Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




TRUNG QUỐC VÀ 3 BƯỚC ĐI ĐỘC CHIẾM BIỂN ĐÔNG

Mỹ Loan - Sơn Hà
3-8-2012

Giàn khoan “khủng” 981 của Trung
Quốc - Ảnh: Chinanews.cn
 
TT - Giới quan sát quốc tế nhận định chính quyền Trung Quốc đang mở tiếp mặt trận thứ ba để hiện thực hóa ý đồ độc chiếm biển Đông: khai thác dầu khí.

Hồi cuối tháng 6-2012, Tập đoàn Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã mời thầu khai thác chín lô dầu khí nằm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam. Reuters dẫn lời một nguồn tin từ Bắc Kinh tiết lộ các công ty nước ngoài có khoảng thời gian từ nay đến tháng 6-2013 để quyết định có dự thầu hay không. “Quan điểm của chính quyền Trung Quốc rất rõ ràng. Họ muốn chiếm đoạt và phát triển khu vực này” - giám đốc một tập đoàn dầu khí quốc tế nhận định.

Lo ngại việc Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục hợp tác thăm dò dầu khí trên biển Đông, Thời Báo Hoàn Cầu ngày 31-7 cho rằng Bắc Kinh cần “có phản ứng mạnh”, “cần tăng cường sức ép chính trị” với Việt Nam và Ấn Độ. Báo này còn dẫn lời học giả Tôn Hạo thuộc ĐH Ngoại giao Trung Quốc cho rằng sự hợp tác giữa New Delhi và Hà Nội không xuất phát từ lợi ích kinh tế mà là chính trị. “New Delhi muốn làm phức tạp thêm vấn đề nhằm ghìm Trung Quốc vào đó, để họ (Ấn Độ) có thể thống lĩnh trong các vấn đề ở khu vực” - báo này lo ngại viết.

Ba bước thâm độc


Trung Quốc tiếp tục xua tàu cá xuống biển Đông
Tàu cá Trung Quốc đang tiếp tục tràn xuống biển Đông đánh bắt trái phép. Theo Tân Hoa xã, ngoài gần 9.000 tàu cá và hơn 35.000 ngư dân của tỉnh Hải Nam đã tràn xuống biển Đông từ ngày 1-8, sẽ có thêm 14.000 tàu cá của tỉnh Quảng Đông đến biển Đông trong vài ngày tới.
Chính quyền tỉnh Hải Nam tuyên bố 30 chiếc tàu của họ đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam đánh cá từ ngày 12 đến 29-7 là chương trình thử nghiệm để “phát triển ngành đánh cá Trung Quốc” ở quần đảo Trường Sa. Tuyên bố này cho thấy trong những ngày tới Bắc Kinh sẽ còn tiếp tục xâm phạm chủ quyền Việt Nam với kiểu “lấy thịt đè người” này.
Chuyên gia Stephanie Kleine-Ahlbrandt thuộc Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (ICG) vạch rõ việc Trung Quốc mở rộng hoạt động khai thác dầu khí trên biển Đông là bước thứ ba trong chiến lược độc chiếm biển Đông. Bước đầu là tấn công ngoại giao, chia rẽ cộng đồng ASEAN. Bước hai là khoe sức mạnh quân sự qua việc thành lập “thành phố Tam Sa”, triển khai quân đồn trú, đưa tàu bán quân sự và quân sự quấy rối trên biển Đông.

Bước ba đã mở đầu với việc CNOOC công bố giàn khoan “khủng” 981 ở gần Hong Kong. Theo giới chuyên gia năng lượng Trung Quốc, CNOOC sẽ chuyển giàn khoan nước sâu đầu tiên này tới các vùng biển nước sâu ở biển Đông.

Chuyên gia Stephanie Kleine-Ahlbrandt cảnh báo ở bước này Trung Quốc sẽ chỉ càng làm gia tăng nguy cơ xung đột ngoại giao, dẫn tới các vụ đụng độ giữa tàu thăm dò và tuần tra các nước trên biển Đông. Lý do: các tập đoàn lớn như Exxon Mobil (Mỹ), Gazprom (Nga) hay ONGC (Ấn Độ) sẽ không để mắt đến lời mời thầu phi pháp của Trung Quốc, như nhận định của các chuyên gia dầu khí. Đã có những tập đoàn dầu khí quốc tế phản ứng lại hành vi phi pháp của Trung Quốc. Tập đoàn Ấn Độ ONGC đã quyết định tiếp tục hợp tác thăm dò và khai thác tại biển Đông ở lô 128 của Việt Nam, phần lớn cũng nằm trong các lô mà Trung Quốc mời thầu mới đây.

Các nước lo ngại Trung Quốc

Các hành động gây hấn của Trung Quốc tiếp tục bị giới học giả khu vực và quốc tế chỉ trích dữ dội. Trên trang Russia & India Report, giáo sư quan hệ quốc tế Rupakjyoti Borah thuộc ĐH Pandit Deendayal Petroleum cho rằng Trung Quốc đang thử thách ý chí của các nước láng giềng cũng như quyết tâm “tái cân bằng lực lượng” của Mỹ ở châu Á. Ông nhấn mạnh sự hung hăng của Bắc Kinh không chỉ khiến các nước Đông Nam Á mà cả Nhật, Hàn Quốc và Ấn Độ thật sự lo ngại.

Giáo sư Borah cho rằng Ấn Độ cần tham gia nỗ lực gìn giữ hòa bình, ổn định trên biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới, và bảo vệ các lợi ích thương mại của Ấn Độ tại Việt Nam. Do đó, New Delhi cần tăng cường hợp tác với ASEAN để đảm bảo an toàn hàng hải trên biển Đông và kêu gọi Trung Quốc đàm phán hòa bình để giải quyết tranh chấp.

Trên báo Jakarta Post, học giả Yohanes Sulaiman thuộc ĐH Quốc phòng Indonesia cũng nhận định các hành động của Trung Quốc xuất phát từ những rối ren chính trị và xã hội trong nội bộ nước này. Trong những năm gần đây, biểu tình chống bất công xã hội liên tục bùng phát ở Trung Quốc do tình trạng tham nhũng tràn lan, khoảng cách giàu nghèo tăng vọt. Theo học giả Sulaiman, thái độ cứng rắn của Bắc Kinh về vấn đề biển Đông chính là do áp lực từ một số thành phần khác trong nước, và điều này sẽ chỉ có hại cho các lợi ích chiến lược của Trung Quốc xét về lâu dài.

http://tuoitre.vn/The-gioi/504871/Trung-Quoc-va-3-buoc-di-doc-chiem-bien-Dong.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét