Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




TỪ HỢP PHÌ TỚI BẮC ĐỚI HÀ

Nguyễn-Xuân Nghĩa
10-8-2012 - Ngày Nay Houston


 Cốc Khai Lai 2012 - Giang Thanh 1980 
Tư Bản Thân Tộc Và Vi Trùng Độc Tài Tại Trung Quốc
  
Đúng sáu tháng sau những biến động tại Trùng Khánh, người ta nhìn vào một kết quả là phiên tòa xét xử bà Cốc Khai Lai tại Hợp Phì về tội giết người. Được yêu cầu bình luận về vụ án này, bỉnh bút Nguyễn Xuân Nghĩa cười cười nói chuyện Bắc Đới Hà! Sau đây là bài phân tách của ông... 

Cốc Khai Lai là bà vợ của nguyên Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai. Cả hai đều là con cháu đại công thần của đảng Cộng sản Trung Hoa, là Bạc Nhất Ba và Cốc Cảnh Sinh. Sự nghiệp kinh doanh của vợ lẫn chính trị của chồng đều có vẻ thăng tiến với thành tích của họ Bạc tại thành phố Trùng Khánh trong tỉnh Tứ Xuyên.

Gia tăng công chi của địa phương cho sự phát triển hài hòa của thành phố, Bạc Hy Lai đã thổi lên huyền thoại - sự kiện không thật mà cứ được loan tuyền - về "mẫu mực Trùng Khánh". Một mô hình phát triển có thể áp dụng trên toàn quốc. Chuyện nhảm nhí này là bất khả vì ngân sách nhà nước và bộ máy hành chính công quyền không thể cưu mang nổi một kế hoạch nhiêu khê tốn kém như vậy. Nhưng chẳng sao.

Người ta mới chỉ ở vào giai đoạn thử nghiệm và Trùng Khánh chỉ là thí điểm cho trung ương, nơi tiếp nhận những tin tốt để lưu truyền ra cả nước. Loại tin xấu thì cùng nhau ém nhẹm.

Nhưng Bạc Hy Lai còn tính xa hơn vậy.

Thi hành một chính sách kinh tế mị dân và thiên tả để lấy quan điểm quần chúng, vốn dĩ u mê nên mới tưởng nhà nước sẽ bao biện được mọi chuyện cho mọi người, ông đóng chốt bên cánh hữu bằng khẩu hiệu "thanh hồng đả hắc".

"Thanh hồng" là ngợi ca, và ca hát, tinh thần dân tộc trên giai điệu cách mạng đỏ lè của Mao Trạch Đông. "Đả hắc" là diệt trừ các tổ chức tội ác và tay chân của băng đảng trong bộ máy công quyền. Với thành tích đó, lại là con trai của một viên tướng lừng danh, Bạc Hy Lai huy động được hẫu thuẫn của cánh "tân tả", các phần tử cực đoan và bảo thủ trong giới trí thức và quân đội.

Là một đạo diễn có tài, Bạc Hy Lai lại còn biết diễn xuất với phong cách láng lẩy của một chính trị gia Tây phương. Đẹp trai và tân tiến như John Kennedy, họ Bạc có bà vợ phụ diễn nhiều màn diễm lệ chẳng khác nàng Jacqueline.

Trong khi ấy, trước sau như một - trước là khi còn làm Bí thư Đại Liên rồi Bí thư Liêu Ninh, sau là khi về cai quản Trung Khánh, ở giữa là ba năm làm Bộ trưởng Thương mại - Bạc Hy Lai xây dựng được hệ thống tư bản thân tộc. Đây là mạng lưới gồm các thân chủ và gia tộc để Cốc Khai Lai và chị em cùng đi bắt cá, thành doanh gia nổi tiếng và có thế giá, dưới ô dù của ông chồng.

Sự nghiệp vẻ vang ấy giúp Bạc Hy Lai chuẩn bị tiến lên, từ Ủy viên Bộ Chính trị có 25 người vào tới Thường vụ Bộ Chính trị có chín người quyền thế nhất nước.

Nhưng trời xanh có mắt.


***


Số là một kẻ thân tín dưới trướng họ Bạc từ thời còn ở Đại Liên và Liêu Ninh bỗng dưng nghĩ lại về bà nhà. Là Bí thư đảng bộ Công an của Trùng Khánh, Giám đốc Công an kiêm Phó thị trưởng, võ sĩ Vương Lập Quân gốc Mông Cổ thấy ra nhiều điều khuất tất của Cốc Khai Lai, nhất là trong một vụ giết người. Và có lẽ dại dột trình lên thượng cấp, nên mới gặp họa vì rờ trúng cái vẩy ngược của con rồng.

Vì vậy, hôm mùng sáu Tháng Hai, Vương Lập Quân mới từ Trùng Khánh lẻn về thủ phủ Thành Đô của tỉnh Tứ Xuyên để xin tỵ nạn trong toà Tổng lãnh sự Hoa Kỳ. Nội vụ đổ bể từ đó.

Bạc Hy Lai mất chức Bí thư, ra khỏi Bộ Chính trị và cả Trung ương đảng. Cốc Khai Lai bị điều tra chẳng vì tội danh tham nhũng hoặc hối mại quyền thế mà vì đã âm mưu đầu độc một doanh gia thân tín người Anh là Neil Heywood. Không chỉ âm mưu, Cốc Khai Lai có thể đã cùng viên quản gia Trương Hiếu Quân nhét thuốc độc vào họng của một kẻ thân tín đã dám nghĩ khác và nguy trang vụ ám sát tai nạn về uống rượu quá độ.....

Từ hôm Thứ Năm mùng chín vừa qua, Cốc Khai Lai mới đứng trước vành móng ngựa và có thể bị kết tội sát nhân. Vì lý do giảm khinh là để bảo vệ cậu quý tử Bạc Gia Gia trước mối đe dọa của tay doanh gia kiêm tình nhân bí hiểm này chăng? Nội vụ còn ly kỳ hơn một truyện trinh thám chính trị! Nhưng hình như quần chúng vẫn dửng dưng, ít ai theo dõi chuyện này.

Người Trung Hoa được miễn nhiễm vì đã quá quen với những kỳ tích của nàng Tề Khương thời Chiến Quốc, mụ Lã Trĩ của Lư Bang, Hoàng đế Võ Tắc Thiên đời Đường hay Từ Hy Thái hậu nhà Đại Thanh, và mới nhất là ả Giang Thanh của họ Mao. Đã quá quen chuyện phụ nữ dâm ác và quyền thế trong lịch sử của họ nên không mấy ai ngạc nhiên về hành vi của Cốc Khai Lai. 

Vả lại, họ Cốc chỉ là cái cớ.

Rồi người ta có thể đồn đoán về phán quyết sắp tới của Toà án Hợp Phì. Cho vui.

Giữa chánh phạm Cốc Khai Lai và tòng phạm Trương Hiếu Quân, ai sẽ bị tội nặng hơn? Tử hình hay không, và nếu là án tù chung thân thì giảm khinh được bao nhiêu năm? Phán quyết theo cách nào thì cũng vẫn có gì đó không ổn! Quít làm cam chịu hay sao? Chuyện không chỉ có vậy.

Giữa Cốc Khai Lai và Bạc Hy Lai, ai mới là người đáng ra toà? Lý nào mà họ Bạc lại chẳng biết gì về hành vi của bà vợ? Nhưng giữa một vụ án về hình sự của họ Cốc và một vụ án về chính trị của họ Bạc, chuyện gì là chính và chuyện gì là phụ? Nếu tiến xa hơn Cốc Khai Lai để lên tới Bạc Hy Lai, chế độ sẽ xoay trở thế nào với phản ứng của các phe nhóm khác?

Với hậu quả ra sao cho hệ thống chính trị Trung Quốc?

Chúng ta trở về chuyện "tư bản thân tộc", "crony capitalism" - hay "tư bản đái quần" nói theo người Hoa.

Hiện tượng thân tộc đã có từ ngàn xưa và chẳng là độc quyền của một nền văn hoá. Tư bản thân tộc cũng xuất hiện ở mọi nơi, kể cả cái nôi của chủ nghĩa tư bản và thể chế dân chủ là xứ Hoa Kỳ này. Hãy nhìn thấy quan hệ mờ ám của doanh nghiệp với nhiều giới chức dân cử khi nhà nước can thiệp vào kinh tế và chọn mặt gửi vàng cho các doanh gia hào phóng với quỹ tranh cử chẳng hạn. Nhưng trường hợp nhà nước trắng trợn can thiệp chỉ là ngoại lệ. Và khả năng giám sát của luật pháp lẫn phản ứng của truyền thông vẫn giới hạn được vi trùng ung nhọt của tư bản thân tộc.

Tại các xứ độc tài thì không. Tại các nước độc tài mà mị dân thì còn khó hơn nữa. Trung Quốc là một thí dụ tiêu biểu.

Chính là hệ thống kinh tế chính trị của đảng Cộng sản mới khiến những kẻ gian ác có thể tiến rất sâu và leo rất cao vào các trung tâm quyền lực. Chẳng phải ngẫu nhiên mà "Thái tử đảng", thành phần con ông cháu cha của các đại công thần cách mạng, mới trở thành những trung tâm quyền lực và cấu kết có thế lực nhất về cả tiền tài lẫn chính trị. Với những tệ nạn lâu lâu mới được bạch hóa một lần.

Đại hội 18 sắp triệu tập có thể là cái duyên khiến vụ khủng hoảng Trùng Khánh và hồ sơ Bạc-Cốc bùng nổ vào lúc này. Nhưng cái nhân thì đã có từ lâu.

Cho nên, dù Cốc Khai Lai có đứng trước vàng móng ngựa của Toà án Hợp Phì, chính là hệ thống chính trị Trung Quốc mới bị xét xử. Và người ta không tin vào khả năng cải thiện của chế độ vì trong khi bi kịch Cốc Khai Lai đang khai diễn tại Hợp Phì thì một hài kịch khác lại mở màn ở Bắc Đới Hà.


***


Đây là một trung tâm nghỉ mát của các lãnh tụ Trung Quốc để tránh khí trời oi ả đầy bụi cát vàng tại Bắc Kinh vào mùa Hè.

Từ Mao Trạch Đông qua Đặng Tiểu Bình cho đến sau này, hàng năm cứ đến mùa Hè, vào Tháng Bảy Tháng Tám, các lãnh tụ chính thức hay thực sự đương quyền đều lui về Bắc Đới Hà để có kín đáp hội họp bên bờ biển Bột Hải. Họ lấy những quyết định hệ trọng, nhất là về nhân sự, mà không qua thủ tục vốn dĩ đã mờ ám trên thượng tầng đảng, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư hay Ban chấp hành Trung ương.

Họ giải quyết chuyện quốc kế dân sinh hay bố trí tay chân phe phái trong sự mờ ảo này.

Từ khi lên lãnh đạo vào đầu năm 2003, Hồ Cẩm Đào hủy bỏ hủ tục đó để phần nào minh bạch hóa các quyết định qua cơ chế chính thực. Mục đích chính là để Thái thượng hoàng Giang Trạch Dân khỏi có cơ hội cấy thêm tay chân trong hệ thống chính trị của mình.

Vì thế, trong cả chục năm mới chỉ có ba lần dàn dựng hài kịch Bắc Đới Hà. Hai lần trước là vào năm 2007 trước Đại hội 17 và vào năm 2011. Lần thứ ba là năm nay, trong tháng này vì chính Hồ Cẩm Đào cũng sẽ thành Thái thượng hoàng. Một trong các mục tiêu của loại hội kín ở Bắc Đới Hà là để các lãnh tụ ngã giá về những bố trí nhân sự sau Đại hội 18. Ai lên ai xuống, ai đi ai ở?

Phó Chủ tịch Tập Cận Bình hay Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường, hai lãnh tụ thuộc thế hệ lãnh đạo thứ năm sau Đại hội 18 này, sẽ cất nhắc những ai, nhờ hậu thuẫn của những ai?

Những ai đây là các nhân vật thần thế trong Thái tử đảng, Đoàn phái, Cánh Thượng hải, phe Thanh Hoa, các tướng lãnh trong Trung ương Quân ủy hội, hay các Thái thượng hoàng, lão đồng chí đã về hưu, như Giang Trạch Dân, Lý Bằng, Chu Dung Cơ. Và nay sẽ có thêm Hồ Cẩm Đào, Ngô Bang Quốc và Ôn Gia Bảo....

Dĩ nhiên là tại Bắc Đới Hà, ngần ấy nhân vật đều liếc về Hợp Phì và tìm cách cho nổ cầu chì Cốc Khai Lai ở bên dưới, hầu tia điện khỏi nháng lửa lên trên, vào tới hệ thống chính trị của chế độ. Vì thế, chúng ta có thể luận bàn cho vui về chuyện Bạc Cốc ở Hợp Phì, nhưng nên nhìn vào đám đầu lãnh bên trên, với kính hiển vi.

Vi trùng nằm ở đó.

http://dainamaxtribune.blogspot.sk/2012/08/tu-hop-phi-ve-bac-oi-ha.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét