Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




CÁM ƠN CÁC EM - NHỮNG NGƯỜI THẦY LƯƠNG TRI CỦA TÔI

Quốc Tuấn
22-9-2012

Ngày xưa, Trịnh Cốc chỉ sửa duy nhất một chữ trong bài thơ Tảo Mai của Tề Kỉ, thế mà Tề Kỉ đã gọi Trịnh Cốc là thầy. Có lẽ xuất phát từ câu chuyện này mà tục ngữ Việt Nam chúng ta có câu "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư", nghĩa là “Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. 

Câu tục ngữ này dùng để nhắc nhở mỗi chúng ta phải tôn kính, biết ơn người dạy bảo dù chỉ là nửa chữ. Và trong thực tế của cuộc sống, chúng ta đã bắt gặp không ít những người thầy đáng quý. Họ có thể trực tiếp trên bục giảng để dạy cho ta từng con chữ. Hoặc họ chỉ là một người bình thường, nhưng đã có những việc làm mà qua đó, giúp ta có được cách nhìn cũng như suy nghĩ thấu đáo, nhân văn hơn. 

Và thực tế cuộc sống xã hội Việt Nam hôm nay nói chung, bản thân tôi nói riêng, có rất nhiều điều mắc mớ mà nếu không có họ, tôi không thể nào “thoát ra” được. Đối với tôi, họ là những người thầy, những tấm gương để chúng ta noi theo. Những “người thầy” mà tôi muốn đề cập ở đây chính là 4 Sinh viên ở Nghệ An đã bị nhà cầm quyền Việt Nam, qua công cụ là Tòa án Nghệ An với tổng cộng hơn 14 năm tù trong một phiên xử ngắn ngủi với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 BLHS sáng ngày Thứ Năm 24/5/2012. Và tới đây, vào ngày 26/9/2012 Tòa án tối cao của nhà cầm quyền Việt Nam lại đem ra xét xử phúc thẩm tại Tòa án Thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An. 

Vâng, các em chưa từng đứng trên bục giảng để dạy tôi về những con chữ, cũng chưa từng gặp gỡ tôi để chỉ giáo cho tôi bất cứ điều gì. Về tuổi tác, tôi hơn các em những 20 tuổi; nói về bằng cấp, tôi là một thạc sĩ so với các em là những sinh viên hiện đang được đào tạo dưới mái trường xã hội chủ nghĩa; so với công việc, hiện tôi là một trưởng bộ môn của một trường cấp 3, dưới quyền tôi còn có đến 7 giáo viên khác so với các em là những người, mà báo chí nhà nước, tờ Báo Lao Động ngày 12/2/2010 đã có bài “Khi các chàng trai làm mẹ″ để ca ngợi những việc làm cao thượng của các em như: bảo vệ sự sống, một quà tặng vô giá mà Thượng Đế trao ban; “những sứ giả của tình yêu”; hiến máu nhân đạo; góp nhặt ve chai bán lấy tiền giúp đỡ những hoàn cảnh neo đơn, cứu trợ đồng bào bão lụt... 

Những cái tên như Trần Hữu Đức, Hoàng Phong, Đậu Văn Dương, Chu Mạnh Sơn… không còn xa lạ với người dân thành phố Vinh mỗi khi nhắc đến “Trung tâm bảo vệ sự sống Gioa Paholo II”. Tự đáy lòng, tôi xin được gọi các em là “người thầy của lương tri” bởi lẽ, tôi là bậc làm anh, làm cha của các em, được xem là người được học hành đến nơi đến chốn nhưng tôi vẫn sống vô cảm với đất nước, xã hội, với những người xung quanh khi hàng ngày tôi vẫn thấy rất rõ những dối trá, hèn nhát, ích kỉ, bon chen, thủ đoạn…đặc biệt là những điều này lại đầy rẫy trong môi trường sư phạm, nơi mà tôi và đồng nghiệp mang danh là những “kĩ sư của tâm hồn”. 

Tôi cũng thành thật cám ơn những người bạn Công Giáo đã chỉ cho tôi để tôi có dịp tìm hiểu tường tận hơn về bản thân của các em, về việc các em bị chính quyền bắt cóc và kết án các em một cách trái luật pháp, trái đạo lí với mức án quá nặng nề. Đối với tôi, đây là một bản án ô nhục của chính quyền khi họ tìm cách bịt miệng những người muốn nói lên sự thật, muốn quyền của người dân được thực sự tôn trọng như ngày ngày chính quyền Việt Nam vẫn tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông. 

Điều làm tôi cảm thấy xấu hổ hơn, trăn trở là mỗi lần nghĩ đến việc làm của các em, với lời kêu gọi tẩy chay việc bầu cử lừa bịp của Đảng cộng sản VN. Việc “đảng cử dân bầu, đảng quán triệt trúng cử” chắc không mấy lạ đối với hầu hết người dân Việt Nam. Quốc Hội thì có hơn 90% là đảng viên của Đảng cộng sản. Vì thế, khi đề cập đến vấn đề bầu cử ở Việt Nam, nhiều người đã liên tưởng đến hình ảnh: đem 2 con bò để chọn thì chắc chắn kết quả sẽ là con bò. 

Thực tế và đa phần người dân biết rõ là vậy nhưng đã không có mấy người dám nói lên sự thật này. Chính như bản thân cá nhân tôi đã trải qua 5 lần bầu cử giả dối dưới sự đạo diện của Đảng cộng sản nhưng chỉ vì cái chức quèn, vì miếng cơm manh áo mà mấy chục năm qua tôi đã không dám mở mồm để nói lên sự thật, dù chỉ một lời với người thân cận. Càng nghĩ tôi càng thấy mình thật vô cảm, ích kỉ và đáng sợ. Mỗi lúc nghĩ đến việc mình đã cầm cố sổ đỏ nhà đất và vay mượn cho đủ 45 triệu để “chạy việc”, rồi tìm cách chạy để trở thành đảng viên Đảng cộng sản với tham vọng được làm lãnh đạo để được hưởng những quyền lợi mà những người không phải là đảng viên không bao giờ có được. 

Đất nước đang được báo động về mọi mặt, nhất là vấn đề đạo đức. Là một người thầy giáo, tôi đã bịt miệng, bịt mắt làm ngơ trước những sự dối trá, bất công, vô đạo đức…

Sắp đến ngày xử phúc thẩm đối với các em sinh viên, lòng tôi lại càng trở nên thao thức hơn bao giờ hết vì tôi nghĩ rằng, Tòa án chỉ là công cụ để nhà cầm quyền tìm cách bỏ tù những người trẻ tiến bộ đáng trân trọng của đất nước. 

Như Jean Jacques Rousseau đã nói “Vũ lực không cấu thành lẽ phải... sự phục tùng chỉ có được nhờ sức mạnh chính đáng”. Vâng, sự đàn áp của nhà cầm quyền Việt Nam đối với những tiếng nói tiến bộ, lương tri càng làm rõ bộ mặt đê hèn và bất chính của mình. Và tôi tin rằng, những điều các em trăn trở, các em đã làm sẽ được nhiều người tiếp tục tiếp nối và sức mạnh của bạo lực sẽ không thể ngăn nổi ngọn lửa của chính nghĩa. Riêng tôi, tôi sẽ mãi gọi các em là “những người thầy của lương tri”. 

Tp Vinh, ngày 19 tháng 9 năm 2012 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét