18.08.2012
Căng thẳng Biển Đông tiếp tục sôi sục với những xích mích
ngoại giao và các nỗ lực tăng cường quân sự. Cuộc ‘khẩu chiến’ giữa Trung Quốc
với các nước có tuyên bố chủ quyền tại khu vực như Việt Nam, Philippines, Nhật
Bản, và với Hoa Kỳ vẫn tiếp diễn trong lúc Mỹ khẳng định hậu thuẫn quân sự để bảo
vệ quốc phòng cho Philippines và Bắc Kinh xúc tiến việc ký thỏa thuận sản xuất
phi đạn với Indonesia.
Tranh cãi ngoại giao giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ và các nước có tuyên bố
chủ quyền tại Biển Đông vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu.
Các hành động gần đây của Trung Quốc hỗ trợ cho tuyên bố dành chủ quyền gần như
toàn bộ trên Biển Đông đã liên tiếp gây nên những xích mích với Việt Nam,
Philippines, Nhật Bản, và cả Hoa Kỳ, đồng minh quân sự của Nhật và Philippines.
Cùng lúc đó, truyền thông Trung Quốc liên tục đả kích Mỹ và báo chí nước ngoài
là ‘nhúng mũi’ vào chuyện Biển Đông để gây rối và làm cho tình hình thêm căng
thẳng.
Hãng thông tấn của nhà nước Trung Quốc ngày 17/8 đăng bài bình luận lên án những
lời cáo buộc mà họ gọi là ‘xuyên tạc sự thật, bóp méo luật lệ’ đối với Bắc
Kinh.
Bài báo phản bác bài xã luận đăng trên tờ Washington Post của Mỹ một ngày trước
đó cho rằng Hoa Kỳ đã hành động đúng khi chỉ trích Trung Quốc về vấn đề Biển
Đông.
Washington Post nói các tuyên bố chủ quyền bành trướng của Bắc Kinh ở Biển Đông
xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước khác được quy định bởi
Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển.
Bài bình luận của Tân Hoa xã cho rằng cáo buộc này là vô căn cứ khi xác nhận bất
kỳ cái gì nằm trong phạm vi 200 hải lý ngoài khơi bờ biển của một quốc gia nào
đó như các bãi đá hay các đảo nhỏ đều thuộc về đất nước đó bất kể là quốc gia
đó có chủ quyền đối với những thứ đó hay không.
Bài viết của Tân Hoa xã khẳng định áp dụng Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển
đối với vấn đề Biển Đông là không đúng vì tranh chấp ở đây chỉ tập trung vào chủ
quyền tại một số đảo và bãi đá ngầm tại khu vực và Bắc Kinh có chủ quyền không
thể tranh cãi tại các vùng này dựa trên chứng cứ lịch sử.
Đáp lại chỉ trích của bài xã luận đăng trên Washington Post cho rằng Trung Quốc
quấy nhiễu quyền đánh bắt cá và thăm dò dầu khí của Việt Nam và Philippines,
bài bình luận của Tân Hoa xã khẳng định Trung Quốc đã hết sức tự chế trong vấn
đề Biển Đông và đồng thời tố cáo rằng chính hoạt động của các nước đánh bắt cá
và chiếm đóng một số đảo và bãi đá của Trung Quốc bất hợp pháp được khuyến
khích bởi sự ‘cố tình vờ như không biết’ của Hoa Kỳ đã châm ngòi cho căng thẳng
trong khu vực.
Căng thẳng Biển Đông không chỉ sôi sục với những tranh cãi chưa có hồi kết mà
còn với các nỗ lực tăng cường về quân sự.
Mới đây, Bộ Quốc phòng Indonesia xác nhận hợp đồng cùng sản xuất phi đạn với
Trung Quốc sẽ được hai bên ký kết vào tháng 3 năm sau. Hiện Indonesia đang thảo
luận với Trung Quốc về kế hoạch sản xuất phi đạn chống tàu C-705 trên đảo Java
của Indonesia.
Bộ Quốc phòng Indonesia nói kế hoạch sản xuất phi đạn hải quân có tầm bắn 120
km giữa họ với Trung Quốc không nhằm phát triển liên minh vững mạnh hơn có liên
quan đến tranh chấp Biển Đông. Dù vậy, động thái thắt chặt quan hệ quốc phòng
giữa Indonesia với Trung Quốc diễn ra trong lúc căng thẳng về tranh chấp Biển
Đông giữa Bắc Kinh với các nước Đông Nam Á đang dâng cao mà Indonesia đang nỗ lực
trong vai trò trung gian điều giải cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc với
Việt Nam và Philippines.
Giữa lúc đó, Hoa Kỳ một lần nữa lên tiếng khẳng định hậu thuẫn giúp đồng minh
quân sự Philippines bảo vệ quốc phòng. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Mỹ,
Victoria Nuland, nhấn mạnh:
“Một phần trong hợp tác quân sự lâu dài với Philippines là Mỹ hỗ trợ Manila
tăng cường khả năng nắm vững tình hình về phạm vi lãnh hải. Điều này vốn đã được
bao gồm trong hợp tác quân sự giữa hai nước trước nay và sẽ được tiếp tục,
trong đó có việc chia sẻ thông tin, xây dựng năng lực.”
Liên quan vấn đề Biển Đông, bà Nuland nói tiếp:
“Chúng tôi đang nói tới việc giúp Philippines nhận thức rõ những gì đang diễn
ra và hỗ trợ đồng minh của mình bảo vệ an ninh quốc gia. Về vấn đề Biển Đông,
Hoa Kỳ vẫn muốn tranh chấp được giải quyết qua các cuộc thương lượng giữa các
bên liên quan. Chúng tôi muốn nhìn thấy một bộ quy tắc ứng xử Biển Đông.”
Phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ được đưa ra trong bối cảnh khu
trục hạm mang phi đạn có điều khiển của Mỹ, USS Milius, sắp cập cảng Nam Manila
của Philippines vào cuối tuần này.
Chuyến thăm hữu nghị kéo dài 4 ngày này nhằm nêu bật mối liên hệ chặt chẽ giữa
Washington với Manila giữa lúc ngọn lửa tranh chấp Biển Đông vẫn tiếp tục bùng
cháy.
Nguồn: VOA/Xinhua/Stars and Stripes/US Navy/GMA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét