Lê Anh Hùng
Hà Nội, 1/8/2012
Tại phiên họp lần thứ nhất của Ban Soạn thảo Luật Hôn nhân & Gia
đình ngày 26/7 vừa qua, ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự -
Kinh tế, Bộ Tư pháp, cho biết là dự kiến sẽ bổ sung chế
tài xử lý hành vi ngoại tình vào luật này. Lý do mà ông đưa ra ở đây
là các hành vi vi phạm nghĩa vụ trong quan hệ hôn nhân và gia đình có thể bị xử
lý về hành chính hoặc hình sự, nhưng việc áp dụng chế tài trong hôn nhân và gia
đình lại chưa được luật quy định cụ thể.
Ông Huệ lấy ví dụ là Luật HN-GĐ năm
2000 quy định vợ chồng có nghĩa vụ chung thủy, thương yêu nhau, nhưng khi một
bên vợ hoặc chồng vi phạm nghĩa vụ này (như ngoại tình, ngược đãi, hành hạ…)
thì lại thiếu chế tài xử lý.
Lập luận của ông Vụ trưởng dường như có cái gì đấy không ổn, trong khi đây lại là một bộ luật quan trọng, ảnh hưởng đến hàng chục triệu gia đình Việt Nam. Vì vậy, thiết nghĩ các nhà làm luật cần phải suy xét thật thấu đáo.
Quả thực, không khó để nhận ra rằng các mối quan hệ HN-GĐ dựa
trước hết vào các quy tắc hay chuẩn mực đạo đức truyền thống. Hàng ngàn năm
qua, khi chưa có Luật HN-GĐ, thiết chế gia đình - tế bào của xã hội Việt Nam -
vẫn vận hành bình thường dựa trên những phong tục, tập quán của dân tộc. Tuy
nhiên, khi xã hội ngày càng phát triển, con người ngày càng (muốn) thoát khỏi
những ràng buộc truyền thống, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình
ngày càng trở nên phức tạp và đa dạng thì một số quy tắc đạo đức truyền thống
hoặc là bị lạc hậu, hoặc là không còn đủ sức điều chỉnh các mối quan hệ HN-GĐ nữa.
Lúc ấy, Luật HN-GĐ ra đời để khắc phục những bất cập và bổ sung những khiếm
khuyết cho các phong tục, tập quán truyền thống. Trên thực tế, không một bộ luật
nào có khả năng thay thế hoàn toàn những tập tục truyền thống trong lĩnh vực đặc
thù của nó.
Từ góc độ đó, rõ ràng Điều 18 trong Luật
HN-GĐ năm 2000 (“Vợ chồng chung thuỷ, thương yêu, quý trọng, chăm sóc,
giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc,
bền vững”) là thừa, nhất là khi mà chế độ một vợ một chồng đã được quy định
ngay tại Điều 2. Không những thế, những quy định kiểu như vậy lại rất nhiều
trong Luật HN-GĐ năm 2000. Chức năng chính của Luật HN-GĐ là điều chỉnh các mối
quan hệ HN-GĐ trên phương diện pháp lý. Vì vậy, những “điều luật” như thế lẽ ra
phải nằm trong một cuốn sách giáo dục công dân nào đó chứ không phải trong luật
này. Từ những “điều luật” khiên cưỡng ấy, người ta dễ đi đến khuyến nghị phải bổ
sung chế tài cho chúng, bởi một lập luận đơn giản là luật pháp mà thiếu chế tài
kèm theo thì sẽ vô hiệu!? Không chỉ trong Luật HN-GĐ năm 2000 mà kiểu tư duy
pháp luật này còn khá phổ biến trong các bộ luật khác ở Việt Nam, khiến cho
chúng nhiều khi giống với một nghị quyết của Đảng, hay một bài giảng đạo đức,
hơn là những quy định pháp luật mang tính cưỡng bách. Ngoài ra, thực tế này còn
khiến cho các bộ luật ở Việt Nam hiện nay thường rườm rà và lan man.
Từ một góc độ khác, cần thừa nhận rằng không phải sự tồn tại
của những niềm tin luân lý sâu sắc và phổ biến trong bất kỳ vấn đề nào là tự nó
đã biện minh cho việc áp đặt chúng. Ở đây, việc chúng ta tin tưởng sâu sắc rằng
vợ chồng cần “chung thuỷ, thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau…” không
có nghĩa là xã hội cần có chế tài pháp luật để buộc các cặp vợ chồng phải
“chung thuỷ, thương yêu, quý trọng, chăm sóc, giúp đỡ nhau…”. Một mặt, những
quy định pháp luật như thế sẽ xâm phạm quá mức vào phạm vi riêng tư của quan hệ
vợ chồng, nơi mà các quy tắc đạo đức truyền thống vẫn đủ sức điều chỉnh, nhất
là khi mà một người bị vợ/chồng của mình hành hạ đến mức phải xử lý hình sự thì
đã có Bộ luật Hình sự điều chỉnh. Mặt khác, bộ máy pháp luật lúc đó sẽ trở nên
quá cồng kềnh và tốn kém, trong khi mức độ hiệu quả (chẳng hạn như bảo vệ hạnh
phúc gia đình) thì còn phải đặt dấu hỏi.
Trong khi đó, chúng ta lại đang đứng trước đòi hỏi bức bách
là phải hợp
pháp hoá hoạt động mại dâm như ở phần lớn các nước trên thế giới. Chẳng
lẽ lúc ấy luật pháp lại cần quy định thêm (và lại phải kèm theo chế tài) là tất
cả các khách mua dâm đều phải khai báo danh tính để xem ai là người “mua dâm
đúng pháp luật” và ai là người “mua dâm trái pháp luật” hay sao?!
http://leanhhungblog.blogspot.com/2012/08/tu-chuyen-ngoai-tinh-se-bi-xu-ly-nghi.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét