia của người dân trong
thực hành pháp lệnh dân chủ cơ sở, góp ý cho chính sách của nhà nước nhằm tăng
cường hiệu quả và có lợi cho người dân, phòng chống tham nhũng, nâng cao tiếng
nói và bảo vệ quyền của người yếu thế.
Rõ ràng, công việc của các tổ chức xã hội dân sự là thiết thực, có ích cho người dân và xã hội, đúng chủ trương chính sách của Đảng. Vậy tại sao lại có bài báo coi xã hội dân sự như là diễn biến hòa bình, như là lật đổ chính quyền, gây ra sự hoài nghi và hoang mang trong xã hội được đăng trên báo Nhân Dân?
Chúng tôi làm những việc trên vì đó là điều đúng cần phải làm. Chúng tôi làm những việc trên vì thấy rằng mỗi người dân Việt Nam dù họ là trai hay gái, là người lớn tuổi hay nhỏ tuổi, là người Kinh hay người dân tộc thiểu số, người khuyết tật hay lành lặn, người thành thị hay nông thôn.... tất cả đều phải được đối xử công bằng và có cơ hội phát triển, đóng góp và hưởng thụ từ sự đóng góp của mình. Chúng tôi làm những việc trên vì tin rằng đó cũng là điều Đảng và Nhà nước đang phấn đấu, và là đích hướng tới một xã hội “công bằng, dân chủ và văn minh” thực sự. Dù có khó khăn, gian khổ và cả những lúc bị hiểu lầm chúng tôi vẫn tin rằng mình đang cùng xã hội, chính phủ và toàn dân tộc đi cùng một nhịp đến tương lai, một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.
Chính vì vậy, khi đọc bài báo “xã hội dân sự” – một thủ đoạn của diễn biến hòa bình của tác giả Dương Văn Cừ đăng trên báo Nhân Dân chúng tôi thấy cần phải lên tiếng. Tác giả có quyền bày tỏ quan điểm và đánh giá của mình nhưng việc đánh đồng và quy chụp đã gây tổn hại to lớn cho hình ảnh và hoạt động của các tổ chức như chúng tôi là điều không công bằng. Hơn nữa, bài báo được đăng ở cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản nên người dân và xã hội có thể sẽ hiểu đó là quan điểm của Đảng và nhà nước. Chúng tôi mong nhận được một lời giải thích rõ ràng và công khai về nội dung và quan điểm của bài báo là của cá nhân tác giả hay của báo Nhân Dân để tránh hiểu lầm, gây chia rẽ và mất niềm tin trong xã hội.
Rất mong nhận phản hồi sớm từ ông
Xin gửi tới ông và Ban biên tập lời chào trân trọng.
Kính thư.
Các tổ chức và cá nhân dưới đây đã ký tên
Do TS Tô Văn Trường gửi kèm theo những dòng tâm huyết dưới đây:
Cùng các bạn,
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các cơ quan truyền thông ("đầu bảng" là báo Nhân Dân) tăng cường cung cấp thông tin kịp thời, chính xác và chủ động phản bác các thông tin không đúng sự thật và xuyên tạc chống Đảng và Nhà nước.
Câu hỏi đặt ra vì sao báo Nhân
Dân không đi vào cuộc sống (không có sạp bán báo nào ngoài phố bày bán báo Nhân
dân mà thực tế cũng rất ít người dân đón đọc báo Nhân dân).
Ngày 31/8 báo Nhân dân
đăng bài "Xã hội dân sự một thủ đoạn của diễn biến hòa bình" của tác
giả Dương Văn Cừ thể hiện sự ấu trĩ cả về nhận thức chính trị đã bị công luận
phản ứng dữ đội.
Xin mời đọc biên bản họp mở rộng của PPWG (File kèm theo để
tham khảo)*
Báo Quân đội nhân dân ngày
12/9 đăng bài "Tây Nguyên thương nhiều, yêu nhiều và ưu tư cũng nhiều"
của 2 phóng viên Quang Hồi và Duy Thành nhân kỷ niệm 80 năm ngày sinh của
nhà văn Nguyên Ngọc khiến ông phải thốt lên "Tôi đọc và kinh ngạc. Tôi bị
nhét vào mồm nhiều câu vớ vẩn lẫn những ý rất bậy bạ"!
Trong khi đó biết bao điều thiết
thực người dân mong mỏi giới chức trách và các phương tiện truyền thông trả lời nhưng vẫn còn "nợ dân" như bệnh lạ ở Quảng Ngãi, cháy xe
vv...
Trên mạng đang loạn các thông tin là
những điều lâu nay dư luận vẫn tranh luận. Có những thông tin có thể kiểm chứng,
một số thì chưa nhưng phần lớn các băn khoăn là có thật và ai cũng thấy là có
căn cứ. Tình hình hiện nay đang như một bài toán chưa có lời giải. Nhìn
vào các ngóc ngách nào của bức tranh kinh tế xã hội hiện nay, những người có
tâm với cuộc sống, con người và đất nước đều cảm thấy rất ưu tư, lo lắng.
Ngay cả những “thảo dân” làm nghề
lái xe ôm, tắc xi hay bà nội trợ cũng cảm thấy rất rõ các dấu hiệu của các “cơn
bão” của thời cuộc đang thổi chạm cả tới “số phận bé nhỏ” của mình ( thường thì
bão đâu có chạm tới cỏ!). Trong “triều chính” chắc là người ta còn thấy rõ hơn
nhiều. Nhiều bài viết của các chuyên gia, trí thức tâm huyết với đất nước cho
thấy nhiều vấn đề lớn đang đặt ra rất ngổn ngang và chồng chéo.
Không hiểu báo Nhân dân, Thông tấn
xã VN, Truyền hình vv... có đủ uy tín và năng lực để có thể giải đáp hướng dẫn
dư luận như chỉ thị của Thủ tướng?
Tô Văn Trường
(nhận mail lúc 8:10 giờ ngày
14/9/2012)
http://dttl-nguoilotgach.blogspot.com/2012/09/thu-gui-bao-nhan-dan-cua-mot-so-ai-dien.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét