6-9-2012
Ủy ban Tài chính của Quốc hội cần
yêu cầu Ngân hàng Nhà nước công bố danh sách các tổng công ty, tập đoàn nhà nước
đã mở tài khoản và ồ ạt chuyển một lượng tiền lớn vào VietCapital Bank ngay sau
khi con gái của Thủ tướng, bà Nguyễn Thanh Phượng, thôn tính ngân hàng này từ
tên gốc của nó là Gia Định.
Những con số ấy có thể là một ví dụ thú vị về “lợi
ích nhóm” mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc tới trong đợt kiểm điểm theo Nghị
quyết Trung ương Bốn. Nhưng, quan trọng hơn, Quốc hội cần biết công cụ chủ đạo của
nền kinh tế đang được sử dụng như thế nào.
Kinh Doanh Đa Ngành
Ý tưởng thành lập tập đoàn không
chỉ đến từ thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng, cần có đủ thông tin để phân
biệt mô hình tập đoàn Nguyễn Tấn Dũng với mô hình tập đoàn áp dụng từ những người
tiền nhiệm.
Năm 1994, khi những nỗ lực phát
triển kinh tế tư nhân chững lại vì bị các nhà lý luận “cánh tay phải” của ông Đỗ
Mười như Đào Duy Tùng, Nguyễn Hà Phan, Nguyễn Đức Bình, coi là chệch hướng. Sau
Hội nghị giữa nhiệm kỳ, 1-1994, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký hai quyết định
thành lập tổng công ty 90, 91. Trong đó, quyết định 91 có nói đến “thí điểm
thành lập tập đoàn kinh doanh”.
Ý tưởng thành lập tập đoàn là từ
ông Đỗ Mười với quan niệm nền kinh tế cần những quả đấm thép. Nhưng cả ông Kiệt
và nhiều ủy viên bộ chính trị đều tán thành. Lúc ấy, hơn một nửa ủy viên bộ
chính trị đã được đưa tới Hàn Quốc tham quan và gần như ai cũng choáng ngợp mô
hình Cheabol của họ.
Nhưng, từ 1994 cho đến 2005, chưa
có tập đoàn nào được thành lập theo quyết định 91. Cuối nhiệm kỳ thứ II, Thủ tướng
Phan Văn Khải cho lập 3 tập đoàn: Ngày 26-12-2005, tập đoàn Công nghiệp Than -
Khoáng sản Việt Nam; Ngày 09-01-2006, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông; Ngày
15-5-2006, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin.
Thủ tướng Phan Văn Khải thừa nhận,
ông là người quyết định cho Vinashin vay 700 triệu USD từ tiền bán trái phiếu
chính phủ. Ông Khải cho rằng, Việt Nam, một nước có hơn 3000 km bờ biển không
thể không phát triển ngành vận tải biển. Suy nghĩ về tiềm lực biển của ông Phan
Văn Khải không sai nhưng đầu tư bằng tiền cho quốc doanh không phải là một cách
làm tốt. Nhưng, sự sụp đổ của Vinashin bắt đầu từ khi tập đoàn này được phép
kinh doanh đa ngành.
Trước Đại hội Đảng lần thứ X, ông
Nguyễn Tấn Dũng được giao làm Tổ trưởng biên tập báo cáo kinh tế của Ban chấp
hành Trung ương trước Đại hội. Ông đòi ghi vào báo cáo chủ trương cho doanh
nghiệp nhà nước được kinh doanh đa ngành. Các thành viên trong tổ phản đối vì
điều này ngược với quan điểm phát triển doanh nghiệp nhà nước xác lập từ thời
thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Thay vì tiếp thu, ông Nguyễn Tấn
Dũng đã viết ra giấy, buộc các thành viên trong tổ phải ghi vào Báo cáo kinh tế
nguyên văn: “Thúc đẩy việc hình thành một số tập đoàn kinh tế và tổng công ty
nhà nước mạnh, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó có một số ngành chính;
có nhiều chủ sở hữu, trong đó sở hữu nhà nước giữ vai trò chi phối”.
Nguyễn Tấn Dũng nhận chức thủ tướng
ngày 27-6-2006. Ngày 29-8-2006, ông cho ngành dầu khí được nâng lên quy mô tập
đoàn; Ngày 30-10-2006 ông cho thành lập thêm Tập đoàn Công nghiệp Cao su… Tốc độ
thành lập tập đoàn có chững lại sau khi ông Võ Văn Kiệt khuyến cáo tính ít hiệu
quả của mô hình này trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn số ra ngày 26-7-2007.
Ông Võ Văn Kiệt mất gần 11 tháng
sau đó và từ đó cho đến năm 2011, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đẩy con số tập
đoàn từ 5 lên tới 13. Nhưng, không phải số lượng các tập đoàn mà số lượng ngành
nghề mà các tập đoàn này được làm mới là nguyên nhân đẩy các doanh nghiệp nhà
nước và nền kinh tế đến bên bờ vực. Rất nhiều tập đoàn có ngân hàng, công ty
tài chính và chúng ta có thể nhìn thấy đất của Vinashin ở sâu trong đất liền và
hầu như không có tỉnh nào không có một tòa PetroLand mọc lên dưới thời Đinh La
Thăng.
Đại Nhảy Vọt
Không có một vị thủ tướng nào thừa
kế một cơ ngơi có thể ngồi mát ăn bát vàng như Nguyễn Tấn Dũng: Tốc độ tăng trưởng
cao, lạm phát thấp; lần đầu tiên Việt Nam có dự trữ ngoại tệ lên tới 23 tỷ đô
la; đặc biệt, chính phủ Phan Văn Khải đã hoàn tất đàm phán để Việt Nam chỉ cần
làm thủ tục kết nạp là trở thành thành viên WTO. Nhưng, ngôi nhà tưởng là vững
chãi ấy đã bị đốt cháy chỉ hơn một năm rưỡi sau đó.
Thoạt tiên, khu vực kinh tế nhà
nước được Nguyễn Tấn Dũng sử dụng như một công cụ để thúc đẩy tăng trưởng. Ông
Phan Văn Khải nói: “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng muốn tạo ra một thành tích nổi bật
ngay trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, muốn hoàn thành kế hoạch 5 năm chỉ trong
4 năm. Ngay trong năm 2007, ông đầu tư ồ ạt. Tiền đổ ra từ ngân sách, từ ngân
hàng. Thậm chí, để có vốn lớn, dự trữ quốc gia, dự trữ ngoại tệ cũng được đưa
ra. Bội chi ngân sách lớn, bất ổn vĩ mô bắt đầu”.
Thời Thủ tướng Phan Văn Khải, mỗi
khi tổng đầu tư lên tới trên 30% GDP là lập tức Thủ tướng được báo động. Trước
năm 2006, năm có tổng đầu tư lớn nhất cũng chỉ đạt 36%. Trong khi, Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng, ngay sau khi nhận chức đã đưa tổng mức đầu tư lên 42% và đạt tới
44% GDP trong năm 2007. Năm 2006, tăng trưởng tín dụng ở mức 21,4% nhưng con số
này lên tới 38,7% trong năm 2007. Kết quả, lạm phát cả năm ở mức 12,6%. Chính
phủ Nguyễn Tấn Dũng đã gần như hốt hoảng. Những cú shock được áp dụng sau đó đã
làm cho nền kinh tế trở nên vô phương cứu chữa.
Đầu quý I-2008, khi con số lạm
phát lên tới gần 3% mỗi tháng, thay vì chẩn bệnh để có phương thuốc đúng, Chính
phủ Nguyễn Tấn Dũng đã buộc các ngân hàng nâng mức dự trữ bắt buộc từ 10 lên
11%, các ngân hàng nháo nhào tìm kiếm thêm 20.000 tỷ khiến lãi suất qua đêm thị
trường liên ngân hàng mấy ngày cuối tháng 1-2008 tăng vọt lên tới 27%, trong
khi đầu tháng, con số này chỉ là 6,52%.
Ngày 13-2-2008, Ngân hàng Nhà nước
lại ra quyết định, buộc các ngân hàng thương mại phải mua một lượng tín phiếu
trị giá 20.300 tỉ đồng. Áp lực tiền bạc của các ngân hàng lên tới hơn 40.000 tỉ
đồng đã làm náo loạn các tổ chức tín dụng. Các ngân hàng cổ phần buộc lòng phải
tăng lãi suất huy động. Sự chênh lệch về lãi suất đã khiến cho các tổng công ty
nhà nước rút tiền, đang cho vay lãi suất thấp ở các ngân hàng quốc doanh, gửi
sang ngân hàng cổ phần.
Chỉ trong ngày 18-2-2008, các tổng
công ty nhà nước đã rút ra hơn 4.000 tỉ đồng. Các ngân hàng quốc doanh, vốn vẫn
dùng những nguồn tiền lãi suất thấp từ nhà nước đem cho các ngân hàng nhỏ vay lại.
Nay thiếu tiền đột ngột, vội vàng ép các ngân hàng này, rút về. “Cơn khát” tiền
mặt toàn hệ thống đã đẩy lãi suất thị trường liên ngân hàng trong những ngày
này có khi lên tới trên 40%.
Lãi suất huy động tăng, đã khiến
cho các ngân hàng phải tăng lãi suất cho vay. Nhiều ngân hàng buộc khách hàng
chấp nhận lãi suất cho vay 24 - 25%. Các biện pháp chống lạm phát của Chính phủ
đã làm cho lạm phát ba tháng đầu năm 2008 lên tới 9,19%. Ngày 25-3-2008,
ngân hàng Nhà nước lại khiến cho tình trạng khan hiếm tiền mặt thêm nghiêm trọng
khi yêu cầu thu về 52.000 tỉ đồng của ngân sách đang được đem cho các ngân hàng
quốc doanh vay với lãi suất 3%/năm.
Từ mức trên 1000, ngày 6-3-2008,
chỉ số VN-index xuống còn 611. Cho dù Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cố dùng uy
tín chính trị của mình để cứu vãn bằng cách tuyên bố rằng, “đầu tư vào chứng
khoán bây giờ là thắng” vì VN-index đã xuống đến đáy. Nhưng, những ngày sau đó,
VN-index liên tục lập đáy mới: Ngày 25-3-2008, 492 điểm; Ngày 5-12-2008, 299 điểm.
Chính những “đại gia” gần gũi thủ
tướng nhất lại “chết” đau thương nhất vì họ đã từng được vay tiền dễ dàng, có dự
án dễ dàng, kể cả các dự án trong khu vực chuẩn bị sáp nhập về Hà Nội. Từ năm
2008, mỗi năm các đại gia này đã phải chịu lãi suất 24-25%/ năm chưa kể những
khoản lót tay, trong khi giá trị các dự án chỉ có thể bán được phân nửa so với
thời 2007. Thay vì tìm một lối thoát cho nền kinh tế, đặc biệt là khu vực tài
chính ngân hàng, giai đoạn tái cấu trúc ngân hàng, tái cấu trúc nợ lại là một
cơ hội kiếm tiền cho nhiều đại gia thân hữu mới.
Tham nhũng chưa phải là vấn đề lớn
nhất dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Chính phủ Thủ tướng Phan Văn Khải đã
từng rất nỗ lực để tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng. Ban nghiên cứu của
Thủ tướng Phan Văn Khải đã sát cánh nhiều năm với Tổ thi hành Luật Doanh nghiệp.
Hơn 500 loại giấy phép đã bị Thủ tướng Phan Văn Khải bãi bỏ. Khi ông Khải rời
nhiệm sở, Tổ công tác tiếp tục đề nghị bãi bỏ thêm hàng trăm giấy phép con.
Nhưng, thay vì ra quyết định, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giải tán Ban nghiên
cứu và để cho các loại giấy phép lại mọc lên như nấm.
Có lẽ một người được coi là bảo
thủ như ông Đỗ Mười cũng không thể nào ngờ có ngày “hậu duệ” của mình lại ký lệnh
tái độc quyền nhà nước đối với vàng. Nhà nước đã từng độc quyền vàng, những người
sở hữu từ 2 chỉ trở lên từng bị coi là bất hợp pháp. Ngày 24-5-1989, Chủ tịch Hội
đồng Bộ trưởng Đỗ Mười ký Quyết định 139, cho phép tư nhân mở tiệm vàng với điều
kiện chỉ cần ký quỹ 5 lượng. Chỉ sau hai tháng cả nước có tới 400 tiệm vàng.
Quyết định của ông Đỗ Mười được đưa ra như là một giải pháp cộng hưởng để chống
lạm phát.
Trong suốt 23 năm tồn tại của Quyết
định 139 nền kinh tế chưa bao giờ đổ tội lạm phát cho vàng. Vậy mà bất lực trước
khủng hoảng kinh tế, ngày 25-5-2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký nghị định
24, giành lấy quyền sản xuất vàng miếng cho nhà nước và buộc doanh nghiệp kinh
doanh vàng miếng phải có vốn trên 100 tỷ đồng.
Lẽ ra ông Trương Đình Tuyển phải
từ chức đứng đầu nhóm 13 người tư vấn sau khi một quyết định như thế ra đời. Bỏ
qua các động cơ trục lợi, Nghị định 24 là vi hiến vì nó làm cho vàng miếng
không phải SJC của người dân tự nhiên mất giá. Đặc biệt, nó đi ngược lại các
cam kết WTO mà ông Tuyển đóng vai trò quyết định trong đàm phán.
Bẫy Việt Vị
Ngày 2-8-2011, trung tướng Nguyễn
Đức Nhanh khẳng định trong một buổi họp báo: “Hà Nội không có chủ trương trấn
áp người biểu tình”. Để rồi, ngày 18-11-2011, từ chỗ coi những người biểu tình
chống Trung Quốc là yêu nước, Hà Nội ra thông báo vu cho người biểu tình là
“gây rối Thủ đô”, là có “các thế lực chống đối trong và ngoài nước”.
Dân chúng nào biết, tác giả bản
thông báo này là thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, Phái viên của thủ tướng đặc
trách an ninh, tôn giáo. Buổi tối trước khi bản thông báo được đưa xuống Hà Nội,
Tướng Hưởng đã đưa đến nhà để Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp đọc duyệt.
Cho dù không có quan chức nào ở Hà Nội chịu ký, bản thông báo và những “tác phẩm
báo chí” bôi nhọ người biểu tình khác vẫn được phát trên các phương tiện truyền
thông của Hà Nội. Từ đó, các vụ bắt bớ người biểu tình diễn ra khốc liệt liên tục
vào các ngày chủ nhật.
Mấy tháng sau, trong khi chính
quyền Thủ đô bị kiện và phải mang một gương mặt xấu trong mắt dân chúng, ngày
25-11-2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Quốc hội “sớm có luật biểu tình để
nhân dân thực hiện quyền đã được ghi trong Hiến pháp”.
Cũng thời gian đó, trong khi
chính phủ đang đứng trước nguy cơ bị truy vấn bởi món nợ tới hạn không trả được
của Vinashin và nguy cơ sụp đổ của các ngân hàng, ông Nguyễn Tấn Dũng đã việt vị
Quốc hội khi đăng đàn nói về biển đảo. Nguyễn Tấn Dũng đã khiến cho dân chúng tạm
quên đi những vết thương kinh tế do ông gây ra khi trở thành chính trị gia đầu
tiên của Hà Nội nói “Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa từ năm 1974”.
Ngay cả Bộ chính trị cũng bị bất ngờ. Ông Dũng đã bí mật soạn bài diễn văn này,
diễn đi diễn lại nhiều lần trước khi xuất hiện ngày 25-11-2011 trong phiên họp
toàn thể được truyền hình trực tiếp.
Sau bài phát biểu ấy, nhằm chuẩn
bị dư luận chống đỡ những đợt kiểm điểm trong nội bộ, thông tin bắt đầu được rỉ
tai, “phe thân Tàu đang tìm cách chống ông Tấn Dũng”. Nhóm “13” hiện đã chuẩn bị
theo đơn đặt hàng của ông Nguyễn Tấn Dũng một bài phát biểu về nhà nước pháp
quyền.
Sau khi các đại gia gần gũi ông
như Nguyễn Đức Kiên, Dương Chí Dũng, bị bắt; Trầm Bê ở trong tầm ngắm…, những
ai nghĩ rằng ông Dũng đang hoảng sợ rất có thể sẽ mắc bẫy việt vị. Ông Nguyễn Tấn
Dũng rất có thể lại xuất hiện như một nhà cải cách.
http://www.facebook.com/notes/osin-huyduc/b%E1%BA%ABy-vi%E1%BB%87t-v%E1%BB%8B-c%E1%BB%A7a-th%E1%BB%A7-t%C6%B0%E1%BB%9Bng/454406024582631
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét