4-8-2012
Văn
hóa Kẻ Chợ và "văn hóa biết lắc đầu" của quan chức, là 2 câu chuyện
khác nhau. Nhưng lại giống nhau ở 1 điểm- nó góp phần không nhỏ vào sự trường tồn,
hưng hay vong, thịnh hay suy của quốc gia.
Văn
hóa và sự biến thái đáng sợ của ngôn ngữ/ "Thương
hiệu"... bún mắng, cháo chửi- từ đâu?/ Thủ
đô nghìn năm văn hiến và... "văn hóa bãi bia"/ Đại
học tư thục: "Chợ" lấn át... trường!
Không biết, họa sĩ, nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Phan
Cẩm Thượng, một hôm xấu trời, buồn bã thế nào, mà lại khơi ra chuyện Hà Nội và
"văn hóa Hà Nội thụt lùi, văn minh lịch sự còn xa lắm" - loại chuyện biết
rồi, khổ lắm, nói mãi!
Nhưng đọc bài viết đó trong cơn mưa sầm sập. Để rồi nhìn cơ
man những dòng người Hà Nội, nghìn nghịt trên đường phố, phút chốc "lóp
ngóp" biến thành người Hà...Lội.
Quả thật, giữa cái kẹt xe khốn khổ, ướt át mùi cống rãnh, oi
nồng bụi bậm, người Hà Nội khó mà ...lịch sự với nhau, nếu chẳng may có va chạm
nhỏ. Chí ít, cũng là những đôi mắt "mang hình viên đạn" lập tức phóng
thẳng về phía...đối phương. Sẽ cảm thông với nỗi thất vọng của ông hơn.
Bài viết của Phan Cẩm Thượng, thực ra đã khơi lại nỗi đau của
những người yêu Hà Nội.
Khi họ ngày ngày phải chứng kiến sự lột xác một cách...
"kinh hoàng" của thành phố này.
Từ cô nàng thiên nga yêu kiều thanh lịch, tinh tế và lãng mạn
những năm xưa, bỗng chốc thành cô vịt, ả vịt già xấu xí, bẩn thỉu và thô lậu giữa
chợ buổi đương đông. Vừa đáng chán, lại vừa... đáng thương.
Tại ai? Đã tạo nên 1 Hà Nội xô bồ, bát nháo, tục tằn, nửa
quê nửa tỉnh. Một Hà Nội hiện đại xen quê kệch, và lẫn đâu đây chút hoài cổ,
nhưng rất nhôm nhoam, xa lạ, và đi...ngược lại khái niệm cái đẹp?
Bài viết của tác giả Nguyễn Hòa: Thủ đô nghìn năm văn hiến
và "văn hóa bãi bia" (Tuần Việt Nam, 1/8) đã phân tích khá kỹ, quá
trình hình thành đô thị và sự nhập cư dồn dập của người tứ xứ về Hà Nội, gắn với
những giai đoạn lịch sử của thời cuộc, nhất là những năm gần đây, tạo nên 1 Hà
Nội "mới" hiện nay.
Nhưng cả 2 ông, Phan Cẩm Thượng và Nguyễn Hòa dường như mới
chỉ "chạm" đến hiện tượng của 1 Hà Nội, là hệ lụy của quy hoạch phát
triển không đồng bộ, quá tầm quản lý. Một Hà Nội của dân số đông, áp lực mưu
sinh xô đẩy con người, thực dụng, tùy tiện, đến mức làm băng hoại cả văn hóa, đạo
lý xã hội. Mà chưa đi đến tận cùng bản chất.
Ở góc độ khác, cần thấy, nó là nhân- quả của lối tư duy và
cách làm văn hóa sống sượng, duy ý chí, thiếu tầm nhìn, áp đặt những giá trị
văn hóa mang tính hình thức, không tôn trọng quy luật thực tiễn, và thiếu hẳn
tính tổng thể, nhưng lại bị thả nổi trong... quản lý? Từ đô thị đến con người.
Từ văn hóa vật thể đến văn hóa phi vật thể. Từ cái đẹp ngoại hình, diện mạo, đến
cái đẹp tinh thần, mang hồn cốt Thủ đô 1 quốc gia.
Thế nên, quản lý văn hóa mà chưa hiểu hết văn hóa. Quản lý
Hà Nội mà chưa hiểu hết Hà Nội. Thì khó có thể biết, Hà Nội cần gì, mong đợi
gì. Khó có thể biết, Hà Nội yêu hay ghét, khổ đau hay...thất vọng?
Văn hóa, đâu phải đến từ những quan niệm cực đoan như trước
đây, xóa bỏ chùa chiền, nhân danh "xóa bỏ tàn dư chế độ phong kiến".
Thực chất đã không phân biệt nổi đâu là mê tín, đâu là nơi tinh thần, tình cảm
và tâm linh con người cần được chia sẻ, hướng thiện, tìm kiếm sự bằng an tâm hồn.
Để đến bây giờ, lại chuyển sang một cực khác, mê tín bói toán tràn lan... Nơi
không ít quan chức tìm vận rủi may trong con đường thăng quan tiến chức?
Đó vừa là cái kém của quản lý, vừa là sự không phân định rõ
những thang bậc giá trị của đời sống làm nên tinh thần nhân bản của con người.
Phải chăng, còn từ quan niệm xây dựng 1 nền "văn hóa mới",
kèm đó là những phong trào "gia đình văn hóa mới, cụm dân cư văn hóa mới"
bề nổi, hình thức và áp đặt? Trong khi, văn hóa là mưa dầm thấm lâu, là những
giá trị đạo lý thẩm mỹ được sàng lọc qua thời gian, mang tính chuẩn mực, không
thể có văn hóa cũ, văn hóa mới. Và văn hóa chỉ có thể hình thành trong xã hội
pháp luật được tôn trọng và thượng tôn.
Thế nên, có rất nhiều gia đình "văn hóa mới" (nay
thấy chỉ còn chữ văn hóa) nhưng khi xem xét chất lượng giáo dục, người ta tá hỏa.
Vì trong khâu dạy người, thì yếu kém nhất, bê trễ nhất, hổng nhất, hỏng nhất là
giáo dục...gia đình, tiêu chí không thể thiếu trong việc xây dựng nên gia đình
văn hóa.
Có biết bao gia đình văn hóa (hình thức) "che giấu"
những bi kịch gia đình? Không ai trả lời được.
Vì tiếc thay, tính sĩ diện hão của người Hà Nội đã gặp bệnh
giả dối, nói dối của quản lý xã, phường.
Những cách ứng xử tục tằn, vô văn hóa kiểu "phở quát,
bún mắng, cháo chửi", lối sống ích kỉ chỉ biết mình, mất vệ sinh, thiếu
văn minh trong cộng đồng, tỷ lệ trẻ em hư, tỷ lệ nạo phá thai của các em gái, tệ
nạn xã hội, và những tội ác kinh hoàng, mà tội phạm đang có xu hướng "trẻ
hóa đội ngũ", liệu có liên quan gì tới tư duy văn hóa hình thức, thông qua
các ...phong trào không?
GD tạo nên "chất lượng người" của quốc gia. Nhưng
GD Việt Nam bao năm nay, loay hoay mỗi việc dạy chữ và ngày càng lún sâu vào
căn bệnh dối trá khó có thuốc chữa trị. Còn việc dạy người thì đứng lẻ loi...
ngoài cánh cửa trường.
Xã hội nghĩ gì khi nhìn thấy nam thanh, nữ tú đứng nghênh
ngang trên đầu rùa, ngồi xoạc cả 2 chân lên mình rùa trong Văn Miếu Quốc Tử
Giám, nơi tôn thờ và vinh danh các bậc tiến sĩ, khoa bảng. Hậu sinh khả...ố,
do đâu?
Khi nghênh ngang đứng trên đầu rùa, cười cợt xoạc chân trên
mình rùa, chính là lúc họ nhạo báng lại giáo dục, nhạo báng tri thức và văn
hóa. Hay ngày nay, tri thức, trí thức chỉ đáng được cư xử như vậy?
Nghĩ gì khi mới đây, một cô gái người Scotland đi dạo ở một
con phố Hà Nội, đã than khóc, van vỉ ai tìm hộ cho cô hộ chiếu bị mất cắp, sẽ đền
bù hậu hĩnh. Rút cục, kẻ lấy hộ chiếu và được đền bù 100 USD vì "tìm thấy"
đều cùng là...1 người. Cái trò "ma cô" ấy, sẽ để lại cho người khách
trẻ Scotland ấn tượng gì về văn hóa Hà Nội nhỉ?
Những hành vi vô đạo đức nhất, "phản văn hóa" nhất
như tham nhũng, ăn cắp, hối lộ, mua quan bán tước trong xã hội, đã không được xử
lý công minh và công bằng, khiến lòng người hoài nghi, và tâm không phục. Một
khi sự thượng tôn của pháp luật bị xuống cấp, thì băng hoại văn hóa... lên
ngôi.
Và khi văn hóa Hà Nội bị băm chém, bị băng hoại, thì sự ngụy
biện thường xuất hiện- đổ lỗi cho chiến tranh, cho kinh tế thị trường nơi phố
thị. Nhưng có khi nào quản lý văn hóa dám "nhìn sâu vào trong mắt
nhau" để thấy "anh mới hiểu anh sai là... có lý". Bởi chiến
tranh đã lùi xa gần 40 năm, và kinh tế thị trường, thì VN đang mong mỏi thế giới
...công nhận.
Năng lực tư duy về văn hóa Hà Nội, cùng cung cách quản lý tiểu
nông, không xứng tầm, đã để lại 1 dấu ấn thô bạo, xấu xí đáng buồn trên thân thể
Hà Nội, vốn đẹp tinh tế và thanh nhã.
Hà Nội- kinh kỳ xưa, được gọi một cách trân quý là đất Kẻ Chợ.
Thời hiện đại này, Kẻ Chợ đang được gọi mỉa mai là ... "cái Chợ"?
Còn "có danh gì với núi sông" (*) xứng đáng
và cũng đau hơn, cho đô thị tinh hoa 1 quốc gia?
Yêu nước còn là biết...lắc đầu
Định mệnh luôn đặt số phận dân tộc Việt trước những thách thức
bảo vệ chủ quyền, an sinh xã hội và an ninh quốc gia.
Trong thế giới hiện đại và hội nhập ngày nay, thì sự làm ăn
với "bên ngoài", nhất là với 1 nước láng giềng vừa mạnh, vừa bài bản,
vừa đa mưu túc kế, đòi hỏi nước Việt phải có sự tỉnh táo, khôn ngoan. Đòi hỏi mỗi
người có bổn phận phải biết đặt lợi ích quốc gia lên tối thượng.
Nếu không chúng ta sẽ luôn phải trả "học phí" với
giá quá đắt.
Công bằng mà nói, hiện tượng ngoại kiều nhập cư ở lại nước sở
tại, hoặc làm ăn giữa các quốc gia thông qua các dự án đầu tư là chuyện bình
thường. Ngay người Việt chúng ta cũng vậy.
Tại Mỹ, Pháp, Úc... không thiếu những cộng đồng người Việt
sinh sống, làm ăn. Có điều những cộng đồng này luôn phải tuân thủ pháp luật, và
chịu sự quản lý chặt chẽ, nghiêm cẩn của luật pháp nước sở tại. Điều đó, còn do
năng lực cùng trách nhiệm của quản lý chính quyền cơ sở nước sở tại, biết vì lợi
ích và an ninh quốc gia.
Còn ở ta thì sao?
Mới đây, UBND tỉnh Phú Yên đã có lời nói "Không, xin cảm
ơn" (Thanhniên.com.vn,
ngày 28/7), từ chối công nghệ sử dụng cyanua cực kỳ độc hại trong khai thác
vàng, của 1 công ty TQ đầu tư trong lĩnh vực này.
Cái lắc đầu dứt khoát, đúng chỗ, tỉnh táo và cần thiết, trước
hệ lụy tác động nguy hiểm tới môi trường sống, không vì... mùi đồng hấp dẫn.
Nhưng có phải lúc nào, người Việt cũng biết ... lắc đầu vì
lòng yêu nước, vì an ninh và an sinh xã hội không?
Cách đây ít lâu, dư luận xã hội sững sờ vì vụ việc người TQ
nuôi cá bè trái phép ở Vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa)- địa danh có vị trí quan trọng
đối với quốc phòng, đặc biệt đối với vùng biển của đất nước. Điều đáng nói, vụ
việc diễn ra từ rất lâu, nhưng chính quyền cơ sở cứ...lúng túng, không chịu thực
hiện xử lý các vi phạm (?)
Sau Cam Ranh, là vụ ở vịnh Vũng Rô (cũng ở Phú Yên). Na ná
"mô hình" Cam Ranh. Hơn nữa, người TQ ở đây còn núp bóng danh nghĩa
"chuyên gia kỹ thuật". Vũng Rô cũng là 1 địa danh được quy hoạch cho
dự án lọc dầu và phát triển cảng cửa khẩu, không được phép nuôi trồng thủy sản.
Lồng bè nuôi tôm. cá của "chuyên gia" Trung Quốc tại Vũng Rô, Phú Yên |
Đọc những thông tin này, người ta có quyền đặt câu hỏi: Vì
sao người TQ thích "nhằm" vào những vị trí an ninh, quốc phòng vùng
biển mà "nuôi cá" với quy mô lớn thế nhỉ? Còn khi bị phát hiện, thì họ
rút lui không kèn, không trống. Và vì sao, chính quyền địa phương lại...hồn
nhiên thế nhỉ? Hay còn vì cái gì khác?
Cái sự "hồn nhiên" của người Việt khá phổ biến. Đến
mức gây hoài nghi. Chả lẽ già rồi mà còn dại?
Còn ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội
của Quốc hội, nhân vụ việc "Loạn phòng khám TQ" (VietNamNet, ngày
31/7) và trước sự kiện 1 người dân bị chết oan ở phòng khám có cái tên rất cứu
rỗi- phòng khám Maria- đã thẳng thừng: Vấn đề là tiền!
Vâng, nếu không vì tiền- vì "mùi đồng" thì làm sao
có cả một vụ việc tày trời này: "Xây nhà máy chui cho thương nhân TQ"
(Thanh Niên Online, 2/7).
Đó là Nhà máy chế biến tinh bột wolfram (ATP) xuất khẩu công
suất 3000 tấn/ năm, tại TP Móng Cái (Quảng Ninh), được Công ty CP Hoàng Thái
xây dựng. Tài nhất, cả cái nhà máy mọc lên trên diện tích rộng tới 5 hecta mà
chính quyền TP... không hề hay biết.
Ông Chủ tịch UBND TP.Móng Cái còn thú nhận: Không ngờ
là doanh nghiệp Hoàng Thái lại dám đầu tư hàng chục tỉ đồng để xây dựng nhà xưởng
trong khi chưa được chấp thuận đầu tư.
Cũng theo bài báo này, sở dĩ thương nhân TQ muốn xây
nhà máy tại VN, vì các sắc thuế ATP cao, chi phí về nhân công, điện, tiền thuê
đất đắt đỏ. Đặc biệt, tiêu chuẩn kỹ thuật bảo vệ môi trường ngặt nghèo do nước
này muốn hạn chế công nghiệp bẩn ở nước họ (!)
Nếu không vì "mùi đồng" thì làm sao có vụ việc
UBND huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) "bị lừa" khi đồng ý ký chuyển đổi
mục đích sử dụng đất, với diện tích 8500 m2 đất lúa cho ông Phạm Phú Thạnh.
Để chỉ ...3 ngày sau đó, mặc những hứa hẹn, cam kết bằng đơn
từ hẳn hoi, ông này chuyển nhượng ngay cho thương nhân TQ Zhong Heng Shan, Chủ
tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Nguyên Long Sơn (công ty con của Tập đoàn kinh
tế Nguyên Hinh, TQ). Đúng là, "mùi đồng" đã khiến lời hứa gió
bay, nhẹ hều!
Và tại cuộc họp báo ngày 10/7, ông Phó CT tỉnh thừa nhận
đây là vấn đề rất mới mà UBND tỉnh cũng chỉ vừa mới nắm được. Chuyện ồn
ào đến mức phải báo cáo lên trên.
Và còn biết bao chuyện xung quanh "mùi đồng".
Mới đây, VietNamNét đưa tin vụ "Tàn sát cổ thụ bán cho
thương lái Trung Quốc" ở huyện Minh Long (Quảng Ngãi). Cổ thụ đây là
cây nhội- còn gọi là cây trâm, có đặc điểm cực hút nước và giữ nước.
Mỗi khi bứng cây trâm thì những cây con xung quanh cũng sẽ
chết vì không còn cây trâm giữ nước. Việc bứng lấy bộ đế rễ cây trâm cũng sẽ
khiến hàng loạt cây lớn nhỏ xung quanh bị đốn hạ. Từ đây, hệ sinh thái rừng bị ảnh
hưởng nghiêm trọng, làm thay đổi dòng chảy.... Thực chất là phá rừng.
Có chuyện gì xung quanh "mùi đồng", mà người Việt
mình không làm đây? Từ bán mèo (để diệt chuột) bán móng trâu (mất sức cày,
kéo), bán "đỉa", bán ốc bươu vàng (những loại đáng lẽ phải diệt, thì
dân Việt đi nuôi).
Nhà máy sản xuất wolfram xây dựng hoành tráng thế này nhưng lãnh đạo Móng Cáy vẫn ... không biết. Ảnh: Long Sơn/Thanh Niên |
Nản quá, nhà thơ Trần Đăng Khoa phải kêu lên, "Người Việt
vẫn duy trì thói quen khôn nhà dại chợ": Có thể cảnh giác, nghi ngờ với
cả con cái, anh em ruột thịt trong nhà, nhưng lại nhẹ dạ cả tin với thiên hạ.
Mà ai nói gì cũng tin. Hay lại tại "cái nước Việt mình nó thế"?
Đến nỗi, theo nhà thơ: Họ mà thu gom hài cốt thì không
khéo khối người đào cả mồ mả, ông bà tổ tiên đem... bán. Quả là lời than
cay đắng, về cái sự "hồn nhiên".
Đúng là người dân Việt do nghèo đói, do hạn chế nhận thức,
do ít thông tin, họ có thể nhẹ dạ nông nổi bởi... "mùi đồng". Nhưng
"trên" họ, còn có các cấp quản lý chính quyền cơ sở, cánh tay nối dài
của Nhà nước.
Việc làm ăn, giao lưu thông thương giữa 2 quốc gia vào thời
điểm cực kỳ nhạy cảm này luôn cần có nguyên tắc. Nguyên tắc tối thượng, là phải
tỉnh táo, không để "mùi đồng" làm tối mắt, hoặc những sơ hở vì nhận
thức quá kém, làm tổn hại tới an ninh quốc gia.
Nguyên tắc ấy buộc các cấp chính quyền cơ sở không được phép
cũng "hồn nhiên", đến mức có thể "rơi vào cái bẫy của TQ",
và cần có "văn hóa quan chức"- biết lắc đầu từ chối đúng chỗ, vì lợi
ích quốc gia. Bởi đó cũng là yêu nước.
Tiếc thay khi vụ việc đã xảy ra, khiến cả xã hội lo ngại, bất
bình, hầu như thường được nghe, từ phía chính quyền những cụm từ sao mà...lỏng
lẻo. Lỏng lẻo như cách quản lý đầy sơ hở, thậm chí có phần vô cảm, vô trách nhiệm
nữa: Không ngờ, không hay biết, bất ngờ quá, vấn đề rất mới...
Văn hóa Kẻ Chợ và "văn hóa biết lắc đầu" của
quan chức, là 2 câu chuyện khác nhau. Nơi này là chuyện của một đô thị. Nơi kia
chuyện của đội ngũ quan chức. Nhưng lại giống nhau ở 1 điểm- nó góp phần không
nhỏ vào sự trường tồn, hưng hay vong, thịnh hay suy của quốc gia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét