Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




VÒNG BÁN DẠO "THIỆN CHÍ" CỦA TRUNG QUỐC

Nguyễn Hoàng 
16/08/2012 

Với chuyến công du vòng quanh Châu Á của ngoại trưởng Dương Khiết Trì từ 9 - 13/8, Trung Quốc có vẻ như đang thực hiện ý đồ gây dựng một dạng tập hợp lực lượng mới, ít ra thì cũng trong tầm ngắn hạn để trung hòa bớt các tuyên bố lẫn hành động ngang ngược của họ hiện nay.

Phần lớn các nước Đông Nam Á đang muốn hàn gắn những rạn nứt bộc lộ công khai ở hội nghị ngoại trưởng ASEAN tại Phnom Penh đầu tháng trước (AMM45). Vì thế, dư luận đặt nhiều câu hỏi về chuyến công du của ngoại trưởng Trung Quốc tại ba nước ASEAN vốn không có tranh chấp gay gắt với Bắc Kinh. Phải chăng Trung Quốc có ý định tiếp tục thúc đẩy âm mưu chia rẽ ASEAN mà họ đã ít nhiều toại ý thời gian qua? Chuyến thăm của ngoại trưởng họ Dương có nhằm kiềm chế Đông Nam Á hình thành một tập hợp lực lượng mới trên vấn đề Biển Đông nhằm đối phó với các hành động ngang ngược của Bắc Kinh?

Ngăn chặn một mặt trận thống nhất

Đài RFI ngày 12/8 ghi nhận: chuyến công du năm ngày qua của ông Dương Khiết Trì đã cố tình né tránh Việt Nam và Philippines, là hai thành viên có thái độ kiên quyết nhất đối với Trung Quốc. Hai quốc gia này vốn bị Trung Quốc lấn lướt và hù dọa nhiều nhất trong thời gian qua. Chuyến công du của ông Dương Khiết Trì hiển nhiên nhằm trước hết vào Indonesia, nước có uy tín hàng đầu trong khối Đông Nam Á, và được cho là có quan điểm chừng mực trong ASEAN đối với Trung Quốc, vì không trực tiếp tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông và là quốc gia có nhiều quan hệ, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, khá chặt chẽ với Bắc Kinh.
Tại Jakarta, ngoại trưởng Trung Quốc đã không ngần ngại công khai tôn vinh Indonesia lên hàng "trung gian hòa giải trên vấn đề Biển Đông", và nhắc lại cam kết "sẵn sàng tiến tới" một bộ quy tắc ứng xử với ASEAN (COC). Các tuyên bố này của ông Dương Khiết Trì tương hợp với mong muốn của Jakarta, vì trong thực tế, ngay sau khi Hội nghị Phnom Penh bị đổ vỡ, ngoại trưởng Indonesia đã cấp tốc phát huy vai trò trung gian hòa giải của nước mình để hàn gắn các vết rạn, để thúc đẩy toàn khối thông qua được "Sáu nguyên tắc ứng xử về Biển Đông".

Kế tiếp, Bắc Kinh tập trung sự quan tâm tới Malaysia và Brunei, hai nước tuy có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông với Bắc Kinh, nhưng cho đến thời điểm hiện nay, hầu như Trung Quốc chưa đụng chạm đến nhiều. Liệu Trung Quốc có thành công trong việc thuyết phục cả ba nước này tin tưởng vào "thiện chí" của Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông hay không? Căn cứ vào những phát biểu đầu tiên của giới lãnh đạo Indonesia, Malaysia và cả Brunei, thì câu trả lời sẽ là không! Thể hiện rõ nhất là cả ba nước, và ở cấp cao nhất là nguyên thủ hoặc thủ tướng, đều hối thúc Trung Quốc sớm ngồi vào bàn đàm phán để đi tới COC.

Tại Indonesia, Ngoại trưởng Trung Quốc được nghe chính tổng thống Indonesia Yudhoyono yêu cầu là Bắc Kinh phải tôn trọng các nghị quyết của ASEAN về việc tránh dùng vũ lực và giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp trên biển Đông. Về phần mình, ngoại trưởng Natalegawa cũng nhắc nhở Bắc Kinh: "Giải quyết vấn đề biển Đông cũng là phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc". Thái độ của Malaysia càng rõ ràng hơn khi ngoại trưởng nước này yêu cầu ASEAN đoàn kết hơn nữa trên vấn đề Biển Đông, và kêu gọi toàn khối và Trung Quốc "sớm đúc kết" thành một bộ Quy tắc ứng xử (COC) nhằm giảm thiểu các mối căng thẳng xuất phát từ tranh chấp đánh cá, quyền đi lại và thăm dò dầu khí trên Biển Đông.

Cảnh giác với tuyên bố của TQ!

Trong một trả lời phỏng vấn báo chí gần đây, thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an) nhắc lại tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào với các nguyên thủ quốc gia châu Phi: "Chúng ta kiên quyết phản đối nước giàu lấn lướt nước nghèo, kiên quyết phản đối nước lớn đàn áp nước nhỏ". Nói thì hay như thế nhưng làm thì hoàn toàn ngược lại!

Trên nhận thức như thế, các tuyến bố của ngoại trưởng Trung Quốc trong vòng bán dạo món hàng "thiện chí" vừa qua (và sắp tới nếu có!) được dư luận Đông Nam Á cũng như thế giới đón nhận khá dè dặt. Đa số các nước ASEAN đang đi dần tới nhận thức, sẽ phải thông qua ngoại giao nhà nước để vạch rõ các luận điệu xuyên tạc của Trung Quốc. Ai cũng biết, hội nghị AMM45 tại Phnom Penh vừa qua sở dĩ không ra được thông cáo chung là do đâu. Ấy thế nhưng trả lời phỏng vấn Tân Hoa Xã, thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh tuyên bố nguyên nhân không ra được thông cáo chung là do "cá biệt có một số nước tuyên bố chủ quyền ở Nam Hải (tức Biển Đông) có ý đồ muốn áp đặt chủ trương của họ cho ASEAN" (!?)

Cuối cùng, lời kêu gọi Trung Quốc sớm thỏa thuận với ASEAN về COC dường như vẫn rơi vào thinh không khi mà cho đến nay, Trung Quốc vẫn cho rằng họ chỉ thương thảo với ASEAN về văn kiện này lúc nào "thời cơ chín muồi". Hơn thế nữa, Trung Quốc tiếp tục đưa ra luận điệu là Bắc Kinh chỉ chấp nhận một COC tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc nằm bên trong tấm bản đồ 9 đường gián đoạn mà chính họ vẽ ra. Ngoài ra, Trung Quốc tiếp tục ngang ngược điều động gần ba vạn tàu thuyền đi đánh cá, phát động chiến dịch không quân trên khu vực Biển Đông. Trong bối cảnh đó, thử hỏi nước nào tin vào lời cam kết của ngoại trưởng Trung Quốc tại các bàn đàm phán? Đó cũng là lý do để Trung Quốc không thể thành công trong việc kéo bè lập hội, âm mưu cưỡng chiếm biển đảo của các nước láng giềng!

http://www.baomoi.com/Home/TheGioi/tuanvietnam.vietnamnet.vn/Vong-ban-dao-thien-chi-cua-Trung-Quoc/9112656.epi


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét