Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




"TAM CẤP" CHO THAM NHŨNG

Blog Bửu Đoàn
10-8-2012

Trả lời phỏng vấn hôm 6/8 vừa qua, thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã cho biết Bộ đang trình dự thảo sửa đổi Nghị định 107 năm 2006 của Chính phủ về xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng. 

Theo dự thảo, có 3 hình thức xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, những người chịu trách nhiệm quản lý cũng như đưa ra các biện pháp phòng chống tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mình, đó là họ có thể bị khiển trách, cảnh cáo hoặc cách chức. 

Một câu hỏi đặt ra: tại sao phải đặt ba mức độ kỷ luật với tham nhũng như vậy? Làn ranh giữa mức độ khiển trách, cảnh cáo và cách chức là gì? Ai được quyền quyết định “nâng mức” từ thấp lên cao hay hạ từ cao xuống thấp? 

Liệu đây có phải là kẽ hở để gỡ tội, chạy tội và giúp đỡ nhau thoát khỏi án kỷ luật, là trả ơn ân oán giữa những người mắc tội và những người có quyền giơ cao chiếc búa quyền lực gõ xuống đầu bất cứ ai hoặc quăng búa đi nếu cùng cánh hẩu? Thực tế luôn cho thấy việc lên xuống bậc “tam cấp” ấy như trở bàn tay…

Tại sao một cơ quan, công ty đã xảy ra tham nhũng dù nhiều ít thế nào cũng chỉ nên có một mức kỷ luật đầu tiên: cách chức? Nếu sau đó còn nghi ngờ phạm tội thì chuyển qua điều tra hình sự cán bộ đứng đầu cơ quan đó. Tại sao không thể là như thế? Vì khi có tham nhũng là có chuyện ăn cắp, biển thủ của công. Mà đã là ăn cắp thì ít hay nhiều cũng là rất xấu, rất tệ, nó thuộc về bản chất con người. Một lãnh đạo để cái xấu, cái tồi tệ tồn tại trong cơ quan mình như vậy nếu không có thói quen, văn hóa, liêm sỉ từ chức thì tốt nhất nên cách chức anh ta. Chí ít là nếu anh ta không liên quan đến tham nhũng thì cũng không đủ năng lực quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm (như trong bộ luật hình sự đã nêu)…Thế chưa đủ cách chức ư? Hay lại “sợ hết cán bộ làm việc”?

Để điều tra tham nhũng ở Việt Nam là chuyện khó hơn lên Sao Hỏa. Những kẻ bị cùm tay ra trước vành móng ngựa vẫn chưa phải là kẻ cuối cùng trả lời được câu hỏi về tội tham nhũng của anh ta. Vẫn còn “cấp bậc” nào đó để anh ta có thể bước lên hoặc đi xuống để chỉ cho mọi người thấy, nhưng tiếc rằng các bậc tam, tứ, ngũ…cấp nào đó đã bị bịt kín lối. Mà giữa “tam cấp” kia sẽ là những chỗ “chiếu nghỉ” để giảm nhẹ tội nếu “biết điều” hay “biết im lặng” chăng?

Nhớ lúc đi làm, hàng năm mình thường được phát tờ phiếu kê khai tài sản. Kê ra sao, thế nào không có ai kiểm tra. Giả dụ mình có tài khoản lớn nhỏ, nhà cửa như lâu đài, đất đai khắp các tỉnh thành, ô tô xịn nhất…mà không kê khai thì cũng chẳng ai biết. Có ai bắt vạch áo, giơ lưng ra đâu mà ngô ngọng với thiên hạ? Mỗi lần cầm tờ kê khai tài sản lại cười ruồi và làm cho xong chuyện. Chỉ riêng nhìn nhà nổi cửa to tưng bừng xây cất của các quan thì cơ quan chống tham nhũng đã có việc làm tướt bơ chứ không thể nói rằng, rất khó vạch tội tham nhũng. Còn làm sao để biết của chìm, tài khoản kể cả trong nước và quốc tế có bao nhiêu thì ai sẽ làm, làm như thế nào để đưa kẻ tham nhũng xếp lên “bậc tam cấp” như ông thứ trưởng Bội nội vụ vừa trình bày? Và kẻ nào được dừng ở “chiếu nghỉ” giữa các bậc chờ…để lâu cứt trâu hóa bùn? Từ chiếu nghỉ đó, nhiều người đã hạ cánh an toàn với số tài sản đủ để sung sướng tam, tứ,ngũ đời con cháu.

Mới đây ông thủ tướng Nga Medvedev đã phải la lên rằng: “tham nhũng ăn sâu vào hệ thống” và ông ta đã thất bại trong “cuộc thâp tự chinh” chống tham nhũng. Ông khẳng định, vấn đề đã ăn sâu trong hệ thống và sẽ không thể giải quyết chỉ bằng việc trừng phạt những người tham nhũng, mà đòi hỏi sự thay đổi trong tâm lý. 

Chống tham nhũng là một trong những ưu tiên chính của ông Medvedev ngay từ khi nhậm chức. Năm 2008, Nga đã thông qua đạo luật yêu cầu các quan chức, gồm cả thủ tướng, phó thủ tướng và bộ trưởng phải báo cáo không chỉ thu nhập của chính họ mà cả thu nhập của các thành viên trong gia đình. Ông Medvedev còn thành lập Hội đồng Chống tham nhũng mới - một tổ chức tư vấn gồm các thành viên chính phủ và những nhân vật nổi bật trong các tổ chức công. Trong một cuộc họp với Hội đồng chống tham nhũng, khi ấy còn là tổng thống Nga, ông Medvedev đã yêu cầu Cơ quan Thuế liên bang và Văn phòng Trưởng công tố kiểm tra việc kê khai thu nhập của các quan chức. Mặc dù đưa nhiều nhiều biện pháp chống tham nhũng, nhưng nỗ lực của ông Medvedev không có nhiều tiến triển và Nga vẫn đứng cùng Việt Nam gần chót bảng các quốc gia có mức độ tham nhũng theo sự điều tra của Tổ chức Minh bạch quốc tế. Và sau cuộc đấu tranh thất bại đó, Medvedev “khiêm nhường” xuống bậc làm “thủ tướng” không phải vì kém cỏi mà vì cùng chung “gánh xiếc” với nhà độc tài Putin sau bầu cử cuối năm 2011. Độc tài ở đâu cũng giống nhau - Tức là không còn liêm sỉ, tự trọng.

Bản dự thảo của Bộ Nội vụ chưa được phê duyệt nhưng đã thấy “lộ trình” xử lý “tế nhị” cho tội tham nhũng. Và cứ đến hẹn lại lên, các cuộc kiểm điểm bất tận, những vụ án lớn bé bất tận, những khỏan tiền biến mất vì tham nhũng là bất tận, cùng với sự đói nghèo, khốn khổ của người dân là bất tận…Và “bậc tam cấp” cho tham nhũng dường như luôn có “chiếu nghỉ” dễ chịu mỗi khi bị bắt vở. 

http://www.buudoan.com/2012/08/tam-cap-cho-tham-nhung.html#more


1 nhận xét:

  1. Nặc danh11/8/12 11:13

    luật là tao pháp là tao .ra luật đúng tao không làm ai làm ghì tao .luật rồi các phương pháp thực thi luật tao chỉ đạo ai giám làm sai ý tao .rút cục lai luật chẳng qua là mớ lý luận có biện chứng để phục vụ tao ,họ hàng tao ,vây nhốm tao ,đảng tao

    Trả lờiXóa