Người dịch: Thủy Trúc
24-8-2012
Hà Nội – Từ miền trung
du đến những đô thị đông nghẹt xe cộ, khó mà không thấy sự hiện diện của Tập
đoàn Điện lực Việt Nam. Họ xây nhà, vận hành một ngân hàng, quản lý một công ty
môi giới chứng khoán, cung cấp điện cho hàng triệu hộ gia đình và thuê 100.000
nhân công.
Hiện nay, theo một quan chức cao
cấp trong ngành điện, rất am hiểu về ngành, thì nhà cung cấp điện bán lẻ duy nhất
ở Việt Nam, mang tên EVN, có vẻ đã bành trướng thái quá. EVN là con quái vật khổng
lồ gần đây nhất của nhà nước đang bị theo dõi chặt, trước tình cảnh quá nhiều nợ
xấu đã làm rúng động lòng tin của giới đầu tư và thể hiện sự suy thoái của đất
nước từng một thời nổi lên như là ngôi sao kinh tế mới của Đông Nam Á.
“Tôi có thể nói rằng nợ ở EVN xấu
hơn nhiều so với trường hợp Vinashin, có khi lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng” –
vị quan chức ngành điện, có hiểu biết trực tiếp về nợ của EVN, nói. Ông đề nghị
giấu tên.
Tuần này, vụ bắt giữ nhà tài phiệt
nổi tiếng Nguyễn Đức Kiên – nhà tỷ phú sáng lập nên ngân hàng có giá trị đứng
thứ tư ở Việt Nam là Ngân hàng Thương mại Cổ phần châu Á (ACB) – đã khoét sâu
thêm nỗi sợ về tình trạng bất ổn tài chính ở đất nước 90 triệu dân, do cộng sản
lãnh đạo này.
Vụ bắt ông Kiên càng làm người ta
lo sợ về một khu vực đang rất căng thẳng vì những liên hệ của nó đến các công
ty quốc doanh ngập nợ nần, trong đó có nhiều công ty như EVN – vốn dĩ đã vươn rất
xa ra ngoài ngành kinh doanh chính của mình, khi các nhà hoạch định chính sách
tìm cách xây dựng những tập đoàn lớn, đủ sức cạnh tranh với thế giới, nhái lại
mô hình “chaebol” của Hàn Quốc.
Ngân hàng Trung ương buộc phải
đưa ra một lời bảo đảm hiếm hoi trước công chúng, rằng tiền gửi ở ACB là an
toàn, trước tình cảnh người dân xếp hàng ở ACB để rút tiền, và chỉ số chứng
khoán chủ chốt của Việt Nam sụt giảm 9% trong tuần.
Sự cố Vinashin gần như sụp đổ
trong năm 2010, cùng các rắc rối nghiêm trọng ở công ty vận tải biển Vinalines
năm nay, với tổng nợ lên đến 6,5 tỷ USD, buộc chính phủ phải cam kết tăng cường
nỗ lực cải cách số doanh nghiệp nhà nước – chiếm tới một phần ba nền kinh tế và
chiếm hết chỗ của đầu tư tư nhân.
Nhưng các đề xuất mới đây nhất,
được công bố vào tháng 7, có vẻ đã không nhắc tới việc giải quyết vấn nạn chủ
nghĩa tư bản thân hữu và đặc quyền đặc lợi – cái đã khiến cho 100 doanh nghiệp
nhà nước (SOE) lớn nhất nợ nần tới 50 tỷ USD, gần bằng nửa sản lượng kinh tế
năm 2010 của Việt Nam.
Giới kinh doanh ngân hàng và
chuyên gia nói rằng, vấn đề không chỉ dừng lại ở Vinashin và Vinalines.
“Đó mới là phần nổi của tảng
băng” – ông David Koh, một chuyên gia về Việt Nam, ở Viện Nghiên cứu Đông Nam Á
(Singapore), nhận định.
Chẳng hạn, thua lỗ của EVN có thể
có ảnh hưởng lớn hơn nhiều đối với tổng thể nền kinh tế, vì nó làm gián đoạn
nguồn cung năng lượng giá rẻ, vốn là huyết mạch của khu vực sản xuất.
Một bài báo trên tờ Saigon Times
hồi tháng 5 trích dẫn một tài liệu của cơ quan Kiểm toán Nhà nước nói rằng tính
đến cuối năm 2010, EVN nợ 240 nghìn tỷ đồng (11,5 tỷ USD), gần gấp ba lần
Vinashin cùng kỳ.
Báo Tuổi Trẻ tháng 12 đưa tin EVN
thua lỗ từ sản xuất một khoản 8,4 nghìn tỷ đồng, gấp 12 lần con số mà EVN báo
cáo cùng trong tài liệu đó.
Những con số đó cùng các số liệu
không tâng bốc chút nào về các SOE đều đã bị xóa khỏi báo cáo chính thức của Kiểm
toán Nhà nước gửi báo chí hồi tháng 7.
Reuteurs đã gọi điện thoại tới
EVN vài lần để đề nghị bình luận, nhưng quan chức EVN không nhấc máy.
Tình trạng sức khỏe tài chính thật
sự của EVN – doanh nghiệp lớn thứ 5 ở Việt Nam với doanh thu mà báo chí quốc
doanh công bố là gần 5 tỷ USD năm 2011 – là rất khó biết. Nhà độc quyền này báo
cáo là đã thua lỗ 3,5 tỷ đồng trong năm 2011, nhưng nhiều nhà kinh tế nghi ngờ
tính chính xác của các thông báo tài chính này.
EVN có thông báo một vài kết quả
tới báo chí sở tại, nhưng không nêu chi tiết tình trạng tài khoản.
Lời hứa chìm xuồng dần
Cho dù có các vấn đề như vậy, Việt
Nam vẫn là cỗ máy sản xuất, nổi lên trong thập kỷ trước từ những tàn tích của
chiến tranh để đóng một vai trò trung tâm trong nền sản xuất công nghiệp ở châu
Á, làm đủ thứ từ giày dép tới phụ kiện máy tính. Một nền kinh tế từng có thời
được xây dựng trên những cánh đồng đầy bom rải thảm, giờ đây lấp lánh ánh sáng
của những cửa hiệu và cao ốc hùng vĩ.
Nhưng trong vài năm qua, các vấn
đề lớn đã làm lu mờ những hứa hẹn của Việt Nam: từ lạm phát gia tăng theo đà
xoáy trôn ốc, đến nạn quan liêu, từ cơ sở hạ tầng khập khiễng đến các món nợ chất
chồng trong một hệ thống tài chính tù mù.
Năm nay, tăng trưởng tín dụng đã
giảm rất mạnh, và nền kinh tế phát triển ở tốc độ khoảng 4%, giảm so với mức 7%
của năm 2010.
Tháng 7, ngân hàng trung ương
tuyên bố, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng dừng ở mức 8,6% – gần gấp đôi con số
dự tính trước đó và là tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong các nước Đông Nam Á, theo
hãng xếp hạng Dịch vụ Đầu tư Moody.
Ngân hàng trung ương trích dẫn “kết
quả điều tra” từ các thanh tra để giải thích về mức tăng nợ xấu rất lớn này. Báo chí quốc doanh trích
lời Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình phát biểu hồi tháng 6 rằng tỷ
lệ nợ xấu là 10%, và một số nhà phân tích cho rằng con số vẫn còn có thể cao
hơn.
“Rất khó xác định con số nào là
con số chúng ta có thể chấp nhận” – ông Christian de Guzman, một nhà phân tích
hàng đầu của hãng Moody ở Singapore, nói. Ông tin rằng có khả năng những khoản
nợ tồi tệ hơn của nhà nước sẽ còn được tiết lộ.
Hầu hết những căng thẳng về kinh
tế của Việt Nam đều có thể bị quy về nguyên nhân quản lý, điều hành yếu kém các
SOE.
Một lượng khổng lồ tín dụng rẻ đã
được bơm vào các SOE từ năm 2009, khi chính phủ tìm cách làm nhẹ tác động của
cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Các SOE liền tiếp tục tưng bừng mở rộng
sang các ngành nghề mà họ rất thiếu chuyên môn.
Chính phủ đánh giá hai vụ vỡ nợ
kia là bất thường, do sai phạm trong quản lý gây ra. Năm nay, 9 giám đốc điều
hành của Vinashin đã bị bắt giam vì quản lý tồi nguồn lực của nhà nước, trong số
này có cựu chủ tịch Phạm Thanh Bình, chịu án 20 năm tù. 6 giám đốc điều hành của
Vinalines bị bắt giữ, cựu chủ tịch Vinalines bỏ trốn.
“Họ gắn lợi ích cá nhân vào các
quyết định đầu tư… đó là tham nhũng” – ông Nguyễn Đức Kiên, phó chủ tịch ủy ban
kinh tế của Quốc hội, nói với Reuters.
Tuy nhiên nhiều nhà quan sát nói
rằng, việc quản lý yếu kém như tại Vinashin và Vinalines là chuyện rất phổ biến
ở các SOE, nơi mà giám đốc và ban quản trị có xu hướng được tuyển lựa nhờ vào
các mối quan hệ chính trị hơn là nhờ tài năng kinh doanh. Cá nhân Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng từng khen ngợi sự mở rộng của Vinashin, và từng có lời xin lỗi
hiếm hoi đến các đại biểu quốc hội sau khi Vinaship sụp đổ và dẫn tới việc điểm
tín dụng của Việt Nam bị hạ thấp một cách đáng xấu hổ.
Nhưng không ai trong chính phủ bị
đưa ra tòa hay bị phạt vì sự sụp đổ này của Vinashin cả.
Vụ bắt giữ giám đốc điều hành nhà
băng Nguyễn Đức Kiên, 48 tuổi – một trong 30 người giàu nhất Việt Nam – có thể
là dấu hiệu cho thấy mâu thuẫn đang gia tăng trong ban lãnh đạo cộng sản, xoay
quanh vấn đề chính sách kinh tế.
“Có khá nhiều bất mãn về chuyện
thủ tướng hậu thuẫn cho những đứa con được nuông chiều – những doanh nghiệp nhà
nước này” – ông Steve Norris, một chuyên gia về Việt Nam tại Tập đoàn Kiểm soát
Rủi ro ở Singapore, nhận xét.
Cải cách khiêm tốn
Chương trình cải cách mới đây nhất,
được công bố hồi tháng trước, thoáng nhìn qua thì có vẻ rất táo bạo. Từ nay cho
tới năm 2015, các SOE sẽ phải rút khỏi những ngành không phải hoạt động chính của
họ, và đệ trình kế hoạch tái cơ cấu trước quý ba năm nay. Chính phủ cho biết họ
sẽ để các công ty vận hành theo “cơ chế thị trường”, lựa chọn giám đốc một cách
khắt khe hơn, cho giám đốc nhiều quyền tự quyết hơn để ngăn chặn mọi sự can thiệp
chính trị, và thành lập một cơ quan đặc biệt để giám sát việc sử dụng tài sản ở
các SOE.
Nhưng ông Nguyễn Đức Kiên, ủy ban
kinh tế Quốc hội, thừa nhận sẽ phải mất hơn 2-3 năm, các thay đổi mới đem lại kết
quả. Trong thời gian đó, giới phân tích muốn nhìn thấy báo cáo tài chính hàng
quý mà các SOE có nghĩa vụ phải đưa ra theo quy định mới, để đánh giá xem độ
minh bạch đã được cải thiện thật sự hay chưa.
Các ý kiến phê phán như của nhà
kinh tế có tư tưởng cải cách, ông Lê Đăng Doanh, cho rằng mọi sự sửa đổi đều
không có tác dụng mấy trong việc giải quyết cốt lõi của vấn đề, đó là sự miễn
cưỡng của chính phủ khi phải từ bỏ quyền kiểm soát kiểu Xô Viết đối với các SOE
lớn – vốn dĩ là đòn bẩy quyết định cho quyền lực kinh tế và xã hội của Đảng Cộng
sản.
“Đảng Cộng sản vẫn còn nắm giữ
vai trò chủ đạo, và doanh nghiệp nhà nước vẫn là công cụ ổn định kinh tế vĩ mô”
– ông Doanh, người từng là cố vấn cho chính phủ, nói. “Chừng nào điều đó còn tồn
tại, thì mọi nhận thức về cải cách đều sẽ rất bị giới hạn”.
Mặc dù có một tầng lớp người tiêu
dùng đầy sức sống, nhưng Việt Nam vẫn không bắt kịp làn sóng phục hồi đầu tư
trong năm nay ở các nước láng giềng Đông Nam Á như Philippines và
Indonesia.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)
giảm 28% trong nửa đầu năm 2012 so với năm trước. Đây là dấu hiệu cho thấy các
công ty đang ngày càng lo ngại về bất ổn chính trị ở Việt Nam và đang tìm kiếm
các nước có nhân công rẻ khác, ví dụ như Myanmar, đất nước mới mở cửa.
“FDI đang hướng về Myanmar chứ
không phải Việt Nam” – một nhà ngoại giao nước ngoài ở Hà Nội nói. “Những trái
ngon dễ kiếm đã được hái ở Việt Nam”.
EVN – nợ nần và hỗn loạn
Nhiều năm qua, Việt Nam
đã và đang cải cách dần dần khu vực SOE của mình, cắt giảm số doanh nghiệp quốc
doanh từ 6000 công ty hồi chuyển giao thế kỷ xuống còn 1300, và chuyển 3388
công ty cùng chi nhánh của chúng vào khu vực tư nhân, thông qua cái gọi là “cổ
phần hóa”.
Nhưng từ đó đến nay, tiến trình
tư nhân hóa đã chậm đến mức ì ạch.
Năm nay, ông Đào Văn Hưng đã mất
việc ở vương quốc EVN, sau sự vụ đơn vị viễn thông của EVN bị thua lỗ nặng nề,
gần như ngay trước khi công ty này và khoản nợ của nó bị đối thủ cạnh tranh
trong ngành viễn thông là Vietel, do bên quân đội điều hành, nuốt chửng. Ông
Hưng bị điều chuyển trở lại bộ công thương Việt Nam, chờ điều tra nếu có.
Dưới sự lãnh đạo của ông Hưng,
EVN đã bành trướng sang các ngành bất động sản, viễn thông và ngân hàng, ngay cả
khi đất nước đang phải chịu tình cảnh cắt điện thường xuyên do thiếu đầu tư vào
sản xuất điện.
Trả lời phỏng vấn Reuteurs, vị
quan chức ngành điện giấu tên nọ nói rằng phương pháp kế toán của công ty là một
bí ẩn ngay cả với những người làm việc ở EVN, theo đó, không thể xác định rõ
thua lỗ xuất phát từ ngành kinh doanh chính hay từ các thương vụ mới mở thêm của
EVN.
Ông cho biết, nhân lực chất lượng
kém cũng là một vấn đề lớn khác.
Mặc dù vẫn còn nhiều hoạt động
kinh doanh mạo hiểm và kém may mắn khác, nhưng khối nợ khổng lồ của EVN chắc chắn
là đến từ chuyện họ không thể định giá cao hơn để đủ trang trải chi phí của việc
sản xuất điện. Việt Nam là một trong những nước có giá điện thấp nhất châu Á,
tuy nhiên điều đó đã dẫn tới hậu quả là đầu tư vào ngành điện rất kém và cung về
điện không ổn định, làm hại ngành kinh doanh này.
Hank Tomlinson, chủ tịch Phòng
Thương mại Mỹ ở Việt Nam, cho biết, một số công ty nước giải khát có vốn đầu tư
nước ngoài ở Việt Nam đã tự chạy máy phát điện liên tục, vì hóa ra như thế lại
rẻ hơn là phải đối mặt với cảnh bị cắt điện thường xuyên.
“Cái mà các doanh nghiệp cần là
cung điện ổn định, đáng tin cậy, chứ không phải được bán điện với giá rẻ để rồi
phải chạy máy phát điện suốt ngày đêm dự phòng” – ông Tomlinson nói.
EVN đã nâng giá điện 5% trong năm
nay, nhưng không minh bạch về lý do phải tăng giá. Điều đó khiến các doanh nghiệp
nghi ngờ, nhất là vào thời điểm số các vụ phá sản gia tăng do tín dụng bị thắt
chặt.
“Các doanh nghiệp bây giờ
phải chịu quá nhiều biến động và thua lỗ, nhưng cho đến giờ thì chúng tôi có thể
làm được gì? Chúng tôi phải chung sống với chuyện đó” – ông Cao Tiến Vi, chủ tịch
Tập đoàn Giấy Sài Gòn, nói. Ông cho biết thêm, EVN đã không hề thông báo trước
về cú tăng giá gần đây nhất của họ.
Ảnh: 1- Ông Nguyễn Đức Kiên dự khán trong một trận bóng đá tại Hà Nội ngày 17/7/2011; 2- Một người đàn bà đi ngang qua Ngân hàng Thương mại Á châu ACB, ngày 3/6/2005; 3- Các công nhân sửa chữa đường dây diện ở Hà Nội, ngày 24/12/2011.
(Biên tập: Jason Szep và Alex
Richardson)
Nguồn: Reuteurs
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
http://anhbasam.wordpress.com/2012/08/24/1222-viet-nam-no-xau-am-anh-cac-tap-doan-khong-lo-chua-cai-cach/
=====000=====
VN: NỢ XẤU ÁM ẢNH TẬP ĐOÀN NHÀ NƯỚC
BBC
24-8-2012
EVN là tập đoàn điện duy nhất tại Việt Nam |
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trở thành tiêu điểm phê
phán trong bài viết hôm 24/8 về các tập đoàn nhà nước của phóng viên vùng Đông
Nam Á Stuart Grudgings của Reuters.
Trong bài với tựa đề “Nguy cơ nợ bao trùm lên những tập đoàn
khổng lồ chưa cải cách của Việt Nam”, phóng viên này nói EVN là "một tập
đoàn điện xây cả dự án căn hộ, vận hành một ngân hàng, kinh doanh môi giới chứng
khoán và cung cấp điện cho hàng triệu hộ gia đình với số nhân viên tổng cộng
100 nghìn người”.
Bài dẫn lời một quan chức cao cấp trong ngành điện nói EVN
đang ở trong tình trạng bành trướng thái quá.
EVN trở thành tập đoàn nhà nước mới nhất bị săm soi trong bối
cảnh nợ xấu đang làm chao đảo niềm tin của nhà đầu tư và tượng trưng cho sự đi
xuống của một đất nước đã từng một thời được cho là ngôi sao kinh tế mới của
Đông Nam Á.
Những con số
Một số người đang lo sợ rằng khó khăn của EVN lớn hơn gấp
nhiều lần so với tập đoàn đóng tàu Vinashin.
“Tôi khẳng định rằng nợ của họ xấu hơn Vinashin, có thể là
hàng trăm nghìn tỷ đồng,” một quan chức ngành điện đề nghị giấu tên cho biết.
Vụ bắt giữ nhà tài phiệt tiếng tăm Nguyễn Đức Kiên (Bầu
Kiên), nhà triệu phú sáng lập Ngân hàng cổ phần thương mại Á Châu (ACB) đã làm
dấy lên nỗi lo sợ tình trạng bất ổn tài chính ở quốc gia 90 triệu dân dưới sự
lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Ngân hàng Nhà nước phải đứng ra trấn an người dân đang thi
nhau rút tiền trong bối cảnh chỉ số chứng khoán chủ chốt của Việt Nam giảm 9%
trong tuần.
Sự cố Vinashin và Vinalines trong năm 2010, 2011 với tổng nợ
lên đến 6,5 tỷ đôla đã buộc chính phủ phải tăng nỗ lực cải cách các doanh nghiệp
nhà nước, chiếm một phần ba nền kinh tế và chiếm hết vốn đầu tư vào tư doanh.
Khi Vinashin, Vinalines vỡ nợ, chính phủ Việt Nam tuyên bố đây chỉ là hai trường hợp riêng lẻ do quản lý kém gây ra |
Trong cuối năm 2010, trong lúc nợ của Vinashin chạm mốc 80
nghìn tỷ thì nợ của EVN đã chạm mốc 240 nghìn tỷ, gấp ba lần Vinashin, theo tờ
Saigon Times.
Báo Tuổi Trẻ cũng tường thuật EVN lỗ 8,4 nghìn tỷ đồng, gấp
12 lần báo cáo của chính tập đoàn này.
Những con số thống kê tiêu cực về các doanh nghiệp nhà nước
đã bị xóa khỏi bản báo cáo chính thức của Kiểm toán Nhà nước gửi cho truyền
thông hồi tháng Bảy.
Lời hứa mờ nhạt dần
Reuters chỉ ra tiềm năng đi lên của Việt Nam bằng ngành sản
xuất nay mất đi bởi nạn quan liêu, cơ sở hạ tầng yếu kém và những khối nợ chồng
chết trong một hệ thống tài chính thiếu minh bạch.
Kinh tế Việt Nam trong năm 2012 đã giảm tăng trưởng hẳn, dừng
lại ở mức 4,5% so với 7% của năm 2010, trong khi đó hãng xếp hạng tín dụng
Moody đánh giá nợ xấu Việt Nam cao nhất Đông Nam Á với mức nợ xấu lên đến 8,6%
trong tổng khối nợ hiện tại.
Lượng tín dụng khủng lồ được bơm vào khối doanh nghiệp nhà
nước từ 2009 đã giúp các tập đoàn này mở rộng sang các ngành nghề thiếu chuyên
môn.
Khi Vinashin, Vinalines vỡ nợ, kéo theo việc các lãnh đạo của
những tập đoàn này phải ngồi tù, chính phủ lại đánh giá là hai trường hợp riêng
lẻ do sai phạm trong quản lý gây ra.
Giới quan sát cho rằng hình thức sai phạm trong quản lý như
tại Vinalines và Vinashin là khá phổ biến tại các doanh nghiệp nhà nước, nơi
giám đốc lẫn ban quản trị thường được chọn bởi quan hệ chính trị hơn là khả
năng kinh doanh.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại đứng ra khen ngợi sự mở rộng của
Vinashin, đồng thời tỏ lời xin lỗi hiếm hoi đến Quốc hội sau khi tập đoàn này sụp
đổ, kéo theo hàng loạt đợt hạ tín dụng đáng xấu hổ cho Việt Nam.
Thế nhưng, không ai trong chính phủ bị đưa ra tòa hay bị trừng
phạt trước sự sụp đổ của Vinashin.
Việc bắt giữ ông Kiên, người thuộc gia đình trong nhóm 30
nhóm giàu có nhất Việt Nam, có thể là dấu hiệu của xung đột ngày càng dâng cao
của lãnh đạo Đảng Cộng Sản trong vấn đề chính sách kinh tế.
Cải cách khiêm tốn
Những cải cách của chính phủ Việt Nam được Reuters đánh giá
là "nghe qua thì có vẻ rất táo bạo" với tuyên bố như rút tập đoàn nhà
nước khỏi những ngành không liên quan, vận hành theo cơ chế thị trường, lựa chọn
giám đốc một cách khắt khe và cho nhiều quyền tự quyết hơn.
Tuy nhiên, cải cách này được giới quan sát cho là không giải
quyết cốt lõi của vấn đề khi "Đảng Cộng sản vẫn còn nắm giữ vai trò chủ đạo,
và doanh nghiệp Nhà nước vẫn là công cụ ổn định kinh tế vĩ mô,” theo kinh tế
gia Lê Đăng Doanh.
Bất chấp một thị trường tiêu dùng sinh động, Việt Nam đang mất
dần nguồn đầu tư cho những người láng giềng Đông Nam Á như Philipines và
Indonesia, thậm chí đất nước mới mở cửa Miến Điện khi đầu tư nước ngoài (FDI) đầu
năm 2012 giảm đến 28% so với cùng kì năm ngoái.
"FDI đang đổ vào Miến Điện, không phải Việt Nam. Những
trái dưới thấp đã bị hái hết ở Việt Nam," một nhà ngoại giao tại Hà Nội
nói.
Vị quan chức trong ngành điện nói với Reuters rằng thống kê
của EVN là một sự bí ẩn, thậm chí đối với những người làm việc tại đó, nên
không rõ khoản lỗ phát sinh từ ngành chính, hay từ những đầu tư ngoài ngành.
Hank Tomlinson, chủ tịch phòng thương mại Mỹ tại Việt Nam,
cho biết một vài doanh nghiệp đồ uống của nước ngoài tại Việt Nam phải dùng máy
phát điện vì như vậy rẻ hơn so với mất hẳn điện.
"Cái mà doanh nghiệp cần là sự hiện hữu và sự đáng tin
cậy của việc cung cấp điện, không phải được bán điện rẻ rồi phải chạy máy phát
điện," ông Tomlinson nói.
Việc EVN tăng giá điện lên 5% trong năm một cách thiếu minh
bạch đã làm lan tỏa sự nghi ngờ từ cách doanh nghiệp trong bối cảnh hàng loạt
doanh nghiệp đang phá sản vì thắt chặt tín dụng.
"Các doanh nghiệp hiên nay đang đối mặt với rất nhiều sự
biến động và suy thoái kinh tế, nhưng chúng tôi có thể làm được gì? Đành sống
chung với nó thôi," ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc của công ty Giấy Sài
Gòn, tâm sự.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/business/2012/08/120824_stategiants_debt.shtml
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét