Tác giả: Thomas Fuller
Người dịch: Đan Thanh
22-8-2012
TP.HCM, Việt Nam – Những
đội thợ xây đã xây đến tầng một của công trình từng là cao ốc Sài Gòn (Saigon
Residence) – một tòa nhà cao tầng ở trung tâm TP.HCM. Giờ thì tất cả những gì
cái dự án bị hủy bỏ đó để lại, là những đống gạch vụn, những thanh kim loại gỉ,
và một nhóm nhỏ bảo vệ; những người này đã biến nền xi măng của công trình
thành một bãi trông xe máy.
Tại các đô thị lớn ở Việt Nam, thị
trường bất động sản một thời bùng nổ bong bóng giờ đã đổ vỡ. Hàng trăm công trường
xây dựng bị bỏ hoang là dấu hiệu rõ nhất của một nền kinh tế ốm yếu.
“Tôi có thể nói rằng tình hình
cũng giống như khủng hoảng Thái Lan năm 1997” – ông Hứa Ngọc Thuận, phó chủ tịch
Ủy ban Nhân dân TP.HCM, cơ quan hành pháp cao nhất thành phố, nói. “Giới đầu tư
bất động sản đã đẩy giá lên cao quá. Họ mua nhà để đầu cơ chứ không phải để sử
dụng”.
Các vấn đề kinh tế của Việt Nam
có vẻ ít nghiêm trọng hơn các vấn đề của thời khủng hoảng tài chính 1997: Nền
kinh tế vẫn tăng trưởng, mặc dù tương đối chậm, ở mức xấp xỉ 4%. Tuy nhiên danh
sách các vấn đề của đất nước vẫn tiếp tục kéo dài ra.
Tuần này, vụ bắt giữ Nguyễn Đức
Kiên, một trong các thương nhân giàu nhất Việt Nam, đã làm chỉ số chứng khoán của
đất nước sụt 4,8% vào hôm thứ ba, mức sụt giảm lớn nhất trong bốn năm qua. Lý
do buộc tội ông Kiên còn rất mơ hồ. Truyền thông nhà nước cho biết ông bị buộc
tội hoạt động kinh doanh bất hợp pháp.
Cái cách xử lý vụ việc rất tù mù
đó cho thấy rõ một yếu tố chủ chốt, ngày càng làm trầm trọng thêm, các tai họa
của đất nước: Cuộc hôn phối vụng về giữa một ban lãnh đạo đảng cộng sản đầy bí
mật với một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa; cuộc hôn phối ấy đang làm mờ tối những
triển vọng phục hồi của đất nước 91 triệu dân này.
Giới đầu tư nghi ngờ khả năng quản
lý kinh tế của chính phủ, và đặt câu hỏi về độ tin cậy của thống kê. Ngân hàng
trung ương cho rằng, cứ 10 khoản nợ trong hệ thống ngân hàng, thì có 1 khoản mà
người đi vay đã không còn hoàn trả được nữa. Nhưng Fitch Ratings thì nói, tỷ lệ
nợ xấu có lẽ còn cao hơn thế nhiều.
Nếu như cuộc khủng hoảng năm 1997
thường bị quy là do “chủ nghĩa tư bản thân hữu” gây ra, thì các vấn đề của Việt
Nam có thể được xem như chủ nghĩa tư bản thân hữu với sự méo mó của chủ nghĩa cộng
sản. Các doanh nghiệp quốc doanh đầy những bạn bè, chiến hữu của các cấp lãnh đạo
trong Đảng Cộng sản.
“Nhà nước bị thao túng bởi những
người nằm trong nhà nước để làm tiền” – ông Jonathan Pincus, hiệu trưởng Chương
trình Giảng dạy Kinh tế Fulbrights ở Việt Nam, nói.
“Gạt được Đảng Cộng sản ra khỏi
công việc quản lý các doanh nghiệp này, đó là điều cần phải làm” – ông nói.
“Tôi chưa thấy điều đó trong chương trình”.
Giống như với các bong bóng bất động
sản ở những nơi khác trên thế giới, các nhà đầu tư ở Việt Nam tận dụng luồng
tín dụng dễ dãi để xây nên nhiều cao ốc, với hy vọng bán mau để kiếm lời. Sự
khác biệt mấu chốt nằm ở chỗ, một số trong những nhà đầu cơ bất động sản lớn nhất
Việt nam lại là các doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước, với những mối quan hệ
hàng đầu với Đảng Cộng sản, cùng khả năng tiếp cận vốn rẻ. Các doanh nghiệp đó
giờ đây đang phải vật lộn với mức nợ không bền vững, hoặc như trong trường hợp
Vinashin và Vinalines – hai tập đoàn nhà nước lớn – thì đang loay hoay với tình
trạng phá sản.
Thành phố Hồ Chí Minh vẫn sôi sục
năng lượng, đầy khách du lịch và khổ sở vì tắc nghẽn giao thông – tất cả đều là
các dấu hiệu của sự phục hồi kinh tế ở thành phố. Nhưng điều đó che giấu các biểu
hiện củ một tai họa kinh tế trên toàn quốc: Người trẻ khó kiếm việc làm hơn; gần
20% số doanh nghiệp vừa và nhỏ đã phải ngừng kinh doanh trong năm qua,và các dự
án cơ sở hạ tầng đô thị thì hoặc bị hoãn hoặc bị hủy.
Ông Lê Đăng Doanh là nhà kinh tế
hàng đầu và là cựu quan chức cấp cao ở một tổ chức nghiên cứu thuộc chính phủ.
Ông cho biết mình rất lo lắng về thời điểm xảy ra các vấn đề của đất nước: đúng
vào lúc nền kinh tế toàn cầu đang sa lầy vì nợ nần, và châu Âu đang vật lộn với
bài toán lưỡng nan hiện tồn là giải quyết đồng euro.
“Vấn đề ở Việt Nam là một thứ cốc-tai
rất, rất độc, được pha bằng khủng hoảng nợ châu Âu, sự trì trệ của nền kinh tế
Mỹ, cùng với một tình thế cực kỳ nguy kịch của nền kinh tế quốc dân” – ông
Doanh nói. “Đó là một sự kết hợp rất nguy hiểm”.
Khu vực tư nhân đang giúp nền
kinh tế sốc tới – Việt Nam là nhà xuất khẩu lớn trang phục và giày dép sang Mỹ;
nhưng dòng ngoại hối chảy vào đã chậm đi.
Cam kết của giới đầu tư nước
ngoài là 8 tỷ USD trong nửa đầu năm, chỉ còn bằng một phần tư so với mức cùng kỳ
ba năm về trước.
Hậu quả của các vấn đề kinh tế Việt
Nam là rất sâu rộng. Thu nhập của các chính quyền địa phương bị thu hẹp lại
trên toàn quốc, do mức phí chuyển nhượng bất động sản vốn tạo thành một tỷ lệ lớn
trong thu nhập của họ. Ông Thuận, vị quan chức cao cấp của TP.HCM, cho biết đường
tàu điện ngầm đầu tiên của TP. HCM hiện tại đã được xếp lịch để hoàn tất vào
năm 2016, chậm một năm so với kế hoạch.
Tại Đà Nẵng – thành phố miền
Trung, phát triển thịnh vượng suốt thập niên qua – các quan chức đã buộc phải hủy
nhiều dự án bất động sản ở ngoại ô. Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng,
ông Trần Văn Sơn, nói rằng ông “rất lo lắng” khi thành phố phải giảm tốc độ
phát triển, do số thuế thu về còn chậm hơn cả tiến độ các dự án.
Thanh niên bây giờ khó tìm được
việc làm tốt. Ở ngoại thành thủ đô Hà Nội, Nguyễn Duy Hưởng, 21 tuổi, con một
gia đình nông dân, đã mất cả nửa năm tìm việc sửa chữa máy tính mà không được.
“Chỗ nào tôi đến xin việc, họ đều
bảo là đang tìm kỹ thuật viên thật sự thành thạo” – anh Hưởng nói. “Họ không nhận
thực tập”.
Như rất nhiều thanh niên Việt
Nam, Hưowrng ở ranh giới giữa công nghệ thông tin và một nền kinh tế nông thôn.
Anh làm việc bán thời gian ở một cửa hàng in ảnh, công việc là dùng phần mềm để
làm trắng da và tẩy các vết đen, nhưng thu nhập chính của gia đình anh lại là từ
làm nông, trồng lúa bằng tay. Trong lúc đi tìm một việc làm kín thời gian, gần
đây anh đã bắt đầu tham dự một khóa học lập trình của Reach, tổ chức phi lợi
nhuận do hội từ thiện Anh Plan International thành lập.
Các vấn đề mà thanh niên gặp phải
chưa là gì so với quy mô của cuộc khủng hoảng việc làm ở Tây Ban Nha và Hy Lạp.
Tuy nhiên, tìm việc không còn dễ dàng như vài năm trước nữa.
“Bây giờ các công ty có nhiều lựa
chọn hơn” – Nguyễn Thị Vân Trang, trợ lý chương trình đào tạo, nói. “Họ không
còn cần phải nhận trẻ con ngoài đường vào làm nữa”.
Chính quyền giải quyết các vấn đề
của đất nước bằng các công cụ kinh tế vĩ mô kinh điển: thắt chặt cung tiền để
kìm hãm lạm phát hai con số, sau đó cắt giảm lãi suất của năm nay xuống để kích
thích nền kinh tế.
Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn rất
thận trọng, một phần vì con số khách hàng không trả được nợ ngày càng tăng lên.
Cung tín dụng cho nền kinh tế đang thu hẹp lại và tiêu dùng đang ở mức rất thấp;
siêu thị chẳng hạn, bị sụt giảm doanh số bán hàng từ 20 đến 30%.
Nhà kinh tế Lê Đăng Doanh nói rằng
Việt Nam cần làm nhiều hơn là chỉ bơm tiền với lãi suất thấp.
Ông Doanh bảo, các tập đoàn nhà
nước làm ăn không hiệu quả như Vinashin – đã mở rộng một cách điên cuồng vào những
ngành họ không đủ trình độ vận hành – thì phải cơ cấu lại, tư nhân hóa hoặc giảm
bớt quy mô.
“Bây giờ là thời điểm tốt để thực
hiện phá hủy sáng tạo” – ông nhắc đến khái niệm “phá hủy sáng tạo”, là khi các
công ty đã định hình được thay thế bằng những đối thủ cạnh tranh có nhiều đổi mới
hơn.
Cũng giống như Mỹ, sự phục hồi của
nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc một phần vào sự tái sinh của thị trường bất động
sản.
Tại TP.HCM, lượng cung về văn
phòng cho thuê đã quá dư thừa, đến mức giá cho thuê tại những nơi đẹp nhất chỉ
còn bằng nửa mức giá của cách đây ba năm. Ông Nguyễn Duy Lâm, giám đốc Pacific
Real, một công ty xây dựng và bất động sản, cho biết như vậy.
Theo ông Thuận, quan chức bên Đảng,
chính quyền TP.HCM đã chính thức đề nghị trung ương mở thị trường bất động sản
cho Việt kiều, với hy vọng thu hút được thêm nhiều khách hàng ngoại quốc.
Mặc dù vậy, hiện nay, các công ty
bất động sản như của công ty của ông Lâm vẫn báo cáo rằng hoạt động của họ đang
bị đóng băng.
“Ai cũng muốn bán, nhưng không thể
nào bán được, ngay cả khi đã hạ giá” – ông Lâm nói trong một cuộc phỏng vấn
trên tầng thượng một khách sạn ở TP.HCM. “Không có khách”.
Ông Lâm tin tưởng vào các triển vọng
dài hạn của thành phố. Nghe ông nói, thấy nổi lên một bức tranh đối nghịch về
Việt Nam. Hình ảnh một tòa cao ốc xây dang dở vẫn ám ảnh trên đầu, nhưng một
công trường xây dựng gần đó lại khởi sắc: Đó là một buổi tối chủ nhật, đèn pha
chói sáng, chiếc cần cẩu di chuyển qua lại, và các công nhân đang xây một tòa
nhà mới để lấp đầy đường chân trời của TP.HCM.
Ảnh: Một công trường ở
TP.HCM. Các đô thị lớn tại Việt Nam đang ngổn ngang hàng trăm công trình xây dựng
bị hủy bỏ.
Nguồn: New York Times
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét