14-8-2012
GS Nguyễn Minh Thuyết |
[Tham vọng của Trung Quốc không chỉ là Biển Đông]
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Trung Quốc đã và đang có nhiều hành động ngang ngược trên biển với nhiều nước. Tham vọng của Trung Quốc không chỉ là Biển Đông, nên cần tăng cường đoàn kết, nhất trí trong từng thành viên ASEAN cũng như cả khối. [Trao đổi với Tiền Phong, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng lịch sử quan hệ của Trung Quốc với các nước xung quanh cho thấy mưu đồ bành trướng của họ rất rõ. Trung Quốc có biên giới với rất nhiều nước và gần như không có nước nào không bị Trung Quốc gây chuyện. Với Việt Nam ta, tham vọng của Trung Quốc không chỉ là chiếm biển đảo của ta, mà là nô dịch ta.]
Thưa GS,
những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông thời gian qua nói lên ý đồ gì của
họ?
Gần đây,
Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, tích lũy ngoại tệ dồi
dào, đưa được người và trạm không gian lên vũ trụ, trang bị vũ khí mạnh,… nên
họ cho rằng thời cơ trỗi dậy để phân chia lại ảnh hưởng với các cường quốc đã
đến. Chính vì vậy, họ tỏ ra rất hung hăng, gây chuyện với tất cả các nước có
chung đường biển, từ các nước Đông Nam Á cho đến Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí
nhiều lần tàu cá xâm phạm cả lãnh hải của Nga. Trên bộ,
ngoài chuyện tranh chấp từng mét vuông đất với Việt Nam bằng những thủ đoạn ti
tiện, không hề xứng với cương vị một nước lớn, họ vẫn còn chiếm hàng chục nghìn
km2 của Ấn Độ và vẫn ngang ngược xếp một bang của nước này vào lãnh thổ nước
mình. Có thể thấy dã tâm của chính quyền Trung Quốc đã bộc lộ rất rõ, không
khác gì mưu đồ thống trị thế giới của chế độ Hitler những năm 30 – 40 thế kỷ trước.
Riêng ở
Biển Đông, mưu đồ biến vùng biển này thành “ao nhà” [dã tâm
này] bộc lộ qua những bước đi rất rõ ràng: từ chỗ biến vùng biển không
có tranh chấp thành vùng có tranh chấp đến thực hiện hàng loạt hành động ngang
ngược nhằm xác lập chủ quyền như đơn phương công bố lệnh cấm đánh bắt cá, đưa
giàn khoan khủng ra Biển Đông, kéo hàng chục,
rồi hàng nghìn, hàng chục nghìn tàu đánh cá liên hoàn
theo kiểu “Xích Bích” ngày xưa kèm tàu vũ trang vào vùng
biển các nước, tiến hành tuần tiễu ngoài lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của
Trung Quốc, thành lập đơn vị hành chính và quân đồn trú ở cái gọi là “thành phố
Tam Sa” v.v… Trong quá trình tìm phương cách bành trướng, mỗi khi có thời cơ
thuận lợi là họ sẵn sàng dùng vũ lực đánh chiếm các đảo thuộc chủ quyền của
nước khác để tạo thế áp đặt “đường lưỡi bò” trên biển, như đã từng chiếm quần
đảo Hoàng Sa của Việt Nam tháng 1 năm 1974 với sự làm ngơ của chính quyền Mỹ
lúc bấy giờ hoặc chiếm một số đảo và bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa của Việt
Nam năm 1988 lúc Liên Xô đã suy yếu.
Với Việt
Nam ta, tham vọng của Trung Quốc còn lớn hơn nhiều. Họ không chỉ muốn chiếm
biển đảo của ta, mà còn muốn nô dịch ta, biến cả nước ta thành thuộc quốc, thậm
chí thành tỉnh, huyện của họ. Ngay từ năm 1939, trong cuốn “Cách mạng Trung
Quốc và Đảng cộng sản Trung Quốc”, Mao Trạch Đông đã nhìn nhận Việt Nam như một
xứ thuộc địa mà Trung Quốc mất vào tay người Pháp. Ông Mao viết:“Sau khi
dùng chiến tranh đánh bại Trung Quốc, các nước đế quốc đã cướp đi nhiều nước
phụ thuộc và một bộ phận của lãnh thổ Trung Quốc: Nhật chiếm Triều Tiên, Đài
Loan, Lưu Cầu, quần đảo Bành Hồ và Lữ Thuận. Anh chiếm Miến Điện, Butan, Nêpan
và Hương Cảng. Pháp chiếm An Nam…”. Trong cuộc họp Bộ Chính trị Ban Chấp
hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, tháng 8 năm 1965, nhà lãnh đạo Trung
Quốc vạch ra chiến lược tràn xuống Đông Nam Á như sau: “Chúng ta phải
giành cho được Đông Nam Á, bao gồm cả miền Nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện,
Malaysia và Singapore,…Một vùng như Đông Nam Á rất giàu, ở đấy có nhiều khoáng
sản […] xứng đáng với sự tốn kém cần thiết để chiếm lấy […] Sau khi giành được
Đông Nam Á, chúng ta có thể tăng cường được sức mạnh của chúng ta ở vùng này,
lúc đó chúng ta sẽ có sức mạnh đương đầu với khối Liên Xô – Đông Âu, gió Đông
sẽ thổi bạt gió Tây”.
Suốt hàng
chục năm qua, Trung Quốc đã dùng đủ mọi thủ đoạn làm suy yếu nước ta: Họ tổ
chức thu mua từ rễ hồi đến móng trâu bò, đẩy giá một số mặt hàng nông nghiệp
lên để làm lạc hướng canh tác của nông dân ta rồi bất ngờ chấm dứt giao dịch,…
cốt để phá hoại sản xuất. Tiền giả cũng từ Trung Quốc tuồn vào. Hơn 90% các gói
thầu xây dựng quan trọng của Việt Nam đều rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc nhưng
tiến độ thực hiện chậm, công nghệ tồi, chất lượng không đảm bảo. Chỉ cần nhìn
tiến độ xây dựng các nhà máy nhiệt điện ở một số tỉnh phía Bắc chậm 5, 7 năm
trời cũng có thể thấy vấn đề. Về quân sự, tàu vũ trang của họ đã đến tận vùng
biển của ta, cướp bóc, đánh đập ngư dân ta. Bên cạnh đó, đội quân thứ 5 của họ
đã cài cắm khắp nơi, từ các công trình ở đồng bằng đến Tây Nguyên, từ
những mảnh đất rừng biên giới, đầu nguồn cho đến những vùng biển quan trọng.
Người giả danh du lịch, giả danh sang học cũng rất đông.
Có thể
nói rằng độc lập dân tộc và chủ quyền lãnh thổ nước ta
đang đứng trước thử thách lịch sử rất to lớn. Trách nhiệm trước lịch sử đang
đòi hỏi thế hệ chúng ta nhận rõ nguy cơ bị xâm lược,
bị lệ thuộc và có quyết sách sáng suốt, quyết tâm mạnh mẽ để bảo vệ giang sơn
gấm vóc, xứng đáng với công lao của các bậc tiên liệt đã mở nước, giữ nước
trong hàng ngàn năm qua và đảm bảo cho cuộc sống hạnh phúc vững bền của các thế hệ con cháu
muôn đời mai sau.
Vì sao trong
thời điểm này Trung Quốc lại dám leo thang như vậy,
đặc biệt họ có những động thái ngang
ngược [rất liều lĩnh] ngay sau khi
Quốc hội ta thông qua Luật Biển Việt Nam?
Phản ứng
với Luật Biển Việt Nam chỉ là cái cớ để Trung Quốc thực hiện mưu đồ đã
tính toán từ lâu. Các nước Philippines, Nhật Bản đâu có chuyện gì mắc mớ với họ
về Luật Biển mà họ cũng hăm doạ và xâm phạm chủ quyền? Với thế giới, Trung Quốc
cho rằng bây giờ là thời cơ của họ vì Mỹ và các nước phương Tây đang
sa lầy ở Afghanistan và Trung Đông, khó có thể phản ứng mạnh với các hành vi
ngang ngược của họ. Với Việt Nam, họ thấy nước ta đang gặp rất nhiều khó khăn
về kinh tế, sự đồng thuận xã hội không cao. Cho nên, họ nghĩ rằng có thể
tranh thủ thời cơ này mà thôn tính biển đảo, tiến tới nô dịch dân ta. Có thể
nói Trung Quốc luôn biết tận dụng cơ hội, nhưng lần này họ đã không làm đúng
lời dặn của Đặng Tiểu Bình là “náu mình chờ thời”. Họ trỗi dậy hơi sớm, vì vậy,
hình ảnh “bạn của các dân tộc bị áp bức” được họ tạo dựng công phu từ bao năm
nay sẽ bị lật tẩy. “Các dân tộc bị áp bức” sẽ đề phòng họ, còn các cường quốc sẽ có
biện pháp để kiềm chế họ, không cho họ thực hiện giấc mơ bá quyền.
Trước
nguy cơ bị xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta cần hành động thế
nào?
Nhìn lại
lịch sử, Việt Nam ta từng có ba lần mất nước mà mỗi lần có một nguyên
nhân riêng: Lần thứ nhất vào thời An Dương Vương, mà nguyên nhân là mất cảnh
giác, đem giặc vào nhà. Từ đó, nước ta rơi vào vòng nô lệ phương Bắc suốt 1000
năm (từ năm 179 tr. CN đến năm 938). Lần thứ hai mất nước là vào thời nhà
Hồ. Hồ Quý Ly có tài nhưng không được lòng dân nên mới lập ra triều Hồ được 7
năm thì nước mất vào tay giặc Minh. Lần đô hộ này kéo dài chẵn 20 năm (1407 –
1427). Lần thứ ba mất nước là vào thời Nguyễn. Khiếp nhược trước sức mạnh của
giặc ngoại xâm, nhà Nguyễn không những không cho quân dân ta đánh Pháp mà còn
đem quân triều đình đi “dẹp loạn”. Đó là lần mất nước do triều đình hèn nhát,
sợ dân hơn sợ giặc, khiến nước ta trở thành thuộc địa của thực dân (1884 –
1945).
Đó là
những bài học xương máu cho chúng ta hôm nay. Chúng ta
phải tăng cường sức mạnh quốc phòng. Nhưng quan trọng hơn là phải luôn mài sắc
tinh thần cảnh giác, không vì bất kỳ lý do nào để người ngoài “ru ngủ” dẫn đến tình thế
khó gỡ của An Dương Vương. Về đối nội thì phải khoan sức dân, phát huy quyền làm chủ của nhân
dân, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Phải làm cho mỗi người Việt
Nam thấm nhuần chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và tin tưởng vào
sức mạnh Việt Nam trong cuộc đấu tranh thiêng liêng bảo vệ độc lập, chủ quyền,
toàn vẹn lãnh thổ. Về đối ngoại, cần tăng cường thông tin cho nhân dân
Trung Quốc và nhân dân thế giới hiểu rõ vấn đề; tăng cường đoàn kết nhất trí
trong khối ASEAN; tranh thủ mọi sự hỗ trợ quốc tế. Có được sự ủng hộ rộng rãi
của dư luận quốc tế, trong đó có những người dân Trung Quốc yêu chuộng hoà
bình, công lý thì sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân ta mới thành công.
Trong bối
cảnh hiện nay, chúng ta cần làm gì để tăng cường sự đoàn kết nhất trí với các
nước ASEAN ?
Nhìn
chung, các nước ASEAN có nhiều điểm giống nhau, trong đó có mục tiêu chung
là vươn lên về kinh tế và các mặt khác. Nhưng mỗi nước ASEAN có trình độ phát
triển một khác; những vấn đề quan tâm của các nước tuy giống nhau nhưng quyền
lợi không hoàn toàn thống nhất với nhau. Trong khối cũng có
những nước, do hoàn cảnh riêng, dễ bị Trung Quốc mua chuộc, chi phối. Để thực
sự có một ASEAN hoàn toàn thống nhất trong nhận thức và hành động, một mặt
chúng ta cần tăng cường trao đổi thông tin và quan điểm với các nước bạn, mặt
khác cần giải quyết những bất đồng với một số nước ASEAN về biển đảo, tiến tới
ký kết những văn bản có tính chất pháp lý về lãnh thổ, lãnh hải. Sự đồng thuận
cao trong ASEAN có ý nghĩa hết sức quan trọng. Ngay hành
động của Campuchia vừa rồi rất đáng chê trách, nhưng ta cũng phải có cách xử lý
đúng đắn, không đẩy người bạn láng giềng từng chia ngọt sẻ bùi nhiều năm với
mình về phía kẻ đang muốn chi phối họ.
Còn chính
sách đối với Trung Quốc?
TQ
là nước láng giềng. Về chiến lược, mình phải giữ được quan hệ hoà bình với
họ, đồng thời làm cho họ dần dần hành xử một cách có trách nhiệm như một nước
lớn trong quan hệ láng giềng. Lãnh đạo hai nước đã thiết
lập đường dây nóng. Chắc chắn là phải sử dụng đường dây nóng này để bàn bạc,
giải quyết vấn đề mỗi khi có “việc nóng”. Bên cạnh
đó, cần tiếp tục đàm phán về biên giới và các vấn đề biển đảo để đi đến giải
pháp cả hai bên chấp nhận được. Phải tích cực thúc đẩy để sớm ký kết Bộ Quy tắc
ứng xử trên biển (COC) giữa các nước ASEAN với Trung Quốc.
Nhưng
đứng trước hành động đe doạ xâm lược và xâm lược thì phải có thái độ cứng rắn,
không thể nhân nhượng. Một mặt, phải đưa vấn đề Biển Đông, bao gồm những chứng
cứ về chủ quyền của Việt Nam và hành vi ngang
ngược của Trung Quốc [của nhà cầm quyền Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền Việt Nam] ra các
diễn đàn quốc tế như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Đại hội đồng Liên hợp
quốc, các tổ chức tài phán quốc tế. Mặt khác, phải sẵn sàng đáp trả đúng mức các hành động
xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Giáo
sư nghĩ sao về chiến lược phát triển biển của Việt Nam, vai trò của
biển trong tương lai của đất nước và dân tộc?
Từ lâu ta
đã nhận thức được vai trò của kinh tế biển và có chủ trương phát
triển kinh tế biển. Nhưng việc thực hiện chủ trương chưa đạt yêu cầu.
Ta chưa có tàu công suất lớn để ra khơi xa. Chưa có công nghệ và thiết bị bảo
quản, chế biến hải sản ngay trên biển. Lực lượng an ninh biển chưa được trang
bị mạnh. Lực lượng kiểm ngư cũng chỉ mới được đề xuất thành lập. Một nước muốn
tự bảo vệ mình thì phải mạnh về kinh tế và quân sự. Phát triển kinh tế
biển ngoài ý nghĩa kinh tế còn là một cách để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ
quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Trên mặt
trận thông tin, tuyên truyền, cần làm gì để người dân hiểu và đồng thuận với
chính sách bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ?
Dân ta ai
cũng sẵn sàng gánh vác sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, chia sẻ với
những khó khăn của đất nước. Phần đông dân chúng chia sẻ
với những khó khăn và yêu cầu tế nhị của công tác ngoại giao. Nhưng nếu những
tin tức về hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền nước ta cũng như tin tức
về chủ trương và các biện pháp xử lý của Đảng, Nhà nước ta, kết quả thực hiện
chủ trương và các biện pháp đó không được thông báo một cách đầy đủ và kịp thời
thì sẽ khó nhận được sự đồng thuận của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Bảo vệ
Tổ quốc là trách nhiệm thiêng liêng của cả 90 triệu đồng bào ta. Đó là những
người chủ thật sự của đất nước. Không thông báo đầy đủ, kịp thời cho dân và
lắng nghe ý kiến của dân về những vấn đề liên quan đến vận mệnh của đất nước mà
họ đang làm chủ là không thực hiện đúng bổn phận của những người đang nhận
trách nhiệm làm công bộc cho dân.
Tăng
cường thông tin, tuyên truyền cũng là để nhân dân Trung Quốc và nhân dân thế
giới hiểu rõ vấn đề. Bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc nói rất nhiều, rất
mạnh, thậm chí sẵn sàng xuyên tạc, miễn có lợi cho họ. Trong khi đó, công tác
thông tin, tuyên truyền của ta [mình] vừa qua
dường như chưa được chú trọng đúng mức [quá yếu]. Lỗi này
không phải là của các cơ quan báo chí, mà do lỗi từ trên, lúc mở ra, lúc thít
lại, không cho nói. Thông tin, tuyên truyền như thế thì chẳng nói người dân
Trung Quốc, người dân nước ngoài, mà ngay người dân Việt Nam cũng không hiểu
được vấn đề.
Cụ thể,
theo GS, cần thông tin, tuyên truyền những gì?
Như tôi đã
nói, trước tiên, phải thông báo đầy đủ, kịp thời về diễn biến của
tình hình, chủ trương, biện pháp giải quyết của Đảng, Nhà nước và kết quả thực
hiện chủ trương và các biện pháp đó.
Thứ hai,
cần làm rõ chỗ mạnh, chỗ yếu và mưu đồ của Trung Quốc. Hiện nay, nếu Trung Quốc
gây ngay ra một cuộc chiến tranh thì họ cũng không làm được, bởi họ có những tử
huyệt rất rõ ràng. Nhưng họ đang tự tung tự tác, phô trương “cơ bắp” trên biển
để doạ dẫm những người yếu bóng vía và xác lập chủ quyền đối với các vùng biển
quốc tế và vùng biển thuộc chủ quyền của nước khác. Nếu thấy thời cơ thuận lợi,
họ có thể cô lập, thậm chí đánh chiếm các đảo của nước ta. Họ gặm
nhấm dần như thế mà mình cứ lùi, cứ chờ xảy ra chiến tranh quy mô mới ra tay
thì lúc ấy không kịp nữa. Cho nên, không thể nào nhân nhượng mãi. Lùi nhiều
quá sẽ đến lúc không còn đường ra.
Thứ ba,
theo tôi, phải khích lệ lòng yêu nước của người dân. Trước các hành vi gây hấn
và xâm lược của Trung Quốc, đứng về phía một người dân bình thường mà nói, lòng
tự trọng không cho phép người ta im lặng. Nhà nước cần tôn trọng quyền nói lên
ý kiến của người dân. Không để xảy ra những phát ngôn, hành động xúc phạm lòng
yêu nước của người dân. Phải tăng cường tuyên truyền các tấm gương yêu nước
trong lịch sử. Có như vậy mới hun đúc được ngọn lửa nhiệt tình yêu nước, sẵn
sàng xả thân cứu nước của nhân dân, đặc biệt là của thanh niên.
Thú thật,
đọc một số bài báo và nghe một số ý kiến trên đài phát thanh – truyền hình gần đây
xúc phạm người biểu tình chống những hành động gây hấn và xâm phạm chủ quyền
nước ta, tôi thấy rất đau lòng. Xúc phạm người dân như vậy, đến lúc cần, làm
sao động viên được sự ủng hộ của nhân dân? Theo tôi, nếu chính quyền thấy những
cuộc biểu tình của người dân không thật có lợi cho công tác đối ngoại hiện
thời thì có thể cử một số cán bộ có trách nhiệm đến
trao đổi với người dân. Mình có đường lối đúng thì lo gì dân không hiểu, không
ủng hộ? Giả sử trong những người đi biểu tình phản đối Trung Quốc, có người lợi
dụng để kêu gọi lật đổ chính quyền, làm gì không phát hiện ra được! Ai vi phạm
pháp luật thì cứ việc xử, nhưng không nên vì thế mà đánh đồng, xúc phạm tất cả
mọi người.
Xin
cảm ơn Giáo sư !
Nguyễn
Tuấn – Cao Nhật
thực
hiện
———-
Cảnh giác với mưu đồ của
Trung Quốc trên biển Đông
TP –
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Trung Quốc đã và đang có nhiều hành động ngang
ngược trên biển với nhiều nước. Tham vọng của Trung Quốc không chỉ là Biển
Đông, nên cần tăng cường đoàn kết, nhất trí trong từng thành viên ASEAN cũng
như cả khối.
Trỗi
dậy và phân chia ảnh hưởng
Theo
ông, những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông thời gian qua nói lên ý đồ
gì của họ?
Gần
đây, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, tích lũy ngoại tệ
dồi dào, đưa được người và trạm không gian lên vũ trụ, trang bị vũ khí mạnh…
nên họ cho rằng thời cơ trỗi dậy để phân chia lại ảnh hưởng với các cường quốc
đã đến.
Chính
vì vậy, họ tỏ ra rất hung hăng, gây chuyện với tất cả các nước có chung đường
biển, từ các nước Đông Nam Á cho đến Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí nhiều lần tàu
cá xâm phạm cả lãnh hải của Nga.
Riêng ở
Biển Đông, mưu đồ biến vùng biển này thành “ao nhà” của Trung Quốc bộc lộ qua
những bước đi rất rõ ràng: Từ chỗ biến vùng biển không có tranh chấp thành vùng
có tranh chấp đến thực hiện hàng loạt hành động ngang ngược nhằm xác lập chủ
quyền như đơn phương công bố lệnh cấm đánh bắt cá, đưa giàn khoan khủng ra Biển
Đông, rồi kéo hàng ngàn tàu cá kèm tàu vũ trang vào vùng biển các nước…
Có thể
nói rằng chủ quyền lãnh thổ nước ta đang đứng trước thử thách lịch sử rất to
lớn.
Trách
nhiệm trước lịch sử đang đòi hỏi thế hệ chúng ta nhận rõ nguy cơ và có quyết
sách sáng suốt, quyết tâm mạnh mẽ để bảo vệ giang sơn gấm vóc, đảm bảo cho cuộc
sống hạnh phúc vững bền của các thế hệ con cháu muôn đời sau.
Vì sao
Trung Quốc có những động thái rất ngang ngược ngay sau khi Quốc hội ta thông
qua Luật Biển?
Phản
ứng với Luật Biển Việt Nam chỉ là cái cớ để Trung Quốc thực hiện mưu đồ đã tính
toán từ lâu. Các nước Philippines, Nhật Bản đâu có chuyện gì mắc mớ với họ về
Luật Biển mà họ cũng hăm dọa và xâm phạm chủ quyền?
Với thế
giới, Trung Quốc cho rằng, bây giờ là thời cơ của họ vì Mỹ và các nước phương
Tây đang sa lầy ở Afghanistan và Trung Đông, khó có thể phản ứng mạnh với các
hành vi ngang ngược của họ… Có thể nói Trung Quốc luôn biết tận dụng cơ hội,
nhưng lần này họ đã không làm đúng lời dặn của Đặng Tiểu Bình là “náu mình chờ
thời”.
Họ trỗi
dậy hơi sớm, vì vậy, hình ảnh “bạn của các dân tộc bị áp bức” được họ tạo dựng
công phu từ bao năm nay sẽ bị lật tẩy.
Cảnh
giác, không nhân nhượng
Trước
nguy cơ bị xâm phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta cần hành động thế
nào?
Chúng
ta phải tăng cường sức mạnh quốc phòng. Nhưng quan trọng hơn là phải luôn mài
sắc tinh thần cảnh giác. Về đối nội, phải khoan sức dân, phát huy quyền làm chủ
của nhân dân, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Phải
làm cho mỗi người Việt Nam thấm nhuần chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự
do” và tin tưởng vào sức mạnh Việt Nam trong cuộc đấu tranh thiêng liêng bảo vệ
độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Về đối
ngoại, cần tăng cường thông tin cho nhân dân Trung Quốc và nhân dân thế giới
hiểu rõ vấn đề; tăng cường đoàn kết nhất trí trong khối ASEAN; tranh thủ mọi sự
ủng hộ, hỗ trợ quốc tế.
Có được
sự ủng hộ rộng rãi của dư luận quốc tế, trong đó có những người dân Trung Quốc
yêu chuộng hoà bình, công lý thì sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân ta mới
thành công.
Trong
bối cảnh hiện nay, chúng ta cần làm gì để tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong
ASEAN ?
Trong
khối có những nước, do hoàn cảnh riêng, dễ bị Trung Quốc mua chuộc, chi phối.
Để thực sự có một ASEAN hoàn toàn thống nhất trong nhận thức và hành động, một
mặt, chúng ta cần tăng cường trao đổi thông tin và quan điểm với các nước bạn.
Mặt
khác, cần giải quyết những bất đồng với một số nước ASEAN về biển đảo, tiến tới
ký kết những văn bản có tính chất pháp lý về lãnh thổ, lãnh hải. Sự đồng thuận
cao trong ASEAN có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Còn
chính sách đối với Trung Quốc?
Trung
Quốc là nước láng giềng. Về chiến lược, mình phải luôn giữ được quan hệ hoà
bình với họ, đồng thời làm cho họ dần dần hành xử một cách có trách nhiệm như
một nước lớn trong quan hệ láng giềng.
Bên
cạnh đó, cần tiếp tục đàm phán về biên giới và các vấn đề biển đảo để đi đến
giải pháp mà cả hai bên chấp nhận được. Phải tích cực thúc đẩy để sớm ký kết Bộ
Quy tắc ứng xử trên Biển Đông giữa các nước ASEAN với Trung Quốc.
Nhưng
đứng trước hành động đe doạ xâm lược và xâm lược thì phải có thái độ cứng rắn,
không thể nhân nhượng.
Một
mặt, phải đưa vấn đề Biển Đông, bao gồm những chứng cứ về chủ quyền của Việt
Nam và hành vi xâm phạm chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc ra các diễn đàn,
tổ chức quốc tế. Mặt khác, phải sẵn sàng đáp trả đúng mức các hành động xâm
phạm chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Tăng
cường thông tin
Cần làm
gì để người dân hiểu rõ chính sách bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ?
Dân ta
ai cũng sẵn sàng gánh vác sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, chia sẻ với những
khó khăn của đất nước. Những tin tức về hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ
quyền nước ta cũng như tin tức về chủ trương và các biện pháp xử lý của chúng
ta, cũng như kết quả thực hiện chủ trương và các biện pháp đó cần được chuyển
tải một cách đầy đủ và kịp thời tới nhân dân.
Tăng
cường thông tin, tuyên truyền cũng là để nhân dân Trung Quốc và nhân dân thế
giới hiểu rõ vấn đề. Bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc nói rất nhiều, rất
mạnh, thậm chí sẵn sàng xuyên tạc, miễn có lợi cho họ.
Trong
khi đó, công tác thông tin, tuyên truyền của ta vừa qua dường như chưa được chú
trọng đúng mức.
Theo
ông, cần thông tin, tuyên truyền những gì?
Trước
tiên, phải thông báo đầy đủ, kịp thời về diễn biến của tình hình, chủ trương,
biện pháp giải quyết của Đảng, Nhà nước và kết quả thực hiện chủ trương và các
biện pháp đó.
Thứ
hai, cần làm rõ chỗ mạnh, chỗ yếu và mưu đồ của Trung Quốc. Hiện nay, nếu Trung
Quốc gây ngay ra một cuộc chiến tranh thì họ cũng không làm được, bởi họ có
những tử huyệt rất rõ ràng.
Nhưng
họ đang tự tung tự tác, phô trương cơ bắp trên biển để doạ dẫm những người yếu
bóng vía và xác lập chủ quyền đối với các vùng biển quốc tế và vùng biển thuộc
chủ quyền của nước khác. Nếu thấy thời cơ thuận lợi, họ có thể cô lập, thậm chí
đánh chiếm các đảo của nước ta. Cho nên, không thể nào nhân nhượng mãi.
Cảm ơn
ông.
Nguyễn
Tuấn – Cao Nhật
http://anhbasam.wordpress.com/2012/08/14/1204-gs-nguyen-minh-thuyet-tham-vong-cua-trung-quoc-khong-chi-la-bien-dong/#more-71763
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét