3-8-2012
" .... tôi có cảm giác như Trung Quốc họ có cả một chiến lược để xâm lăng ta, trong lúc ta chống lại họ bằng từng vụ việc, không mấy bài bản. Lúc phát hiện ra cái bản đồ, lúc phát hiện ra con tem, lúc phát hiện ra một tư liệu nào đó...nói chung là rất manh mún, cảm nhận của cá nhân tôi là không có chiến lược..."
Tôi cũng không thiển cận để nói lãnh đạo đất nước ta vô cảm
trước sự xâm lược của Trung Quốc (từ của Hội Nghề cá VN nói trên Thanh Niên).
Hơn thế, tôi cũng biết những người lãnh đạo cũng toan tính nhiều điều về sự an
nguy của đất nước, có điều không hiểu sao (có vẻ như) nó lại không được minh bạch.
Tôi chỉ không thích một số người mà tôi gọi là "Những
người không yêu nước mình", đúng hơn là vì họ yêu họ quá.
Cũng như thế, tôi rất kính phục, ngưỡng mộ lãnh đạo TP Đà Nẵng về nhiều điều, chỉ có một điều tôi không phục.
Nhân nói chuyện không phục, tôi có cảm giác như Trung Quốc họ
có cả một chiến lược để xâm lăng ta, trong lúc ta chống lại họ bằng từng vụ việc,
không mấy bài bản. Lúc phát hiện ra cái bản đồ, lúc phát hiện ra con tem, lúc
phát hiện ra một tư liệu nào đó...nói chung là rất manh mún, cảm nhận của cá
nhân tôi là không có chiến lược.
Trở lại chuyện tôi không phục Đà Nẵng ở chỗ, huyện đảo Hoàng
Sa là của Đà Nẵng nhưng chủ tịch huyện thì kiêm nhiệm, trụ sở nhỏ lại đặt bên một
con đường nhỏ, không có một bộ máy tối thiểu để làm công việc đấu tranh giành
chủ quyền, ít nhất là trên công luận và dư luận.
Cũng chính trên blog này, tôi có viết hai entry, nội dung
tóm tắt thế này:
- Cần điều chỉnh lại địa giới hành chính của huyện đảo Hoàng
Sa. Ví dụ, cắt bán đảo Sơn Trà và một phần quận Sơn Trà nhập vào huyện đảo. Xây
một trụ sở của huyện đảo Hoàng Sa bề thế ở Sơn Trà. Đó là nơi lưu giữ, tiếp nhận
các tư liệu, là nơi để khách du lịch, những nhà nghiên cứu quốc tế, các nhà báo
đến tìm hiểu về Hoàng Sa...Là nơi nghiên cứu, tiếp nhận ý tưởng về đấu tranh
giành chủ quyền Hoàng Sa; cũng là nơi thực hiện các chiến dịch truyền thông, tạo
dư luận cho cuộc đấu tranh vốn còn lâu dài...
Về mặt truyền thông, mỗi khi có dự án lớn đầu tư vào Sơn
Trà, truyền thông sẽ đưa tin, nước này, nước khác, dự án này, dự án khác...đầu
tư mấy triệu, mấy tỷ đô la vào bán đảo Sơn Trà của huyện Hoàng Sa. Lúc đó, gõ
vào công cụ tìm kiếm của Google hai từ Hoàng Sa, ta mới thấy hiệu quả của nó thế
nào.
- Có lần tôi viết, đề xuất ý tưởng, ví dụ nhân ngày 21.6,
lãnh đạo huyện Hoàng Sa đến thăm các cơ quan báo chí (lẳng hoa có thể để các
báo làm). Đơn vị nào đến thăm không đưa tin chứ lãnh đạo huyện Hoàng Sa thì nhất
định phải lên trang nhất. Hiệu quả về mặt truyền thông cũng rất cao.
Tôi cũng không thiển cận để cho rằng ý kiến mình hay, nhưng
tôi nghĩ đó là ý kiến có lợi hơn là có hại (tôi cũng chưa nghĩ được nó có hại
gì). Tuy nhiên, cho đến nay, TP Đà Nẵng vẫn không làm được những chuyện đại loại
thế. Đó là điều tôi không phục. Và thực sự tôi không biết nó "vướng" ở
chỗ nào?
Trung Quốc vừa xua 23.000 thuyền đánh cá ra biển Đông. Nếu
tính toán chi phí, chắc là khủng khiếp. Vậy mà họ quyết làm.
Ta thì sao?
Ta phải làm gì để chống lại sự xâm lược trên biển Đông (và cả
trên đất liền)?
Đà Nẵng có casino của Công ty liên doanh Du lịch
và giải trí quốc tế Silvershore - Hoàng Đạt (Trung Quốc) nằm bên bờ
biển. Casino không cho người Việt vào, chỉ cho người nước ngoài, mà đa phần người
Tàu. Một lần, một người làm ở hàng không tâm sự với tôi, họ đi từng đoàn, vali
đầy ắp thiết bị tháo rời, phân ra từng người mang nên không thể biết thiết bị
gì và không thể ngăn chặn không cho họ mang vào. Tôi nghe xong ái ngại vô cùng.
Mới đây, Thanh Niên đã có bài viết, đại ý vì sao không cho
người Việt vào casino để họ phải chạy lòng vòng qua nước khác?
Cho người VN vào vẫn có lợi hơn. Ít nhất để biết họ làm gì trong đó.
Tôi không đến nỗi ngu nhưng riêng những điều này nghĩ mãi
không ra.
http://blog.yahoo.com/_FD4UP5SPXERDQDZ2TUVCG3RDAM/articles/962676
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét