Nối gót người xưa

…. nối gót người xưa
Vì hiểm họa mất nước cùng những khổ đau không ngừng của dân tộc, vì những xót xa quằn quại triền miên của quê hương, vì những máu xương đổ xuống để tạo dựng những trang sử oai hùng đánh đuổi ngọai xâm của tiền nhân, của cha anh, của bè bạn,
Chúng Ta
Hãy đứng lên nhận lãnh trách nhiệm
Hãy đạp lên những sợ hãi mà cùng nhau bước tới, bước tới. Đọc tiếp

TÀI LIỆU header


TÀI LIỆU

Date




_____________________________




SOS XẾP HẠNG TRÍ TUỆ VIỆT, ÔN LẠI NGUYỄN TRƯỜNG TỘ

Đỗ Xuân Lâm
11-8-2012 

Nhân đọc ý kiến độc giả tranh luận "Làm gì để trí tuệ Việt hết ngụp lặn ở nửa dưới thế giới", độc giả Đỗ Xuân Lâm "ôn quá khứ để suy nghĩ về hiện tại : Sự kiện lịch sử Nguyễn Trường Tộ.

Nguyễn Trường Tộ sinh năm 1828 tại làng Bùi Chu, Hưng Nguyên (Nghệ An) trong 1 gia đình công giáo. Ông đã học thông Tứ thư, Ngũ kinh của Nho giáo.

Năm 1858 (30 tuổi), ông được Giám mục Gauthier đưa đi Hương Cảng, Singapore, Thuỵ Sĩ rồi sang Paris nước Pháp học 2 năm.

Ở Paris, Nguyễn Trường Tộ đã miệt mài tiếp thu tri thức khoa học hiện đại, tìm hiểu thực tế xã hội Phương Tây, với mong muốn đem những trí thức mới mẻ đó trở về giúp ích cho đất nước.

Năm 1861 ông trở về nước thì thực dân Pháp đang lần lượt chiếm lục tỉnh Nam Kỳ. Ông ở ẩn tại quê nhà rồi lần lượt dâng lên Triều đình Huế 30 bản điều trần, đề xuất triều đình cải cách chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học và giáo dục. Các bản điều trần đề xuất đổi mới hầu hết các lĩnh vực chủ yếu:
-Về kinh tế thì quan tâm mở mang công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp bản địa và buôn bán với nước ngoài, mời các công ty nước ngoài giúp ta khai thác tài lợi, sửa đổi thuế khoá nhằm làm cho dân giàu nước mạnh.
-Về văn hoá – giáo dục thì cải cách phong tục, trọng dân, sửa đổi chế độ thi cử, mở mang việc học hành , thay đổi nội dung giáo dục , dùng quốc âm thay chữ Hán , lập các trại tế bần.
-Về ngoại giao: Nguyễn Trường Tộ đã phân tích cục diện chính trị thế giới thời đó, khuyên triều đình trực tiếp ngoại giao với chính phủ Pháp để ngăn chặn xâm lược, xác lập tư thế “làm chủ đón khách".
-Về quân sự: Nguyễn Trường Tộ “chủ hoà" nhưng không “chủ hàng vô nguyên tắc". Ông đề xuất cải tu võ bị, trọng cả võ và văn, ưu ái người lính, biên soạn binh pháp, đào tạo chỉ huy, mua sắm võ khí, xây dựng phòng tuyến ngăn thực dân Pháp chiếm lan rộng.

Theo nhiều học giả , nếu các bản điều trần của Nguyễn Trường Tộ được triều đình Huế áp dụng như một sách lược lớn thì đã có thể biến đổi nước Việt thành quốc gia hùng cường và tạo ra chuyển biến quan trọng trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt từ thế kỷ 19.

Tiếc rằng, vua Minh Mạng và những người kế tục Thiệu Trị và Tự Đức đều khước từ các bản điều trần đó và tiếp tục chính sách quen thuộc đã lỗi thời là “dĩ nông vi bản".

Điều này cũng dễ hiểu. Từ thế kỷ thứ 15, nước Đại Việt đã tiếp thu mô hình chính trị, tổ chức xã hội và cách xây dựng Nhà nước Nho giáo từ nước Trung Hoa. Khi đó, cơ cấu chính quyền từ luật pháp, hành chính, đến văn chương, nghệ thuật đều tương tự Trung Hoa.

Nho giáo lại là hệ tư tưởng triết học kết hợp giữa văn hoá nông nghiệp với truyền thống du mục phương nam của Trung Hoa cổ đại, từ thời nhà Chu, bắt đầu từ khoảng năm 551 trước công nguyên, cách đây trên 2500 năm.

Mô hình chính trị như thế không dễ dàng xa rời chính sách dĩ nông vi bản để tiếp thu nền văn minh công nghiệp.

Trong tất cả các chế độ quân chủ chuyên chế như Trung Hoa và các triều đại phong kiến Việt Nam thời đó (khác với chế độ quân chủ lập hiến như Nhật, Anh, Thuỵ Điển, Đan Mạch …) không có Quốc hội, cũng không có Hiến pháp. Vua không do dân bầu. Vua chỉ thực hiện theo Thiên Mệnh. Do vậy, dù Nguyễn Trường Tộ có trí thức khoa học hiện đại, một lòng vì dân vì nước cũng không có chỗ đứng trong lịch sử thời đó. Đó là vết sẹo của vết thương quá khứ trong lịch sử để lại cho mỗi chúng ta suy nghĩ về hiện tại và tương lai của đất nước và cho chính mình.

Kể từ cuộc Cách Mạng tháng Tám năm 1945, chế độ quân chủ chuyên chế ở Việt Nam đã lui vào dĩ vãng nhưng dù có những bản điều trần canh tân đất nước mang hào khí vì dân vì nước như Nguyễn Trường Tộ được chấp nhận thì còn phải có hàng loạt các điều kiện để sách lược như thế trở thành hiện thực.

Đó là những người đứng đầu Nhà nước toàn tâm toàn ý vì dân vì nước và có tài thao lược, một nền giáo dục sáng tạo, một Nhà nước pháp quyền đủ mạnh, những Tổng Công trình sư tài giỏi ở tất cả các lĩnh vực từ tổ chức - hành chính, đến khoa học, kinh tế, giáo dục, văn hoá... để tập họp được và phối hợp, phát huy mọi sáng kiến của các nhân tài, lực lượng lao động lành nghề trên mọi lĩnh vực và ở mọi cấp độ nghề nghiệp và trên hết là chính sách dùng người , thu phục được nhân tâm, tận dụng người tài, cùng hướng vào mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ văn minh tiến bộ và bình đẳng, hội nhập với thế giới tiến bộ trong thế kỷ 21 này.

Ai sẽ đi tiên phong trên mặt trận canh tân đất nước này? Bạn Nguyễn Trung Thành nói rất chí lý: “Thế hệ trẻ đừng trông chờ vào sự thay đổi tư duy của tất cả mọi người trong những thế hệ đi trước. Các bạn trẻ hãy là những người trước tiên thay đổi tư duy để có tư duy sáng tạo. Đó là trách nhiệm lịch sử của các bạn".   

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/84152/sos-xep-hang-tri-tue-viet--on-lai-nguyen-truong-to.html

1 nhận xét:

  1. Trách nhiệm lịch sử của thế hệ trẻ trong nước ? HỌ KHÔNG HỌC LỊCH SỬ VN, họ chỉ biết Việtsử CS viết, chỉ biết hang PácBó thì làm sao biết chân trời DânChủ Tựdo bao la ?

    Trả lờiXóa