Người dịch: Thủy Trúc
19-8-2012
Hà Nội – Người nông dân
có tên Lê Dũng và những người dân làng ông đã tích trữ gạch đá, bom xăng để
đánh lại công an, khi công an cố cưỡng chế đất của họ để lấy chỗ xây một khu đô
thị xa hoa gần thủ đô của Việt Nam.
Tuy nhiên, vũ khí mạnh nhất của họ
hóa ra lại là thứ mà họ đã tạo nên nhờ có sự giúp đỡ của các nhà hoạt động trên
mạng, để họ ghi lại và phát tán thông tin về cuộc đối đầu với công an – sự kiện
mà truyền thông của Nhà nước đã phớt lờ.
Xung đột diễn ra vào một buổi
sáng tháng tư trong sáng. Chỉ trong vài giờ, những hình ảnh ghi lại cảnh vài
ngàn công an phun hơi cay và đánh nông dân huyện Văn Giang, nằm ngay phía đông
Hà Nội, đã lan truyền như virus.
Chính quyền Việt Nam đáp trả bằng
hành động trấn áp blogger, và vì điều đó mà họ nhận được danh hiệu quốc gia “Kẻ
thù của Internet” từ tổ chức đấu tranh vì tự do truyền thông, Phóng viên Không
Biên giới. Tổ chức này nói rằng chỉ có mỗi Trung Quốc và Iran là bắt giam thêm
nhiều nhà báo.
Lực lượng kiểm duyệt ở nhà nước độc
đảng này thường xuyên chặn (block) Facebook và các trang mạng xã hội khác, mặc
dù cộng đồng các nhà hoạt động trên web, vốn dĩ tháo vát nhanh nhẹn, thường tìm
được cách vượt tường lửa. Điều ấy chứng tỏ một thách thức cực kỳ lớn mà chính
quyền phải đối diện, ở một đất nước mà một phần ba trong số 88 triệu dân đã biết
vào mạng.
“Lúc đầu chúng tôi cũng không hiểu
Internet sẽ giúp mình như thế nào, nhưng bây giờ thì chúng tôi thấy giá trị rồi.
(Thông tin về) Cuộc đấu tranh của chúng tôi sẽ được xuất bản ra thế giới” – Ông
Lê Dũng, người từng tham gia cuộc chiến năm 1979 của Việt Nam chống Trung Quốc,
nói như thế khi ông đang ngồi dưới một bức ảnh chân dung đóng khung của cố chủ
tịch Hồ Chí Minh. “Nếu chúng tôi không dùng Internet thì chắc chính quyền giết
chúng tôi rồi: bây giờ thì họ cũng biết là họ phải cẩn thận”.
Vụ Văn Giang và nhiều vụ tranh chấp
đất đai khác mà các blogger đưa tin đã gây nên một cuộc tranh cãi nóng bỏng bất
thường, trên bình diện quốc gia, về việc nhà nước nên cải cách luật đất đai của
Việt Nam như thế nào trước khi cái hạn thuê đất công 20 năm của nông dân kết
thúc vào năm sau, 2013.
Tốc độ phát triển kinh tế nhanh
chóng đã tạo sức ép lên người nông dân, khi mà đất công nghiệp, nhà ở, đường xá
mở rộng dần, dẫn đến việc những vụ tranh chấp đất đai một cách bạo lực xảy ra ồ
ạt. Nông dân khiếu nại về mức đền bù quá thấp mà các doanh nghiệp – thường là
có mối quan hệ với những chính trị gia có ảnh hưởng – trả cho họ là quá thấp.
Đầu năm nay, người nông dân nuôi
cá, ông Đoàn Văn Vươn, đã được tôn làm anh hùng sau khi ông tổ chức một cuộc phản
kháng, có vũ trang, nhằm vào lực lượng quan chức địa phương – những kẻ đã cố cưỡng
chiếm mảnh đất của ông ở ngoại thành Hải Phòng. Vụ việc này được cả báo chí
chính thống lẫn blogger đưa tin.
Mối hận Trung Quốc kích động
blogger
Các blogger liên hệ chuyện đất
đai với những nguyên nhân khác nữa, mà theo họ là đều có điểm chung: Một chính
quyền chỉ nhìn vào lợi ích kinh tế của mình mà phớt lờ nguyện vọng của dân
chúng.
“Phong trào blog đang lớn mạnh” –
ông Nguyễn Văn Đài nói. Ông là luật sư và là nhà hoạt động nhân quyền, từng bị
giam bốn năm vì tội sử dụng Internet kêu gọi dân chủ, và hiện vẫn chịu một hình
thức quản thúc nhẹ ở Hà Nội.
“Chính quyền không thể giữ bí mật
mọi chuyện như trước kia nữa”.
Một nhà hoạt động có ảnh hưởng
khác, lấy bí danh Boris và hiện làm việc cho một công ty quốc doanh, đã giúp
nông dân Văn Giang hiểu được về quyền của họ, và hướng dẫn họ cách gửi ảnh,
video bằng điện thoại di động. Mặc dù đến nay, có khoảng 1000 hộ dân đã thất bại
trong việc ngăn chặn dự án Ecopark trên mảnh đất 500 hecta, nhưng Boris cho rằng
dư luận rộng lớn về vụ việc này đã ngăn chặn những công ty đầu tư bất động sản
khác xúc tiến các dự án tương tự.
Boris khoe rằng anh có thể huy động
tới 1000 người dân kéo lên Hà Nội mà chỉ cần thông báo trước một ngày. Anh bảo
anh cũng đã đóng vai trò chủ đạo trong việc tổ chức các cuộc biểu tình thường
xuyên chống lại các mục tiêu của Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Đông – một lời
kêu gọi mà nhiều blogger khác cũng ủng hộ. Năm ngoái, chính quyền có cho phép
các cuộc biểu tình chống Trung Quốc diễn ra, nhưng rồi đã nhanh chóng đàn áp biểu
tình, sau khi thấy rõ rằng đó có thể là một tia lửa mở đầu cho cơn bất mãn ngày
một lớn hơn.
Một số nhà hoạt động tỏ ra liều
lĩnh đến bất ngờ khi nói tới những hình phạt tù giam nghiêm khắc đã dội xuống đầu
những cá nhân khác vì tội “tuyên truyền chống nhà nước”.
Alfonso Le, một blogger 42 tuổi,
viết blog có tên “Quê hương nổi dậy”, nói với Reuters tại một quán café nhỏ xíu
ở Hà Nội, trong tầm tai nghe của một viên công an mặc cảnh phục xanh lá cây – từ
vị trí này có thể nghe cả phòng. “Bây giờ mạng xã hội đã phổ biến hơn rồi, công
an không dễ bắt người đâu” – Lê nói. Anh xưng danh bằng tên trên Facebook của
mình. “Nếu bị công an làm phiền, tôi chỉ cần gửi một thông báo trạng thái lên
Facebook, và nhiều người sẽ kéo đến”.
Anh đã phải trả giá vì hoạt động
của mình. Anh kể, anh đã từng ba lần bị bắt, và đã ly dị vợ sau khi người vợ
khai thông tin cho công an.
Một blogger khác, xin giấu tên,
cũng chiếm lĩnh thế giới của những blogger có sự thỏa hiệp. Chị cho rằng mình
an toàn, miễn là viết không quá giới hạn (nguyên văn là “red line”, nghĩa là “lằn
ranh, vạch đỏ” – ND). Trên blog của chị, một cuộc biểu tình có thể được diễn đạt
thành “tuần hành” hoặc “đi dạo”. Tuy vậy, thỉnh thoảng chị vẫn bị công an theo
dõi và đã từng bị bắt trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc trong tháng
này, bị giữ một ngày ở trại phục hồi nhân phẩm dành cho “con nghiện và gái mại
dâm”.
“Họ (chính quyền) sợ chết khiếp
trước những gì đã xảy ra ở Myanmar và mùa xuân Ảrập” – chị nói.
Cựu sĩ quan quân đội Lê Thanh
Tùng là nhà hoạt động trên mạng gần đây nhất bị trừng phạt, trong tháng này. Tổ
chức Phóng viên Không Biên giới cho biết, ông Tùng nhận bản án 5 năm tù, sau một
phiên tòa kéo dài một tiếng đồng hồ. Chuyện xảy ra không đầy một tuần sau khi
blogger Đinh Đăng Định bị kết án 6 năm tù.
Phiên xử ba blogger tiếng tăm
khác cũng đã bị hoãn trong tháng, sau khi mẹ của một trong ba bị cáo tự thiêu.
Có đàn áp cũng vô ích?
Washington đã lên tiếng bày tỏ sự
quan ngại đối với Việt Nam, về một dự thảo nghị định mới, theo đó người sử dụng
Internet phải đăng ký tên thật, và điều này giúp chính quyền dễ dàng truy tìm
những kẻ đã chỉ trích họ trên mạng.
Nhưng ông Carl Thayer, một chuyên
gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Australia, cho rằng mọi nỗ lực của
chính quyền nhằm kiểm soát Internet có lẽ đều vô hiệu, trong bối cảnh web đã
thâm nhập vào Việt Nam, và blogger ngày càng tài tình hơn trong việc vượt qua
những rào cản bằng công nghệ.
Theo công ty nghiên cứu thị trường
Cimigo, Việt Nam nằm trong số những nước có tốc độ tăng trưởng về sử dụng
Internet cao nhất thế giới.
Tỷ lệ người dùng Internet ở Hà Nội
và tại TP.HCM – thủ đô về kinh tế của đất nước, ở miền Nam – đã tăng lên hơn
50%.
“Đó là một cuộc chiến mà tôi
không nghĩ chính quyền Việt Nam sẽ thắng” – ông Thayer nói.
Vấn đề quyền sở hữu đất đai, vốn
dĩ rất gai góc, là cốt lõi của tính chính danh của Đảng Cộng sản, mà nền tảng sức
mạnh truyền thống của họ là hơn 10 triệu nông dân. Vấn đề đất đai này cũng là
lĩnh vực mà trong đó, giới blogger có ảnh hưởng lớn nhất.
Sau vụ bạo lực ở Văn Giang và Hải
Phòng, một số nhà lập pháp và học giả đã kêu gọi thực hiện sở hữu tư nhân về đất
đai để bảo vệ nông dân – một đề xuất mà cho đến gần đây vẫn là không thể tưởng
tượng được, ở một quốc gia nơi mà nhà nước sở hữu toàn bộ đất đai là một điều
được ghi nhận thiêng liêng trong hiến pháp.
Ông Nguyễn Đức Kiên, phó chủ tịch
ủy ban kinh tế của Quốc hội, nói với Reuters rằng Luật Đất đai của Việt Nam sẽ
được xem xét lại, và nông dân sẽ được phép ở lại trên mảnh đất của họ sau năm
2013. Diễn giải theo nghĩa đen là, luật hiện hành cho phép nhà nước lấy lại đất
đai mà không phải đền bù gì cho nông dân, khi thời hạn cho thuê đất đã hết.
“Đất đai là một vấn đề tiềm ẩn
nguy cơ gây căng thẳng trong xã hội” – ông Kiên nói.
Bình luận của ông Kiên và các
bình luận của những quan chức khác đã làm các nhà hoạt động kiêm blogger tin rằng
thời hạn cho thuê đất sẽ được kéo dài, mặc dù điều đó tự nó không giải quyết được
vấn nạn các nhà đầu tư tư nhân, được sự hậu thuẫn của nhà nước, cưỡng chiếm đất
đai của nông dân.
“Blogger là một phần quan trọng
trong câu chuyện” – blogger Lê nói. “Chúng tôi kể lại mọi chuyện từ một khía cạnh
khác. Chúng tôi kể để cho thấy rằng lời nói của đảng cầm quyền chẳng đi đôi với
việc làm của họ”.
Biên tập: Jason Szep và Paul
Tait.
Ảnh: Một phụ nữ đang chụp ảnh
blogger tham gia biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội, ngày 22-7-2012. Mối liên
minh không mong đợi giữa nông dân và những nhà hoạt động người thành thị trên
Internet là minh chứng cho một thách thức ngày càng lớn hơn với tốc độ nhanh chóng,
đe dọa quyền lực của chính quyền cộng sản, khi mà người dân Việt Nam ngày càng
tỏ ra táo gan hơn trong những cuộc biểu tình của họ – về một loạt vấn đề từ quyền
sở hữu đất đai cho đến tham nhũng và ảnh hưởng ngày một lan rộng của Trung Quốc
trong khu vực. Ảnh chụp ngày 22-7-2012, REUTERS/Alfonso Le.
Nguồn: Reuters/
MSNBC
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
http://anhbasam.wordpress.com/2012/08/21/vai-tro-cua-cac-bloggers-trong-cac-cuoc-phan-doi-lien-quan-chuyen-den-dat-dai-o-viet-nam/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét